“Ngày 2–8 tháng Mười Hai: ‘Để Giữ Họ Đi Con Đường Đúng.’ Mô Rô Ni 1–6,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)
“Ngày 2–8 tháng Mười Hai. Mô Rô Ni 1–6,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)
Ngày 2–8 tháng Mười Hai: “Để Giữ Họ Đi Con Đường Đúng”
Mô Rô Ni 1–6
Sau khi hoàn tất biên sử của cha ông về dân Nê Phi và tóm lược biên sử của dân Gia Rết, Mô Rô Ni đã nghĩ rằng công việc lưu giữ biên sử của ông đã xong (xin xem Mô Rô Ni 1:1). Còn có điều gì nữa để nói về hai dân tộc mà đã bị hủy diệt hoàn toàn? Nhưng Mô Rô Ni đã thấy được thời đại của chúng ta (xin xem Mặc Môn 8:35), và ông được soi dẫn để “viết thêm một vài điều nữa, mà có lẽ sẽ có giá trị … một ngày nào đó trong tương lai” (Mô Rô Ni 1:4). Ông đã biết sự bội giáo lan tràn sẽ xảy ra cùng với sự hoang mang về các giáo lễ chức tư tế và về tôn giáo nói chung. Đây có lẽ là lý do tại sao ông đưa ra những chi tiết làm sáng tỏ lễ Tiệc Thánh, lễ báp têm, lễ truyền giao ân tứ Đức Thánh Linh, và những phước lành của việc nhóm họp với những người có cùng đức tin để “giữ [nhau] đi con đường đúng, … chỉ trông cậy vào công nghiệp của Đấng Ky Tô, là Đấng tạo nên và hoàn tất đức tin của [chúng ta]” (Mô Nô Ni 6:4). Những hiểu biết sâu sắc quý báu như vậy sẽ cho chúng ta lý do để biết ơn Chúa đã bảo tồn mạng sống của Mô Rô Ni để mà ông có thể “viết thêm một vài điều nữa” (Mô Rô Ni 1:4).
Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ
Tôi có thể noi theo Chúa Giê Su Ky Tô bất chấp sự chống đối.
Khi anh chị em đọc Mô Rô Ni 1, điều gì về sự trung tín của Mô Rô Ni với Chúa và với sự kêu gọi của ông mà soi dẫn cho anh chị em? Một người có thể “chối bỏ Đấng Ky Tô” bằng một số cách nào? (Mô Rô Ni 1:2–3). Hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể trung tín với Chúa Giê Su Ky Tô, ngay cả khi anh chị em đối mặt với những thử thách và sự chống đối.
Các giáo lễ chức tư tế phải được thực hiện theo lệnh của Chúa.
Mô Rô Ni đang chạy trốn vì mạng sống của mình khi ông viết những chương này. Tại sao ông lại muốn viết về các chi tiết mang tính hành chính như cách thực hiện các giáo lễ? Hãy suy ngẫm về điều này trong khi anh chị em đọc Mô Rô Ni 2–6. Anh chị em nghĩ tại sao những chi tiết này lại quan trọng đối với Chúa? Sau đây là một số câu hỏi mà có thể hướng dẫn việc học của anh chị em:
-
Lễ xác nhận (Mô Rô Ni 2; 6:4).Những chỉ thị nào của Đấng Cứu Rỗi trong Mô Rô Ni 2:2 dạy anh chị em về giáo lễ xác nhận? Anh chị em giải thích như thế nào về ý nghĩa của việc “được quyền năng của Đức Thánh Linh tác động cùng tẩy sạch”? (Mô Rô Ni 6:4).
-
Sắc phong chức tư tế (Mô Rô Ni 3).Anh chị em tìm thấy trong chương này điều gì mà có thể giúp một ai đó chuẩn bị để được sắc phong chức tư tế? Anh chị em tìm thấy điều gì mà sẽ giúp ai đó chuẩn bị để thực hiện một lễ sắc phong?
-
Lễ Tiệc Thánh (Mô Rô Ni 4–5; 6:6).Anh chị em có thể làm gì để làm cho Tiệc Thánh trở thành sự kiện thuộc linh nổi bật trong tuần của mình?
-
Phép báp têm (Mô Rô Ni 6:1–3).Anh chị em đang làm gì để tiếp tục hội đủ điều kiện cho phép báp têm?
Dựa vào điều anh chị em đã học, anh chị em sẽ thay đổi cách mình nghĩ, tham dự, hoặc chuẩn bị người khác cho các giáo lễ này như thế nào?
Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 84:20.
Việc dự phần Tiệc Thánh giúp chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn.
Anh chị em có lẽ đã nghe những lời cầu nguyện Tiệc Thánh nhiều lần, nhưng anh chị em có thường suy nghĩ kỹ về ý nghĩa của những từ đó không? Anh chị em có thể thử viết xuống hai lời cầu nguyện Tiệc Thánh theo trí nhớ. Sau đó so sánh những gì anh chị em đã viết với Mô Rô Ni 4:3 và 5:2. Anh chị em có nhận thấy bất cứ điều gì về những lời cầu nguyện này mà mình đã không nhận thấy trước đó không?
Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô chăm sóc cho nhau.
Sự lựa chọn để noi theo Đấng Ky Tô là sự lựa chọn cá nhân, nhưng những người đồng tín đồ có thể giúp giữ chúng ta “đi con đường đúng” (Mô Rô Ni 6:4–5). Các tín hữu Giáo Hội đã làm gì trong thời kỳ của Mô Rô Ni để củng cố lẫn nhau? Khi anh chị em đọc Mô Rô Ni 6:4–9, hãy suy ngẫm về những phước lành đến từ việc “được kể là dân của giáo hội của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 6:4).
Anh chị em cũng có thể nghĩ về những người đang tham dự tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của mình. Có ai đang đặc biệt cần đến tình yêu thương của anh chị em không—có lẽ là một người mới đến hoặc mới tích cực trở lại? Làm thế nào anh chị em có thể giúp làm cho những kinh nghiệm của họ ở nhà thờ giống như mô tả của Mô Rô Ni hơn? Anh chị em có thể tìm thấy một số sự soi dẫn trong phần I trong sứ điệp của Chủ Tịch Dallin H. Oaks “Sự Cần Thiết phải có một Giáo Hội” (Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 24–25).
Khi anh chị em suy ngẫm về ý nghĩa của việc “được nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế” (Mô Rô Ni 6:4), có thể hữu ích để nghĩ về chất dinh dưỡng mà một cây con hoặc một em bé cần—và điều gì xảy ra nếu điều đó bị bỏ qua. Hãy tìm kiếm trong Mô Rô Ni 6:4–9 những ý kiến về cách anh chị em có thể giúp “nuôi dưỡng” người khác về phần thuộc linh. Những người đồng môn đồ đã giúp nuôi dưỡng anh chị em như thế nào?
Không phải ai cũng rõ tại sao là điều quan trọng để “được kể là dân của giáo hội của Đấng Ky Tô” và “thường nhóm họp” trong các buổi họp Giáo Hội. Anh chị em sẽ giải thích như thế nào về lý do anh chị em biết ơn được làm tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô? (xin xem các phần khác trong sứ điệp của Chủ Tịch Oaks “Sự Cần Thiết phải có một Giáo Hội”).
Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em
Đức Thánh Linh là một ân tứ thiêng liêng.
-
Đức Thánh Linh hay Thánh Linh được đề cập nhiều lần trong Mô Rô Ni 2–6. Anh chị em có thể bảo các bé tìm kiếm mọi câu thánh thư nói đến Ngài, đọc những câu đó, và liệt kê những điều chúng học được về Đức Thánh Linh. Anh chị em cũng có thể chia sẻ với nhau những kinh nghiệm khi anh chị em cảm nhận được ảnh hưởng của Thánh Linh.
Tôi dự phần Tiệc Thánh để cho thấy rằng tôi sẽ luôn tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Việc đọc những lời cầu nguyện Tiệc Thánh với các bé có thể dẫn đến một cuộc thảo luận về cách có những kinh nghiệm ý nghĩa hơn với lễ Tiệc Thánh. Có thể có ích cho chúng để tưởng tượng rằng có một người bạn lần đầu tiên đến dự lễ Tiệc Thánh. Chúng ta sẽ giải thích như thế nào cho người bạn này về Tiệc Thánh và tại sao Tiệc Thánh lại thiêng liêng? Hãy khuyến khích các bé sử dụng một điều gì đó từ Mô Rô Ni 4 hoặc 5 trong lời giải thích của chúng. Các bé nhỏ tuổi hơn có thể sử dụng trang sinh hoạt của tuần này hoặc Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 108.
-
Anh chị em cũng có thể tập ngồi nghiêm trang trong lễ Tiệc Thánh.
Tôi có thể chuẩn bị để chịu phép báp têm.
-
Ai có thể chịu phép báp têm? Hãy giúp các bé tìm câu trả lời cho câu hỏi này trong Mô Rô Ni 6:1–3. Việc “có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” có nghĩa là gì? (Mô Rô Ni 6:2). Làm thế nào điều đó giúp chúng ta chuẩn bị cho phép báp têm? Hãy cân nhắc việc nói cho các bé biết anh chị em đã chuẩn bị để chịu phép báp têm như thế nào.
Chúng ta đi nhà thờ để dự phần Tiệc Thánh và hỗ trợ lẫn nhau.
-
Các bé có biết tại sao anh chị em thích đi nhà thờ không? Việc đọc Mô Rô Ni 6:4–6, 9 có thể cho anh chị em một cơ hội để cùng nhau thảo luận một số điều chúng ta làm ở nhà thờ. Có lẽ các bé có thể vẽ tranh về bản thân chúng đang làm những điều này (chẳng hạn như cầu nguyện, giảng dạy, ca hát, và dự phần Tiệc Thánh).
-
Sau khi cùng nhau đọc Mô Rô Ni 6:4, anh chị em và các bé có thể nhìn vào các bức hình hoặc ví dụ về các loại thực phẩm bổ dưỡng và so sánh việc nuôi dưỡng cơ thể chúng ta với việc “được nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế.”