“Ngày 16–22 tháng Mười Hai: ‘Hãy Đến cùng Đấng Ky Tô để được Toàn Thiện trong Ngài.’ Mô Rô Ni 10,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)
“Ngày 16–22 tháng Mười Hai. Mô Rô Ni 10,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)
That Ye May Know (Để Các Người Có Thể Biết), tranh do Gary L. Kapp họa
Ngày 16–22 tháng Mười Hai: “Hãy Đến cùng Đấng Ky Tô để được Toàn Thiện trong Ngài”
Mô Rô Ni 10
Sách Mặc Môn bắt đầu với lời hứa của Nê Phi để chỉ cho chúng ta thấy “tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa được dành cho tất cả những người được Ngài chọn lựa, nhờ đức tin của họ” (1 Nê Phi 1:20). Sách kết thúc với một lời mời tương tự từ Mô Rô Ni: “Hãy nhớ Chúa đã thương xót con cái loài người biết bao” (Mô Rô Ni 10:2–3). Anh chị em đã thấy những ví dụ nào về lòng thương xót của Chúa trong Sách Mặc Môn? Anh chị em có thể nghĩ về lòng thương xót của Thượng Đế khi dẫn dắt gia đình Lê Hi vượt qua vùng hoang dã và băng qua những đại dương, về lòng thương xót dịu dàng Ngài dành cho Ê Nót khi tâm hồn ông khao khát được tha thứ, hay lòng thương xót Ngài bày tỏ cho An Ma, một kẻ thù gay gắt của Giáo Hội mà sau đó đã trở thành một người bảo vệ Giáo Hội không chút sợ hãi. Hoặc ý nghĩ của anh chị em có thể hướng về lòng thương xót mà Đấng Cứu Rỗi được phục sinh đã bày tỏ cho dân chúng khi Ngài chữa lành những bệnh tật của họ và ban phước cho con cái của họ. Có lẽ quan trọng nhất, tất cả những điều này có thể nhắc anh chị em về “Chúa đã thương xót [anh chị em] biết bao”, vì Sách Mặc Môn được viết để mời gọi mỗi người chúng ta đón nhận lòng thương xót của Thượng Đế—một lời mời được bày tỏ rất giản dị qua những lời tạm biệt của Mô Rô Ni: “Hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài” (Mô Rô Ni 10:32).
Những Ý Kiến để Giảng Dạy ở Nhà Thờ và ở Nhà
Tôi có thể biết được lẽ thật của tất cả mọi điều qua quyền năng của Đức Thánh Linh.
Lời hứa trong Mô Rô Ni 10:3–7 đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Điều đó thay đổi cuộc sống của anh chị em như thế nào? Trong khi anh chị em đọc Mô Rô Ni 10:3–7, hãy cân nhắc để đọc kỹ hơn so với trước đây. Anh chị em có thể nghiên cứu mỗi đoạn, tự đặt cho mình những câu hỏi như sau: Điều này có nghĩa là gì? Tôi có thể làm điều này tốt hơn bằng cách nào? Tôi đã có những kinh nghiệm gì với điều này?
Khi anh chị em suy ngẫm về việc tìm kiếm lẽ thật thuộc linh cá nhân của mình, có thể hữu ích để biết cách những người khác đã tìm thấy lẽ thật bằng quyền năng của Đức Thánh Linh. Anh Cả Mathias Held đã mô tả kinh nghiệm của ông với tư cách là một tín hữu mới của Giáo Hội (xin xem “Tìm Kiếm Sự Hiểu Biết qua Thánh Linh,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 31–33). Anh Cả David F. Evans mô tả kinh nghiệm của ông là một người lớn lên trong Giáo Hội nhưng vẫn có thắc mắc (xin xem “Lẽ Thật của Tất Cả Mọi Điều,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 68–70). Hãy cân nhắc việc đọc một hoặc cả hai sứ điệp này và viết xuống bất cứ điều gì anh chị em học được từ việc họ tìm kiếm lẽ thật để giúp ích cho chính bản thân anh chị em.
Anh chị em cũng có thể khám phá điều Thượng Đế đã dạy về lẽ thật bằng cách đọc một số đoạn trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Lẽ Thật” (Thư Viện Phúc Âm). Các câu thánh thư nào dường như đặc biệt sâu sắc đối với anh chị em? Anh chị em có thể chọn một câu để chia sẻ với một người nào đó mà cũng đang tìm kiếm lẽ thật bằng Thánh Linh.
Xin xem thêm Henry B. Eyring, “Đức Tin để Cầu Xin và Rồi để Hành Động,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 74–76.
Hãy ghi lại những ấn tượng. Việc được cải đạo theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là biết và sống theo phúc âm. Anh chị em sẽ có nhiều khả năng hơn để hành động theo điều mình học được nếu anh chị em viết nó xuống. Nếu anh chị em đang giảng dạy, thì hãy mời những người mà anh chị em giảng dạy ghi lại những ấn tượng thuộc linh của họ.
Thượng Đế đã ban cho tôi các ân tứ thuộc linh.
Có nhiều cách mà một người có thể “chối bỏ các ân tứ của Thượng Đế” (Mô Rô Ni 10:8). Một số người chối bỏ ngay cả sự tồn tại của các ân tứ này. Những người khác chối bỏ các ân tứ của họ đơn giản bằng cách thờ ơ hoặc không phát triển chúng. Trong khi đọc Mô Rô Ni 10:8–25, anh chị em hãy tìm những lẽ thật mà sẽ giúp anh chị em khám phá ra các ân tứ thuộc linh của mình và sử dụng chúng để ban phước cho con cái của Thượng Đế. Những câu hỏi như sau có thể giúp ích: Các ân tứ thuộc linh là gì? Các ân tứ thuộc linh được ban cho ai? Tại sao các ân tứ thuộc linh được ban cho? Làm thế nào để chúng ta nhận được các ân tứ thuộc linh? Anh chị em có thể nghĩ về các ví dụ về những người sử dụng các ân tứ được liệt kê trong Mô Rô Ni 10:9–16 không?
Tôi có thể trở nên toàn hảo qua ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô.
Lời khuyên dạy của Mô Rô Ni để “đến cùng Đấng Ky Tô” không chỉ bao gồm việc học hỏi và suy nghĩ về Ngài. Hơn thế nữa, đây là một lời mời để đến cùng Đấng Ky Tô theo một ý nghĩa trọn vẹn nhất có thể—tức là trở nên giống như Ngài. Khi anh chị em đọc Mô Rô Ni 10:30–33, hãy lưu ý đến các cụm từ mà giúp anh chị em hiểu ý nghĩa của việc đến cùng Đấng Ky Tô, về cách để điều đó có thể thực hiện được, và kết quả của việc làm như vậy.
Hãy nhìn lại việc học Sách Mặc Môn của anh chị em trong năm nay, và suy ngẫm điều anh chị em đã cảm nhận và học được về Chúa Giê Su Ky Tô. Ví dụ, Sách Mặc Môn đã giúp anh chị em đến cùng Ngài như thế nào? Sách Mặc Môn đã giúp anh chị em dựa vào ân điển của Ngài một cách trọn vẹn hơn ra sao? Sách Mặc Môn đã giúp anh chị em “không chối bỏ” quyền năng của Đấng Cứu Rỗi như thế nào? Hãy cân nhắc việc chia sẻ lời chứng của riêng anh chị em về Sách Mặc Môn với một người nào đó cần nghe nó, kể cả những người thân và bạn bè mà có thể không biết về sứ điệp của sách.
Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm tháng này của tạp chí Liahona và Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.
Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em
Tôi có thể tự mình biết được rằng Sách Mặc Môn là chân chính.
-
Làm thể nào anh chị em giúp đỡ các bé chấp nhận lời mời của Mô Rô Ni để cầu vấn Thượng Đế xem Sách Mặc Môn có chân chính không? Hãy cân nhắc việc đưa cho chúng những mảnh giấy với các từ Đọc, Ghi Nhớ, Suy Ngẫm, và Hỏi được viết trên đó. Các bé có thể tìm kiếm những từ này trong Mô Rô Ni 10:3–4. Chúng ta nên đọc, nhớ, suy ngẫm, và cầu vấn về điều gì để nhận được hoặc củng cố chứng ngôn của mình về Sách Mặc Môn?
-
Các bé có thể sử dụng bức tranh ở cuối đề cương này để nói về việc Mô Rô Ni chôn giấu các bảng khắc bằng vàng (xin xem thêm “Chương 54: Lời Hứa của Sách Mặc Môn,” Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn, trang 156). Các bé nhỏ tuổi hơn có thể thích đóng giả làm Mô Rô Ni đang viết lên trên các bảng khắc và chôn giấu chúng. Hãy chia sẻ với nhau chứng ngôn của anh chị em về Sách Mặc Môn.
Cha Thiên Thượng ban cho tôi những ân tứ thuộc linh.
-
Để dạy cho các bé về các ân tứ thuộc linh, anh chị em có thể viết các con số từ 9 đến 16 lên những mảnh giấy riêng biệt và gói mỗi mảnh giấy lại như một món quà. Các bé có thể lần lượt mở các món quà đó, đọc các câu từ Mô Rô Ni 10:9–16 mà tương ứng với các con số, và nhận ra mỗi ân tứ (món quà) thuộc linh. Anh chị em có thể nói về cách Cha Thiên Thượng muốn chúng ta sử dụng những ân tứ này để ban phước cho con cái của Ngài. Anh chị em cũng có thể giúp các bé để ý đến các ân tứ mà Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng.
Chúa Giê Su Ky Tô muốn tôi đến cùng Ngài.
-
Các bé có hiểu ý nghĩa của việc “đến cùng Đấng Ky Tô” không? Anh chị em có thể đọc Mô Rô Ni 10:32 và mời chúng lặp lại cụm từ đó với anh chị em. Sau đó chúng có thể nhắm mắt lại trong khi anh chị em đặt một bức hình Chúa Giê Su ở đâu đó trong phòng. Sau đó cho chúng mở mắt ra, tìm kiếm bức hình, rồi tập trung quanh bức hình đó, và nói về những cách thức mà chúng ta có thể đến cùng Đấng Ky Tô. Có lẽ sẽ hữu ích để viết xuống câu hỏi Đến cùng Đấng Ky Tô có nghĩa là gì? Hãy giúp chúng tra cứu Mô Rô Ni 10:32–33 để tìm kiếm những câu trả lời khả thi (xin xem thêm Những Tín Điều 1:3–4). Hãy cùng nhau liệt kê ra những điều mà Đấng Ky Tô muốn chúng ta làm và những điều Ngài hứa sẽ làm cho chúng ta.
-
Có thể các bé sẽ thích làm và trang trí những huy hiệu hình trái tim có viết rằng “Tôi yêu thương Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh của mình” (xin xem Mô Rô Ni 10:32). Khi anh chị em làm như vậy, hãy nói chuyện với chúng về cách chúng ta cho Thượng Đế thấy rằng chúng ta yêu mến Ngài.
Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm tháng này của tạp chí Bạn Hữu.
Trước khi chôn giấu các biên sử, Mô Rô Ni đã mời chúng ta để “nhớ Chúa đã thương xót … biết bao” (Mô Rô Ni 10:3)