2010–2019
Tìm Kiếm Sự Hiểu Biết qua Thánh Linh
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


2:3

Tìm Kiếm Sự Hiểu Biết qua Thánh Linh

Chúng ta nên học cách nhận biết lẽ thật không chỉ qua trí óc dựa vào lý trí của mình mà còn qua tiếng nói vô cùng nhỏ nhẹ êm ái của Thánh Linh.

Anh chị em thân mến, Chúa đã liên tục phán bảo chúng ta phải “tìm kiếm sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin.”1 Chúng ta có thể nhận được ánh sáng và sự hiểu biết không chỉ qua sự suy luận theo logic trong tâm trí chúng ta mà còn qua sự hướng dẫn và soi dẫn của Đức Thánh Linh.

Nguồn bổ sung sự hiểu biết này không phải lúc nào cũng là một phần trong cuộc đời tôi.

Người vợ yêu dấu của tôi, Irene, và tôi đã gia nhập Giáo Hội 31 năm về trước khi chúng tôi vừa mới kết hôn. Chúng tôi đều sinh trưởng ở Colombia, nhưng chỉ một vài tháng sau khi chúng tôi kết hôn, công việc của tôi đưa chúng tôi đến sống ở Đức. Chúng tôi còn rất trẻ và có nhiều hy vọng và kỳ vọng; đó là một khoảng thời gian đặc biệt thú vị và hạnh phúc của chúng tôi.

Anh Cả và Chị Held

Trong khi tôi tập trung vào sự nghiệp của mình, Irene cảm thấy rằng chúng tôi sẽ nhận được một sứ điệp nào đó từ thiên thượng, nhưng không biết là vào lúc nào hoặc bằng cách nào. Vì thế, bà bắt đầu mời vào nhà tất cả các nhân viên bán hàng tận nhà với đủ loại bách khoa toàn thư, máy hút bụi, sách nấu ăn, dụng cụ nhà bếp, vân vân, và lúc nào cũng chờ đợi sứ điệp đặc biệt đó.

Một buổi tối nọ, bà bảo tôi rằng hai thanh niên mặc bộ đồ vét màu sẫm đã gõ cửa nhà chúng tôi và rằng bà đã cảm thấy có một ấn tượng rất rõ ràng và khác biệt phải mời họ vào nhà. Họ nói rằng họ muốn nói chuyện với bà về Thượng Đế nhưng sẽ quay trở lại khi tôi cũng có mặt ở nhà. Có thể đây là sứ điệp được kỳ vọng chăng?

Họ bắt đầu đến thăm chúng tôi, và với sự hướng dẫn của họ, chúng tôi đã đọc trong thánh thư và hiểu được tầm quan trọng thiết yếu của Chúa Giê Su Ky Tô với tư cách là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng tôi. Chúng tôi nhanh chóng cảm thấy hối tiếc rằng mình đã được báp têm khi còn là những em bé, mà phép báp têm đó lại không phải là một giao ước có ý thức. Tuy nhiên, việc chịu phép báp têm một lần nữa cũng có nghĩa là trở thành tín hữu của Giáo Hội mới này, nên đầu tiên, chúng tôi thật sự cần phải hiểu tất cả mọi điều về Giáo Hội này.

Nhưng làm thế nào chúng tôi có thể biết những điều những người truyền giáo nói với chúng tôi về Sách Mặc Môn, về Joseph Smith, và về kế hoạch cứu rỗi có thật sự chân chính hay không? Chúng tôi đã hiểu từ những lời của Chúa rằng chúng tôi có thể “nhờ những trái của [họ] mà nhận biết được [họ].”2 Vì thế, theo một cách có hệ thống, chúng tôi đã bắt đầu xem xét Giáo Hội bằng cách tìm kiếm những trái này bằng sự hiểu biết dựa vào lý trí của mình. Chúng tôi đã thấy những điều gì? Chúng tôi đã thấy:

  • Những con người thân thiện và vui vẻ và những gia đình tuyệt vời, là những người hiểu rằng chúng ta được dự định là sẽ cảm thấy niềm vui trong cuộc sống này chứ không chỉ sự đau khổ và cực khổ.

  • Một giáo hội mà không có các giáo sĩ được trả lương nhưng một giáo hội mà trong đó chính các tín hữu chấp nhận những sự chỉ định và trách nhiệm.

  • Một giáo hội nơi Chúa Giê Su Ky Tô và gia đình là trọng tâm của mọi điều, nơi các tín hữu nhịn ăn mỗi tháng một lần và quyên góp để giúp người nghèo và người khốn khó, nơi những thói quen lành mạnh được khuyến khích, và giảng dạy chúng ta tránh xa những chất có hại.

Thêm vào đó:

  • Chúng tôi thích sự nhấn mạnh vào sự phát triển cá nhân, vào học vấn, và vào sự siêng năng và tự lực.

  • Chúng tôi biết được về chương trình nhân đạo phi thường.

  • Và chúng tôi có ấn tượng với những kỳ đại hội trung ương, với phần âm nhạc tuyệt vời và những nguyên tắc thuộc linh sâu sắc được chia sẻ ở đó.

Khi nhìn thấy tất cả những điều này, chúng tôi không thể tìm được điểm nào để chê trách Giáo Hội cả. Trái lại, chúng tôi rất thích tất cả những gì mình thấy. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể quyết định chịu phép báp têm bởi vì chúng tôi muốn biết tất cả mọi điều trước khi chịu báp têm.

Nhưng, ngay cả trong sự do dự của chúng tôi, Chúa vẫn kiên nhẫn chuẩn bị chúng tôi, Ngài uốn nắn chúng tôi, và Ngài giúp chúng tôi khám phá ra rằng chúng tôi nên học cách nhận biết lẽ thật không chỉ qua trí óc dựa vào lý trí của mình mà còn qua tiếng nói vô cùng nhỏ nhẹ êm ái của Thánh Linh, là Đấng đặc biệt phán bảo với tấm lòng của chúng tôi.

Tiếng nói đó và cảm giác theo sau đã đến vào một buổi tối nọ sau 10 tháng học phục âm, khi chúng tôi đọc trong Mô Si A chương 18: “Vì các người muốn … mang gánh nặng lẫn cho nhau[,] … và an ủi những ai cần được an ủi, … nếu đây là điều mong muốn trong lòng các người, thì có việc gì làm cản trở các người được báp têm trong danh Chúa?”3

Đoạn thánh thư đó từ Sách Mặc Môn ăn sâu vào tấm lòng và tâm hồn chúng tôi, rồi đột nhiên, chúng tôi cảm thấy và biết rằng thật không có lý do gì để chúng tôi không chịu phép báp têm. Chúng tôi nhận ra rằng những mong muốn được nhắc đến trong các câu này cũng là những mong ước của tấm lòng chúng tôi và rằng những điều đó mới là những điều thật sự quan trọng. Chúng còn quan trọng hơn việc hiểu biết tất cả mọi điều bởi vì chúng tôi đã biết đủ rồi. Chúng tôi đã luôn dựa vào bàn tay hướng dẫn của Cha Thiên Thượng nhân từ và tin tưởng rằng Ngài sẽ tiếp tục hướng dẫn chúng tôi.

Vì thế, vào cùng ngày hôm đó, chúng tôi đã chọn ngày làm phép báp têm cho mình, và cuối cùng, không lâu sau đó, chúng tôi được báp têm!

Lễ báp têm của Anh Cả và Chị Held

Chúng tôi học được điều gì từ kinh nghiệm đó?

Đầu tiên, chúng tôi học được rằng chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy nơi Cha Thiên Thượng nhân từ, là Đấng luôn luôn cố gắng giúp chúng ta trở thành những người mà Ngài biết chúng ta có thể trở thành. Chúng tôi xác nhận lẽ thật sâu sắc của lời Ngài khi Ngài phán: “Ta sẽ ban cho con cái loài người từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít; và phước thay cho những ai biết nghe những lời giáo huấn của ta, … vì những kẻ đó sẽ học được sự khôn ngoan; vì kẻ nào tiếp nhận, ta sẽ ban thêm cho.”4

Và thứ hai, chúng tôi học được rằng, ngoài trí óc dựa vào lý trí của mình ra, một khía cạnh khác của việc có được sự hiểu biết có thể cho chúng ta sự hướng dẫn và hiểu biết. Đó là tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái của Thánh Linh của Ngài phán bảo cùng tấm lòng chúng ta và cũng cùng tâm trí chúng ta.

Tôi thích so sánh nguyên tắc này với khả năng thị giác của chúng ta. Cha Thiên Thượng của chúng ta đã ban cho chúng ta không chỉ một mà hai con mắt thể xác. Chúng ta có thể nhìn thấy đầy đủ chỉ với một con mắt, nhưng con mắt thứ hai cung cấp cho chúng ta một quan điểm khác. Khi cả hai quan điểm được kết hợp trong não bộ của chúng ta thì chúng sản sinh ra một hình ảnh ba chiều của môi trường xung quanh chúng ta.

Tương tự, chúng ta được ban cho hai nguồn thông tin, qua những khả năng thể xác và thuộc linh của chúng ta. Tâm trí chúng ta sản sinh ra một sự nhận thức qua các giác quan thể xác và sự suy luận của chúng ta. Nhưng qua ân tứ Đức Thánh Linh, Đức Chúa Cha cũng đã ban cho chúng ta một quan điểm khác, một quan điểm thật sự quan trọng và chân thật nhất bởi vì quan điểm đó trực tiếp đến từ Ngài. Nhưng bởi vì những lời thì thầm của Thánh Linh thường quá nhỏ nhẹ nên nhiều người không nhận thức được nguồn thông tin bổ sung đó.

Sau đó, khi hai quan điểm này được kết hợp trong tâm hồn chúng ta, một hình ảnh hoàn hảo cho thấy hiện thực của mọi điều như chúng thật sự như vậy. Trên thực tế, qua quan điểm bổ sung của Đức Thánh Linh, một số “hiện thực,” như được mô tả chỉ qua sự hiểu biết trí tuệ của chúng ta, có thể được vạch trần là lừa dối hoặc chỉ đơn giản là sai lầm. Hãy nhớ những lời của Mô Rô Ni: “Bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, các người sẽ có thể biết được lẽ thật của tất cả mọi điều.”5

Trong 31 năm là tín hữu Giáo Hội, tôi đã có kinh nghiệm nhiều lần rằng nếu chúng ta chỉ tin cậy vào trí óc dựa vào lý trí của mình và chối bỏ hoặc sao lãng sự hiểu biết thuộc linh có thể nhận được qua những lời thì thầm và ấn tượng của Đức Thánh Linh thì điều đó giống như là chúng ta sống trên đời chỉ với một con mắt vậy. Nhưng theo cách nói ẩn dụ, chúng ta thật ra được ban cho hai con mắt. Chỉ có sự kết hợp của cả hai quan điểm mới có thể cho chúng ta hình ảnh chân thật và hoàn hảo về tất cả các lẽ thật và của mọi điều chúng ta trải qua trong cuộc sống của mình, cũng như sự hiểu biết trọn vẹn và sâu sắc về danh tính và mục đích của chúng ta với tư cách là con cái của Cha Thiên Thượng hằng sống.

Tôi được nhắc nhở về điều Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giảng dạy cho chúng ta cách đây một năm khi ông nói rằng “trong những ngày tới, chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được về mặt thuộc linh nếu không có ảnh hưởng dìu dắt, hướng dẫn, và an ủi liên tục của Đức Thánh Linh.”6

Tôi đã biết được với sự chắc chắn tuyệt đối rằng:

  • Chúng ta có một Cha Thiên Thượng nhân từ, và tất cả chúng ta đã đồng ý đến thế gian này như là một phần của một kế hoạch thiêng liêng.

  • Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô; Ngài hằng sống và là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của tôi.

  • Joseph, một thiếu niên nông dân khiêm nhường, đã được kêu gọi và trở thành vị tiên tri mạnh mẽ mà đã bắt đầu gian kỳ này, gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn, với tất cả các chìa khóa, quyền năng, và thẩm quyền của chức tư tế thiêng liêng của Thượng Đế.

  • Sách Mặc Môn là chứng thư thứ hai về Chúa Giê Su Ky Tô và rằng gia đình được kỳ vọng là sẽ ở bên nhau mãi mãi.

  • Chúa của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, dẫn dắt Giáo Hội này, Giáo Hội phục hồi của Ngài, qua vị tiên tri tại thế của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, ngày nay.

Những lẽ thật này và nhiều lẽ thật khác đã trở thành những nền tảng thuộc linh tạo nên con người mà Thượng Đế đang giúp tôi trở thành. Và tôi trông đợi nhiều những điều giảng dạy mới mà Ngài vẫn muốn tôi—và anh chị em—tiếp nhận trong khi chúng ta sống cuộc sống tuyệt vời này và “tìm kiếm sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin.”

Tôi biết những điều này là chân chính và làm chứng về chúng trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.