Ngôi Nhà Nơi Thánh Linh của Chúa Ngự
Anh chị em sẽ tìm thấy một số niềm vui lớn lao nhất của mình trong các nỗ lực để làm cho ngôi nhà của mình trở thành một nơi của đức tin vào Chúa Giê Su Ky Tô và một nơi tràn ngập tình yêu thương.
Các anh chị em thân mến, tôi biết ơn được mời nói chuyện với anh chị em trong Đại Hội Trung Ương Thường Niên Kỳ Thứ 189 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Vào ngày này năm 1830, Joseph Smith đã tổ chức Giáo Hội dưới sự chỉ dẫn của Chúa. Giáo Hội được thành lập tại nhà của gia đình Whitmer gần Fayette, New York. Ngày hôm đó có sáu thành viên và khoảng 50 người khác cũng quan tâm đã đến.
Tuy tôi không biết Tiên Tri Joseph Smith đã nói gì hay ông nhìn như thế nào khi đứng trước nhóm nhỏ đó, nhưng tôi biết những người có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô ở đó đã cảm thấy điều gì. Họ đã cảm thấy Đức Thánh Linh, và họ cảm thấy mình đang ở một nơi thánh thiện. Họ chắc chắn đã cảm thấy rằng họ được hiệp làm một.
Cảm giác kỳ diệu đó là cảm giác mà tất cả chúng ta muốn có ở trong ngôi nhà của mình. Đó là một cảm giác đến từ việc, như Phao Lô đã mô tả là “chăm về Thánh Linh.”1
Mục đích của tôi ngày hôm nay là nhằm giảng dạy những điều tôi biết về cách chúng ta có thể có đủ tư cách để có được cảm giác đó thường xuyên hơn và mời cảm giác đó ở lâu với chúng ta hơn trong gia đình mình. Như anh chị em đã biết từ kinh nghiệm của mình, việc này không phải là dễ thực hiện. Sự tranh chấp, lòng kiêu ngạo, và tội lỗi phải được ngăn chặn. Tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô phải đến với tấm lòng của những người trong gia đình chúng ta.
A Đam và Ê Va, Lê Hi và Sa Ri A, và các bậc cha mẹ khác mà chúng ta biết từ thánh thư đã thấy đó là một thử thách khó khăn. Nhưng, có những tấm gương đầy khích lệ về hạnh phúc lâu dài trong gia đình và ngôi nhà để giúp chúng ta cảm thấy an tâm. Và những tấm gương đó cho chúng ta thấy cách mà hạnh phúc lâu dài có thể đến với chúng ta và gia đình chúng ta. Anh chị em còn nhớ câu chuyện trong sách 4 Nê Phi:
“Và chuyện rằng, trong xứ không có chuyện tranh chấp nào xảy ra, nhờ tình thương yêu của Thượng Đế đã ở trong lòng mọi người dân.
“Và cũng không có những sự ganh tị, xung đột, xáo trộn, tà dâm, dối trá hay sát nhân, dâm dật nào xảy ra; và quả thật, chẳng có một dân tộc nào trong tất cả những dân tộc do bàn tay Thượng Đế tạo ra mà được hạnh phúc hơn dân này.
“Chẳng còn kẻ trộm cắp, sát nhân, và cũng chẳng có người nào gọi là dân La Man nữa, và cũng không có một sắc dân nào riêng biệt. Mà trái lại, tất cả mọi người đều là một, đều là con cái của Đấng Ky Tô, và là những người thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế.
“Và phước thay cho họ biết bao! Vì Chúa đã ban phước cho họ trong mọi việc làm của họ; phải, họ được ban phước và được thịnh vượng cho đến năm một trăm mười trôi qua; và thế hệ thứ nhất, kể từ thời Đấng Ky Tô, đã trôi qua mà không có sự tranh chấp nào xảy ra trong toàn xứ.”2
Như anh chị em đã biết, thời kỳ hạnh phúc đó đã không kéo dài mãi mãi. Câu chuyện trong sách 4 Nê Phi mô tả những dấu hiệu cuối cùng của sự suy giảm phần thuộc linh của một nhóm người tốt. Đây là một khuôn mẫu mà đã xảy ra qua nhiều thời kỳ trong các dân tộc, trong các giáo đoàn, và, đáng buồn nhất, là trong các gia đình. Qua việc học về khuôn mẫu này, chúng ta có thể thấy cách mình có thể bảo vệ và thậm chí gia tăng các cảm nghĩ yêu thương trong gia đình mình.
Đây là khuôn mẫu của sự suy giảm mà đã xảy ra sau 200 năm sinh sống trong sự bình an hoàn hảo do phúc âm mang lại:
Lòng kiêu ngạo len lỏi vào.
Dân chúng ngừng chia sẻ với nhau những gì mình có.
Họ bắt đầu tự chia thành các tầng lớp xã hội dựa trên địa vị hoặc sự giàu có.
Họ bắt đầu suy giảm trong đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
Họ bắt đầu thù ghét.
Họ bắt đầu phạm đủ loại tội lỗi.
Các bậc cha mẹ khôn ngoan sẽ đủ tinh ý để nhận biết các dấu hiệu đó khi chúng xuất hiện nơi những người trong gia đình mình. Tất nhiên, họ sẽ lo lắng. Nhưng họ sẽ biết rằng nguyên nhân cơ bản là ảnh hưởng của Sa Tan đang cố gắng dẫn dụ người tốt đi vào con đường tội lỗi và vì thế mà mất đi ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Vì thế, các bậc cha mẹ khôn ngoan sẽ hiểu rằng cơ hội nằm trong việc dẫn dắt từng đứa trẻ, và bản thân họ, chấp nhận một cách trọn vẹn hơn lời mời của Chúa để đến cùng Ngài.
Anh chị em có thể có được thành công hạn chế bằng cách kêu gọi một đứa trẻ phải hối cải, chẳng hạn như, về lòng kiêu ngạo. Anh chị em có thể thử thuyết phục con cái chia sẻ một cách rộng rãi hơn những gì chúng có. Anh chị em có thể yêu cầu chúng ngừng cảm thấy rằng chúng tốt hơn một ai khác trong gia đình. Nhưng rồi anh chị em gặp phải những dấu hiệu tôi đã mô tả ở trên là “Họ bắt đầu suy giảm trong đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô.”
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là quan trọng đối với việc dẫn dắt gia đình anh chị em tiến đến trạng thái thuộc linh anh chị em muốn họ đạt được—và muốn chính mình đạt được cùng với họ. Khi anh chị em giúp họ phát triển trong đức tin rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc đầy yêu thương của họ thì họ sẽ cảm thấy có một ước muốn để hối cải. Khi họ hối cải thì sự khiêm nhường sẽ bắt đầu thay thế lòng kiêu ngạo. Khi họ bắt đầu cảm thấy những điều Chúa đã ban cho họ thì họ sẽ muốn chia sẻ một cách rộng rãi hơn. Sự tranh đua để được nổi bật hoặc được công nhận sẽ giảm đi. Sự căm ghét sẽ bị tình yêu thương xua tan. Và cuối cùng, như điều đã xảy đến với những người đã được Vua Bên Gia Min cải đạo, ước muốn làm điều thiện sẽ củng cố họ chống lại cám dỗ để phạm tội. Dân của Vua Bên Gia Min đã làm chứng rằng họ “không còn ý muốn làm điều tà ác nữa.”3
Như vậy, việc xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là khởi đầu cho việc đảo ngược lại sự suy giảm về phần thuộc linh trong gia đình và ngôi nhà của anh chị em. Đức tin đó dễ mang lại sự hối cải hơn là những lời thuyết giảng của anh chị em chống lại mỗi dấu hiệu của sự suy giảm về phần thuộc linh.
Điều tốt nhất anh chị em có thể làm là dẫn dắt bằng cách nêu gương. Những người trong gia đình và những người khác phải thấy anh chị em phát triển trong đức tin của chính anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Gần đây, anh chị em đã được cung ứng một sự giúp đỡ lớn lao. Các bậc cha mẹ trong Giáo Hội đã được ban phước qua một chương trình giảng dạy đầy soi dẫn dành cho gia đình và cá nhân. Khi sử dụng chương trình giảng dạy này, anh chị em sẽ xây đắp đức tin của mình và của con cái mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
Phát Triển trong Đức Tin
Đức tin của anh chị em nơi Đấng Cứu Rỗi đã phát triển khi anh chị em vâng theo lời đề nghị của Chủ Tịch Russell M. Nelson để đọc lại Sách Mặc Môn. Anh chị em đã đánh dấu các đoạn và các từ mà nói về Đấng Cứu Rỗi. Đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã phát triển. Nhưng như một cây non, đức tin như vậy nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ héo mòn trừ phi anh chị em tìm được quyết tâm liên tục để suy ngẫm và cầu nguyện để phát triển điều đó.
Tấm gương của anh chị em về việc phát triển trong đức tin có thể không được tất cả những người trong gia đình mình noi theo vào ngay lúc này. Nhưng hãy để kinh nghiệm của An Ma Con khích lệ và an ủi anh chị em. Trong tình cảnh đau đớn cần phải hối cải và được tha thứ, ông đã nhớ đến đức tin của cha ông nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Con cái của anh chị em có thể sẽ nhớ đến đức tin của anh chị em nơi Đấng Cứu Rỗi vào giây phút chúng cần đến sự hối cải một cách tuyệt vọng. An Ma đã nói về giây phút này:
“Và chuyện rằng, trong lúc cha bị khốn khổ với cực hình, trong lúc cha bị ray rứt bởi sự hồi tưởng tới bao tội lỗi của mình, này, cha bỗng nhớ lại lời tiên tri của phụ thân cha đã tiên tri cho dân chúng biết về sự hiện đến của một Chúa Giê Su Ky Tô, tức là Vị Nam Tử của Thượng Đế, để chuộc tội lỗi cho thế gian.
“Bấy giờ, khi tâm trí cha vừa nghĩ đến điều đó, thì cha liền kêu cầu trong lòng mà rằng: Hỡi Chúa Giê Su, là Vị Nam Tử của Thượng Đế, xin Ngài hãy thương xót con là kẻ đang ở trong mật đắng và đang bị bao vây bởi xiềng xích vĩnh viễn của cõi chết.
“Và bấy giờ, này, cha vừa nghĩ xong điều ấy, thì cha không còn nhớ đến những sự đau đớn nữa; phải, cha không còn bị ray rứt bởi sự hồi tưởng tới các tội lỗi của mình nữa.”4
Cầu Nguyện với Tình Yêu Thương
Ngoài tấm gương của anh chị em về việc phát triển trong đức tin, việc cầu nguyện chung gia đình của anh chị em có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho ngôi nhà trở thành một nơi thiêng liêng. Một người thường được chọn để dâng lên lời cầu nguyện cho gia đình. Khi lời cầu nguyện rõ ràng được dâng lên Thượng Đế thay cho những người đang quỳ và lắng nghe thì đức tin của tất cả mọi người đều gia tăng. Họ có thể cảm thấy tình yêu thương dành cho Cha Thiên Thượng và cho Đấng Cứu Rỗi. Và khi người cầu nguyện nhắc đến những người đang quỳ xung quanh mình mà cần sự giúp đỡ thì tất cả mọi người đều có thể cảm thấy tình yêu thương dành cho những người đó và cho mỗi người trong gia đình.
Ngay cả khi những người trong gia đình không sống trong cùng một căn nhà với nhau thì lời cầu nguyện cũng có thể xây đắp những mối ràng buộc yêu thương. Lời cầu nguyện trong gia đình có thể có ảnh hưởng khắp thế giới. Không ít lần tôi được biết rằng một người trong gia đình đang sống ở xa đã cầu nguyện cùng lúc cho cùng một điều mà tôi cũng đang cầu xin. Đối với tôi, câu châm ngôn xưa “Gia đình cầu nguyện cùng nhau sẽ gắn bó với nhau” có thể hoàn toàn được đổi thành “Gia đình cầu nguyện cùng nhau sẽ ở bên nhau, ngay cả khi họ ở xa nhau.”
Giảng Dạy Sớm về Sự Hối Cải
Bởi vì không ai trong chúng ta là hoàn hảo và cảm xúc dễ bị tổn thương nên gia đình có thể trở thành nơi trú ẩn thiêng liêng chỉ khi nào chúng ta hối cải sớm và thành tâm. Cha mẹ có thể làm gương. Những lời nói gay gắt hoặc ý nghĩ xấu có thể được hối cải nhanh chóng và thành tâm. Một câu nói xin lỗi đơn giản có thể chữa lành những vết thương và mời gọi sự tha thứ và tình yêu thương.
Tiên Tri Joseph Smith là một tấm gương cho chúng ta khi ông đương đầu với những sự tấn công xấu xa, với những kẻ phản bội, và thậm chí những sự bất đồng trong gia đình ông. Ông nhanh chóng tha thứ, ngay cả khi ông biết những kẻ tấn công có thể sẽ tấn công lần nữa. Ông cầu xin sự tha thứ, và ông sẵn lòng tha thứ.5
Phát Triển Tinh Thần Truyền Giáo
Các con trai của Mô Si A đã quyết tâm mang phúc âm đến cho mọi người. Ước muốn này đến từ kinh nghiệm cá nhân của họ với sự hối cải. Họ không thể chịu đựng được ý nghĩ là có một người nào đó phải chịu đau khổ vì tội lỗi như họ đã chịu đựng. Vì thế, họ đã đối mặt với những năm tháng chịu sự chối bỏ, khó khăn, và nguy hiểm để mang phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đến với kẻ thù của họ. Trong tiến trình đó, họ tìm thấy niềm vui nơi những người hối cải và cảm nhận được niềm vui của sự tha thứ qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Những người trong gia đình chúng ta sẽ có ước muốn mãnh liệt hơn để chia sẻ phúc âm khi họ cảm thấy niềm vui của sự tha thứ. Niềm vui đó có thể đến ngay trong lúc họ tái lập các giao ước khi dự phần Tiệc Thánh. Tinh thần truyền giáo sẽ phát triển trong ngôi nhà của anh chị em khi con cái và cha mẹ cảm thấy niềm vui của sự tha thứ trong buổi lễ Tiệc Thánh. Bằng tấm gương về sự nghiêm trang, cả cha mẹ lẫn con cái đều có thể giúp đỡ nhau cảm thấy niềm vui đó. Niềm vui đó có thể góp phần đáng kể vào việc làm cho ngôi nhà của chúng ta thành những trung tâm huấn luyện truyền giáo. Không phải tất cả mọi người đều sẽ phục vụ truyền giáo, nhưng tất cả đều sẽ cảm thấy ước muốn chia sẻ phúc âm, là điều đã giúp họ cảm thấy sự tha thứ và sự bình an. Và dù hiện tại có đang phục vụ truyền giáo toàn thời gian hay không thì tất cả mọi người đều có thể cảm thấy niềm vui trong việc mang phúc âm đến với người khác.
Thăm Viếng Đền Thờ
Đối với cả cha mẹ lẫn con cái, đền thờ là cơ hội tốt nhất để có được cảm giác và tình yêu thương dành cho những nơi thiên thượng. Điều này đặc biệt đúng khi con cái còn nhỏ. Trẻ em được sinh ra với Ánh Sáng của Đấng Ky Tô. Ngay cả một em bé cũng có thể cảm thấy đền thờ là thiêng liêng. Bởi vì cha mẹ yêu thương con trẻ của họ nên đối với họ, đền thờ tượng trưng cho hy vọng rằng họ có thể có con cái để yêu thương trong gia đình vĩnh cửu của mình—mãi mãi.
Một số anh chị em có hình ảnh của các ngôi đền thờ ở trong nhà mình. Bởi vì đền thờ đang được xây dựng ở khắp nơi trên thế giới nên nhiều cha mẹ có thể đến thăm viếng khuôn viên các ngôi đền thờ với gia đình họ. Thậm chí, một số có thể tham dự các buổi tham quan khi đền thờ được xây dựng xong. Cha mẹ có thể hỏi con cái xem chúng cảm thấy như thế nào khi ở gần hoặc ở bên trong đền thờ.
Mỗi người cha hoặc mẹ có thể làm chứng về ý nghĩa của đền thờ đối với họ. Chủ Tịch Ezra Taft Benson là một người rất yêu mến đền thờ, thường kể về việc quan sát mẹ ông cẩn thận ủi y phục đền thờ của bà.6 Ông kể về ký ức của ông khi còn là một cậu bé quan sát gia đình mình khi họ rời nhà đi tham dự đền thờ.
Khi đã trở thành Chủ Tịch Giáo Hội, ông vẫn tham dự đền thờ vào cùng một ngày mỗi tuần. Ông luôn luôn thực hiện giáo lễ cho một người tổ tiên. Tình yêu thương dành cho đền thờ và nỗ lực trong công việc đền thờ của ông phần lớn đến từ tấm gương của cha mẹ ông.
Chứng Ngôn của Tôi
Anh chị em sẽ tìm thấy một số niềm vui lớn lao nhất của mình trong các nỗ lực để làm cho ngôi nhà của mình trở thành một nơi của đức tin vào Chúa Giê Su Ky Tô và một nơi tràn ngập tình yêu thương, tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô. Sự Phục Hồi phúc âm đã bắt đầu với một câu hỏi khiêm nhường được suy ngẫm trong một ngôi nhà khiêm tốn, và điều đó có thể tiếp diễn trong ngôi nhà của mỗi người chúng ta khi chúng ta thiết lập và thực hành các nguyên tắc phúc âm ở đó. Điều này đã luôn là hy vọng và ước muốn sâu đậm nhất của tôi từ khi còn là một cậu bé. Anh chị đều đã từng thoáng thấy những ngôi nhà như vậy. Nhiều anh chị em đã tạo ra chúng với sự giúp đỡ của Chúa.
Một số đã hết lòng cố gắng để có được phước lành đó, nhưng chưa được ban cho. Lời hứa của tôi với anh chị em là lời hứa mà một thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã từng hứa với tôi. Tôi đã nói với ông ấy rằng bởi vì những lựa chọn mà một số người họ hàng của chúng tôi đã đưa ra nên tôi không biết chúng tôi có thể được ở bên nhau trong thế giới mai sau hay không. Ông ấy nói rằng, theo những gì tôi nhớ: “Anh đang lo lắng sai vấn đề rồi. Anh cứ sống xứng đáng với vương quốc thượng thiên, rồi những dàn xếp trong gia đình sẽ tuyệt vời hơn anh có thể tưởng tượng được.”
Tôi tin là ông ấy sẽ đưa ra niềm hy vọng đầy hạnh phúc đó cho bất cứ ai trong chúng ta trên cuộc sống trần thế mà đã làm tất cả những gì mình có thể để giúp bản thân và những người trong gia đình có đủ điều kiện để nhận được cuộc sống vĩnh cửu. Tôi biết rằng kế hoạch của Cha Thiên Thượng là một kế hoạch hạnh phúc. Tôi làm chứng rằng kế hoạch của Ngài làm cho mỗi người trong chúng ta, là những người đã làm tất cả những gì trong khả năng của mình, có thể được gắn bó trong một gia đình vĩnh cửu mãi mãi.
Tôi biết rằng các chìa khóa chức tư tế được phục hồi cho Joseph Smith được truyền xuống trực tiếp cho Chủ Tịch Russell M. Nelson. Các chìa khóa đó làm cho các gia đình có thể được gắn bó ngày nay. Tôi biết rằng Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta, con cái linh hồn của Ngài, với tình yêu thương hoàn hảo. Tôi biết rằng nhờ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể hối cải, được thanh tẩy, và trở nên xứng đáng để sống trong gia đình đầy yêu thương với Cha Thiên Thượng của chúng ta và với Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng về những điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.