2010–2019
Hãy Hướng về Chúa Giê Su Ky Tô
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


2:3

Hãy Hướng về Chúa Giê Su Ky Tô

Nếu chúng ta hướng về Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài sẽ giúp chúng ta sống theo các giao ước của mình và làm vinh hiển sự kêu gọi của chúng ta với tư cách là các anh cả của Y Sơ Ra Ên.

Khi Chúa Giê Su đi trên một con đường gần Ca Bê Na Um1 với đám đông chen chúc xung quanh Ngài, một người đàn bà mắc chứng bệnh nghiêm trọng trong 12 năm đã vươn tay ra và chạm vào áo của Ngài. Ngay lập tức người đàn bà đó được chữa lành.2

Thánh thư viết rằng Chúa Giê Su, nhận thấy “có sức mạnh đã ra từ [Ngài],”3 “bèn xây lại giữa đám đông”4 và “nhìn … để xem người đã làm điều đó.”5 “Người đàn bà thấy mình không thể giấu được nữa,”6 đã “đến sấp mình xuống nơi chân Ngài, tỏ thật trước mặt dân chúng vì cớ nào mình đã rờ đến.”7

Chúa Giê Su phán với người đàn bà: “Hỡi con gái ta, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi; hãy đi cho bình an.”8

Chúa Giê Su đã cứu người đàn bà. Bà ấy đã được chữa lành phần thể xác, nhưng khi Chúa Giê Su quay lại để nhìn bà, bà đã bày tỏ đức tin của mình nơi Ngài và Ngài đã chữa lành tâm hồn bà.9 Ngài nói với bà trong tình yêu thương, đảm bảo với bà về sự chấp thuận của Ngài và ban phước cho bà với sự bình an.10

Các anh em thân mến, với tư cách là những người mang thánh chức tư tế, chúng ta tham gia vào công việc cứu rỗi. Trong năm trước, Chúa đã giao trách nhiệm lãnh đạo công việc này cho các anh cả của Y Sơ Ra Ên.11 Chúng ta có một lệnh truyền soi dẫn từ Chúa—làm việc cùng với các chị em của chúng ta, chúng ta phải phục sự một cách thánh thiện hơn, đẩy nhanh việc quy tụ Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che, thiết lập ngôi nhà của chúng ta trở thành một nơi thiêng liêng cho đức tin và việc học hỏi phúc âm, và chuẩn bị thế gian cho Sự Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô.12

Chúa Giê Su Ky Tô đã chỉ cho chúng ta con đường trong tất cả mọi điều: chúng ta cần phải trông cậy và phục vụ Chúa Giê Su Ky Tô như Ngài đã trông cậy và phục vụ Cha của Ngài.13 Đấng Cứu Rỗi đã nói với Vị Tiên Tri Joseph như thế này:

“Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi.

“Hãy nhìn xem những vết thương xuyên thủng sườn ta và những dấu đinh đóng trên tay và chân ta; hãy trung thành, hãy tuân giữ các giáo lệnh của ta, rồi các ngươi sẽ được thừa hưởng vương quốc thiên thượng.”14

Ở vương quốc tiền dương thế, Chúa Giê Su đã hứa với Cha của Ngài rằng Ngài sẽ làm theo ý muốn của Cha Ngài và trở thành Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Khi Cha của Ngài hỏi: “Ta sẽ phái ai đi đây?”15 Chúa Giê Su đáp:

“Tôi đây, xin phái tôi đi.”16

“Xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi.”17

Trong suốt cuộc sống trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã sống theo lời hứa đó. Ngài giảng dạy giáo lý của Cha Ngài với sự khiêm nhường, nhu mì và tình yêu thương và làm công việc của Cha Ngài với quyền năng và thẩm quyền mà Cha Ngài đã ban cho.18

Chúa Giê Su dâng tấm lòng của Ngài lên Cha Ngài. Ngài đã phán:

“Ta yêu mến Cha.”19

“Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài.”20

“Ta … xuống … chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý [Cha, là] Đấng đã sai ta đến”21

Với sự đau đớn trong vườn Ghết Sê Ma Nê, Ngài đã cầu nguyện: “Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi.”22

Khi Chúa kêu gọi các anh cả của Y Sơ Ra Ên để “hướng về ta trong mọi ý nghĩ” và “nhìn xem những vết thương” trên thể xác phục sinh của Ngài, đó là một lời kêu gọi để tránh xa tội lỗi và thế gian và hướng về Ngài, yêu thương và vâng lời Ngài. Đó là một lời kêu gọi để dạy giáo lý của Ngài và làm công việc của Ngài theo cách của Ngài. Bởi vậy, đó là một lời kêu gọi để tin tưởng hoàn toàn vào Ngài, từ bỏ ý muốn của chúng ta và dâng tấm lòng của chúng ta lên Ngài, và nhờ quyền năng cứu chuộc của Ngài để trở nên giống như Ngài.23

Các anh em thân mến, nếu chúng ta hướng đến Chúa Giê Su Ky Tô, thì Ngài sẽ ban phước chúng ta để trở thành các anh cả của Ngài trong Y Sơ Ra Ên—khiêm nhường, nhu mì, phục tùng, đầy tình yêu thương của Ngài.24 Và chúng ta sẽ mang niềm vui và các phước lành của phúc âm và Giáo Hội của Ngài đến với gia đình và các anh chị em của chúng ta ở cả hai bên bức màn che.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã kêu gọi chúng ta hướng đến Chúa Giê Su Ky Tô theo cách này: “Không có điều gì dễ dàng hoặc tự động trong việc trở thành các môn đồ vững mạnh như vậy. Sự chú trọng của chúng ta cần phải được dựa vào Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực tinh thần để cố gắng hướng tới Ngài trong mọi ý nghĩ. Nhưng khi làm như vậy, những nỗi nghi ngờ và sợ hãi của chúng ta biến mất.”25

Chú trọng là một từ rất hay. Nó có nghĩa là buộc chặt, thu hút và giữ một cách chắc chắn.26 Chúng ta dồn sự tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài bằng cách sống theo các giao ước.

Khi chúng ta sống theo các giao ước của mình, thì các giao ước đó sẽ tác động đến tất cả mọi điều chúng ta nói và làm. Chúng ta sống một cuộc sống theo giao ước27 đầy những hành động đơn giản hằng ngày theo đức tin mà làm chúng ta tập trung nơi Chúa Giê Su Ky Tô: lời cầu nguyện chân thành trong danh của Ngài, nuôi dưỡng lời của Ngài, hướng đến Ngài để hối cải tội lỗi của chúng ta, giữ các lệnh truyền của Ngài, dự phần Tiệc Thánh và giữ ngày Sa Bát của Ngài được thánh, thờ phượng trong đền thờ thánh của Ngài thường xuyên nhất có thể, và thực hành chức tư tế thánh của Ngài để phục vụ con cái của Thượng Đế.

Những hành động tận tụy với giao ước này mở tấm lòng và tâm trí của chúng ta ra để nhận quyền năng cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi và sự ảnh hưởng thánh hóa của Đức Thánh Linh. Qua từng hàng chữ một, Đấng Cứu Rỗi thay đổi bản chất của chúng ta, chúng ta được cải đạo đến Ngài một cách chân thành hơn và những giao ước trở nên sống động hơn trong lòng chúng ta.28

Những lời hứa chúng ta lập với Cha Thiên Thượng trở thành những cam kết vững chắc, những ước muốn chân thành nhất của chúng ta. Những lời hứa từ Cha Thiên Thượng với chúng ta làm lòng chúng ta tràn đầy sự biết ơn và niềm vui.29 Những giao ước không còn giống như những luật lệ mà trở thành những nguyên tắc được yêu thích mà soi dẫn và hướng dẫn chúng ta, và làm cho chúng ta chú trọng vào Chúa Giê Su Ky Tô.30

Những hành động tận tụy này có sẵn cho tất cả mọi người, cả người trẻ tuổi lẫn lớn tuổi. Hỡi các em thiếu niên nắm giữ thánh Chức Tư Tế A Rôn, mọi điều tôi đã nói tối hôm nay áp dụng cho tất cả các em. Tôi tạ ơn Thượng Đế về các em. Các em làm các giáo lễ và giao ước thiêng liêng có sẵn cho hàng triệu Thánh Hữu Ngày Sau mỗi tuần. Khi các em chuẩn bị, ban phước hay chuyền Tiệc Thánh; phục sự, báp têm trong đền thờ; mời gọi một người bạn đến một buổi sinh hoạt; hay giúp đỡ một tín hữu trong nhóm túc số của các em, tức là các em đang làm công việc cứu rỗi. Các em cũng có thể hướng đến Chúa Giê Su Ky Tô và sống theo các giao ước của các em mỗi ngày. Tôi hứa với các em rằng nếu các em làm như vậy, các em sẽ trở thành những tôi tớ đáng tin cậy của Chúa bây giờ và trở thành các anh cả của Y Sơ Ra Ên trong tương lai.

Các anh em thân mến, tôi biết rằng tất cả những điều này dường như gây nản lòng. Nhưng xin hãy nhớ những lời này của Đấng Cứu Rỗi: “Ta không ở một mình, vì Cha ở cùng ta.”31 Chúng ta cũng vậy. Chúng ta không đơn độc một mình đâu. Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta, và hai Ngài ở cùng chúng ta.32 Bởi vì Chúa Giê Su Ky Tô đã trông cậy Cha của Ngài và hoàn thành sự hy sinh chuộc tội lớn lao, nên chúng ta có thể trông cậy Chúa Giê Su Ky Tô với sự chắc chắn rằng Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta.

Không có ai trong chúng ta là hoàn hảo cả. Đôi khi chúng ta gặp khó khăn về mặt thuộc linh. Chúng ta bị phân tâm hoặc nản lòng. Chúng ta mắc sai lầm. Nhưng nếu chúng ta trông cậy Chúa Giê Su Ky Tô với một tấm lòng hối cải, Ngài sẽ nâng đỡ, tha thứ, tẩy sạch chúng ta khỏi tội lỗi và chữa lành cho tấm lòng của chúng ta. Ngài kiên nhẫn và nhân từ; tình yêu thương cứu chuộc của Ngài không bao giờ kết thúc và không bao giờ thất bại.33 Ngài sẽ giúp chúng ta sống theo các giao ước của mình và làm vinh hiển sự kêu gọi của chúng ta với tư cách là các anh cả của Y Sơ Ra Ên.

Và Đức Chúa Cha sẽ ban phước cho chúng ta với tất cả mọi điều cần thiết để hoàn thành các mục đích của Ngài—“tất cả mọi vật … cả trên trời lẫn dưới đất, cả sự sống lẫn sự sáng, cả Thánh Linh lẫn quyền năng, được ban cho do ý muốn của Đức Chúa Cha qua Chúa Giê Su Ky Tô, Con của Ngài.”34

Khi ánh sáng và quyền năng thiêng liêng đến trong cuộc sống của chúng ta, thì ba điều kỳ diệu sẽ xảy ra:

Thứ nhất, chúng ta có thể nhìn thấy! Qua sự mặc khải, chúng ta bắt đầu nhìn thấy giống như Chúa Giê Su đã nhìn thấy người đàn bà: nhìn thấu vẻ bề ngoài đến tận tấm lòng.35 Khi chúng ta nhìn thấy như Chúa Giê Su nhìn thấy, Ngài ban phước chúng ta để yêu thương những người chúng ta phục vụ với tình yêu thương của Ngài. Với sự giúp đỡ của Ngài, những người chúng ta phục vụ sẽ nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi và cảm nhận tình yêu thương của Ngài.36

Thứ hai, chúng ta có quyền năng chức tư tế! Chúng ta có quyền năng và thẩm quyền để hành động trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô để “ban phước, hướng dẫn, bảo vệ, củng cố, và chữa lành những người khác và mang lại những phép lạ cho những người mà chúng ta yêu thương và giữ cho hôn nhân và gia đình của chúng ta được an toàn.”37

Thứ ba, Chúa Giê Su Ky Tô đồng hành cùng với chúng ta! Nơi chúng ta đi, Ngài sẽ đi. Khi chúng ta giảng dạy, Ngài sẽ giảng dạy. Khi chúng ta an ủi, Ngài sẽ an ủi. Khi chúng ta ban phước, Ngài sẽ ban phước.38

Các anh em thân mến, chúng ta không có lý do để hoan hỷ hay sao? Có chứ! Chúng ta nắm giữ thánh chức tư tế của Thượng Đế. Khi chúng ta hướng về Chúa Giê Su Ky Tô, sống theo các giao ước của chúng ta, và dồn sự tập trung của chúng ta nơi Ngài, chúng ta sẽ cùng với các chị em phụ nữ của chúng ta phục sự theo cách thức thánh thiện hơn, quy tụ Y Sơ Ra Ên bị phân tán ở cả hai bên bức màn che, củng cố và gắn bó gia đình của chúng ta, và chuẩn bị thế gian cho Sự Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Điều đó sẽ xảy ra. Tôi làm chứng như vậy.

Tôi xin kết thúc với lời cầu nguyện này từ tấm lòng mình, rằng tất cả chúng ta, tất cả các anh chị em, sẽ hướng về Chúa Giê Su Ky Tô trong mọi ý nghĩ. Chớ nghi ngờ. Chớ sợ hãi. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. James E. Talmage cho rằng Chúa Giê Su ở “vùng phụ cận Ca Bê Na Um” khi sự chữa lành này diễn ra (xin xem Jesus the Christ [năm 1916], trang 313).

  2. Xin xem Lu Ca 8:43–44; cũng xem thêm Ma Thi Ơ 9:20–21; Mác 5:25–29.

  3. Lu Ca 8:46.

  4. Mác 5:30.

  5. Mác 5:32.

  6. Lu Ca 8:47.

  7. Mác 5:33.

  8. Lu Ca 8:48.

  9. James E. Talmage đã viết rằng giá trị lớn hơn sự chữa lành về thể xác của người đàn bà là sự đảm bảo rằng Đấng Cứu Rỗi đã ban cho ước muốn của lòng bà, và đức tin của bà đã được Ngài chấp nhận (xin xem Jesus the Christ, trang 318). Chúa Giê Su đã chữa lành thể xác và thuộc linh của người đàn bà và mở lối cho người đàn bà đến với sự cứu rỗi.

  10. Là điều có ích để biết rằng Giai Ru, một người cai nhà hội, đã ở với Chúa Giê Su khi sự chữa lành này diễn ra. Chúa Giê Su đang trên đường đến nhà của Giai Ru, nơi Ngài sẽ làm cho con gái của Giai Ru sống lại. Người đàn bà mà Chúa Giê Su chữa lành có khả năng bị đuổi ra khỏi nhà hội vì bệnh tật của mình. Khi Chúa Giê Su chữa lành cho người đàn bà, Ngài cũng nói rõ với tất cả những người ở đó, kể cả Giai Ru, rằng người đàn bà đó là một người con gái yêu dấu, một người phụ nữ có đức tin, và khỏe mạnh về thể xác và linh hồn.

  11. Xin xem D. Todd Christofferson, “Nhóm Túc Số Các Anh Cả” (Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 55–58) cho một cuộc thảo luận về những sự điều chỉnh để tạo ra một nhóm túc số Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc trong tiểu giáo khu. Mục đích của sự thay đổi đó được mục Frequently Asked Questions của trang mạng Ministering mô tả theo cách này: Việc có một nhóm túc số Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc trong một tiểu giáo khu hiệp nhất những người mang chức tư tế để thực hiện được mọi khía cạnh của công việc cứu rỗi, gồm cả công việc đền thờ và lịch sử gia đình mà trước đây do những vị lãnh đạo nhóm các thầy tư tế thượng phẩm phối hợp thực hiện” (“This Is Ministering: Frequently Asked Questions,” question 8, ministering.ChurchofJesusChrist.org).

    Những điều chỉnh sau đó đã đặt người lãnh đạo truyền giáo tiểu giáo khu và lãnh đạo đền thờ và lịch sử gia đình mới trong tiểu giáo khu dưới sự hướng dẫn của chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả. Với việc phục sự các gia đình đã nằm dưới sự hướng dẫn của chủ tịch đoàn, những điều chỉnh này đã đặt giới lãnh đạo của công việc cứu rỗi nơi những nhóm túc số các anh cả, được Hội Phụ Nữ hỗ trợ. Dĩ nhiên, vị giám trợ nắm giữ chìa khóa cho công việc cứu rỗi trong tiểu giáo khu, nhưng ông giao trách nhiệm và thẩm quyền của công việc đó cho chủ tịch nhóm túc số các anh cả để vị giám trợ có thể dành nhiều thời gian phục sự hơn cho gia đình của mình, củng cố giới trẻ và phục vụ như một phán quan ở Y Sơ Ra Ên.

  12. Xin xem Russell M. Nelson, “Nào Cùng Nhau Bước Mạnh,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 118–119; Russell M. Nelson, “Trở Thành Các Thánh Hữu Ngày Sau Gương Mẫu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 113–114; Quentin L. Cook, “Sự Cải Đạo Sâu Đậm và Lâu Dài Theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, Tháng Mười Một năm 2018, trang 8–12.

  13. Đức Chúa Cha gửi Chúa Giê Su Ky Tô đến thế gian (xin xem Giăng 17:18).

  14. Giáo Lý và Giao Ước 6:36–37.

  15. Áp Ra Ham 3:27.

  16. Áp Ra Ham 3:27.

  17. Môi Se 4:2.

  18. Có nhiều câu thánh thư tham khảo trong thánh thư ghi lại những lời phán của Chúa Giê Su về việc thực hiện công việc và dạy giáo lý của Cha Ngài. Ví dụ, xin xem, Giăng 5:19 (Chúa Giê Su làm những việc Ngài thấy Cha Ngài làm); Giăng 5:36 (Đức Chúa Cha giao việc cho Vị Nam Tử của Ngài để làm); Giăng 8:26 (Chúa Giê Su giảng dạy những điều Ngài đã nhận được từ Cha Ngài); Giăng 14:28 (Chúa Giê Su đã phán: “Cha tôn trọng hơn ta”); 3 Nê Phi 11:32 (Giáo lý của Ngài là Giáo Lý mà Cha Ngài đã ban cho Ngài).

  19. Giăng 14:31.

  20. Giăng 8:29.

  21. Giăng 6:38; cũng xem thêm Giăng 5:30.

  22. Lu Ca 22:42.

  23. Từ hướng về trong đoạn này (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:36–37) có ý nghĩa tương ứng với lời kêu gọi của Chúa: đối mặt (hoặc hướng đến); để hướng sự chú ý của một người; để dựa vào; để tìm kiếm; để chờ đợi với niềm hy vọng; để có trong tâm trí như một kết thúc; để kỳ vọng hoặc dự đoán (xin xem merriam-webster.com, “look”).

  24. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:41-42. Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô được đề cập trong thánh thư là những ân tứ của Thánh Linh đến từ lòng thương xót và ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là các thuộc tính biến các anh cả trong Y Sơ Ra Ên thành các anh cả của Ngài.

  25. Russell M. Nelson, “Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 41.

  26. Xin xem merriam-webster.com, “rivet.”

  27. Để đọc một cuộc thảo luận về khái niệm giao ước suốt đời, xin xem Donald L. Hallstrom, “Living a Covenant Life (Sống Theo Giao Ước Suốt Đời),” Ensign, tháng Sáu năm 2013, trang 46–49. Bài viết này được chuyển thể từ một bài nói chuyện dài hơn được đưa ra tại Brigham Young University–Idaho vào tháng Năm năm 2011. Để có bài nói chuyện dài hơn, xin xem Donald L. Hallstrom, “A Covenant Life (Cuộc Đời Sống Theo Giao Ước)” (Brigham Young University–Idaho devotional, ngày 10 tháng Năm năm 2011), byui.edu.

  28. Xin xem Giê Rê Mi 31:31–33, trong câu thánh thư này Chúa phán rằng Ngài sẽ lập giao ước mới với gia tộc Y Sơ Ra Ên được chép vào lòng của họ. Hình ảnh các giao ước được chép trong lòng của chúng ta, hoặc các giao ước trở nên sống động trong lòng chúng ta, cũng được tìm thấy trong các sách của Phao Lô (xin xem 2 Cô Rinh Tô 3:3; Hê Bơ Rơ 8:10). Để đọc một cuộc thảo luận về sự cải đạo và tấm lòng, xin xem David A. Bednar, “Được Cải Đạo theo Chúa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 106–109.

  29. Lời cầu nguyện Tiệc Thánh ban phước bánh bày tỏ rất đẹp bản chất của mối quan hệ giao ước với Cha Thiên Thượng của chúng ta. Trong kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Cha, chúng ta lập các giao ước với Cha Thiên Thượng của chúng ta, nhưng mục đích của các giao ước được thực hiện và chúng ta đủ điều kiện nhận các phước lành được hứa qua Chúa Giê Su Ky Tô; Ngài là Đấng Trung Gian. Trong giáo lễ Tiệc Thánh, chúng ta làm chứng với Đức Chúa Cha (thực tế, chúng ta làm mới giao ước với Ngài) rằng chúng ta sẵn lòng mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô, và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, cùng tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, để cho chúng ta có thể luôn có được Thánh Linh của Ngài (Đức Thánh Linh) ở cùng chúng ta.

    Các ân tứ trong những lời hứa của Đức Chúa Cha đến qua quyền năng cứu chuộc và củng cố của Chúa Giê Su Ky Tô. Ví dụ, như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn gốc của tất cả mọi niềm vui” (xin xem “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 82). Do đó, việc dồn sự tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô mang lại niềm vui cho cuộc sống của chúng ta bất kể hoàn cảnh của chúng ta là gì.

  30. Chủ Tịch Ezra Taft Benson nắm bắt được tác động của sự thay đổi này trong thái độ và sự định hướng khi ông nói: “Khi sự vâng lời không còn gây khó chịu và trở thành sự tìm kiếm của chúng ta, ngay lúc đó, Thượng Đế sẽ ban cho chúng ta quyền năng” (trong Donald L. Staheli, “Obedience—Life’s Great Challenge (Sự Vâng Lời—Thử Thách Lớn của Cuộc Sống),” Ensign, tháng Năm năm 1998, trang 82).

  31. Giăng 16:32.

  32. Để thảo luận thêm về việc Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con lo lắng, quan tâm, yêu thích và tham gia vào cuộc sống của chúng ta, xin xem Jeffrey R. Holland, “The Grandeur of God (Uy Quyền của Thượng Đế),” Liahona, tháng Mười Một 2003, trang 70–73; Henry B. Eyring, “Hãy Đi cùng Ta,,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 82–85. Cũng xem thêm Ma Thi Ơ 18:20; 28:20; Giáo Lý và Giao Ước 6:32; 29:5; 38:7; 61:36; 84:88.

  33. Xin xem Rô Ma 8:35–39; 1 Cô Rinh Tô 13:1–8; Mô Rô Ni 7:46–47.

  34. Giáo Lý và Giao Ước 50:27. Để ý rằng Chúa ban cho mỗi người đã được sắc phong và sai đi lời hứa này mà gắn liền với, và được giới hạn bởi, sự chỉ định cụ thể cho người ấy:

    “Kẻ đó được chỉ định là người cao trọng nhất, dù kẻ đó hèn mọn nhất và là tôi tớ của mọi người.

    “Vậy nên, kẻ đó có tất cả mọi vật; vì tất cả mọi vật đều vâng phục theo kẻ đó, cả trên trời lẫn dưới đất, cả sự sống lẫn sự sáng, cả Thánh Linh lẫn quyền năng, được ban cho do ý muốn của Đức Chúa Cha qua Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Ngài.

    “Nhưng không một ai có thể có được tất cả mọi vật trừ phi kẻ đó được thanh khiết và được tẩy sạch mọi tội lỗi.

    “Và nếu các ngươi được thanh khiết và được tẩy sạch mọi tội lỗi, các ngươi có thể cầu xin bất cứ điều gì các ngươi muốn trong danh Chúa Giê Su, thì điều đó sẽ được thực hiện.” (Giáo Lý và Giao Ước 50:26–29).

  35. Xin xem Sa Mu Ên 16:7; 1 Cô Rinh Tô 2:14. Để có một ví dụ về phước lành này của việc nhìn thấy như Chúa Giê Su nhìn thấy, xin xem câu chuyện của Chủ Tịch Henry B. Eyring về kinh nghiệm của ông với tư cách là vị giám trợ của một chàng trai trẻ đã phạm tội. Chúa đã phán với Giám Trợ Eyring, “Ta sẽ để cho ngươi nhìn hắn như ta nhìn hắn” (“Hãy Đi cùng Ta,” trang 84).

  36. Đây là lời hứa và lời buộc tội mà Đấng Cứu Rỗi đã ban cho dân chúng ở đền thờ tại Xứ Phong Phú. Ngài truyền lệnh cho họ phải sống như thế nào để ánh sáng của Ngài và gương của Ngài sẽ ở trong họ, để họ có thể đưa cao Ngài như ánh sáng cho thế gian trong cuộc sống của họ và trong những lời mời của họ cho những người khác để đến cùng với Ngài. Như những người theo Ngài đã sống và đã được mời gọi, những người khác sẽ cảm nhận được Ngài và nhìn thấy Ngài trong những tôi tớ của Chúa. (Xin xem 3 Nê Phi 6:24–25.)

  37. Xin xem Russell M. Nelson, “Cái Giá của Quyền Năng Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 68.

  38. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:88.