“Ngày 29 tháng Sáu–ngày 5 tháng Bảy. An Ma 23–29: Họ ‘Không Hề Bỏ Đạo,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 29 tháng Sáu–Ngày 5 tháng Bảy. An Ma 23–29,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020
Anti-Nephi-Lehies Bury Their Weapons of War (Dân An Ti Nê Phi Lê Hi Chôn Giấu Vũ Khí của Họ), tranh do Jody Livingston họa
Ngày 29 tháng Sáu–Ngày 5 tháng Bảy
An Ma 23–29
Họ “Không Hề Bỏ Đạo”
Trong khi học An Ma 23–29, anh chị em tìm được những sứ điệp nào cho bản thân và gia đình mình? Anh chị em có thể chia sẻ điều gì trong các lớp học trong Giáo Hội của mình?
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Anh chị em có đôi khi tự hỏi liệu con người ta có thể thật sự thay đổi không? Có lẽ anh chị em lo lắng liệu mình có thể khắc phục những lựa chọn sai lầm mình đã đưa ra hoặc những thói xấu mình mắc phải, hoặc anh chị em có lẽ có những lo lắng tương tự cho những người thân yêu. Nếu vậy, câu chuyện về dân An Ti Nê Phi Lê Hi có thể giúp anh chị em. Những người này đã là kẻ thù không đội trời chung của dân Nê Phi. Khi Am Môn và các anh em ông quyết định đi thuyết giảng phúc âm cho họ, dân Nê Phi “đã cười chế nhạo [họ].” Giết chết dân La Man có vẻ như là một phương án hợp lý hơn là cải đạo họ. (Xin xem An Ma 26:23–25.)
Nhưng dân La Man quả đã thay đổi—qua quyền năng cải đạo của Chúa. Từ chỗ từng được biết đến là “một dân tộc … chai đá và tàn bạo” (An Ma 17:14), họ đã trở nên “nổi tiếng về lòng nhiệt thành đối với Thượng Đế” (An Ma 27:27). Thật ra, họ “không hề bỏ đạo” (An Ma 23:6).
Có lẽ anh chị em có những truyền thống sai lạc phải từ bỏ hoặc “các khí giới phản nghịch” cần dẹp bỏ (An Ma 23:7). Hoặc có lẽ anh chị em chỉ cần thêm một chút nhiệt thành trong chứng ngôn của mình và ít bị lung lay hơn để mà bỏ đạo. Bất kể anh chị em đang cần thay đổi điều gì, thì An Ma 23–29 có thể cho anh chị em hy vọng, rằng qua quyền năng chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô, sự thay đổi lâu dài là khả dĩ.
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Khi con cái của Thượng Đế chấp nhận phúc âm, các phước lành lớn lao sẽ đến.
Khi vua dân La Man tuyên bố rằng lời của Thượng Đế sẽ “không gặp trở ngại” ở giữa dân của ông (xin xem An Ma 23:1–5), thì ông đã mở đường cho họ nhận được những phước lành lớn lao. Khi anh chị em đọc An Ma 23–29, hãy tìm kiếm những phước lành này. Làm thế nào anh chị em có thể đảm bảo rằng lời của Thượng Đế “không gặp trở ngại” trong cuộc sống mình hoặc trong gia đình mình?
Sự cải đạo của tôi theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm Ngài làm thay đổi cuộc đời tôi.
Những người La Man mà được Am Môn và anh em ông đến thăm dường như không thể nào cải đạo nổi—họ bị ngăn cản bởi những truyền thống của tổ phụ và bởi sự tà ác của chính họ. Mặc dù vậy nhiều người trong số họ đã chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và có những thay đổi nền tảng trong cuộc đời họ. Như là một biểu tượng cho sự cải đạo của bản thân, những người La Man này đã tự gọi mình là dân An Ti Nê Phi Lê Hi. (Ý nghĩa của từ “An Ti” trong trường hợp này không phải là “chống đối” như trong “anti-Christ” [kẻ chống đối Đấng Ky Tô.])
Việc hồi tưởng lại sự cải đạo của những người La Man này có thể nhắc anh chị em suy ngẫm về sự cải đạo “theo Chúa” của chính mình (An Ma 23:6). Một cách để học những chương này có thể là nhận ra sự cải đạo của những người An Ti Nê Phi Lê Hi này đã thay đổi cuộc đời họ như thế nào. Các câu thánh thư sau đây có thể giúp anh chị em bắt đầu.
Khi suy ngẫm về những sự thay đổi của dân An Ti Nê Phi Lê Hi, hãy suy xét xem sự cải đạo theo Đấng Ky Tô của chính anh chị em đang thay đổi anh chị em như thế nào. Anh chị em cảm thấy mình vẫn cần thay đổi điều gì để mà phúc âm có thể có quyền năng mạnh mẽ hơn trong cuộc đời mình?
Thượng Đế đầy nhân từ.
Trong khi những tội lỗi mà Am Môn và dân An Ti Nê Phi Lê Hi phải vượt qua có vẻ khá khác biệt với bất cứ điều gì trong cuộc sống của anh chị em, thì tất cả chúng ta đều trông cậy vào lòng nhân từ của Thượng Đế. Anh chị em tìm thấy điều gì trong An Ma 24:7–19 và 26:17–22 mà giúp anh chị em hiểu được lòng nhân từ của Ngài? Khi đọc, anh chị em có thể nghĩ về ba điều: cách mà anh chị em được mời gọi hối cải, các kinh nghiệm của anh chị em với sự hối cải, cách anh chị em cố gắng tránh phạm tội lần nữa, và các phước lành đã đến với anh chị em qua việc hối cải. Khi đọc các câu thánh thư bằng cách này, anh chị em học được gì về lòng nhân từ của Thượng Đế trong cuộc sống của mình?
Phục vụ Chúa mang lại niềm vui.
Mặc dù có các kinh nghiệm khác nhau, Am Môn và An Ma đã bày tỏ những cảm nghĩ tương tự nhau về công việc truyền giáo của họ. Cân nhắc đọc An Ma 26 và 29 và so sánh hai chương này. Anh chị em để ý thấy những điểm giống nhau nào? Những từ và cụm từ nào được lặp lại? Anh chị em có thể học được điều gì từ Am Môn và An Ma về cách tìm được niềm vui thật sự mặc cho những thử thách của mình? (Để ôn lại những thử thách An Ma phải đối mặt, xin xem các tiêu đề chương của An Ma 5–16. Để ôn lại những thử thách của Am Môn và các anh em ông, xin xem các lời giới thiệu chương của An Ma 17–28.)
Những bó lúa và vựa lúa tượng trưng cho điều gì?
Vào mùa thu hoạch, thóc thường được gom lại thành từng bó gọi là bó lúa và được để trong các kho chứa, được gọi là vựa lúa. Anh Cả David A. Bednar đã chia sẻ một cách giải thích những biểu tượng trong An Ma 26:5: “Các bó lúa trong lối nói so sánh này tượng trưng cho các tín hữu mới chịu phép báp têm của Giáo Hội. Các vựa lúa là những ngôi đền thờ thánh” (“Tôn Kính Giữ Danh và Vị Thế,” Liahona, tháng Năm năm 2009, trang 97). Hãy suy ngẫm xem phép so sánh này trong An Ma 26:5–7 dạy cho anh chị em điều gì về tầm quan trọng của các giao ước đền thờ.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.
An Ma 24:6–19
Tại sao dân An Ti Nê Phi Lê Hi chôn giấu vũ khí của họ “sâu xuống đất”? (An Ma 24:16). Có lẽ những người trong gia đình sẽ thích viết lên các mảnh giấy những điều họ muốn khắc phục hoặc từ bỏ. Rồi họ có thể đào một cái hố và chôn những mảnh giấy xuống.
An Ma 24:7–12
Việc học các câu này có thể giúp gia đình anh chị em hiểu được ân tứ tuyệt vời của sự hối cải. Dân An Ti Nê Phi Lê Hi đã làm gì để hối cải những tội lỗi của họ? Chúa đã giúp họ hối cải như thế nào? Chúng ta có thể học được điều gì từ tấm gương này?
An Ma 24:20–27
Chúng ta thấy điều gì làm chứng cho lẽ thật trong lời tuyên bố của Mặc Môn: “Như vậy chúng ta thấy rằng Chúa đã thực hiện nhiều cách để cứu rỗi dân Ngài”? (An Ma 24:27).
An Ma 26:2
Gia đình anh chị em sẽ trả lời các câu hỏi của Am Môn trong An Ma 26:2 như thế nào? Anh chị em có thể lập một bảng liệt kê những câu trả lời của họ trên một tờ giấy lớn và treo ở nơi mọi người có thể nhìn thấy nó. Khuyến khích các thành viên gia đình viết thêm vào đó khi họ nghĩ về những phước lành khác mà Thượng Đế đã “ban cho chúng ta.”
An Ma 29:9
Am Môn và An Ma đã là những công cụ như thế nào trong tay Thượng Đế? Cân nhắc nhìn vào những công cụ hoặc dụng cụ trong nhà anh chị em và thảo luận mỗi món đồ đó hữu ích như thế nào cho gia đình mình. Điều này giúp chúng ta hiểu như thế nào về cách mỗi người chúng ta có thể là “một công cụ trong tay Thượng Đế”?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta
Hãy sử dụng các sinh hoạt đa dạng. Việc làm cho đa dạng phương pháp học thánh thư với gia đình có thể giúp các thành viên gia đình hứng thú và muốn tham gia. Ví dụ, sau khi một người đọc một câu thánh thư, thì người đó có thể hỏi các thành viên khác trong gia đình đọc lại bằng lời riêng của họ điều mới vừa được đọc.
Tranh minh họa dân An Ti Nê Phi Lê Hi chôn giấu vũ khí của họ do Dan Burr thực hiện