“Ngày 6–12 tháng Bảy. An Ma 30–31: ‘Hiệu Năng của Lời Thượng Đế,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 6–12 tháng Bảy. An Ma 30–31,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020
Tất Cả Mọi Vật Đều Chứng Tỏ Là Có Thượng Đế (An Ma và Cô Ri Ho), tranh do Walter Rane họa
Ngày 6–12 tháng Bảy
An Ma 30–31
“Hiệu Năng của Lời Thượng Đế”
An Ma làm chứng về “ảnh hưởng mạnh mẽ” của lời Thượng Đế (An Ma 31:5). Trong khi đọc An Ma 30–31, hãy ghi lại những ấn tượng khi anh chị em cảm thấy lời Thượng Đế ảnh hưởng mạnh mẽ đến mình.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Các câu chuyện trong An Ma 30–31 minh họa rõ ràng quyền năng của lời nói—vì điều ác và vì điều thiện. “Những lời phỉnh nịnh” và “khoác lác” của một thầy giảng giả có tên Cô Ri Ho đã đe dọa để dẫn dắt “biết bao người khác đến chỗ hủy diệt” (An Ma 30:31, 47). Tương tự, những lời giảng dạy của một người Nê Phi bội giáo có tên Giô Ram đã đưa toàn thể một nhóm người rơi vào “những lỗi lầm lớn lao” và “làm sai lạc đường lối của Chúa” (An Ma 31:9, 11).
Ngược lại, An Ma có đức tin kiên định rằng lời của Thượng Đế sẽ có “ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trí dân chúng hơn gươm đao, hay bất cứ điều gì khác” (An Ma 31:5)—kể cả những lời của Cô Ri Ho và Giô Ram. Những lời của An Ma đã biểu lộ lẽ thật vĩnh cửu và sử dụng quyền năng của thiên thượng làm Cô Ri Ho câm lặng (xin xem An Ma 30:39–50), và những lời này mang phước lành của thiên thượng đến với những người đi cùng với ông để mang dân Giô Ram trở về với lẽ thật (xin xem An Ma 31:31–38). Đây là những ví dụ quý báu dành cho những người đi theo Đấng Ky Tô ngày nay, khi “những lời khoác lác” và “những lỗi lầm lớn lao” một lần nữa có ảnh hưởng mạnh mẽ lên tâm trí của con người (An Ma 30:31; 31:9). Nhưng chúng ta có thể tìm ra lẽ thật bằng cách tin tưởng, như An Ma, vào “hiệu năng của lời Thượng Đế” (An Ma 31:5).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Một người chống báng Đấng Ky Tô là sao?
Trong An Ma 30:6, Cô Ri Ho được gọi là “người chống báng Đấng Ky Tô.” Một kẻ chống báng Đấng Ky Tô là “người giả mạo đi theo Đấng Ky Tô nhưng thật ra lại chống đối Đấng Ky Tô (1 Giăng 2:18–22; 4:3–6; 2 Giăng 1:7). Theo một nghĩa rộng hơn, là bất cứ người nào hay bất cứ điều gì mà làm giả mạo [phúc âm chân chính hay kế hoạch cứu rỗi] và công khai hoặc kín đáo chống đối Đấng Ky Tô” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Kẻ Chống Lại Đấng Ky Tô”).
Anh chị em nhận thấy những “[điều] giả mạo phúc âm chân chính” nào trên thế gian ngày nay? Ví dụ, Chị Julie B. Beck, cựu Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Trung Ương, đã dạy rằng, “Bất kỳ giáo lý hay nguyên tắc nào [chúng ta] nghe từ thế gian mà chống lại gia đình thì cũng là chống lại Đấng Ky Tô” (“Teaching the Doctrine of the Family,” Ensign, tháng Ba năm 2011, trang 15).
Korihor Confronts Alma (Cô Ri Ho Đối Chất với An Ma), tranh do Robert T. Barrett họa
Sách Mặc Môn có thể giúp tôi kháng cự lại sức ảnh hưởng từ những kẻ cố gắng lừa gạt tôi.
Khi anh chị em đọc An Ma 30:6–31, những điều Cô Ri Ho rao giảng có thể nghe quen thuộc. Đó là bởi vì, như Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy, Sách Mặc Môn tiết lộ và có thể củng cố chúng ta chống lại “các kế hoạch tà ác, các chiến lược, và các giáo lý của quỷ dữ trong thời kỳ của chúng ta. Những người bội giáo trong Sách Mặc Môn cũng tương tự như những người bội giáo chúng ta có ngày nay. Thượng Đế, với sự biết trước vô hạn của Ngài, đã tạo ra Sách Mặc Môn để chúng ta có thể thấy được lỗi lầm và biết cách chống lại những khái niệm giáo dục, chính trị, tôn giáo, và triết học sai lạc của thời đại chúng ta” (Teachings of Presidents of the Church: Ezra Taft Benson, [năm 2014], trang 132).
Cân nhắc lập một bảng liệt kê các giáo lý sai lạc mà Cô Ri Ho đã dạy trong An Ma 30:6–31. Một số hậu quả khi tin vào những lời giảng dạy này là gì? Ví dụ, hậu quả của việc tin rằng “một khi người ta chết là tất cả đều hết” là gì? (An Ma 30:18). Những giáo lý sai lạc nào do Cô Ri Ho giảng dạy tương tự với những giáo lý sai lạc mà anh chị em nhận thấy trên thế gian ngày nay?
Đọc về cuộc đối thoại giữa Cô Ri Ho và An Ma có thể giúp anh chị em chuẩn bị cho những tình huống khi người khác cố gắng lừa gạt mình. Có thể hữu ích khi học An Ma 30:29–60 để hiểu Cô Ri Ho đã bị đánh lừa ra sao (đặc biệt xin xem các câu 52–53). Anh chị em có thể học được điều gì từ phản ứng của An Ma trước những lời giảng dạy của Cô Ri Ho? (xin xem An Ma 30:31–35).
Lời Thượng Đế có quyền năng dẫn dắt dân chúng đến sự ngay chính.
Vấn đề dân Giô Ram tách khỏi dân Nê Phi hay các vấn đề tương tự dường như cần phải có một giải pháp về chính trị hoặc quân sự (xin xem An Ma 31:1–4). Nhưng An Ma đã học cách tin cậy vào “hiệu năng của lời Thượng Đế” (An Ma 31:5). Anh chị em học được điều gì từ An Ma 31:5 về quyền năng của lời Thượng Đế? Anh chị em đã thấy lời Thượng Đế dẫn dắt “dân chúng làm điều chính đáng” như thế nào? (An Ma 31:5). Hãy suy ngẫm về cách mà anh chị em có thể “thử” (dùng hoặc trắc nghiệm) lời Thượng Đế để giúp một người nào đó mình yêu mến.
Để hiểu hơn về phương pháp giải cứu người khác của An Ma, anh chị em có thể so sánh thái độ, cảm nghĩ, và hành động của ông với những người dân Giô Ram, như đã được mô tả trong An Ma 31. Một bảng giống như sau có thể giúp ích. Anh chị em để ý thấy những điểm khác biệt nào? Anh chị em cảm thấy làm thế nào mình có thể trở nên giống An Ma hơn?
Dân Giô Ram |
An Ma |
---|---|
Dân Giô Ram Tin rằng những ai không thuộc nhóm của họ thì bị kết tội xuống địa ngục (An Ma 31:17). | An Ma Tin rằng dân Giô Ram là “đồng bào” của mình và tâm hồn họ thật “quý báu” (An Ma 31:35). |
Dân Giô Ram Trái tim họ chỉ hướng về của cải (An Ma 31:24, 28). | An Ma Mong muốn mang những người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô (An Ma 31:34). |
Dân Giô Ram | An Ma |
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.
An Ma 30:44
Cân nhắc cùng nhau đọc và thảo luận An Ma 30:44 khi anh chị em đi bộ ngoài trời hoặc xem những bức hình về các tạo vật của Thượng Đế. Các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ họ thấy điều gì làm chứng về Thượng Đế. Làm thế nào những điều này—hoặc các kinh nghiệm khác mà chúng ta có—giúp chúng ta biết Thượng Đế có thật?
An Ma 30:56–60
Chúng ta học điều gì từ An Ma 30:56–60 về cách quỷ dữ đối xử với những kẻ theo nó? Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ nhà mình chống lại ảnh hưởng của nó?
An Ma 31:20–38
Sau khi đọc An Ma 31:20–38 với gia đình, anh chị em có thể thảo luận các câu hỏi sau đây: Lời cầu nguyện của An Ma khác thế nào với lời cầu nguyện của dân Giô Ram? Làm thế nào chúng ta có thể noi theo tấm gương của An Ma trong những lời cầu nguyện cá nhân và chung với gia đình?
Các trẻ nhỏ có thể đặt một viên đá dưới gối để giúp chúng nhớ cầu nguyện mỗi sáng và tối. Chúng cũng có thể thích trang trí viên đá của mình.
An Ma 31:23
Chúng ta đang làm điều gì mỗi ngày trong nhà mình để học hỏi và nói về Thượng Đế?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân
Hãy chuẩn bị những môi trường xung quanh mình. “Môi trường xung quanh của chúng ta cũng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng của chúng ta để học tập và cảm nhận lẽ thật” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 15). Hãy thử tìm một nơi để học thánh thư mà sẽ mời gọi ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Âm nhạc làm nâng cao tinh thần và những bức tranh cũng có thể mời Thánh Linh đến.
Đài Ra Mê Um Tôm, tranh do Del Parson họa