Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 21–27 tháng Chín. 3 Nê Phi 12–16: “Ta Là Luật Pháp và Là Sự Sáng”


“Ngày 21–27 tháng Chín. 3 Nê Phi 12–16: ‘Ta Là Luật Pháp và Là Sự Sáng,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 21–27 tháng Chín. 3 Nê Phi 12–16,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Hình Ảnh
Chúa Giê Su chỉ ra Mười Hai Vị Sứ Đồ

Third Nephi: These Twelve Whom I Have Chosen (Sách Ba Nê Phi: Đây Là Mười Hai Người Mà Ta Đã Chọn Lựa), tranh do Gary L. Kapp họa

Ngày 21–27 tháng Chín

3 Nê Phi 12–16

“Ta Là Luật Pháp và Là Sự Sáng”

Có nhiều nguyên tắc được tìm thấy trong 3 Nê Phi 12–16. Một số được nhấn mạnh trong đại cương này, nhưng anh chị em có thể tìm ra những nguyên tắc khác. Hãy để cho Cha Thiên Thượng, qua Thánh Linh Ngài, dạy anh chị em điều anh chị em cần ngay bây giờ.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Giống với các môn đồ của Chúa Giê Su là những người đã quy tụ trên núi ở Ga Li Lê, những người đã quy tụ tại đền thờ ở Phong Phú đã sống theo luật pháp Môi Se. Họ đã tuân theo bởi vì luật đó hướng dẫn tâm hồn họ đến cùng Đấng Ky Tô (xin xem Gia Cốp 4:5), và giờ đây Đấng Ky Tô đứng trước mặt họ, tuyên bố một luật pháp cao hơn. Nhưng ngay cả những người trong chúng ta mà chưa từng sống theo luật pháp Môi Se thì cũng có thể nhận ra rằng tiêu chuẩn mà Chúa Giê Su đặt ra cho các môn đồ của Ngài là một luật pháp cao hơn nhiều. “Ta muốn các ngươi phải được toàn hảo,” Ngài đã tuyên bố như vậy (3 Nê Phi 12:48). Nếu điều này làm anh chị em cảm thấy mình còn thiếu sót, hãy nhớ rằng Chúa Giê Su cũng có phán: “Phước thay cho những ai với tinh thần khốn khó đến cùng ta, vì vương quốc thiên thượng thuộc về những kẻ ấy” (3 Nê Phi 12:3). Luật pháp cao hơn này là một lời mời—một cách khác để nói rằng “Hãy đến cùng ta để được cứu” (3 Nê Phi 12:20). Giống với luật pháp Môi Se, luật pháp này hướng dẫn chúng ta đến với Đấng Ky Tô—Đấng duy nhất có thể cứu và làm cho chúng ta toàn hảo. Ngài phán: “Này, ta là luật pháp và là sự sáng. Hãy hướng về ta và kiên trì đến cùng, rồi các ngươi sẽ sống” (3 Nê Phi 15:9).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

3 Nê Phi 12–14

Những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi chỉ cho tôi cách làm một môn đồ chân chính.

Có nhiều lẽ thật, lời khuyên dạy, và cảnh báo trong 3 Nê Phi 12–14. Sau đây là một cách để học và áp dụng điều Đấng Cứu Rỗi đã dạy trong những chương này: Hãy chọn một nhóm các câu thánh thư, và xem liệu anh chị em có thể tóm tắt điều những câu này dạy bằng một câu bắt đầu với “Những môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô …” Ví dụ, một câu tóm tắt 3 Nê Phi 14:1–5 có thể là “Những môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô không phán xét.” Anh chị em có thể muốn chọn một câu thánh thư từ những chương này mà đặc biệt có ý nghĩa với mình rồi học thuộc lòng câu đó hoặc chép lại và để ở nơi anh chị em sẽ thường xuyên nhìn thấy. Hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể áp dụng điều anh chị em học vào những nỗ lực cá nhân để làm một môn đồ tốt hơn của Chúa Giê Su Ky Tô.

Xin xem thêm Ma Thi Ơ 5–7; Lu Ca 6:20–49.

3 Nê Phi 12:1–2; 15:23–24; 16:1–6

Phước thay cho những ai tin mà không cần thấy.

So với toàn bộ số lượng con cái của Thượng Đế, rất ít người giống như dân chúng tại xứ Phong Phú được trông thấy Đấng Cứu Rỗi và nghe giọng Ngài. Hầu hết chúng ta giống với những người được mô tả trong 3 Nê Phi 12:2; 15:23; và 16:4–6. Những lời hứa nào được ban cho những người như vậy trong các câu này? Những lời hứa này đã được làm tròn như thế nào trong cuộc sống của các anh chị em?

Xin xem thêm Giăng 20:26–29; 2 Nê Phi 26:12–13; An Ma 32:16–18.

3 Nê Phi 12:21–30; 13:1–8, 16–18; 14:21–23

Những việc làm ngay chính là không đủ; tấm lòng tôi cũng phải trong sạch.

Một chủ đề mà anh chị em có thể để ý thấy trong những chương này là lời mời của Đấng Cứu Rỗi để sống theo một luật pháp cao hơn—trở nên ngay chính không chỉ trong những hành động bên ngoài mà còn trong tấm lòng chúng ta. Hãy tìm chủ đề này khi Đấng Cứu Rỗi nói về sự bất hòa (3 Nê Phi 12:21–26), sự vô luân (3 Nê Phi 12:27–30), sự cầu nguyện (3 Nê Phi 13:5–8), và nhịn ăn (3 Nê Phi 13:16–18). Anh chị em có thể tìm ra những ví dụ nào khác nữa? Anh chị em có thể làm gì để làm thanh khiết tấm lòng mình thay vì chỉ tập trung vào những hành động bên ngoài?

3 Nê Phi 14:7–11

Nếu tôi tìm “những vật tốt” từ Cha Thiên Thượng, thì tôi sẽ nhận được.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Thượng Đế có thật sự muốn phán bảo với các anh chị em không? Có chứ! … Ôi, có rất nhiều điều hơn nữa mà Cha Thiên Thượng muốn anh chị em biết được” (“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 95). Khi anh chị em đọc lời mời của Chúa trong 3 Nê Phi 14:7–11 để xin, tìm, và gõ cửa, hãy suy ngẫm xem Ngài muốn anh chị em xin “những vật tốt” gì. Các câu thánh thư bổ sung sau đây có thể giúp anh chị em hiểu cách xin, tìm, và gõ cửa. Các câu này cũng giúp giải thích lý do tại sao một số lời cầu nguyện không được đáp ứng theo cách anh chị em mong đợi: Ê Sai 55:8–9; Hê La Man 10:5; Mô Rô Ni 7:26–27, 33, 37; và Giáo Lý và Giao Ước 9:7–9.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

3 Nê Phi 12:48

Làm thế nào sứ điệp của Anh Cả Jeffrey R. Holland, “Thế Thì Cuối Cùng—Các Ngươi Hãy Nên Trọn Vẹn” (Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 40–42) giúp chúng ta hiểu những lời của Đấng Cứu Rỗi trong câu này? Anh chị em cũng có thể tìm được sự trợ giúp trong Mô Rô Ni 10:32–33.

3 Nê Phi 12:9, 38–42; 14:3–5, 12

Những câu này có thể áp dụng như thế nào vào cách mọi người trong gia đình tương tác với nhau? Gia đình của anh chị em có thể cùng nhau đặt ra một số mục tiêu để sống theo những nguyên tắc này một cách thành tín hơn.

3 Nê Phi 13:19–21

Các câu này có thể gợi ra một cuộc thảo luận về những gì gia đình anh chị em trân quý. Có những của cải nào trên thế gian mà đang ngăn không cho anh chị em tích trữ của cải trên trời không? Anh chị em có thể củng cố ý này bằng cách hướng dẫn gia đình chơi trò tìm kho báu để tìm ra những thứ trong nhà mà nhắc nhở mọi người về các báu vật có giá trị vĩnh cửu.

3 Nê Phi 14:7–11

Trẻ nhỏ có lẽ thích một trò chơi, được soi dẫn bởi 3 Nê Phi 14:8–9, theo đó chúng hỏi xin một vật gì đó và nhận được một thứ hoàn toàn khác. Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta biết gì về Cha chúng ta trên Trời khi Ngài chia sẻ ví dụ này?

3 Nê Phi 14:15–20

“Trái tốt” nào giúp chúng ta biết rằng Joseph Smith, hoặc vị Chủ Tịch Giáo Hội hiện tại, là một vị tiên tri thực sự?

3 Nê Phi 14:24–27

Hãy nghĩ về những cách thức anh chị em có thể giúp gia đình mình hình dung câu chuyện ngụ ngôn trong các câu này. Có lẽ mọi người trong nhà có thể vẽ tranh, làm động tác, hoặc xây một cái gì đó trên nền chắc chắn và trên nền cát.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Sử dụng các bài học dùng đồ vật. Đấng Cứu Rỗi dạy những lẽ thật sâu sắc bằng cách liên hệ đến các đồ vật quen thuộc. Anh chị em có thể làm tương tự khi gia đình anh chị em đọc 3 Nê Phi 12–16. Ví dụ, trong khi đọc chương 12, anh chị em có thể cho thấy muối, một cái đèn cầy, và một cái áo khoác. Đây cũng có thể đưa đến một sinh hoạt ôn tập tốt. Sau khi anh chị em đọc những chương này, hãy trưng ra các đồ vật lần nữa, và hỏi mọi người xem Đấng Cứu Rỗi đã dạy gì về mỗi vật này.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su dạy bảo dân Nê Phi

The Savior’s Visit to the People in America (Đấng Cứu Rỗi Đến Thăm Người Dân tại Châu Mỹ), tranh do Glen S. Hopkinson họa

In