Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 28 tháng Chín–Ngày 11 tháng Mười. 3 Nê Phi 17–19: “Này, Sự Vui Mừng của Ta Thật Là Trọn Vẹn”


“Ngày 28 tháng Chín–Ngày 11 tháng Mười. 3 Nê Phi 17–19: ‘Này, Sự Vui Mừng của Ta Thật Là Trọn Vẹn,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 28 tháng Chín–Ngày 11 tháng Mười. 3 Nê Phi 17–19,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô hiện ra cùng dân Nê Phi

The Light of His Countenance Did Shine upon Them (Ánh Hào Quang trên Nét Mặt Ngài Chiếu Sáng Họ), tranh do Gary L. Kapp họa

Ngày 28 tháng Chín–Ngày 11 tháng Mười

3 Nê Phi 17–19

“Này, Sự Vui Mừng của Ta Thật Là Trọn Vẹn”

Trong khi các chương trước trong 3 Nê Phi tập trung chủ yếu vào những lời của Đấng Cứu Rỗi, các chương 17–19 mô tả giáo vụ và những lời của Ngài giữa dân chúng. Khi anh chị em đọc những chương này, Thánh Linh dạy gì cho anh chị em về Đấng Cứu Rỗi?

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Chúa Giê Su Ky Tô chỉ mới dành một ngày phục sự tại vùng đất Phong Phú, giảng dạy phúc âm Ngài, cho dân chúng một cơ hội thấy và sờ những vết đinh trên cơ thể được phục sinh của Ngài, và làm chứng rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi đã được hứa. Và bây giờ đã đến lúc Ngài rời đi. Ngài cần phải quay về với Cha Ngài, và Ngài biết rằng dân chúng cần thời gian để suy ngẫm điều Ngài đã dạy. Vì thế, sau khi hứa sẽ trở lại vào ngày hôm sau, Ngài cho đám đông dân chúng trở về nhà họ. Nhưng không một ai rời đi. Họ đã không nói ra cảm nghĩ của họ, nhưng Chúa Giê Su có thể cảm nhận được: họ hy vọng Ngài sẽ “ở nán lại với họ lâu hơn chút nữa” (3 Nê Phi 17:5). Ngài có những việc quan trọng khác phải làm, nhưng cơ hội để cho thấy lòng cảm thông không luôn luôn đến vào thời điểm thuận tiện, vì vậy Chúa Giê Su đã ở lại với dân chúng lâu hơn chút nữa. Điều xảy ra tiếp theo sau có lẽ là một ví dụ đẹp nhất về sự phục sự được ghi lại trong thánh thư. Những ai đã hiện diện ở đó chỉ có thể nói đó là những sự việc không thể diễn tả nổi (xin xem 3 Nê Phi 17:16–17). Đích thân Chúa Giê Su đã tóm tắt sự biểu lộ thuộc linh dồi dào không chuẩn bị trước này bằng những lời giản dị sau: “Này, sự vui mừng của ta thật là trọn vẹn” (3 Nê Phi 17:20).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

3 Nê Phi 17

Đấng Cứu Rỗi là tấm gương hoàn hảo cho tôi về việc phục sự.

Chúng ta biết rằng có khoảng 2.500 người (xin xem 3 Nê Phi 17:25) đã có mặt trong lần viếng thăm thứ nhất của Đấng Ky Tô, như đã được ghi lại trong 3 Nê Phi 11–18. Mặc dù vậy Đấng Cứu Rỗi đã tìm được một cách phục sự từng người họ. Anh chị em học được điều gì về việc phục sự từ tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong chương này? Ngài đã phục sự cho những nhu cầu nào? Hãy suy ngẫm cách mà tấm gương của Ngài có thể giúp anh chị em phục sự người khác.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su ban phước cho các trẻ em Nê Phi

Behold Your Little Ones (Hãy Nhìn Xem Các Con Trẻ của Các Ngươi), tranh do Gary L. Kapp họa

3 Nê Phi 17:13–22; 18:15–25; 19:6–9, 15–36

Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta cách cầu nguyện.

Hãy tưởng tượng sẽ như thế nào nếu được nghe Đấng Cứu Rỗi cầu nguyện cho anh chị em. Ngài sẽ nói gì thay cho anh chị em? Những lời giảng dạy và cầu nguyện trong những chương này có thể gợi ý cho anh chị em. Trong khi học, thì anh chị em học được điều gì từ tấm gương của Đấng Ky Tô mà có thể làm cho những lời cầu nguyện riêng của anh chị em thêm ý nghĩa? Anh chị em đã thấy những phước lành nào đến từ lời cầu nguyện trong cuộc sống mình?

3 Nê Phi 18:1–12

Tôi có thể được no đủ về mặt thuộc linh khi tôi dự phần Tiệc Thánh.

Trong khi đọc 3 Nê Phi 18:1–12, hãy suy ngẫm xem làm thế nào việc dự phần Tiệc Thánh có thể giúp anh chị em được “đầy đủ” về mặt thuộc linh (3 Nê Phi 18:3–5, 9; xin xem thêm 3 Nê Phi 20:1–9). Ví dụ, anh chị em có thể lập một bản liệt kê những câu hỏi để gợi sự suy ngẫm cá nhân khi dự phần Tiệc Thánh, như là “Tôi cảm thấy như thế nào về Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh Ngài dành cho tôi?” “Sự hy sinh của Ngài ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của tôi như thế nào?” hoặc “Tôi đang làm gì tốt với tư cách là một môn đồ, và tôi có thể cải thiện điều gì?”

Những lời này từ Chủ Tịch Henry B. Eyring có thể giúp anh chị em suy ngẫm về một phương cách mà lễ Tiệc Thánh có thể giúp anh chị em no đủ về mặt thuộc linh: “Khi các anh chị em kiểm điểm cuộc sống của mình trong thời gian giáo lễ Tiệc Thánh, tôi hy vọng rằng những ý nghĩ của các anh chị em không những tập trung vào những điều các anh chị em đã làm sai mà còn vào những điều mà các anh chị em đã làm đúng nữa—những giây phút mà các anh chị em cảm thấy rằng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi đã hài lòng với các anh chị em. Các anh chị em còn có thể dành ra một giây phút trong thời gian Tiệc Thánh để cầu xin Thượng Đế giúp các anh chị em thấy được những điều đó. … Khi tôi đã làm điều này rồi, thì Thánh Linh đã cam đoan với tôi rằng mặc dù tôi chưa được hoàn hảo nhưng con người của tôi hôm nay tốt hơn con người của tôi ngày hôm qua. Và điều này mang đến cho tôi sự tin tưởng rằng, nhờ vào Đấng Cứu Rỗi, nên con người của tôi có thể còn tốt hơn vào ngày mai nữa” (“Luôn Luôn Tưởng Nhớ Tới Ngài,” Liahona, tháng Hai năm 2018, trang 5).

3 Nê Phi 18:36–37; 19:6–22

Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô tìm kiếm ân tứ Đức Thánh Linh.

Hãy nghĩ về một lời cầu nguyện anh chị em dâng lên mới đây. Những lời cầu nguyện của anh chị em dạy cho anh chị em điều gì về những ước muốn sâu xa nhất của mình? Sau khi dành một ngày ở trong sự hiện diện của Đấng Cứu Rỗi, dân chúng “cầu xin điều mà họ mong muốn nhất”—ân tứ Đức Thánh Linh (3 Nê Phi 19:9). Khi anh chị em đọc những đoạn này, hãy suy ngẫm ước muốn của riêng mình về sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Anh chị em học được gì về việc tìm kiếm sự đồng hành của Đức Thánh Linh?

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

3 Nê Phi 17

Khi anh chị em đọc chương này cùng gia đình, hãy cân nhắc ngừng lại nhiều lần để mời gia đình tưởng tượng việc trực tiếp trải qua những sự kiện này. Ví dụ, anh chị em có thể đặt những câu hỏi như: “Mọi người sẽ mang nỗi đau đớn nào đến với Đấng Cứu Rỗi để được chữa lành?” “Mọi người sẽ muốn Ngài cầu nguyện điều gì cho mình?” hoặc “Mọi người muốn Ngài ban phước cho người thân yêu nào?” Việc đọc chương này cũng có thể soi dẫn cho anh chị em cầu nguyện cho các thành viên trong gia đình, từng người một, như điều Chúa Giê Su đã làm.

3 Nê Phi 18:1–12

Được “đầy đủ” bằng cách dự phần Tiệc Thánh có nghĩa là gì, và làm thế nào chúng ta có được điều đó? Chúng ta học được điều gì từ các câu 5–7 về lý do tại sao Chúa Giê Su ban cho chúng ta giáo lễ Tiệc Thánh?

3 Nê Phi 18:17–21

Chúng ta học được điều gì từ những câu này về mục đích của lời cầu nguyện? Làm thế nào chúng ta có thể gia tăng quyền năng thuộc linh trong lời cầu nguyện của mình, cả về mặt cá nhân lẫn chung gia đình?

3 Nê Phi 18:25; 19:1–3

Gia đình chúng ta đã có được kinh nghiệm gì qua phúc âm khiến chúng ta mong muốn mọi người xung quanh cũng có được? Làm thế nào chúng ta có thể làm theo tấm gương của dân chúng trong các câu này và “ làm việc hết mình” (3 Nê Phi 19:3) để mang người khác đến với Đấng Ky Tô, để họ cũng có thể “rờ và thấy được” (3 Nê Phi 18:25) điều chúng ta tìm thấy trong phúc âm?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy để Thánh Linh hướng dẫn việc học tập của anh chị em. Đức Thánh Linh có thể hướng dẫn anh chị em đến những điều anh chị em cần phải học mỗi ngày. Hãy nhạy bén với những thúc giục của Ngài, thậm chí khi chúng dường như gợi ý cho anh chị em đọc một đề tài khác hoặc học theo một cách khác với cách anh chị em thường làm. Ví dụ, khi anh chị em đọc về Tiệc Thánh trong 3 Nê Phi 18, Thánh Linh có thể gợi ý anh chị em dành nhiều thời gian cho đề tài đó hơn so với hoạch định.

Hình Ảnh
các thiên sứ vây quanh Chúa Giê Su và các trẻ nhỏ người Nê Phi

They Saw the Heavens Open (Họ Thấy Các Tầng Trời Mở Ra), tranh do Walter Rane họa

In