Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 19–25 tháng Mười. 3 Nê Phi 27–4 Nê Phi: “Chẳng Có Một Dân Tộc Nào Được Hạnh Phúc Hơn”


“Ngày 19–25 tháng Mười. 3 Nê Phi 27–4 Nê Phi: ‘Chẳng Có Một Dân Tộc Nào Được Hạnh Phúc Hơn,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 19–25 tháng Mười. 3 Nê Phi 27–4 Nê Phi,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Chúa Giê Su cầu nguyện với dân Nê Phi

Christ’s Prayer (Lời Cầu Nguyện của Đấng Ky Tô), tranh do Derek Hegsted họa

Ngày 19–25 tháng Mười

3 Nê Phi 274 Nê Phi

“Chẳng Có Một Dân Tộc Nào Được Hạnh Phúc Hơn”

Chúa truyền lệnh cho các môn đồ Ngài phải viết xuống những kinh nghiệm họ đã trải qua (xin xem 3 Nê Phi 27:23–24). Trong khi học, anh chị em hãy viết xuống những kinh nghiệm thuộc linh mà anh chị em có.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ là một triết lý đẹp để nghiền ngẫm. Hơn cả vậy—những lời đó là nhằm thay đổi cuộc đời chúng ta. Sách 4 Nê Phi cung cấp một ví dụ đáng kinh ngạc về điều đó, khi minh họa cách mà phúc âm của Đấng Cứu Rỗi có thể hoàn toàn làm biến chuyển cả một dân tộc. Theo sau giáo vụ ngắn của Chúa Giê Su, hàng thế kỷ đấu tranh giữa dân Nê Phi và dân La Man đã đi đến hồi kết. Hai dân tộc nổi tiếng vì mối bất đồng và tính kiêu ngạo đã trở thành “một, đều là con cái của Đấng Ky Tô” (4 Nê Phi 1:17), và họ bắt đầu “xem mọi vật là của chung” (4 Nê Phi 1:3). “Tình thương yêu của Thượng Đế đã ở trong lòng mọi người dân,” và “chẳng có một dân tộc nào trong tất cả những dân tộc do bàn tay Thượng Đế tạo ra mà được hạnh phúc hơn dân này” (4 Nê Phi 1:15–16). Đây là cách mà những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi đã thay đổi dân Nê Phi và dân La Man. Những lời của Ngài đang làm anh chị em thay đổi như thế nào?

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

3 Nê Phi 27:1–12

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được gọi bằng danh Ngài.

Khi các môn đồ của Đấng Cứu Rỗi bắt đầu thiết lập Giáo Hội của Ngài trên khắp vùng, một câu hỏi xuất hiện, mà với một số người, nó dường như không quan trọng—tên của Giáo Hội nên là gì? (Xin xem 3 Nê Phi 27:1–3). Anh chị em học gì về tầm quan trọng của cái tên này từ câu trả lời của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 27:4–12? Vào năm 1838 Chúa đã mặc khải tên của Giáo Hội Ngài ngày nay (xin xem GLGƯ 115:4). Hãy suy ngẫm từng từ trong cái tên đó. Làm thế nào những từ này giúp chúng ta biết được chúng ta là ai, chúng ta tin điều gì, và cách mà chúng ta nên hành động?

Xin xem thêm Russell. M. Nelson, “Tên Đúng của Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 87–80; M. Russell Ballard, “Tầm Quan Trọng của một Danh Xưng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 79–82.

3 Nê Phi 28:1–11

Khi tôi làm thanh khiết những ước muốn của mình, tôi trở nên một môn đồ trung tín hơn.

Anh chị em sẽ nói gì nếu Đấng Cứu Rỗi hỏi anh chị em, giống như đã hỏi các môn đồ Ngài: “Các ngươi muốn xin ta điều gì?” (3 Nê Phi 28:1). Hãy nghĩ về điều này khi anh chị em đọc về kinh nghiệm mà các môn đồ của Đấng Cứu Rỗi có trong 3 Nê Phi 28:1–11. Anh chị em học được điều gì về những ước muốn từ tấm lòng của các môn đồ qua cách họ trả lời câu hỏi của Ngài? Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy rằng: “Để đạt được vận mệnh vĩnh cửu của mình, chúng ta sẽ ước muốn và làm việc nhằm đạt được những đức tính cần thiết để trở thành một con người vĩnh cửu. … Chúng ta sẽ mong muốn hơn hết được giống như [Chúa Giê Su Ky Tô]” (“Ước Muốn,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 44–45). Anh chị em có thể làm gì để cho những ước muốn trong lòng mình được ngay chính hơn? (Để có thêm thông tin về “sự thay đổi về thể xác” của ba môn đồ, xin xem 3 Nê Phi 28:37 và “Chuyển Hóa, Những Người Được,” Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, scriptures.ChurchofJesusChrist.org.)

4 Nê Phi 1:1–18

Sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài dẫn đến sự đoàn kết và hạnh phúc.

Anh chị em có thể tưởng tượng cuộc sống trong những năm theo sau cuộc viếng thăm của Đấng Cứu Rỗi là như thế nào không? Làm thế nào dân chúng đã duy trì được sự bình an thiêng liêng này lâu đến vậy—gần 200 năm? Trong khi học 4 Nê Phi 1:1–18, hãy cân nhắc đánh dấu hoặc ghi chú lại những sự lựa chọn của dân chúng để có thể có được cuộc sống được ban phước này.

Hãy suy ngẫm điều anh chị em có thể làm để giúp gia đình mình, tiểu giáo khu, hoặc cộng đồng sống đoàn kết hơn và hạnh phúc hơn, giống như dân chúng trong 4 Nê Phi. Anh chị em có thể sống trọn vẹn hơn theo những lời giảng dạy nào của Chúa Giê Su Ky Tô để đạt được mục tiêu này? Anh chị em có thể làm gì để giúp người khác hiểu và sống theo những lời giảng dạy này?

4 Nê Phi 1:19–49

Sự tà ác đưa đến chia rẽ và đau khổ.

Đáng buồn thay, xã hội Si Ôn được mô tả trong 4 Nê Phi (xin xem thêm Môi Se 7:18) cuối cùng lại tan rã. Trong khi đọc 4 Nê Phi 1:19–49, anh chị em hãy tìm những thái độ và hành vi khiến cho xã hội này sụp đổ. Anh chị em có thấy bất kỳ dấu hiệu nào của những thái độ và hành vi này nơi bản thân mình không?

 

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

3 Nê Phi 27:13–21

Những câu thánh thư này có thể giúp mọi người trong gia đình hiểu thêm ý của Đấng Cứu Rỗi khi Ngài nói đến “phúc âm của ta.” Sau khi đọc và thảo luận những câu này, anh chị em có thể yêu cầu từng người tóm tắt xem phúc âm là gì trong một câu.

3 Nê Phi 27:23–26

Chúng ta đang ghi chép những điều mình đã “thấy và nghe” như thế nào—với tư cách cá nhân hay như là cả một gia đình? Tại sao việc lưu giữ những sự việc thuộc linh lại quan trọng?

3 Nê Phi 27:30–31

Để giúp các thành viên gia đình hiểu được niềm vui mà Đấng Cứu Rỗi đã mô tả trong những câu này, anh chị em có thể chơi một trò chơi bằng cách cho mọi người đi trốn và một người khác trong gia đình phải cố gắng tìm ra họ. Trò chơi này có thể dẫn đến cuộc trò chuyện về lý do tại sao việc tìm ra mỗi thành viên gia đình lại quan trọng để mà “không một ai trong bọn họ bị lạc lối.” Làm thế nào chúng ta có thể giúp những người trong gia đình mình được vững mạnh trong phúc âm hoặc quay trở lại nếu họ đã rời bỏ phúc âm?

3 Nê Phi 28:17–18, 36–40

Chúng ta có thể học được điều gì từ tấm gương của Mặc Môn khi ông không hiểu mọi điều về sự thay đổi đã xảy ra cho ba môn đồ người Nê Phi? Chúng ta có thể làm gì khi không hiểu trọn vẹn một nguyên tắc phúc âm? Chủ Tịch Uchtdorf đã dạy: “Thượng Đế quan tâm đến các anh chị em. Ngài sẽ lắng nghe và Ngài sẽ trả lời các câu hỏi cá nhân của các anh chị em. Những câu trả lời cho những lời cầu nguyện của các anh chị em sẽ đến theo cách của Ngài và trong kỳ định của Ngài, và do đó, các anh chị em cần phải học cách lắng nghe tiếng nói của Ngài” (“Nhận Được một Chứng Ngôn về Ánh Sáng và Lẽ Thật,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 21).

4 Nê Phi 1:15

Để giảm bớt mối bất đồng trong nhà anh chị em, có lẽ các thành viên nên đặt một mục tiêu để yêu thương lẫn nhau nhiều hơn trong tuần này. Đến cuối tuần, hãy cùng nhau ôn lại sự tiến triển của mình và thảo luận xem việc cho thấy nhiều tình yêu thương hơn đã ảnh hưởng gia đình anh chị em như thế nào.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy tìm kiếm sự mặc khải hằng ngày. Sự mặc khải thường đến “từng hàng chữ một” (2 Nê Phi 28:30). Khi anh chị em suy ngẫm các câu thánh thư mình đang học, các ý kiến và ấn tượng có thể đến với anh chị em trong suốt ngày. Đừng nghĩ về học phúc âm như một việc anh chị em phải “dành thời gian ra để làm” mà hãy nghĩ đến một điều anh chị em luôn luôn làm” (xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 12).

Chúa Giê Su phán cùng ba môn đồ người Nê Phi

Christ with Three Nephite Disciples (Đấng Ky Tô và Ba Môn Đồ Người Nê Phi), tranh do Gary L. Kapp họa