“Ngày 11–17 tháng Hai. Giăng 2–4: ‘Các Ngươi Phải Được Tái Sinh’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (năm 2019)
“Ngày 11–17 tháng Hai. Giăng 2–4,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019
Ngày 11–17 tháng Hai
Giăng 2–4
“Các Ngươi Phải Được Tái Sinh”
Khi anh chị em đọc Giăng 2–4, Thánh Linh sẽ dạy cho anh chị em về sự cải đạo của riêng anh chị em. Hãy ghi lại những sự thúc giục của Ngài. Anh chị em có thể tìm thấy thêm những hiểu biết sâu sắc về mặt thuộc linh từ những ý kiến học tập trong đại cương này.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Trong một lễ cưới tại Ca Na, Đấng Ky Tô đã biến nước thành rượu —một sự kiện mà Giăng gọi là “phép lạ thứ nhất” (Giăng 2:11). Điều đó đúng trong hơn một khía cạnh: mặc dù đó là phép lạ thứ nhất Chúa Giê Su đã thực hiện trước công chúng, nhưng đó có thể cũng tượng trưng cho một phép lạ thứ nhất khác—tiến trình mà lòng chúng ta đang được thay đổi khi chúng ta trở nên giống Đấng Cứu Rỗi hơn bao giờ hết. Phép lạ này của cả cuộc đời bắt đầu với quyết định để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, để thay đổi và sống một cuộc sống tốt hơn qua Ngài. Cuối cùng, sự thay đổi này có thể trở nên trọn vẹn đến mức việc trở nên “tái sinh” là một trong những cách tốt nhất để mô tả nó (Giăng 3:7). Nhưng sự tái sinh chỉ là khởi đầu của con đường làm môn đồ. Những lời của Đấng Ky Tô nói với người đàn bà Sa Ma Ri bên giếng nước nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta tiếp tục đi trên con đường này, thì cuối cùng phúc âm sẽ trở thành “một mạch nước” bên trong chúng ta, “văng ra cho đến sự sống đời đời” (Giăng 4:14).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân
Quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô có thể thay đổi tôi.
Khi anh chị em đọc về việc Đấng Cứu Rỗi biến nước thành rượu trong Giăng 2:1–11, anh chị em đạt được sự hiểu biết sâu sắc nào về quyền năng của Đấng Ky Tô để thay đổi mình?
Anh chị em có thể đạt được thêm sự hiểu biết sâu sắc bằng cách cân nhắc những quan điểm của những người khác mà đã ở đó, ví dụ như Ma Ri, các môn đồ, và những người khác. Làm thế nào những người này có thể đã trải qua phép lạ? Anh chị em có thể so sánh điều mình học được về các phép lạ trong các câu này với điều Chúa Giê Su Ky Tô dạy Ni Cô Đem (xin xem Giăng 3:1–8) và người đàn bà tại giếng nước (xin xem Giăng 4:3–26).
Tôi cần phải được tái sinh để bước vào vương quốc của Thượng Đế.
Khi Ni Cô Đem gặp riêng Chúa Giê Su, ông là một người quan sát rất thận trọng. Sau đó, tuy nhiên, ông đã công khai bảo vệ Chúa Giê Su (xin xem Giăng 7:45–52) và tham gia cùng những người tin tại mộ phần của Đấng Cứu Rỗi (xin xem Giăng 19:38–40). Anh chị em tìm thấy những lời giảng dạy nào trong Giăng 3:1–21 mà có thể đã soi dẫn Ni Cô Đem để noi theo Chúa Giê Su và được tái sinh?
Tiên Tri Joseph Smith dạy rằng: “Việc được sinh lại đến từ Thánh Linh của Thượng Đế qua các giáo lễ” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 104). Phép báp têm (“nhờ nước mà sanh” [Giăng 3:5]) và lễ xác nhận (nhờ “Thánh Linh” mà sanh) của anh chị em [Giăng 3:5] đóng vai trò gì trong việc được tái sinh? Anh chị em đang làm gì để tiếp tục tiến trình thay đổi này? (xin xem An Ma 5:11–14).
Xin xem thêm Mô Si A 5:7; 27:25–26; David A. Bednar, “Các Ngươi Phải Được Tái Sinh,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 19–22.
Cha Thiên Thượng cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho tôi qua Chúa Giê Su Ky Tô.
Anh Cả Jeffrey R. Holland dạy: “Lẽ thật lớn đầu tiên liên quan đến vĩnh cửu là Thượng Đế yêu thương chúng ta với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh của Ngài” (“Ngày Mai Đức Giê Hô Va Sẽ Làm Những Việc Lạ Lùng Giữa Các Ngươi,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 127). Anh chị em đã cảm thấy tình yêu thương của Thượng Đế qua ân tứ của Vị Nam Tử của Ngài như thế nào?
Tiệc Thánh cung cấp một thời gian để ngẫm nghĩ về tình yêu thương của Thượng Đế và ân tứ của Vị Nam Tử của Ngài. Bài thánh ca nào giúp anh chị em cảm thấy tình yêu thương này? Cân nhắc việc cùng nhau hát bài “Lòng Cảm Kích Vô Cùng” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 22). Anh chị em có thể làm gì để làm cho Tiệc Thánh có ý nghĩa hơn?
Thượng Đế có phải là một Linh Hồn không?
Một số người có thể cảm thấy bối rối bởi lời phán của Chúa Giê Su rằng Thượng Đế là một linh hồn. Bản Dịch của Joseph Smith về câu này mang đến một sự diễn tả quan trọng: “Vì đối với những người như vậy, Thượng Đế đã hứa ban cho Thánh Linh của Ngài” (trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, Bản Dịch Joseph Smith, Giăng 4:24). Điều mặc khải hiện đại cũng dạy rằng Thượng Đế có một thể xác bằng xương và thịt (xin xem GLGƯ 130:22–23; xin xem thêm Sáng Thế Ký 5:1–3; Hê Bơ Rơ 1:1–3).
Đấng Ky Tô ban cho tôi nước sự sống của Ngài.
Chúa Giê Su có thể đã có ý gì khi Ngài nói với người đàn bà Sa Ma Ri rằng người nào uống nước sự sống mà Ngài ban cho sẽ không bao giờ khát nữa? Phúc âm giống với nước sự sống như thế nào?
Một trong các sứ điệp Đấng Cứu Rỗi đưa ra cho người đàn bà Sa Ma Ri là cách chúng ta thờ phượng thì quan trọng hơn là nơi chúng ta thờ phượng (xin xem Giăng 4:21–24). Anh chị em đang làm gì để “lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha”? (Giăng 4:23).
Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Thờ Phượng”; Dean M. Davies, “Các Phước Lành của Sự Thờ Phượng,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 93–95.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:
Khi gia đình anh chị em đọc các chương này tuần này, hãy đặc biệt chú ý đến cách Đấng Cứu Rỗi sử dụng những sự việc thường ngày—sự sinh sản, gió, nước, và thức ăn—để giảng dạy các lẽ thật thuộc linh. Anh chị em có thể sử dụng những thứ nào trong nhà để giảng dạy các lẽ thật thuộc linh?
Khi anh chị em tránh những thứ mà sẽ làm cho nhà của mình dơ bẩn về mặt vật chất lẫn thuộc linh, nó có thể trở thành một nơi thiêng liêng—giống như đền thờ. Anh chị em cần phải tránh điều gì xâm nhập vào nhà mình để nhà mình trở thành một nơi thiêng liêng? Anh chị em sẽ làm gì để tránh cho những điều này xâm nhập vào nhà mình?
Yêu cầu những người trong gia đình nghĩ về phép lạ của sự mang thai và sinh con—tiến trình sáng tạo ra một cơ thể sống, chuyển động, và thông minh. Đấng Ky Tô dạy rằng chúng ta cần phải được tái sinh trước khi bước vào vương quốc của Thượng Đế. Tại sao sự tái sinh là một phép ẩn dụ tốt cho sự thay đổi đòi hỏi nơi chúng ta trước khi chúng ta có thể bước vào vương quốc của Thượng Đế? Chúng ta đã trải qua tiến trình tái sinh về mặt thuộc linh như thế nào?
Mời những người trong gia đình nói lại câu này bằng lời riêng của họ như thể họ đang giải thích nó cho một người bạn. Làm thế nào Đấng Ky Tô đã giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế trong cuộc sống của mình?
Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta điều gì khi Ngài so sánh phúc âm của Ngài với nước sự sống? Cân nhắc việc giơ lên một ly nước và hỏi gia đình mình mô tả những tính chất của nước. Tại sao chúng ta cần phải uống nước mỗi ngày? Tại sao Chúa Giê Su Ky Tô có thể đã so sánh phúc âm của Ngài với “một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời”? (Giăng 4:14).
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.