“Ngày 15–21 tháng Tư. Lễ Phục Sinh: ‘Hỡi Sự Chết, Cái Nọc Của Mầy Ở Đâu?’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)
“Ngày 15–21 tháng Tư. Lễ Phục Sinh,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019
Ngày 15–21 tháng Tư
Lễ Phục Sinh
“Hỡi Sự Chết, Cái Nọc Của Mầy Ở Đâu?”
Khi anh chị em đọc các chứng ngôn về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi trong đại cương này, hãy ghi xuống những cảm nghĩ và ấn tượng đến với anh chị em từ Đức Thánh Linh.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Trong tuần cuối cùng của cuộc đời Đấng Cứu Rỗi, nhiều người Do Thái xung quanh Ngài tham gia vào các truyền thống của Lễ Vượt Qua. Họ chuẩn bị các món ăn, hát những bài hát, và tụ tập với nhau để tưởng nhớ tới sự giải thoát của gia tộc Y Sơ Ra Ên khỏi cảnh nô lệ cho dân Ai Cập. Các gia đình lắng nghe câu chuyện kể về thiên sứ hủy diệt vượt qua nhà của tổ tiên họ là những người đã đánh dấu cửa nhà họ bằng máu của chiên con. Bất chấp tất cả những kiểu ăn mừng chứa đựng quá nhiều biểu tượng về sự giải thoát, tương đối ít người nhận thức được rằng Chúa Giê Su Ky Tô, Chiên Con của Thượng Đế, đang chuẩn bị giải cứu họ khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi và cái chết—thông qua nỗi thống khổ của Ngài, cái chết, và Sự Phục Sinh của Ngài. Mặc dù vậy, có những người nhận ra Chúa Giê Su là Đấng Mê Si đã được hứa của họ, Đấng Giải Cứu vĩnh cửu của họ. Từ ngày đó trở đi, các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đã làm chứng với toàn thể thế gian “là Đấng [Ky Tô] chịu chết vì tội chúng ta … ; và Ngài đã bị chôn, và đến ngày thứ ba, Ngài sống lại” (1 Cô Rinh Tô 15:3–4).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân
Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng để giúp tôi khắc phục tội lỗi, cái chết, thử thách, và yếu kém.
Một cách để tập trung vào các phước lành của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi tuần này là dành thời gian mỗi ngày để đọc về tuần cuối cùng của cuộc đời của Chúa Giê Su (một lịch trình để đọc có kèm theo dưới đây). Anh chị em tìm thấy điều gì trong các chương này mà giúp anh chị em cảm thấy tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi? Anh chị em học được điều gì về quyền năng của Ngài để giải thoát mình khỏi tội lỗi và cái chết? Anh chị em học được điều gì về việc kiên trì chịu đựng những thử thách và khắc phục những yếu kém? Anh chị em đang vận dụng đức tin nơi quyền năng giải cứu của Ngài như thế nào?
-
Chủ Nhật: Vào thành Giê Ru Sa Lem đắc thắng (Ma Thi Ơ 21:6–11)
-
Thứ Hai: Tẩy sạch đền thờ (Ma Thi Ơ 21:12–16)
-
Thứ Ba: Giảng dạy ở Giê Ru Sa Lem (Ma Thi Ơ 21–23)
-
Thứ Tư: Tiếp tục giảng dạy (Ma Thi Ơ 24–25)
-
Thứ Năm: Lễ Vượt Qua và Nỗi Thống Khổ của Đấng Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê (Ma Thi Ơ 26)
-
Thứ Sáu: Thử thách, sự bị đóng đinh trên thập tự giá, và sự chôn cất (Ma Thi Ơ 27:1–61)
-
Thứ Bảy: Xác của Đấng Ky Tô ở trong ngôi mộ (Ma Thi Ơ 27:62–66) trong khi linh hồn của Ngài phục sự trong thế giới linh hồn (GLGƯ 138)
-
Chủ Nhật: Sự hiện đến của Đấng Ky Tô phục sinh (Ma Thi Ơ 28:1–10)
Ma Thi Ơ 28:1–10; Lu Ca 24:13–35; Giăng 20:19–29; 1 Cô Rinh Tô 15:1–8, 55
Nhiều nhân chứng làm chứng về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô.
Hãy tưởng tượng sẽ ra sao đối với các môn đồ để chứng kiến Chúa Giê Su bị chế nhạo, ngược đãi, và bị treo lên thập tự giá. Họ đã làm chứng về quyền năng của Ngài, cảm nhận được sự thật của những lời giảng dạy của Ngài, và tin tưởng rằng Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Làm chứng về cái chết của Ngài có thể là một thử thách về đức tin đối với một số người, nhưng họ cũng sớm trở thành những nhân chứng về phép lạ phi thường của Sự Phục Sinh của Ngài.
Anh chị em có thể học được gì từ các câu chuyện về những người đã làm chứng về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi? Đánh dấu hoặc ghi chú kinh nghiệm của mỗi người trong Ma Thi Ơ 28:1–10; Lu Ca 24:13–35; Giăng 20:19–29; và 1 Cô Rinh Tô 15:1–8, 55. (Lưu ý rằng các nhân chứng khác về sự phục sinh của Đấng Ky Tô có thể được tìm thấy trong 3 Nê Phi 11; Mặc Môn 1:15; Ê The 12:38–39; Giáo Lý và Giáo Ước 76:19–24; 110:1–10; và Joseph Smith—Lịch Sử 1:15–17.) Trong các câu chuyện này, điều gì đã củng cố đức tin của anh chị em nơi Sự Phục Sinh thực sự của Chúa? Sau khi Đấng Cứu Rỗi đã sống lại, những người khác đã sống lại và hiện ra cho nhiều người thấy (xin xem Ma Thi Ơ 27:52–53; 3 Nê Phi 23:9). Tại sao anh chị em cảm thấy là quan trọng rằng điều này được ghi lại trong cả Kinh Thánh và Sách Mặc Môn?
Xin xem thêm “Jesus Is Resurrected (Chúa Giê Su Phục Sinh),” “The Risen Lord Appears to the Apostles (Chúa Giê Su Phục Sinh Hiện Ra cho Các Sứ Đồ),” “Blessed Are They That Have Not Seen, và Yet Have Believed (Phước Thay Cho Những Ai Chưa Thấy mà Đã Tin)” (videos, LDS.org).
Chúa Giê Su Ky Tô ban cho tôi niềm hy vọng và niềm vui.
Cháu gái Alisa của Anh Cả Paul V. Johnson, bị mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và trải qua nhiều cuộc giải phẫu, nêu tấm gương về “sự trông cậy sống” mà Phi E Rơ mô tả trong 1 Phi E Rơ 1:3–11. Anh Cả Johnson chia sẻ một bức thư mà Alisa viết vào dịp Lễ Phục Sinh, không lâu sau khi cô ấy qua đời: “Lễ Phục Sinh là một điều nhắc nhở về tất cả những gì tôi hy vọng cho bản thân mình. Một ngày nào đó tôi sẽ được chữa lành và một ngày nào đó tôi sẽ được nguyên vẹn. Một ngày nào đó tôi sẽ không có bất cứ kim loại hoặc chất nhựa nào ở bên trong người. Một ngày nào đó tôi sẽ không còn sợ hãi và lo âu nữa. … Tôi rất vui vì tôi thực sự tin tưởng vào một thế giới đẹp đẽ sau khi chết” (“Và Sẽ Không Có Sự Chết Nữa,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 121).
Những từ hoặc cụm từ nào trong 1 Phi E Rơ 1:3–11 mang đến cho anh chị em hy vọng bởi vì Chúa Giê Su Ky Tô? Có khi nào anh chị em cảm thấy niềm hy vọng đó không? Làm thế nào anh chị em có thể chia sẻ niềm hy vọng mà mình có qua Chúa Giê Su Ky Tô với những người mình yêu thương?
Xin xem thêm An Ma 27:28; 36:1–24; 3 Nê Phi 9:11–17; Mô Rô Ni 7:40–41.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:
Mormon.org
Phần “Holy Week” của trang mạng mormon.org/easter chứa đựng một mốc thời gian và lời mô tả về điều gì xảy ra trong mỗi ngày trong tuần cuối cùng của cuộc đời Đấng Cứu Rỗi. Mỗi ngày trong tuần, gia đình anh chị em có thể ôn lại những lời mô tả này để xem Đấng Cứu Rỗi đã làm gì ngày hôm đó, hoặc anh chị em có thể đọc về tuần cuối cùng của Ngài trong thánh thư với tư cách là một gia đình (xin xem một bản liệt kê gợi ý trong phần “Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân”).
Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi
Cân nhắc việc cùng nhau hát các bài thánh ca về Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi trong tuần này, kể cả một số bài không mấy quen thuộc với anh chị em (xin xem phần mục lục của sách Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trong mục “Các Đề Tài Đặc Biệt”). Để giúp những người trong gia đình học các bài hát, anh chị em có thể giơ lên những tấm hình đi kèm với lời bài hát.
“Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ”
Với tư cách là gia đình, hãy đọc “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ” (Ensign hoặc Liahona, tháng Tư năm 2000, trang 2–3; xin xem thêm LDS.org), và mời mỗi người trong gia đình chọn một sứ điệp Lễ Phục Sinh từ chứng ngôn này để chia sẻ với gia đình mình. Chẳng hạn, anh chị em có thể làm những tấm bích chương để đăng trên truyền thông xã hội, trên cửa ra vào, hoặc trên cửa sổ.
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.