Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 15–21 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15: ‘Đạo Đức Chúa Trời Tấn Tới Rất Nhiều, Càng Ngày Càng Tràn Thêm Ra’


“Ngày 15–21 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15: ‘Đạo Đức Chúa Trời Tấn Tới Rất Nhiều, Càng Ngày Càng Tràn Thêm Ra’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)

“Ngày 15–21 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019

Hình Ảnh
Cọt Nây trò chuyện với Phi E Rơ

Ngày 15–21 tháng Bảy

Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15

“Đạo Đức Chúa Trời Tấn Tới Rất Nhiều, Càng Ngày Càng Tràn Thêm Ra”

Đọc kỹ Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15, dành ra thời gian để cho Thánh Linh thúc giục anh chị em với những ý nghĩ và cảm giác. Trong các chương này có điều gì để anh chị em học hỏi?

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Trong giáo vụ trần thế của Ngài, những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô thường thách thức những truyền thống lâu đời và niềm tin của con người; điều này vẫn tiếp diễn sau khi Ngài thăng lên trời—xét cho cùng, Ngài vẫn tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội của Ngài qua sự mặc khải. Ví dụ, trong cuộc đời của Chúa Giê Su, các môn đồ của Ngài thuyết giảng phúc âm chỉ cho đồng bào Do Thái. Nhưng không lâu sau khi Đấng Cứu Rỗi qua đời và Phi E Rơ trở thành vị tiên tri của Giáo Hội, Chúa Giê Su Ky Tô đã mặc khải cho Phi E Rơ rằng đã đến lúc để phúc âm được thuyết giảng cho những người không phải là Do Thái. Ý tưởng chia sẻ phúc âm với người Dân Ngoại dường như không ngạc nhiên ngày nay, vậy thì bài học cho chúng ta trong câu chuyện này là gì? Có lẽ một bài học là những thay đổi trong chính sách và lối thực hành—trong cả Giáo Hội thời xưa lẫn thời hiện đại—đều đến qua sự mặc khải từ Chúa đến các vị lãnh đạo do Ngài lựa chọn (A Mốt 3:7; GLGƯ 1:38). Sự mặc khải liên tục là một đặc tính thiết yếu của Giáo Hội chân chính và hằng hữu của Chúa Giê Su Ky Tô. Giống như Phi E Rơ, chúng ta cần phải sẵn lòng chấp nhận sự mặc khải liên tục và sống “theo mỗi lời của Đức Chúa Trời” (Lu Ca 4:4), kể cả “tất cả mọi điều [Ngài] đã mặc khải, tất cả mọi điều Ngài hiện đang mặc khải” và “nhiều điều lớn lao và quan trọng” mà Ngài sẽ còn mặc khải “có liên quan đến Vương Quốc của Thượng Đế” (Các Tín Điều 1:9).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập riêng cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân

Công Vụ Các Sứ Đồ 10

“Thượng Đế chẳng hề vị nể ai.”

Trong nhiều thế hệ, người Do Thái đã tin rằng là “dòng dõi của Áp Ra Ham,” hoặc theo nghĩa đen là con cháu của Áp Ra Ham, có nghĩa là một người được Thượng Đế chấp nhận (được chọn) (xin xem Lu Ca 3:8). Tất cả mọi người khác đều được cho là người Dân Ngoại “ô uế” không đẹp lòng Thượng Đế. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 10, Chúa đã dạy Phi E Rơ điều gì về ai “được đẹp lòng Chúa”? (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:35). Anh chị em tìm thấy bằng chứng nào trong chương này mà Cọt Nây sống một cuộc sống ngay chính làm đẹp lòng Chúa? Tại sao là điều quan trọng để biết rằng “Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai.” (câu 34), có nghĩa là tất cả mọi người đều có thể nhận được các phước lành của phúc âm nếu họ sống theo phúc âm? (xin xem 1 Nê Phi 17:35).

Giống như những người Do Thái xem thường những người không phải là dòng dõi của Áp Ra Ham, anh chị em đã bao giờ thấy mình có những nhận định không tử tế hoặc thiếu thông tin về một người nào đó khác biệt với mình không? Bằng cách nào anh chị em có thể khắc phục được khuynh hướng này? Có thể là thú vị để thử một sinh hoạt đơn giản trong vài ngày tới: Bất cứ khi nào anh chị em giao tiếp với một người nào đó, hãy thử tự nghĩ, “Người này là con của Thượng Đế.” Khi làm như vậy, anh chị em nhận thấy có thay đổi gì trong cách anh chị em nghĩ về người khác và giao tiếp với họ?

Xin xem thêm D. Todd Christofferson, “Ở Trong Sự Yêu Thương Ta,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 48–51; 1 Sa Mu Ên 16:7.

Công Vụ Các Sứ Đồ 10; 11:1–1815

Cha Thiên Thượng giảng dạy tôi từng hàng chữ một qua điều mặc khải.

Khi Phi E Rơ trông thấy khải tượng được mô tả trong Công Vụ Các Sứ Đồ 10, thoạt đầu ông đã gặp khó khăn để hiểu khải tượng đó và “nghi ngờ về ý nghĩa của [nó]” (câu 17). Nhưng Chúa đã ban cho Phi E Rơ sự hiểu biết lớn lao hơn khi Phi E Rơ tìm kiếm nó. Trong khi anh chị em đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 10, 11, và 15, hãy chú ý đến cách Phi E Rơ hiểu sâu hơn về khải tượng này theo thời gian. Làm thế nào anh chị em tìm kiếm và tiếp nhận sự hiểu biết lớn lao hơn từ Thượng Đế khi anh chị em có câu hỏi?

Công Vụ Các Sứ Đồ 10, 11, và 15 kể lại những ví dụ mà trong đó Chúa đã hướng dẫn các tôi tớ của Ngài qua điều mặc khải. Có thể giúp ích để ghi lại điều anh chị em tìm ra về điều mặc khải khi anh chị em đọc các chương này. Thánh Linh phán bảo anh chị em như thế nào?

Xin xem thêm Ronald A. Rasband, “Hãy Để Đức Thánh Linh Hướng Dẫn,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2017, 93–96.

Công Vụ Các Sứ Đồ 11:26

Tôi là một Ky Tô hữu vì tôi tin và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Có điều gì quan trọng về một người được gọi là Ky Tô hữu? (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 11:26). Việc được biết đến là một Ky Tô hữu hoặc mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa gì đối với anh chị em? (xin xem GLGƯ 20:77). Hãy cân nhắc tầm quan trọng của những danh xưng. Chẳng hạn như, họ của gia đình anh chị em có ý nghĩa gì đối với anh chị em? Tại sao danh xưng của Giáo Hội ngày nay là quan trọng? (xin xem GLGƯ 115:4).

Xin xem thêm Mô Si A 5:7–15; An Ma 46:13–15; 3 Nê Phi 27:3–8; M. Russell Ballard, “Tầm Quan Trọng của một Danh Xưng,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 79–82.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:

Công Vụ Các Sứ Đồ 10:17, 20

Chúng ta đã bao giờ có những kinh nghiệm thuộc linh và rồi sau đó nghi ngờ điều mình đã cảm thấy và học được không? Chúng ta có thể đưa ra lời khuyên nào cho nhau mà có thể giúp chúng ta khắc phục những mối nghi ngờ của mình? (Xin xem Ronald A. Rasband, “E Ngươi Quên,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 113–115.)

Công Vụ Các Sứ Đồ 12:1–17

Khi Phi E Rơ bị bắt vào tù, các tín hữu của Giáo Hội cùng nhau tụ họp và cầu nguyện cho ông. Có ai mà gia đình anh chị em cảm thấy soi dẫn để cầu nguyện cho không, chẳng hạn như một vị lãnh đạo Giáo Hội hoặc một người thân? Việc “cứ cầu nguyện” có nghĩa là gì? (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:5).

Hình Ảnh
Phi E Rơ được thả ra khỏi tù

Peter Delivered from Prison (Phi E Rơ Được Thả Ra Khỏi Tù), tranh của A. L. Noakes

Công Vụ Các Sứ Đồ 14

Khi anh chị em cùng nhau học chương này, một số người trong gia đình có thể ghi xuống các phước lành mà đến với các môn đồ và Giáo Hội, trong khi những người khác trong gia đình có thể ghi xuống sự chống đối hoặc những thử thách mà các môn đồ gặp phải. Tại sao Thượng Đế cho phép những điều khó khăn xảy đến với người ngay chính?

Công Vụ Các Sứ Đồ 15:1–21

Các câu này mô tả một sự bất đồng trong Giáo Hội về việc liệu người dân ngoại (không phải là người Do Thái) cải đạo có cần đòi hỏi phải làm phép cắt bì như là một dấu hiệu của giao ước của họ không. Sự bất đồng đã được giải quyết sau khi các Sứ Đồ họp mặt với nhau để cân nhắc vấn đề này và sau đó nhận được một câu trả lời đầy soi dẫn. Đây có thể là đúng lúc để dạy gia đình anh chị em rằng khuôn mẫu tương tự như thế cũng được áp dụng ngày nay. Với tư cách là một gia đình, hãy chọn ra một câu hỏi về phúc âm mà anh chị em muốn tìm ra câu trả lời cùng với nhau. Cùng nhau tìm kiếm những sự hiểu biết sâu sắc trong thánh thư và trong những lời giảng dạy của các vị tiên tri và sứ đồ thời hiện đại. (Phần bản liệt kê các đề tài trong số báo đại hội của các tạp chí Giáo Hội có thể giúp ích.)

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Vẽ hình. Hình vẽ có thể giúp mọi người trong gia đình hình dung ra những lời giảng dạy và các câu chuyện trong thánh thư. Anh chị em có thể đọc một vài câu rồi sau đó cho mọi người trong gia đình thời gian để vẽ một điều gì đó liên quan đến điều anh chị em đọc. Chẳng hạn, mọi người trong gia đình có thể thích vẽ hình về khải tượng của Phi E Rơ trong Công Vụ Các Sứ Đồ 10.

Hình Ảnh
Cọt Nây và Phi E Rơ

Những kinh nghiệm của Phi E Rơ và Cọt Nây cho thấy rằng “Thượng Đế chẳng hề vị nể ai” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34).

In