Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 1–7 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 1–5: ‘Các Ngươi Sẽ … Làm Chứng Về Ta’


“Ngày 1–7 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 1–5: ‘Các Ngươi Sẽ … Làm Chứng Về Ta’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)

“Ngày 1–7 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 1–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019

Hình Ảnh
ngày lễ Ngũ Tuần

Day of Pentecost (Ngày Lễ Ngũ Tuần), tranh của Sidney King

Ngày 1–7 tháng Bảy

Công Vụ Các Sứ Đồ 1–5

“Các Ngươi Sẽ … Làm Chứng Về Ta”

Khi anh chị em học Công Vụ Các Sứ Đồ 1–5, Đức Thánh Linh có thể soi dẫn anh chị em tìm ra các lẽ thật liên quan tới cuộc sống của anh chị em. Hãy ghi xuống những câu nào gây ấn tượng đối với anh chị em, và tìm kiếm những cơ hội để chia sẻ điều mình đang học.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Anh chị em đã bao giờ tự hỏi Phi E Rơ có thể đã nghĩ gì và cảm thấy như thế nào khi ông, cùng với Các Sứ Đồ khác, “ngó chăm trên trời” trong lúc Ngài thăng lên tới chỗ Cha Ngài không? (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:10). Giáo Hội mà đã được Vị Nam Tử của Thượng Đế thiết lập giờ đây đang được Chúa Giê Su điều hành qua Phi E Rơ, vị tiên tri của Thượng Đế. Nhiệm vụ của việc dẫn đầu nỗ lực để “dạy dỗ muôn dân” giờ đây nằm trong tay Phi E Rơ (Ma Thi Ơ 28:19). Nhưng nếu ông có cảm thấy không thích đáng hay sợ hãi, chúng ta cũng không tìm được bằng chứng về điều đó trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Điều chúng ta tìm được là tấm gương về chứng ngôn và sự cải đạo đầy can đảm, sự chữa lành đầy phi thường, sự biểu hiện đầy thuộc linh, và sự tăng trưởng một cách đáng kể cho Giáo Hội. Giờ đây, với ân tứ của Đức Thánh Linh, Phi E Rơ không còn là người đánh cá vô học mà Chúa Giê Su tìm thấy bên bờ Biển Ga Li Lê nữa. Hay là người hoang mang mà cách đây chỉ vài tuần đã khóc vì thất vọng bởi vì ông đã từ chối rằng mình cũng biết Chúa Giê Su ở Na Xa Rét.

Trong các sách Công Vụ Các Sứ Đồ, anh chị em sẽ đọc về những lời tuyên bố về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Anh chị em cũng sẽ thấy cách phúc âm có thể thay đổi con người—kể cả anh chị em—thành các môn đồ dũng cảm mà Thượng Đế biết họ có thể trở thành.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập riêng cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân

Công Vụ Các Sứ Đồ 1:1–8, 15–26; 2:1–42; 4:1–13, 31–33

Chúa Giê Su Ky Tô điều hành Giáo Hội Ngài qua Đức Thánh Linh.

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ ghi lại các nỗ lực của Các Sứ Đồ để thiết lập Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô sau khi Sự Thăng Thiên của Đấng Cứu Rỗi. Mặc dù Chúa Giê Su Ky Tô không còn ở trên thế gian nữa, nhưng Ngài điều hành Giáo Hội bằng sự mặc khải qua Đức Thánh Linh. Cân nhắc cách Đức Thánh Linh hướng dẫn các vị lãnh đạo của Giáo Hội của Đấng Ky Tô khi anh chị em ôn lại các đoạn sau đây: Công Vụ Các Sứ Đồ 1:1–8, 15–26; 2:1–42; 4:1–13, 31–33.

Chúa đã ban cho anh chị em một số sự chỉ định, sự kêu gọi, hoặc trách nhiệm nào? Anh chị em học hỏi được điều gì từ những kinh nghiệm của Các Sứ Đồ thời kỳ đầu này về cách anh chị em có thể trông cậy vào Đức Thánh Linh để hướng dẫn mình?

Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Đức Thánh Linh.”

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1–18

Mục đích của ân tứ về ngôn ngữ là gì?

Ân tứ về ngôn ngữ đôi khi có đặc điểm là nói một ngôn ngữ mà không ai hiểu được. Tuy nhiên, Tiên Tri Joseph Smith đề cập đến các sự kiện trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2 để làm sáng tỏ rằng ân tứ này của Thánh Linh “được ban cho vì mục đích của việc thuyết giảng [phúc âm] ở giữa những người mà tiếng nói của họ không được người khác hiểu được; cũng như vào ngày lễ Ngũ Tuần. … Ý định tối thượng của [ân tứ về] ngôn ngữ là để nói chuyện với người ngoại quốc” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội: Joseph Smith [2008], trang 411). Ngày lễ Ngũ Tuần, một ngày lễ lớn của dân Do Thái, mang dân Do Thái từ nhiều quốc gia tới Giê Ru Sa Lem. Ân tứ về ngôn ngữ cho phép những người khách này hiểu những lời của Các Vị Sứ Đồ bằng tiếng mẹ đẻ của họ.

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:36–47; 3:13–21

Các nguyên tắc và giáo lễ đầu tiên của phúc âm giúp tôi đến với Đấng Ky Tô.

Anh chị em đã bao giờ cảm thấy “trong lòng [mình] cảm động” như những người Do Thái vào ngày lễ Ngũ Tuần không? (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37). Có lẽ anh chị em đã làm một điều gì đó làm cho mình hối tiếc, hoặc có lẽ anh chị em chỉ muốn thay đổi cuộc sống của mình. Anh chị em cần làm gì khi có những cảm giác này? Lời khuyên của Phi E Rơ cho người Do Thái được tìm thấy trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38. Ghi chú cách các nguyên tắc và giáo lễ đầu tiên của phúc âm (gồm có đức tin, sự hối cải, phép báp têm, và ân tứ Đức Thánh Linh—hoặc điều gì mà đôi khi được đề cập đến là giáo lý của Đấng Ky Tô) ảnh hưởng đến những người cải đạo này, như được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37–47.

Anh chị em có thể đã chịu phép báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh rồi, vậy thì làm thế nào anh chị em tiếp tục áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô? Hãy xem xét những lời này của Anh Cả Dale G. Renlund: “Chúng ta có thể được hoàn hảo bằng cách liên tục … thực hành đức tin nơi [Đấng Ky Tô], hối cải, dự phần Tiệc Thánh để tái lập các giao ước và phước lành của phép báp têm, và tiếp nhận Đức Thánh Linh với tư cách là một người bạn đồng hành thường xuyên với một mức độ nhiều hơn. Khi làm như vậy, chúng ta trở nên giống Đấng Ky Tô hơn và có thể chịu đựng đến cùng, với tất cả những điều kèm theo” (“Các Thánh Hữu Ngày Sau Tiếp Tục Cố Gắng,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 57).

Xin xem thêm 2 Nê Phi 31; 3 Nê Phi 11:31–4127; Brian K. Ashton, “Giáo Lý của Đấng Ky Tô,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 106–109.

Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19–21

“Kỳ thơ thái” và “kỳ muôn vật đổi mới” là gì?

“Kỳ thơ thái” ám chỉ Thời Kỳ Ngàn Năm, khi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ tái lâm. “Kỳ muôn vật đổi mới” ám chỉ Sự Phục Hồi của phúc âm.

Công Vụ Các Sứ Đồ 3; 4:1–31; 5:12–42

Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đã được ban cho quyền năng để thực hiện các phép lạ trong danh Ngài.

Người đàn ông què hy vọng nhận được tiền từ những người đến đền thờ. Nhưng các tôi tớ của Chúa đã mang đến cho ông ta còn nhiều hơn nữa. Khi anh chị em đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 3; 4:1–31; và 5:12–42, hãy cân nhắc xem phép lạ theo sau đã tác động như thế nào:

Người đàn ông què

Phi E Rơ và Giăng

Các nhân chứng tại đền thờ

Thầy tư tế thượng phẩm và quan cai trị

Các Thánh Hữu khác

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37

Có khi nào chúng ta đã cảm thấy “trong lòng [mình] cảm động” khi một người nào đó đang giảng dạy phúc âm không? Cảm giác này có nghĩa là gì? Tại sao là điều quan trọng để nói, “Chúng ta sẽ làm gì?” khi có những cảm giác như vậy?

Công Vụ Các Sứ Đồ 3:1–8

Người đàn ông ở đền thờ đã được ban phước khác với điều ông ta trông mong như thế nào? Chúng ta đã thấy những phước lành Cha Thiên Thượng đến với mình trong những cách thức bất ngờ như thế nào?

Hình Ảnh
Phi E Rơ chữa lành một người đàn ông

Such as I Have I Give Thee (Điều Ta Có Thì Ta Cho Ngươi), tranh của Walter Rane

Công Vụ Các Sứ Đồ 3:12–26; 4:1–21; 5:12–42

Điều gì làm cho anh chị em có ấn tượng về sự trung tín của Phi E Rơ và Giăng? Làm thế nào chúng ta có thể dũng cảm trong chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô?

Công Vụ Các Sứ Đồ 4:32–5:11

Gia đình anh chị em có thể rất thích đóng diễn câu chuyện về A Na Nia và Sa Phô Ra với những trang phục cải trang và một vài đồng xu. Những bài học nào chúng ta học được từ câu chuyện này? Tùy thuộc vào nhu cầu của gia đình anh chị em, anh chị em có thể thảo luận một cách trung thực, tán trợ các vị lãnh đạo Giáo Hội, hoặc dâng hiến.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Chọn một đề tài. Bảo mọi người trong gia đình thay phiên nhau chọn một đề tài từ Công Vụ Các Sứ Đồ 1–5 để cùng học với nhau.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Thăng Thiên

The Lord’s Ascension (Chúa Giê Su Thăng Thiên), tranh của William Henry Margetson

In