“Ngày 24–30 tháng Sáu. Ma Thi Ơ 28; Mác 16; Lu Ca 24; Giăng 20–21: “Ngài Sống Lại Rồi” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (năm 2019)
“Ngày 24–30 tháng Sáu. Ma Thi Ơ 28; Mác 16; Lu Ca 24; Giăng 20–21,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019
Ngày 24–30 tháng Sáu
Ma Thi Ơ 28; Mác 16; Lu Ca 24; Giăng 20–21
“Ngài Sống Lại Rồi”
Thành tâm đọc Ma Thi Ơ 28; Mác 16; Lu Ca 24; và Giăng 20–21, ngẫm nghĩ về niềm vui anh chị em có được nhờ Sự Phục Sinh của Đấng Ky Tô. Suy ngẫm cách anh chị em có thể chia sẻ chứng ngôn của mình về sự kiện này với người khác.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Đối với nhiều người theo dõi, cái chết của Chúa Giê Su ở Na Xa Rét có thể dường như một kết cục trớ trêu của một cuộc đời phi thường. Chẳng phải đó là người đã làm La Xa Rơ sống lại từ cõi chết sao? Chẳng phải Ngài đã nhiều lần chống lại những lời hăm dọa giết người của dân Pha Ri Si sao? Ngài đã cho thấy quyền năng chữa lành người mù, người bệnh phung, và người bại liệt. Sóng gió và biển cả đều vâng phục Ngài. Và giờ đây Ngài lại đang bị treo trên thập tự giá, tuyên phán rằng “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30). Có thể đã có một số điều thật sự ngạc nhiên trong những lời nhạo báng “Nó đã cứu kẻ khác mà cứu mình không được” (Ma Thi Ơ 27:42). Nhưng chúng ta biết rằng cái chết của Chúa Giê Su không phải là kết cục của câu chuyện. Chúng ta biết rằng ngôi mộ yên tĩnh là tạm thời và rằng công việc cứu rỗi của Đấng Ky Tô chỉ mới bắt đầu. Ngày nay Ngài không được tìm thấy “trong vòng kẻ chết” nhưng trong vòng người sống (Lu Ca 24:5). Những lời giảng dạy của Ngài sẽ không được im lặng, vì các môn đồ trung thành của Ngài sẽ thuyết giảng phúc âm trong “tất cả mọi quốc gia,” tin tưởng rằng lời hứa của Ngài sẽ “thường ở cùng [với họ] luôn cho đến tận thế” (Ma Thi Ơ 28:19–20).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân
Ma Thi Ơ 28; Mác 16; Lu Ca 24; Giăng 20
Bởi vì Chúa Giê Su đã được phục sinh, nên tôi cũng sẽ được phục sinh.
Trong các đoạn này, anh chị em sẽ đọc về một trong số những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong khi anh chị em đọc, hãy đặt mình vào vị trí của những người chứng kiến các sự kiện xung quanh Sự Phục Sinh. Các nhân chứng này có thể đã cảm thấy như thế nào? Anh chị em cảm thấy như thế nào khi đọc về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi? Cân nhắc xem sự kiện này ảnh hưởng đến anh chị em như thế nào—quan điểm của anh chị em về cuộc sống, mối quan hệ của mình với người khác, đức tin của anh chị em nơi Đấng Ky Tô, và đức tin của anh chị em nơi các lẽ thật phúc âm khác.
Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Phục Sinh”.
Chúng ta có thể mời Đấng Cứu Rỗi “ở lại với chúng [ta].”
Kinh nghiệm của hai môn đồ đang trên đường hành trình đã gặp Đấng Cứu Rỗi phục sinh có thể có phần nào giống với con đường làm môn đồ của anh chị em. Anh chị em có thấy mối liên hệ gì giữa câu chuyện này và những kinh nghiệm của mình với tư cách là tín đồ của Đấng Ky Tô không? Làm thế nào anh chị em có thể bước đi cùng với Ngài ngày nay và mời Ngài “ở lại” lâu hơn một chút? (Lu Ca 24:29). Anh chị em nhận thấy sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của mình bằng cách nào? Trong những phương diện nào Đức Thánh Linh làm chứng về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô với anh chị em?
Chúa Giê Su Ky Tô có một thể xác không?
Qua nhiều câu chuyện về Chúa phục sinh hiện đến với Ma Ri Ma Đơ Len và những sự giao tiếp của Ngài sau này với các môn đồ của Ngài, chúng ta học được rằng Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su là thực sự và hữu hình. Với thể xác đã được phục sinh, đầy vinh quang, Ngài đã bước đi, trò chuyện, và ăn uống cùng với các tín đồ của Ngài. Các thánh thư khác cũng làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô có một thể xác bằng xương bằng thịt: Phi Líp 3:20–21; 3 Nê Phi 11:13–15; Giáo Lý và Giao Ước 110:2–3; 130:1, 22.
“Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy.”
Có thể là khó để tin vào một điều gì đó là có thật mà không hề có bằng chứng thật. Có khi anh chị em có thể cảm thấy như Thô Ma, là người đã nói: “Nếu ta không thấy … thì ta không tin” (Giăng 20:25). Để trả lời, Đấng Cứu Rỗi phán cùng Thô Ma: “Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy” (Giăng 20:29). Anh chị em đã được ban phước như thế nào vì tin tưởng vào những sự việc thuộc linh mà mình không thấy được? Điều gì giúp anh chị em có đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi thậm chí khi không thể thấy Ngài? Anh chị em có tin tưởng vào các lẽ thật nào khác mà thậm chí không có bằng chứng thực sự? Làm thế nào anh chị em có thể tiếp tục củng cố đức tin của mình nơi “những gì không trông thấy được mà có thật”? (An Ma 32:21; xin xem thêm Ê The 12:6). Cân nhắc việc ghi vào nhật ký những kinh nghiệm mà đã giúp anh chị em tin tưởng vào Chúa Giê Su Ky Tô, hoặc chia sẻ chúng với người nào đó anh chị em biết.
Đấng Cứu Rỗi mời gọi tôi chăn chiên Ngài.
Có thể là thú vị để so sánh sự tiếp xúc của Đấng Cứu Rỗi với Các Sứ Đồ của Ngài trong Giăng 21 với lần đầu tiên Ngài truyền lệnh cho họ bỏ lưới của họ xuống, được chép trong Lu Ca 5:1–11. Anh chị em tìm thấy những điểm gì giống nhau và điểm gì khác nhau? Anh chị em tìm thấy những sự hiểu biết sâu sắc nào về vai trò môn đồ?
Cân nhắc cách những lời của Đấng Cứu Rỗi phán cùng Phi E Rơ trong Giăng 21:15–17 có thể áp dụng cho anh chị em. Có điều gì ngăn cản anh chị em khỏi việc phục sự đàn chiên của Chúa không? Anh chị em sẽ trả lời ra sao nếu Chúa hỏi anh chị em: “Ngươi yêu ta chăng?” Suy ngẫm cách anh chị em có thể cho thấy tình yêu thương của mình dành cho Chúa.
Xin xem thêm Jeffrey R. Holland, “Giáo Lệnh Đầu Tiên và Lớn Nhất,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 83–85.Nov. 2012, 83–85.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc xong các sách Phúc Âm với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:
Tại sao những lời “Ngài không ở đây đâu; Ngài sống lại rồi” là trong số những lời nói đầy hy vọng và quan trọng nhất đã từng được thốt ra?
Trong khi gia đình anh chị em đọc các chương này, hãy chú ý đến những người giao tiếp với Chúa Giê Su trong mỗi câu chuyện. Ví dụ, vào một thời điểm anh chị em có thể tập trung vào những người đến viếng thăm ngôi mộ của Đấng Cứu Rỗi. Vào một thời điểm khác, anh chị em có thể cẩn thận nghiên cứu những hành động của Các Sứ Đồ hoặc các môn đồ trên đường đi đến Em Ma Út.
Là một gia đình, hãy thảo luận công việc mà Đấng Ky Tô yêu cầu Các Sứ Đồ của Ngài làm. Chúng ta có thể giúp hoàn thành công việc này bằng cách nào? Anh chị em có thể chia sẻ một thời gian khi anh chị em cảm thấy “Chúa cùng làm với [anh chị em]” để giúp anh chị em hoàn thành các mục đích của Ngài không? (Mác 16:20).
Cân nhắc việc đọc các câu này trong khi cùng ăn với nhau. Làm như thế có thể làm cho lời của Đấng Cứu Rỗi “hãy chăn chiên ta” có nhiều ý nghĩa hơn. Dựa vào điều Chúa Giê Su dạy về chiên trong Kinh Tân Ước (hãy xem, ví dụ, Ma Thi Ơ 9:35–36; 10:5–6; 25:31–46; Lu Ca 15:4–7; Giăng 10:1–16), tại sao chăn chiên là một phép ẩn dụ phù hợp cho việc nuôi dưỡng và chăm sóc cho con cái của Thượng Đế? Phép ẩn dụ này dạy điều gì về cảm nghĩ của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su về chúng ta?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.