Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 17–23 tháng Sáu. Ma Thi Ơ 27; Mác 15; Lu Ca 23; Giăng 19: ‘Mọi Việc Đã Được Trọn’


“Ngày 17–23 tháng Sáu. Ma Thi Ơ 27; Mác 15; Lu Ca 23; Giăng 19: ‘Mọi Việc Đã Được Trọn’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (năm 2019)

“Ngày 17–23 tháng Sáu. Ma Thi Ơ 27; Mác 15; Lu Ca 23; Giăng 19,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019

Đấng Ky Tô đứng trước Phi Lát

Ecce Homo, tranh do Antonio Ciseri họa

Ngày 17–23 tháng Sáu

Ma Thi Ơ 27; Mác 15; Lu Ca 23; Giăng 19

“Mọi Việc Đã Được Trọn”

Ma Thi Ơ 27; Mác 15; Lu Ca 23; và Giăng 19 chứa đựng những sự mô tả về những giờ phút cuối cùng của cuộc sống trần thế của Đấng Cứu Rỗi. Hãy tìm cách để cảm nhận được tình yêu thương của Ngài dành cho anh chị em khi anh chị em học hỏi về sự hy sinh và cái chết của Ngài.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Trong mỗi từ ngữ và hành động, Chúa Giê Su Ky Tô nêu gương về tình yêu thương thanh khiết—mà Sứ Đồ Phao Lô gọi là lòng bác ái (xin xem 1 Cô Rinh Tô 13). Không có lúc nào điều này được thể hiện rõ ràng hơn là trong những giờ phút cuối cùng của cuộc sống trần thế của Đấng Cứu Rỗi. Sự im lặng đáng tôn quý của Ngài khi đối đầu với sự buộc tội sai trái cho thấy rõ rằng Ngài “chẳng nóng giận” (1 Cô Rinh Tô 13:5). Sự sẵn lòng của Ngài để chịu bị đánh đập, nhạo báng, và bị đóng đinh trên thập tự giá—trong khi kiềm chế quyền năng của Ngài để chấm dứt cực hình của Ngài—cho thấy rằng Ngài “nhịn nhục” và “dung thứ mọi sự” (1 Cô Rinh Tô 13:4, 7). Lòng trắc ẩn của Ngài đối với mẹ Ngài và lòng thương xót của Ngài đối với những người đóng đinh Ngài—thậm chí trong nỗi đau đớn cùng cực—đã biểu lộ rằng Ngài “chẳng kiếm tư lợi” (1 Cô Rinh Tô 13:5). Trong những khoảnh khắc cuối cùng của Ngài trên trần gian, Chúa Giê Su đang làm điều Ngài đã làm trong suốt giáo vụ trần thế của Ngài—giảng dạy chúng ta bằng cách chỉ cho chúng ta thấy. Quả thật, lòng bác ái là “tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:47).

hình biểu tượng học tập riêng cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân

Ma Thi Ơ 27; Mác 15; Lu Ca 23; Giăng 19

Sự sẵn lòng của Chúa Giê Su Ky Tô để chịu đựng cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho Đức Chúa Cha và cho tất cả chúng ta.

Mặc dù Đấng Cứu Rỗi có quyền năng để triệu xuống các “đạo thiên sứ” (Ma Thi Ơ 26:53), Ngài đã tự nguyện chọn chịu đựng những thử thách bất công, lời nhạo báng tàn nhẫn, và nỗi đau đớn không thể tưởng tượng nổi về thể xác. Tại sao Ngài làm điều đó? Nê Phi làm chứng: “Vì lòng thương yêu nhân từ và sự nhịn nhục của Ngài đối với con cái loài người” (1 Nê Phi 19:9).

Anh chị em có thể bắt đầu việc học tập của mình về những giờ phút cuối cùng của Đấng Cứu Rỗi bằng cách đọc 1 Nê Phi 19:9. Ở đâu trong Ma Thi Ơ 27; Mác 15; Lu Ca 23; và Giăng 19 anh chị em tìm thấy tấm gương của mỗi điều mà Nê Phi nói rằng Chúa Giê Su sẽ phải chịu thống khổ?

“[Họ] xét đoán Ngài như một người hư không”

“Họ quất Ngài bằng roi”

“Họ đánh đập Ngài”

“Họ khạc nhổ vào Ngài”

Đoạn nào giúp anh chị em cảm thấy “lòng thương yêu nhân từ” của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su đối với anh chị em? Trong số các thuộc tính mà Đấng Cứu Rỗi bày tỏ, những thuộc tính nào anh chị em được soi dẫn để phát triển trọn vẹn hơn?

Ma Thi Ơ 27:27–49 54; Mác 15:16–32; Lu Ca 23:11, 35–39; Giăng 19:1–5

Việc nhạo báng lẽ thật của Thượng Đế sẽ không làm suy yếu đức tin của tôi.

Mặc dù Chúa Giê Su đã phải chịu đựng sự nhạo báng trong suốt giáo vụ của Ngài, tình trạng đó càng mãnh liệt hơn trong lúc Ngài bị đánh đập và đóng đinh trên thập tự giá. Nhưng sự nhạo báng này không thể biến đổi được lẽ thật: Chúa Giê Su là Vị Nam tử của Ngài. Khi anh chị em đọc về Chúa Giê Su phải chịu đựng sự sỉ nhục, hãy nghĩ về sự chống đối và nhạo báng mà công việc của Ngài gặp phải ngày nay. Anh chị em đạt được sự hiểu biết sâu sắc nào về việc chịu đựng sự chống đối? Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về lời của người thầy đội trong Ma Thi Ơ 27:54?

Ma Thi Ơ 27:46; Mác 15:34

Cha Thiên Thượng có bỏ rơi Chúa Giê Su trên thập tự giá không?

Anh Cả Jeffrey R. Holland đưa ra sự hiểu biết sâu sắc sau đây: “Tôi làm chứng … rằng Đức Chúa Cha hoàn hảo đã không từ bỏ Vị Nam Tử của Ngài trong lúc đó. … Tuy nhiên, để cho sự hy sinh tối thượng của Vị Nam Tử có thể được trọn vẹn nên Ngài phải tự nguyện và một mình thực hiện điều này, Đức Chúa Cha nhanh chóng rút khỏi Đấng Ky Tô sự an ủi cho linh hồn Ngài cùng sự hỗ trợ bằng sự hiện diện của Đức Chúa Cha. … Vì Sự Chuộc Tội của [Đấng Cứu Rỗi] cần phải vô hạn và vĩnh cửu, nên Ngài phải cảm thấy cái chết không những về phần thể xác mà còn về phần thuộc linh nữa, để cảm thấy việc Thánh Linh của Thượng Đế rút lui, để cho một người phải cảm thấy hoàn toàn cô đơn một cách khốn khổ và tuyệt vọng” (“None Were with Him,” Ensign hoặc Liahona, May 2009, 87–88).

Lu Ca 23:34

Đấng Cứu Rỗi là tấm gương cho chúng ta về sự tha thứ.

Anh chị em cảm thấy như thế nào khi đọc về những lời của Đấng Cứu Rỗi trong Lu Ca 23:34? (xin xem sự hiểu biết sâu sắc được đưa ra trong Bản Dịch Joseph Smith trong BDJS Lu Ca 23:35). Khi đề cập đến những lời của Đấng Cứu Rỗi, Chủ Tịch Henry B. Eyring đã dạy: “Chúng ta cần phải tha thứ và không thù oán những người xúc phạm mình. Đấng Cứu Rỗi đã nêu gương như thế từ trên thập tự giá. … Chúng ta không biết tấm lòng của những người xúc phạm mình” (“That We May Be One,” Ensign, May 1998, 68). Làm thế nào câu này có thể giúp anh chị em khi anh chị em gặp khó khăn tha thứ cho người nào đó?

Lu Ca 23:39–43

“Ba Ra Đi” có nghĩa là gì trong lời nói của Đấng Cứu Rỗi đưa ra cho tên kẻ cướp?

Trong thánh thư, từ ba ra đi thường có nghĩa là “một nơi chốn bình an và hạnh phúc trong thế giới sau dương thế”—một nơi dành sẵn cho người ngay chính. Tiên Tri Joseph Smith dạy rằng từ ba ra đi trong Lu Ca 23:43 “là dịch sai; Chúa thực ra đã phán rằng tên kẻ cướp sẽ ở cùng Ngài trong thế giới linh hồn” (Trung Thành với Đức Tin, trang 111 ). Trong thế giới linh hồn, tên kẻ cướp đó sẽ nghe phúc âm được thuyết giảng.

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:

Ma Thi Ơ 27:3–10

Mặc dù Giu Đa biết rõ Chúa Giê Su, nhưng ông đã “từ bỏ [Chúa Giê Su], và bị phật lòng vì lời của Ngài” . Điều gì có thể làm cho những người dường như có chứng ngôn mạnh mẽ từ bỏ Đấng Cứu Rỗi? Làm thế nào chúng ta có thể luôn trung tín đối với Chúa Giê Su Ky Tô?

Ma Thi Ơ 27:11–26; Mác 15:1–15; Lu Ca 23:12–24; Giăng 19:1–16

Tại sao Phi Lát đã cho treo Chúa Giê Su lên thập tự giá, mặc dù ông ta biết rằng Chúa Giê Su vô tội? Chúng ta học được bài học gì từ kinh nghiệm của Phi Lát về việc bênh vực cho điều mình biết là đúng? Có thể là hữu ích cho gia đình anh chị em đóng diễn những vở kịch mà cho phép họ tập bênh vực cho điều đúng.

Đấng Ky Tô vác thập tự giá

“Đức Chúa Giê Su vác thập tự giá mình, đi đến … Gô Gô Tha” (Giăng 19:17).

Ma Thi Ơ 27:46; Lu Ca 23:34, 43, 46; Giăng 19:26–28, 30

Có lẽ anh chị em có thể giao cho mỗi người trong gia đình một hoặc nhiều câu nói mà Đấng Cứu Rỗi đã thốt ra trên thập tự giá, được tìm thấy trong các câu này, và yêu cầu họ chia sẻ điều họ học được về Đấng Cứu Rỗi và sứ mệnh của Ngài.

Mác 15:39

Làm thế nào việc đọc về Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh trên thập tự giá củng cố chứng ngôn của anh chị em rằng Chúa Giê Su là “Vị Nam Tử của Thượng Đế”?

Giăng 19:25–27

Chúng ta học được điều gì từ những câu này về cách chúng ta nên yêu thương và hỗ trợ những người trong gia đình mình?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Bắt Chước sống theo cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi. “Thật là hữu ích để nghiên cứu cách Đấng Cứu Rỗi giảng dạy—các phương pháp Ngài đã sử dụng và những điều Ngài đã phán. Nhưng quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để giảng dạy và nâng đỡ những người khác đến từ … con người của Ngài. Các anh chị em càng siêng năng cố gắng để sống giống như Chúa Giê Su Ky Tô, thì anh chị em sẽ càng có thể giảng dạy giống như Ngài” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 13).

Đấng Ky Tô trên thập tự giá

Christ on the Cross (Đấng Ky Tô Trên Thập Tự Giá), tranh do Carl Heinrich Bloch họa