“Ngày 10–16 tháng Sáu. Ma Thi Ơ 26; Mác 14; Lu Ca 22; Giăng 18: ‘Song Không Theo Ý Muốn Con, Mà Theo Ý Muốn Cha’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (năm 2019)
“Ngày 10–16 tháng Sáu. Ma Thi Ơ 26; Mác 14; Lu Ca 22; Giăng 18,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019
Ngày 10–16 tháng Sáu
Ma Thi Ơ 26; Mác 14; Lu Ca 22; Giăng 18
“Song Không Theo Ý Muốn Con, Mà Theo Ý Muốn Cha”
Khi anh chị em đọc về các sự kiện được miêu tả trong Ma Thi Ơ 26; Mác 14; Lu Ca 22; và Giăng 18, hãy chú ý đến những ấn tượng anh chị em nhận được, đặc biệt là những thúc giục để thay đổi cuộc sống của mình.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Chỉ có ba người trần thế đã chứng kiến sự thống khổ của Chúa Giê Su Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê—và họ đã ngủ gần suốt thời gian đó. Trong khu vườn đó và về sau trên thập tự giá, Chúa Giê Su đã gánh chịu tội lỗi, nỗi đau đớn, và buồn khổ của mỗi một người đã từng sống, mặc dù gần như không có ai sống vào lúc đó nhận thức được điều gì đang xảy ra. Giống vậy, các sự kiện quan trọng nhất của thời vĩnh cửu thường diễn ra mà không được thế gian chú ý. Tuy nhiên, Thượng Đế Đức Chúa Cha, đã nhận thức được. Ngài nghe thấu lời khẩn nài của Con Trai trung tín của Ngài: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi. Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài” (Lu Ca 22:42–43). Mặc dù chúng ta không tận mắt chứng kiến hành động đầy vị tha và sự tuân phục này, nhưng trong một phương diện, chúng ta đều có thể là các nhân chứng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Mỗi lần chúng ta hối cải và nhận được sự xá miễn tội lỗi của mình và mỗi lần chúng ta cảm thấy quyền năng củng cố của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta đều có thể làm chứng về những gì đã xảy ra trong Vườn Ghết Xê Ma Nê.
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân
Ma Thi Ơ 26:17–30; Mác 14:12–26; Lu Ca 22:7–39
Tiệc thánh là một cơ hội để tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi.
Anh chị em làm gì để tưởng nhớ đến những người đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của anh chị em? Khi Đấng Cứu Rỗi giới thiệu tiệc thánh cho các môn đồ Ngài, Ngài phán: “Hãy làm sự này để nhớ đến ta” (Lu Ca 22:19; xin xem thêm 3 Nê Phi 18:7). Làm thế nào bánh, nước, và các yếu tố khác của giáo lễ này giúp anh chị em tưởng nhớ tới Ngài và nỗi khổ đau của Ngài? Suy ngẫm câu hỏi này trong khi anh chị em đọc về buổi tiệc thánh đầu tiên. Cũng hãy ghi chú những điều sửa chỉnh được tìm thấy trong Bản Dịch của Joseph Smith (xin xem phần cước chú và Sách Hướng Dẫn Thánh Thư).
Dành ra một ít thời gian để suy ngẫm kinh nghiệm anh chị em có được trong thời gian tiệc thánh mỗi tuần. Anh chị em có thể làm điều gì để làm cho kinh nghiệm đó có ý nghĩa hơn? Có lẽ anh chị em có thể viết một vài điều mà anh chị em cảm thấy soi dẫn để tưởng nhớ về Đấng Cứu Rỗi—những lời giảng dạy của Ngài, những cử chỉ yêu thương của Ngài, những lúc anh chị em cảm thấy đặc biệt gần gũi với Ngài, hoặc những tội lỗi và nỗi đau đớn mà Ngài đã gánh chịu vì anh chị em.
Xin xem thêm 3 Nê Phi 18:1–13; Giáo Lý và Giao Ước 20:76–79; “Always Remember Him (Luôn Luôn Tưởng Nhớ tới Ngài)” (video, LDS.org).
Ma Thi Ơ 26:36–46; Mác 14:32–42; Lu Ca 22:40–46
Đấng Cứu Rỗi chịu đau khổ cho tôi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê.
Chủ Tịch Russell M. Nelson mời gọi chúng ta hãy “dành thời gian vào việc học hỏi về Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh chuộc tội của Ngài” (“Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 40).
Hãy cân nhắc điều gì anh chị em sẽ làm để chấp nhận lời mời của Chủ Tịch Nelson. Anh chị em có thể bắt đầu bằng cách chân thành suy ngẫm về nỗi thống khổ của Đấng Cứu Rỗi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, như được mô tả trong các câu này, và viết xuống những ấn tượng và câu hỏi có thể đến với tâm trí anh chị em.
Để có được sự hiểu biết sâu hơn về Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài, hãy thử tìm kiếm các thánh thư khác để có được câu trả lời cho những câu hỏi giống như sau:
-
Tại sao Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là cần thiết? (Xin xem 2 Nê Phi 2:5–10, 17–26; 9:5–26; An Ma 34:8–16; 42:9–26.)
-
Đấng Cứu Rỗi đã trải qua điều gì trong khi Ngài chịu đựng? (Xin xem Ê Sai 53:3–5; Mô Si A 3:7; An Ma 7:11–13; GLGƯ 19:16–19.)
-
Nỗi thống khổ của Đấng Ky Tô ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi như thế nào? (Xin xem Giăng 10:10–11; Hê Bơ Rơ 4:14–16; 1 Giăng 1:7; An Ma 34:31; Mô Rô Ni 10:32–33; Dallin H. Oaks, “Được Củng Cố bởi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 61–64.)
-
Những câu hỏi khác của tôi:
Khi anh chị em học về những gì xảy ra ở trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, có thể là thú vị để biết rằng Vườn Ghết Sê Ma Nê là một vườn cây ô liu và có cả máy ép ô liu, được dùng để ép quả ô liu và chắt ra dầu dùng để thắp đèn và thức ăn cũng như chữa bệnh (xin xem Lu Ca 10:34). Quá trình sử dụng một vật nặng để ép ra dầu ô liu có thể tượng trưng cho gánh nặng của tội lỗi và nỗi đau đớn mà Đấng Cứu Rỗi đã chịu đựng cho chúng ta (xin xem D. Todd Christofferson, “Ở trong Sự Yêu Thương Ta,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2016, 50–51).
Mác 14:27–31, 66–72; Lu Ca 22:31–32
Sự cải đạo là một tiến trình liên tục.
Hãy nghĩ về những kinh nghiệm Phi E Rơ có với Đấng Cứu Rỗi—các phép lạ ông đã chứng kiến và giáo lý ông học được. Tại sao khi đó Đấng Cứu Rỗi phán cùng Phi E Rơ: “Đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình”? (Lu Ca 10:32; sự nhấn mạnh được thêm vào). Anh Cả David A. Bednar đã dạy điều gì về sự khác biệt giữa việc có được một chứng ngôn và việc trở nên thực sự cải đạo? (xin xem “Được Cải Đạo theo Chúa,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 106–109). Khi anh chị em đọc về những kinh nghiệm của Phi E Rơ trong Mác 14:27–31, 66–72, hãy nghĩ về sự cải đạo của riêng anh chị em. Anh chị em có thể học được bài học nào từ Phi E Rơ? Khi anh chị em tiếp tục đọc Kinh Tân Ước, anh chị em tìm thấy bằng chứng nào về sự cải đạo của Phi E Rơ và về nỗ lực của ông để củng cố người khác? Việc tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh có tác động gì đến sự cải đạo của ông? (xin xem Giăng 15:26–27; Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8; 2:1–4).
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em tiếp tục đọc về tuần cuối cùng trong cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải nhấn mạnh và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:
Kinh nghiệm của gia đình anh chị em ra sao trong buổi tiệc thánh mỗi tuần? Việc đọc về lễ tiệc thánh đầu tiên có thể soi dẫn một cuộc thảo luận về tầm quan trọng của tiệc thánh và những cách thức mọi người trong gia đình có thể làm cho việc thờ phượng của mình có ý nghĩa hơn. Cân nhắc việc trưng bày tấm hình Chuyền Tiệc Thánh (Sách Họa Phẩm Phúc Âm, trang 108) và chia sẻ ý kiến với nhau về điều gì anh chị em có thể làm trước, trong, và sau lễ tiệc thánh.
Khi gia đình anh chị em đọc các câu này, họ có thể chia sẻ điều họ học được khi họ học các câu thánh thư được gợi ý trong phần học tập thánh thư riêng cá nhân “Đấng Cứu Rỗi chịu đau khổ cho tôi ở Vườn Ghết Sê Ma Nê.”
Chúng ta có thể học hỏi được điều gì về kinh nghiệm này?
Chúng ta học được điều gì từ những lời của Đấng Cứu Rỗi trong các câu này?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.