Được Củng Cố bởi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô
Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã có quyền năng để cứu giúp–giúp đỡ—mọi nỗi đau đớn và hoạn nạn của người trần thế.
Một ngày nào đó, chắc chắn chúng ta sẽ chết đi và mang gánh nặng của tội lỗi trong cuộc sống trần thế. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ loại bỏ hai điều chắc chắn này trong cuộc sống trần thế. Nhưng ngoài cái chết và tội lỗi ra, chúng ta còn có nhiều thử thách khác trong khi vất vả đấu tranh trong cuộc sống trần thế. Nhờ vào cùng một Sự Chuộc Tội đó, Đấng Cứu Rỗi có thể mang đến cho chúng ta sức mạnh cần thiết để khắc phục những thử thách đến với cuộc sống trần thế. Đó là đề tài của tôi ngày hôm nay.
I.
Hầu hết các câu chuyện trong thánh thư về Sự Chuộc Tội đều nói về việc Đấng Cứu Rỗi cắt đứt những dây trói buộc của sự chết và đau khổ vì tội lỗi của chúng ta. Trong bài giảng của An Ma được ghi lại trong Sách Mặc Môn, ông đã giảng dạy những nguyên tắc cơ bản này. Nhưng ông cũng cung cấp sự bảo đảm rõ ràng nhất trong thánh thư cho chúng ta rằng Đấng Cứu Rỗi cũng đã trải qua nỗi đau đớn, bệnh tật và yếu đuối của dân Ngài.
An Ma mô tả phần này về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi: “Và Ngài sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; và Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là: Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài” (An Ma 7:11; xin xem thêm 2 Nê Phi 9:21).
Hãy suy nghĩ về điều đó! Trong Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, Ngài đã “chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ.” Như Chủ Tịch Boyd K. Packer đã giải thích: “Ngài đã không có nợ phải trả. Ngài đã không phạm điều gì sai. Tuy nhiên, một sự tích lũy tất cả mọi mặc cảm tội lỗi, nỗi sầu khổ và buồn phiền, nỗi đau đớn và nhục nhã, tất cả nỗi dày vò về tinh thần, tình cảm và thể chất mà con người biết được—Ngài đều trải qua tất cả.”1
Tại sao Ngài phải chịu đựng “mọi” thử thách này trên trần thế? An Ma giải thích: “Và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (An Ma 7:12).
Ví dụ, Sứ Đồ Phao Lô nói rằng vì Đấng Cứu Rỗi “chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy.” (Hê Bơ Rơ 2:18). Tương tự như vậy, Chủ Tịch James E. Faust đã dạy: “Vì Đấng Cứu Rỗi đã phải chịu đựng bất cứ điều gì và tất cả mọi điều mà chúng ta có thể cảm nhận hay kinh nghiệm, nên Ngài có thể giúp những người yếu đuối trở nên mạnh mẽ hơn.”2
Đấng Cứu Rỗi đã trải qua và chịu đựng mọi thử thách trọn vẹn trên trần thế “theo thể cách xác thịt” để Ngài có thể “theo thể cách xác thịt” mà biết được cách “giúp đỡ [có nghĩa là cứu giúp] dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.” Do đó Ngài biết những nỗi khó khăn vất vả, đau lòng, cám dỗ, và đau khổ của chúng ta, vì Ngài sẵn lòng trải qua tất cả những điều đó với tính cách là một phần thiết yếu của Sự Chuộc Tội của Ngài. Và nhờ vào điều này, Sự Chuộc Tội của Ngài cho Ngài quyền năng để giúp đỡ chúng ta–cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng tất cả.
II.
Mặc dù lời dạy của An Ma trong chương bảy là một lời dạy rõ ràng nhất trong tất cả các thánh thư về quyền năng thiết yếu này của Sự Chuộc Tội, nhưng lời dạy đó cũng được thấy ở trong khắp các thánh thư.
Vào lúc bắt đầu giáo vụ của Ngài, Chúa Giê Su giải thích rằng Ngài đã được gửi đến “để chữa lành cho những kẻ đau khổ” (Lu Ca 4:18). Kinh Thánh thường nói cho chúng ta biết về việc Ngài chữa lành những người “yếu đuối” (Lu Ca 5:15; 7:21). Sách Mặc Môn ghi lại việc Ngài chữa lành những người “bị đau đớn về mọi thể cách khác” (3 Nê Phi 17:9). Sách Phúc Âm của Ma Thi Ơ giải thích rằng Chúa Giê Su đã chữa lành cho dân chúng để “cho được ứng nghiệm lời của Đấng tiên tri Ê Sai đã nói rằng: Chính Ngài đã lấy tật nguyền của chúng ta, và gánh bịnh hoạn của chúng” (Ma Thi Ơ 8:17).
Ê Sai dạy rằng Đấng Mê Si sẽ gánh “sự buồn bực” của chúng ta (Ê Sai 53:4). Ê Sai cũng dạy về việc Ngài củng cố chúng ta: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi” (Ê Sai 41:10).
Như vậy, chúng ta hát:
Đừng sợ, ta ở cùng ngươi; ôi, chớ kinh hãi,
Vì ta là Thượng Đế của ngươi và vẫn sẽ cứu giúp ngươi.
Ta sẽ củng cố ngươi, giúp đỡ ngươi, làm cho ngươi đứng được, …
Giữ vững ngươi bằng bàn tay ngay chính, toàn năng của ta.3
Khi nói về một số thử thách của ông trên trần thế, Sứ Đồ Phao Lô đã viết: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi Líp 4:13).
Và chúng ta thấy rằng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã có quyền năng để cứu giúp–giúp đỡ—mọi nỗi đau đớn và hoạn nạn của người trần thế. Đôi khi quyền năng của Ngài chữa lành một sự yếu đuối, nhưng thánh thư và những kinh nghiệm của chúng ta dạy rằng đôi khi Ngài cứu giúp hoặc giúp đỡ bằng cách ban cho chúng ta sức mạnh hay lòng kiên nhẫn để chịu đựng những yếu đuối của mình.4
III.
Những nỗi đau đớn, hoạn nạn và yếu đuối này mà Đấng Cứu Rỗi đã trải qua và chịu đựng là gì?
Chúng ta đều có những nỗi đau đớn, hoạn nạn và yếu đuối vào lúc này hay lúc khác. Ngoài những gì chúng ta trải qua vì tội lỗi của mình thì cuộc sống trần thế thường tràn đầy những khó khăn vất vả, những nỗi đau lòng và khổ sở.
Chúng ta và những người mình yêu thương đều có bệnh tật. Vào một thời điểm nào đó, mỗi người trong chúng ta cũng có cảm giác đau đớn từ những chấn thương hoặc khó khăn khác về thể chất hoặc tinh thần. Tất cả chúng ta đều đau khổ và buồn bã vì cái chết của một người thân. Chúng ta đều trải qua sự thất bại trong trách nhiệm cá nhân, mối quan hệ gia đình hoặc nghề nghiệp.
Khi một người phối ngẫu hoặc một đứa con từ chối điều chúng ta biết là chân chính và rời xa khỏi con đường ngay chính thì chúng ta đặc biệt cảm nhận được nỗi đau đớn đầy căng thẳng, giống như người cha của đứa con trai hoang phí trong câu chuyện ngụ ngôn đáng nhớ của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Lu Ca 15:11–32).
Như tác giả Thi Thiên đã tuyên bố: “Người công bình bị nhiều tai họa, Nhưng Đức Giê Hô Va cứu người khỏi hết” (Thi Thiên 34:19).
Như vậy, các bài thánh ca của chúng ta chứa đựng sự bảo đảm đích thực này: “Thế gian không có nỗi buồn nào thiên thượng không thể chữa lành được.”5 Sự chữa lành của chúng ta chính là Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài.
Các em thuộc lứa tuổi niên thiếu đặc biệt cảm thấy bị khước từ, khi bạn bè dường như tham gia vào các mối quan hệ và các sinh hoạt vui vẻ và cố tình không mời các em tham gia. Những thành kiến về chủng tộc và dân tộc nảy sinh những tình trạng khước từ đau đớn khác đối với giới trẻ và người lớn. Cuộc sống còn có nhiều thử thách khác nữa, chẳng hạn như tình trạng thất nghiệp hoặc đảo ngược kế hoạch khác.
Tôi vẫn còn đang nói về những yếu đuối của con người mà không phải do tội lỗi của chúng ta gây ra. Một số người sinh ra với khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần gây ra nỗi đau khổ cho cá nhân họ và những khó khăn vất vả cho những người yêu thương chăm sóc họ. Đối với nhiều người, sự yếu đuối của bệnh trầm cảm thì rất đau đớn hoặc làm cho mất khả năng hoạt động vĩnh viễn. Một nỗi khổ sở đau đớn khác là hoàn cảnh độc thân. Những người sống trong hoàn cảnh này nên nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi cũng đã trải qua nỗi đau đớn này và rằng, qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Ngài đã ban cho sức mạnh để chịu đựng.
Một vài khuyết tật làm hủy hoại cuộc sống vật chất hoặc tinh thần hơn là những thói nghiện ngập. Một số thói này, giống như thói nghiện hình ảnh sách báo khiêu dâm hay ma túy, rất có thể do hành vi tội lỗi gây ra. Ngay cả khi đã được hối cải, thì thói nghiện có thể vẫn còn. Sự kìm kẹp gây ra khuyết tật đó cũng có thể được giảm bớt nhờ vào sức mạnh đầy kiên quyết có sẵn từ Đấng Cứu Rỗi. Thử thách nghiêm trọng của những người bị giam giữ vì phạm tội cũng có thể được như vậy. Một bức thư mới gần đây làm chứng về sức mạnh mà có thể đến với ngay cả một người trong hoàn cảnh đó: “Tôi biết rằng Đấng Cứu Rỗi đang bước đi trong các hành lang đó, và tôi đã thường cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Ky Tô ở bên trong các bức tường nhà tù này.”6
Tôi thích chứng ngôn của người nữ thi sĩ và người bạn Emma Lou Thayne của chúng tôi. Bây giờ chúng ta hát một bài thánh ca chị ấy đã viết:
Tôi có thể tìm nguồn bình an ở đâu?
Nguồn an ủi ở đâu?
Khi các nguồn khác không làm tôi được trọn vẹn?
Khi tấm lòng bị tổn thương, giận dữ, hay ác ý,
Tôi bỏ đi
Để thăm dò tấm lòng mình?
Ở đâu, khi nào nỗi đau đớn của tôi gia tăng,
Ở đâu, khi tôi mòn mỏi đợi chờ,
Nơi đâu tôi cần biết, nơi nào tôi có thể chạy?
Bàn tay êm dịu làm vơi nỗi đau đớn ở đâu?
Ai, ai có thể hiểu được?
Chỉ Có Ngài, Đấng Chí Thánh mới hiểu được.7
IV.
Ai có thể được giúp đỡ và được củng cố nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô? An Ma dạy rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ mang lấy “những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài ” và “giúp đỡ dân Ngài” (An Ma 7:11,12; sự nhấn mạnh được thêm vào). Ai là “dân Ngài” trong lời hứa này? Có phải là tất cả mọi người trần thế—tất cả những người vui hưởng thực tế của sự phục sinh nhờ vào Sự Chuộc Tội không? Hay đó chỉ là những tôi tớ chọn lọc hội đủ điều kiện qua các giáo lễ và các giao ước mà thôi?
Từ dân có nhiều ý nghĩa trong thánh thư. Ý nghĩa thích hợp nhất với lời dạy rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ cứu giúp “dân Ngài” là ý nghĩa mà An Ma sử dụng khi về sau ông dạy rằng “Thượng Đế nhớ tới tất cả mọi sắc dân, dù họ ở tại xứ nào” (An Ma 26:37). Đó cũng là những gì các thiên sứ có ý nói khi họ loan báo sự giáng sinh của hài nhi Ky Tô: “Một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân” (Lu Ca 2:10).
Vì kinh nghiệm chuộc tội của Ngài trên trần thế nên Đấng Cứu Rỗi có thể an ủi, chữa lành, và củng cố tất cả những người nam và người nữ ở khắp mọi nơi, nhưng tôi tin rằng Ngài sẽ chỉ làm như vậy đối với những người tìm kiếm Ngài và cầu xin Ngài giúp đỡ mà thôi. Sứ Đồ Gia Cơ đã dạy: “Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhấc anh em” (Gia Cơ 4:10). Chúng ta xứng đáng với phước lành đó khi chúng ta tin nơi Ngài và cầu xin Ngài giúp đỡ.
Có hàng triệu người kính sợ Thượng Đế, họ là những người cầu nguyện lên Thượng Đế để được nhấc ra khỏi cảnh hoạn nạn. Đấng Cứu Rỗi đã mặc khải rằng Ngài đã “xuống thấp hơn tất cả mọi vật” (GLGƯ 88:6). Như Anh Cả Neal A. Maxwell đã dạy: “Sau khi đã ‘xuống thấp hơn tất cả mọi vật,’ Ngài thấu hiểu, một cách trọn vẹn và trực tiếp, đầy đủ mọi nỗi đau khổ của con người.”8 Chúng ta còn có thể nói rằng vì đã xuống thấp hơn tất cả mọi vật nên Ngài đã ở trong vị trí hoàn hảo để nâng chúng ta lên và ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để chịu đựng cảnh hoạn nạn của mình. Chúng ta chỉ cần cầu xin Ngài giúp đỡ mà thôi.
Nhiều lần trong sự mặc khải hiện đại, Chúa phán: “Vậy nên, nếu ngươi cầu xin ta thì ngươi sẽ được; nếu ngươi gõ cửa thì cửa sẽ mở cho ngươi” (ví dụ, GLGƯ 6:5; 11:5; xin xem thêm Ma Thi Ơ 7:7). Thật vậy, vì tình yêu thương toàn diện của hai Ngài nên Cha Thiên Thượng và Con Trai yêu quý của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, nghe và đáp ứng thích hợp đối với những lời cầu nguyện của tất cả những người tìm kiếm hai Ngài trong đức tin. Như Sứ Đồ Phao Lô đã viết: “Ấy là đã để sự trông cậy ta trong Đức Chúa Trời hằng sống, Ngài là Cứu Chúa của mọi người, mà nhất là của tín đồ” (1 Ti Mô Thê 4:10).
Tôi biết những điều này là đúng. Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi còn làm nhiều điều hơn là bảo đảm với chúng ta về sự bất diệt bởi một sự phục sinh chung và cung cấp cơ hội để cho chúng ta được thanh tẩy khỏi tội lỗi bằng sự hối cải và phép báp têm. Sự Chuộc Tội của Ngài cũng ban cho cơ hội để kêu cầu Ngài là Đấng đã trải qua tất cả những yếu đuối của con người để chữa lành và ban cho chúng ta sức mạnh để mang những gánh nặng của trần thế. Ngài biết nỗi đau đớn của chúng ta, và Ngài hiện diện ở đó vì chúng ta. Như người Sa Ma Ri nhân lành, khi Ngài thấy chúng ta bị thương ở bên đường, thì Ngài sẽ băng bó vết thương của chúng ta và chăm sóc cho chúng ta (xin xem Lu Ca 10:34). Quyền năng chữa lành và củng cố của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là dành cho tất cả chúng ta, là những người chịu cầu xin. Tôi làm chứng về điều đó khi tôi cũng làm chứng về Đấng Cứu Rỗi là Đấng làm cho mọi điều có thể thực hiện được.
Một ngày nào đó, tất cả những gánh nặng này của trần thế sẽ qua đi và sẽ không còn đau đớn nữa (xin xem Khải Huyền 21:4). Tôi cầu nguyện rằng chúng ta đều sẽ hiểu được niềm hy vọng và sức mạnh của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi: sự bảo đảm cho một cuộc sống bất diệt, cơ hội cho cuộc sống vĩnh cửu, và sức mạnh bền vững chúng ta có thể nhận được nếu chịu cầu xin, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.