“Nếu Ngươi Yêu Mến Ta thì Hãy Tuân Giữ Các Giáo Lệnh của Ta”
Các giáo lệnh của Ngài là một cách để thể hiện tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta và việc tuân theo các giáo lệnh của Ngài là một cách để bày tỏ tình yêu mến của chúng ta lên Ngài.
Khi đứa con gái đầu lòng của chúng tôi là Jen, đưa đứa con gái thứ ba của nó về nhà từ bệnh viện, thì tôi đến nhà nó để giúp đỡ. Sau khi đứa con gái đầu lòng của Jen đi học, chúng tôi quyết định rằng Jen cần nhất là phải nghỉ ngơi. Vì vậy, điều mà tôi có thể giúp đỡ hữu hiệu nhất là mang đứa con gái thứ hai là Chloe về nhà tôi để cho mẹ nó và em gái mới sinh của nó có thể có thời gian yên tĩnh.
Tôi cài dây an toàn cho Chloe vào ghế ngồi trong xe, cài dây an toàn cho tôi, và lái xe ra đường. Tuy nhiên, trước khi chúng tôi đi đến cuối đường, thì Chloe đã tháo dây an toàn ra và đứng lên, nhìn qua vai tôi, và nói chuyện với tôi! Tôi đậu xe vào lề đường, đi ra, và cài dây an toàn cho nó trở lại vào ghế ngồi của nó.
Chúng tôi bắt đầu lại một lần nữa nhưng cũng đi chỉ được một khoảng đường ngắn thì nó lại leo ra khỏi chỗ ngồi. Tôi lặp lại các bước tương tự, nhưng lần này trước khi tôi trở vào xe và cài dây an toàn cho mình thì Chloe đã đứng lên rồi!
Tôi thấy mình ngồi trong một chiếc xe hơi, đậu bên lề đường, đang vất vả với một đứa bé ba tuổi. Và nó đã thắng!
Tôi vận dụng mọi ý nghĩ tôi có thể nghĩ ra để thuyết phục nó rằng việc ngồi lại trong ghế của nó và cài dây cài an toàn là một ý kiến hay. Nó đã không chịu tin! Cuối cùng tôi quyết định thử phương pháp nếu/thì.
Tôi nói: “Chloe này, nếu cháu chịu ngồi vào ghế và cài dây an toàn thì ngay khi chúng ta về đến nhà của Bà Ngoại thì chúng ta có thể chơi nặn bột nhào nhé.”
Nó không trả lời.
“Chloe này, nếu cháu chịu ngồi vào ghế và cài dây cài an toàn thì chúng ta có thể làm bánh mì khi về đến nhà Bà Ngoại nhé.”
Nó không trả lời.
Tôi cố gắng một lần nữa. “Chloe này, nếu cháu chịu ngồi vào ghế và cài dây cài an toàn thì chúng ta có thể dừng lại ở chợ để mua một cái gì ăn nhé!”
Sau ba lần, tôi nhận ra đây là một việc làm vô ích. Nó đã nhất quyết và không có phương pháp nếu/thì nào đủ để thuyết phục nó ngồi lại trong ghế và cài dây an toàn cả.
Chúng tôi không thể bỏ ra cả ngày ngồi bên lề đường, nhưng tôi muốn tuân theo luật pháp, và không an toàn để lái xe khi Chloe đứng lên như vậy. Tôi dâng lên một lời cầu nguyện thầm lặng và nghe Thánh Linh mách bảo: “Hãy dạy cho nó.”
Tôi quay lại nhìn nó và kéo dây an toàn của tôi ra khỏi người tôi để nó có thể thấy. Tôi nói: “Chloe à, bà đang cài dây an toàn đây này vì nó sẽ bảo vệ bà. Nhưng nếu cháu không cài dây an toàn của cháu, thì cháu sẽ không được an toàn. Và bà sẽ rất buồn nếu cháu bị thương.”
Con bé nhìn tôi; tôi hầu như có thể thấy nó đang suy nghĩ trong đầu trong khi tôi nóng lòng ngồi chờ câu trả lời của nó. Cuối cùng, đôi mắt xanh to của nó sáng lên, nó nói: “Bà ngoại ơi, bà muốn cháu cài dây an toàn vì bà thương cháu à!”
Thánh Linh tràn đầy trong xe khi tôi bày tỏ tình yêu thương của tôi dành cho đứa bé gái quý báu này. Tôi không muốn mất đi cảm giác đó, nhưng tôi biết tôi đã có một cơ hội, nên tôi đi ra và cài dây an toàn cho nó. Sau đó, tôi hỏi: “Chloe này, cháu đừng ra khỏi ghế nghe?” Và nó đã làm theo—suốt con đường đến chợ để mua một cái gì để ăn! Và nó đã ngồi trong ghế và cài dây an toàn suốt con đường từ chợ đến nhà tôi, ở đó chúng tôi đã làm bánh mì và chơi trò chơi nặn bột nhào vì Chloe đã không quên lời hứa của tôi!
Khi tôi lái xe trở lại con đường đó vào ngày hôm ấy, thì một câu thánh thư hiện ra trong tâm trí tôi: “Nếu ngươi yêu mến ta thì hãy tuân giữ các giáo lệnh của ta.”1 Chúng ta có những quy luật để giảng dạy, hướng dẫn, và bảo vệ con cái. Tại sao? Vì tình yêu thương bao la chúng ta dành cho chúng. Nhưng Chloe đã không sẵn sàng để tuân phục điều mà nó cho là một hạn chế cho đến khi nó hiểu rằng tôi muốn nó phải ngồi vào ghế và cài dây an toàn là vì tình yêu thương của tôi dành cho nó. Nó cảm thấy rằng dây cài an toàn đã làm giới hạn tự do của nó.
Giống như Chloe, chúng ta có thể lựa chọn để thấy rằng các giáo lệnh là những hạn chế. Đôi khi chúng ta cũng cảm thấy rằng luật pháp của Thượng Đế hạn chế sự tự do cá nhân của chúng ta, cất đi quyền tự quyết, và hạn chế sự tăng trưởng của chúng ta. Nhưng khi chúng ta tìm kiếm sự hiểu biết lớn lao hơn, khi chúng ta để cho Đức Chúa Cha giảng dạy chúng ta, thì chúng ta sẽ bắt đầu thấy rằng các giáo lệnh của Ngài là một cách để biểu hiện về tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta và việc tuân theo các giáo lệnh của Ngài là một cách để bày tỏ tình yêu mến của chúng ta lên Ngài.
Nếu giả sử các anh chị em thấy mình đậu xe ở phía bên đường, thì tôi có thể đề nghị một vài nguyên tắc, mà nếu tuân theo, sẽ giúp các anh chị em an toàn trở lại con đường của đức tin và sự vâng lời”?2
Trước hết, hãy tin cậy Thượng Đế. Tin cậy chương trình vĩnh cửu của Ngài dành cho các anh chị em. Mỗi người chúng ta là “một con trai hoặc con gái linh hồn yêu quý của cha mẹ thiên thượng.” Tình yêu thương của họ đối với chúng ta rất hiển nhiên trong các giáo lệnh. Các giáo lệnh là những chỉ dẫn thiết yếu để giảng dạy, hướng dẫn, và bảo vệ chúng ta khi chúng ta “đạt được kinh nghiệm trần thế.”3
Trong “tiền dương thế” chúng ta đã sử dụng quyền tự quyết để chấp nhận chương trình của Thượng Đế,4 và chúng ta học được rằng việc tuân theo luật pháp vĩnh cửu của Thượng Đế là thiết yếu cho sự thành công của chúng ta trong kế hoạch của Ngài. Thánh thư dạy: “Có một luật pháp ở trên trời, được lập ra và không thể hủy bỏ được trước khi có sự tạo dựng thế gian này, mà theo đó mọi phước lành đều được căn cứ vào đó.”5 Nếu tuân theo luật pháp thì chúng ta nhận được các phước lành.
Ngay cả với tất cả những sai lầm, chống đối, và việc học hỏi đi kèm theo kinh nghiệm trần thế của chúng ta, Thượng Đế cũng không bao giờ quên tiềm năng vĩnh cửu của chúng ta, ngay cả khi chúng ta quên điều đó. Chúng ta có thể tin cậy Ngài “vì Thượng Đế muốn con cái của Ngài trở lại.”6 Và Ngài đã cung cấp một con đường qua Sự Chuộc Tội của Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô. Sự Chuộc Tội “là mục đích chính yếu của kế hoạch cứu rỗi.”7
Thứ hai, hãy tin cậy vào Chúa Giê Su. Cách bày tỏ tột bậc về sự vâng lời và tình yêu thương là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi tuân phục theo ý muốn của Đức Chúa Cha, Ngài phó mạng sống của Ngài cho chúng ta. Ngài phán: “Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài.”8
Chúa Giê Su cũng dạy:
“Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.
“Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết.
“Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”9
Mỗi Chủ Nhật, chúng ta có cơ hội để suy ngẫm và tưởng nhớ tới tình yêu thương thanh khiết của Đấng Cứu Rỗi khi dự phần vào biểu tượng của Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài. Trong lễ Tiệc Thánh, tôi nhìn theo các bàn tay và cánh tay dang ra để chuyền bánh và nước. Khi tôi dang tay ra để nhận bánh và nước, tôi giao ước sẽ sẵn lòng mang lấy danh Ngài, luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, cùng tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Và Ngài hứa “để [chúng ta] luôn có Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta].”10
Thứ ba, tin cậy vào lời mách bảo của Thánh Linh. Các anh chị em còn nhớ trong kinh nghiệm của tôi với Chloe, Thánh Linh đã mách bảo cho tôi một câu thánh thư chứ? Chính là trong Giăng 14:15: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.” Và những câu thánh thư quan trọng này tiếp theo:
“Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên Ủi khác, để ở với các ngươi đời đời,
“tức là Thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sự ở trong các ngươi.”11
Mỗi tín hữu xứng đáng và đã được làm lễ xác nhận của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đều có quyền có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Việc nhịn ăn, cầu nguyện, học hỏi thánh thư, và vâng lời sẽ làm gia tăng rất nhiều khả năng của chúng ta để nghe và cảm nhận những thúc giục của Thánh Linh.
Khi tâm trí của các anh chị em tràn đầy nỗi nghi ngờ và hoang mang thì Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử sẽ gửi đến Đức Thánh Linh để cảnh báo và hướng dẫn các anh chị em một cách an toàn vượt qua những nguy hiểm của cuộc sống trần thế này. Ngài sẽ giúp các anh chị em ghi nhớ, an ủi các anh chị em, và làm cho các anh chị em tràn đầy “niềm hy vọng và tình thương yêu trọn vẹn.”12
Thứ tư, tin cậy vào lời khuyên bảo của các vị tiên tri tại thế. Đức Chúa Cha đã cung cấp một con đường cho chúng ta để nghe lời của Ngài và biết luật pháp của Ngài qua các vị tiên tri của Ngài. Chúa phán: “Lời ta sẽ … được ứng nghiệm, dẫu bằng chính tiếng nói của ta hoặc bằng tiếng nói của các tôi tớ ta thì cũng như nhau.”13
Gần đây, các vị tiên tri tại thế đã khuyên dạy chúng ta phải “nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh,”14 và sống theo luật nhịn ăn. Việc tuân theo lời khuyên dạy này của các vị tiên tri cung cấp một con đường cho chúng ta để vâng theo giáo lệnh của Thượng Đế là yêu mến Ngài và người lân cận của mình khi chúng ta gia tăng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô và dang rộng tay ra để yêu thương và chăm sóc người khác.15
Việc tuân theo lời của Chúa qua các vị tiên tri của Ngài mang đến cho chúng ta sự an toàn. Thượng Đế kêu gọi Chủ Tịch Thomas S. Monson, hai cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, và các thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Trong thế giới này khi càng ngày càng có nhiều nỗi sợ hãi, sự xao lãng, nghịch cảnh, và cơn tức giận, chúng ta có thể hướng tới các vị tiên tri để xem cách các môn đồ đầy lòng bác ái của Chúa Giê Su Ky Tô nhìn, nói và phản ứng với các vấn đề mà có thể gây cảnh chia rẽ. Họ làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và đáp ứng với lòng bác ái, tình yêu thương thanh khiết của Chúa Giê Su Ky Tô, mà họ là nhân chứng của Ngài.
Sau kinh nghiệm của mình với Chloe, tôi đã tìm kiếm trong thánh thư các câu đề cập đến các giáo lệnh và tình yêu thương. Tôi tìm thấy được rất nhiều. Mỗi một câu thánh thư này nhắc chúng ta rằng các giáo lệnh của Ngài là một cách để thể hiện tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta, và việc tuân theo các giáo lệnh của Ngài là một cách bày tỏ tình yêu mến của chúng ta lên Ngài.
Tôi làm chứng rằng khi chúng ta tin cậy Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu; tin cậy Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô, thực hành đức tin nơi Sự Chuộc Tội của Ngài; tin cậy những lời mách bảo của Thánh Linh; và tin cậy vào lời khuyên dạy của các vị tiên tri tại thế, thì chúng ta sẽ tìm thấy con đường của mình từ bên lề đường và tiếp tục đi một cách an toàn—chứ không phải chỉ chịu đựng mà còn tìm thấy niềm vui trong cuộc hành trình của chúng ta trở về nhà nữa. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.