“Được Chọn Lựa để Làm Chứng về Danh Ta”
Thật là tuyệt vời để có những người lớn tuổi đã chín chắn về phần thuộc linh và óc xét đoán đang phục vụ trong các chức vụ lãnh đạo thâm niên của Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.
Năm 1996 Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã xuất hiện trên chương trình tin tức truyền hình quốc gia 60 Minutes (60 Phút). Một nhà báo giàu kinh nghiệm và gan góc là Mike Wallace đã phỏng vấn Chủ Tịch Hinckley về một số đề tài quan trọng.
Gần cuối cuộc trò chuyện của họ, Ông Wallace đã nhận xét: “Có người nói: “Đây là một chính phủ gồm những người có tuổi. Đây là một giáo hội do những người già nua lãnh đạo.’”
Chủ Tịch Hinckley đã trả lời một cách vui vẻ và không chút do dự: “Chẳng phải là điều tuyệt diệu để có được một người trưởng thành chín chắn lãnh đạo, một người có óc xét đoán không hề lay động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc sao?” (chương trình phát sóng vào ngày 7 tháng Tư năm 1996).
Mục đích của tôi là giải thích lý do tại sao thật là tuyệt vời để có những người lớn tuổi đã chín chắn về phần thuộc linh và óc xét đoán đang phục vụ trong các chức vụ lãnh đạo thâm niên của Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô—và lý do tại sao chúng ta nên chú ý nghe (xin xem Mô Si A 2:9) lời giảng dạy của những người mà Chúa đã “chọn lựa để làm chứng về danh [Ngài] … với tất cả các quốc gia, sắc ngữ, sắc tộc, và dân tộc” (GLGƯ 112:1).
Tôi cầu nguyện rằng tất cả chúng ta đều có thể được Đức Thánh Linh chỉ dẫn khi chúng ta cùng nhau xem xét đề tài quan trọng này.
Một Bài Học Để Đời
Tôi nói về đề tài này từ một quan điểm chắc chắn là đặc biệt. Trong 11 năm qua, tôi đã là thành viên trẻ tuổi nhất trong Nhóm Túc Số Mười Hai theo thứ tự tuổi tác. Trong suốt những năm phục vụ này của tôi, độ tuổi trung bình của những người phục vụ trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là 77 tuổi—tức là độ tuổi trung bình cao nhất của các Sứ Đồ trong khoảng thời gian 11 năm.
Tôi đã được ban phước với kinh nghiệm chung của các sứ đồ, cá nhân, và chuyên nghiệp gộp lại cùng sự hiểu biết của các thành viên trong nhóm túc số là những người tôi phục vụ cùng. Một ví dụ từ sự quen biết với Anh Cả Robert D. Hales cho thấy những cơ hội đáng kể mà tôi phải học hỏi và phục vụ với các vị lãnh đạo này.
Cách đây vài năm, tôi đã dành ra một buổi chiều Chủ Nhật với Anh Cả Hales tại nhà của ông khi ông đang bình phục từ một căn bệnh nghiêm trọng. Chúng tôi thảo luận về gia đình chúng tôi, trách nhiệm của chúng tôi trong nhóm túc số, và những kinh nghiệm quan trọng.
Có lúc tôi hỏi Anh Cả Hales: “Anh đã từng là một người chồng, người cha, vận động viên, nhà điều hành kinh doanh, và vị lãnh đạo Giáo Hội thành công. Anh đã học được các bài học nào khi anh lớn tuổi hơn và bị hạn chế vì khả năng thể chất giảm bớt?”
Anh Cả Hales dừng lại một giây lát rồi đáp: “Khi không thể làm những điều ta vẫn luôn luôn làm thì ta chỉ làm điều nào quan trọng nhất.”
Tôi sửng sốt trước câu trả lời đơn giản và mang tính toàn diện của ông. Vị sứ đồ cộng sự yêu dấu của tôi đã chia sẻ với tôi một bài học để đời—một bài học đã học được qua thử thách gay go của nỗi đau thể xác và việc tìm kiếm những giải đáp cho các vấn đề thuộc linh.
Những Hạn Chế và Yếu Kém của Con Người
Những hạn chế do hậu quả tự nhiên của tuổi già trên thực tế có thể trở thành những nguồn học hỏi và hiểu biết thuộc linh đáng kể. Các yếu tố mà rất nhiều người có thể tin rằng hạn chế hiệu quả của các tôi tớ này lại có thể trở thành một trong những điểm mạnh nhất của họ. Những hạn chế về thể chất có thể mở rộng sự hiểu biết. Sức chịu đựng bị giới hạn có thể làm cho những ưu tiên được hiểu rõ hơn. Việc không có khả năng để làm được nhiều điều có thể hướng sự tập trung vào một vài sự việc quan trọng nhất.
Một số người đã gợi ý rằng cần có các vị lãnh đạo trẻ hơn, tráng kiện hơn trong Giáo Hội để giải quyết những thử thách nghiêm trọng của thế giới hiện đại của chúng ta một cách có hiệu quả. Nhưng Chúa không sử dụng các triết lý và thực hành hiện đại về sự lãnh đạo để hoàn thành các mục đích của Ngài (xin xem Ê Sai 55:8–9). Chúng ta có thể kỳ vọng rằng Vị Chủ Tịch và các vị lãnh đạo thâm niên khác của Giáo Hội sẽ là những người lớn tuổi hơn và dày dạn kinh nghiệm thuộc linh.
Khuôn mẫu quản lý qua các hội đồng trong Giáo Hội của Chúa như đã được Ngài mặc khải dự phòng và làm suy giảm ảnh hưởng của những yếu kém của con người. Thú vị thay, những hạn chế về thể chất của những người này thực sự khẳng định nguồn gốc thiêng liêng của những điều mặc khải đến với họ và qua họ. Quả thật, những người này được Thượng Đế kêu gọi bằng lời tiên tri (xin xem Những Tín Điều 1:5).
Một Khuôn Mẫu Chuẩn Bị
Tôi đã quan sát trong số Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, ít nhất là một phần của mục đích của Chúa để có những người lớn tuổi với mức độ trưởng thành chín chắn và óc xét đoán phục vụ ở các chức vụ lãnh đạo thâm niên của Giáo Hội. Những người này đã được Chúa giảng dạy trong một thời gian dài, là Đấng mà họ đại diện, phục vụ, và yêu thương. Họ đã học để hiểu được cách truyền đạt thiêng liêng của Đức Thánh Linh và mẫu mực của Chúa để tiếp nhận sự mặc khải. Những người bình thường này đã trải qua một tiến trình phát triển rất phi thường mà đã gia tăng sự hiểu biết của họ, ảnh hưởng đến kiến thức của họ, nảy sinh tình yêu thương cho mọi người từ tất cả các quốc gia và hoàn cảnh, và khẳng định thực tế của Sự Phục Hồi.
Tôi đã nhiều lần chứng kiến Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương cố gắng hết sức để làm tròn và làm vinh hiển trách nhiệm của họ trong khi vật lộn với các vấn đề nghiêm trọng của thể xác. Những người này không tránh khỏi hoạn nạn. Thay vì thế, họ được ban phước và được củng cố để tiến bước một cách dũng cảm trong khi đang gặp hoạn nạn.
Trong khi phục vụ với những người đại diện này của Chúa, tôi đã biết được ước muốn mãnh liệt nhất của họ là nhận thức và làm theo ý muốn của Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài. Trong khi cùng hội ý với nhau, chúng tôi đã nhận được sự soi dẫn và đưa ra những quyết định cho thấy rằng chúng tôi đã đạt được một mức độ hiểu biết và nhận được lẽ thật vượt quá trí thông minh, tài lý luận và kinh nghiệm của con người. Trong khi làm việc với nhau trong tình đoàn kết về các vấn đề rắc rối, thì sự hiểu biết chung của chúng tôi về một vấn đề được phát huy trong những cách phi thường bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.
Tôi được ban phước để hàng ngày được quan sát nhân cách, năng lực, và cá tính cao quý của các vị lãnh đạo này. Một số người xem những khuyết điểm ở con người của Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương là điều gây phiền hà và làm suy yếu đức tin. Đối với tôi những khiếm khuyết đó lại là những điều làm khích lệ và thúc đẩy đức tin.
Một Bài Học Bổ Sung
Đến bây giờ tôi đã chứng kiến sáu Vị Thẩm Quyền Trung Ương nhận được một sự chuyển đổi qua cái chết thể xác đến các trách nhiệm mới trong thế giới linh hồn: Chủ Tịch James E. Faust, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, Anh Cả Joseph B. Wirthlin, Anh Cả L. Tom Perry, Chủ Tịch Boyd K. Packer, và Anh Cả Richard G. Scott.
Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương dũng cảm này đã dâng hiến “tất cả tâm hồn” (Ôm Ni 1:26) của họ để làm chứng về danh của Chúa Giê Su Ky Tô trên khắp thế gian. Tất cả những điều giảng dạy của họ thật là vô giá.
Các tôi tớ này đã chia sẻ với chúng ta trong những năm cuối cùng của giáo vụ của họ trên trần thế những phần tóm lược bài học thuộc linh mạnh mẽ họ đã học được qua nhiều thập niên tận tâm phục vụ. Các vị lãnh đạo này truyền đạt các lẽ thật có giá trị lớn lao vào thời điểm mà một số người có thể tin rằng họ đã đưa ra rất ít.
Hãy xem xét những lời giảng dạy cuối cùng của các vị tiên tri vĩ đại trong thánh thư. Ví dụ, Nê Phi kết thúc biên sử của mình bằng những lời này: “Vì Chúa đã truyền lệnh cho tôi như vậy, và tôi phải tuân theo” (2 Nê Phi 33:15).
Gần cuối đời ông, Gia Cốp đã khuyên nhủ:
“Các người hãy hối cải và đi vào cổng hẹp, và hãy tiếp tục đi trên con đường hẹp, cho đến khi nào các người đạt được cuộc sống vĩnh cửu.
“Ôi, hãy khôn ngoan! Bây giờ tôi còn biết nói gì thêm nữa đây?” (Gia Cốp 6:11–12).
Mô Rô Ni hoàn tất công việc của mình chuẩn bị các bảng khắc với một niềm hy vọng về Sự Phục Sinh: “Chẳng còn bao lâu nữa tôi sẽ lên an nghỉ trong thiên đàng của Thượng Đế, cho đến khi nào linh hồn và thể xác của tôi tái hợp, và tôi được đưa xuyên qua không trung một cách đắc thắng, để gặp lại các người trước rào phán xét dễ chịu của Đấng Giê Hô Va vĩ đại, là Đấng Phán Xét Vĩnh Cửu của người sống lẫn người chết (Mô Rô Ni 10:34).
Các anh chị em và tôi được ban phước để học hỏi từ những lời dạy và chứng ngôn cuối cùng của các vị tiên tri và các sứ đồ ngày sau. Những cái tên hiện nay không phải là Nê Phi, Gia Cốp, và Mô Rô Ni—mà là Chủ Tịch Faust, Chủ Tịch Hinckley, Anh Cả Wirthlin, Anh Cả Perry, Chủ Tịch Packer, và Anh Cả Scott.
Tôi không nghĩ rằng những sứ điệp cuối cùng của những người yêu quý này nhất thiết phải là những sứ điệp đáng ghi nhớ hoặc quan trọng nhất của giáo vụ của họ. Tuy nhiên, tổng số kinh nghiệm học tập về phần thuộc linh và kinh nghiệm sống của họ đã làm cho các vị lãnh đạo này nhấn mạnh đến các lẽ thật vĩnh cửu với tính xác thực tuyệt đối và quyền năng lớn lao sâu sắc.
Trong bài nói chuyện cuối cùng của Chủ Tịch Faust tại đại hội trung ương vào tháng Tư năm 2007, ông tuyên bố:
“Đấng Cứu Rỗi đã ban cho tất cả chúng ta một sự bình an quý báu nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, nhưng điều này chỉ có thể đến được khi chúng ta sẵn lòng loại bỏ những cảm giác tiêu cực, tức giận, thù oán hoặc trả thù. …
“Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta cần phải tha thứ để được tha thứ. … Tôi hết lòng và hết tâm hồn tin nơi quyền năng chữa lành mà có thể đến với chúng ta khi chúng ta tuân theo lời khuyên dạy của Đấng Cứu Rỗi ‘để tha thứ cho mọi người.’ [GLGƯ 64:10]” (“Quyền Năng Chữa Lành của Sự Tha Thứ,” Liahona, tháng Năm năm 2007, 69).
Sứ điệp của Chủ Tịch Faust là một bài học hùng hồn để đời từ một trong những người sẵn lòng tha thứ nhất mà tôi từng biết.
Chủ Tịch Hinckley làm chứng trong đại hội trung ương cuối cùng của ông vào tháng Mười năm 2007: “Tôi khẳng định lời chứng của tôi về sự kêu gọi của Tiên Tri Joseph, về công việc của ông, về việc đóng ấn chứng ngôn của ông với máu của ông với tư cách là vị tuẫn đạo cho lẽ thật vĩnh cửu. Các anh chị em và tôi phải đối phó với câu hỏi bình dị về việc chấp nhận lẽ thật của Khải Tượng Thứ Nhất, và điều tiếp theo sau đó. Giá trị của Giáo Hội này dựa vào sự xác thật của Khải Tượng Thứ Nhất. Nếu đó là sự thật, và tôi làm chứng rằng đó là sự thật, thì công việc mà chúng ta đang tham gia là công việc quan trọng nhất trên thế gian” (“Hòn Đá Đã Bị Đục Ra Từ Núi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 86).
Lời chứng của Chủ Tịch Hinckley khẳng định một bài học hùng hồn để đời từ một người tôi yêu mến và biết là một vị tiên tri của Thượng Đế.
Anh Cả Wirthlin đưa ra sứ điệp cuối cùng của ông trong đại hội tháng Mười năm 2008.
“Tôi vẫn còn ghi nhớ lời khuyên dạy [của mẹ tôi] dành cho tôi vào cái ngày xa xưa đó khi đội của tôi bị thua trong một trận đấu bóng bầu dục: ‘Chuyện gì đến thì cứ để cho nó đến và hân hoan chấp nhận nó’
“Nếu được đối phó một cách đúng, thì nghịch cảnh có thể là một phước lành trong cuộc sống của chúng ta. …
“Khi chúng ta học cách luôn hóm hỉnh, tìm kiếm viễn cảnh vĩnh cửu, hiểu biết nguyên tắc về sự đền bù, và đến gần Cha Thiên Thượng, thì chúng ta có thể chịu đựng nỗi gian khổ và thử thách. Chúng ta có thể nói như mẹ tôi đã nói: ‘Chuyện gì đến thì cứ để cho nó đến và hân hoan chấp nhận nó’” (“Chuyện Gì Đến Thì Cứ Để Cho Nó Đến và Hân Hoan Chấp Nhận Nó,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 28).
Sứ điệp của Anh Cả Wirthlin là một bài học hùng hồn để đời từ một người tôi yêu mến và là hiện thân của một bài giảng về việc khắc phục những khó khăn qua đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi.
Chỉ cách đây sáu tháng, Anh Cả Perry đã đứng tại bục giảng này. Vào lúc đó, chúng ta đã không thể nào tưởng tượng được chứng ngôn đó sẽ là chứng ngôn cuối cùng của ông trong một đại hội trung ương.
“Tôi xin kết thúc bằng chứng ngôn (và chín thập niên của tôi trên trái đất này cho tôi có đủ điều kiện để nói điều này) rằng khi càng lớn tuổi, thì tôi càng nhận ra rằng gia đình là trọng tâm của cuộc sống và là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu.
“Tôi cám ơn vợ tôi, các con tôi, các cháu và chắt của tôi, và tất cả … gia đình thân quyến đã làm cho cuộc sống của tôi được phong phú và vâng, còn vĩnh cửu nữa. Tôi chia sẻ chứng ngôn vững mạnh và thiêng liêng nhất của mình về lẽ thật vĩnh cửu” (“Tại Sao Hôn Nhân và Gia Đình Là Quan Trọng—Ở Khắp Nơi trên Thế Giới,” Liahona, tháng Năm năm 2015, 42).
Sứ điệp của Anh Cả Perry là một bài học hùng hồn để đời từ một người tôi yêu mến và là người đã thấu hiểu qua kinh nghiệm sâu rộng về mối quan hệ thiết yếu giữa gia đình và hạnh phúc vĩnh cửu.
Trong đại hội trung ương cách đây sáu tháng Chủ Tịch Packer đã nhấn mạnh về kế hoạch hạnh phúc của Đức Chúa Cha, Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, và gia đình vĩnh cửu.
“Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô và Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống. Ngài đứng đầu Giáo Hội. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài và quyền năng của chức tư tế, các gia đình mà đã được bắt đầu trên trần thế có thể được ở với nhau suốt thời vĩnh cửu. …
“Tôi rất biết ơn về … Sự Chuộc Tội mà có thể rửa sạch mọi vết nhơ cho dù có khó khăn đến đâu, bao lâu hoặc bao nhiêu lần lặp đi lặp lại. Sự Chuộc Tội có thể đưa các anh chị em thoát ra một lần nữa để tiến bước, một cách trong sạch và xứng đáng” (“Kế Hoạch Hạnh Phúc,” Liahona, tháng Năm năm 2015, 28).
Sứ điệp cuối cùng của Chủ Tịch Packer là một bài học để đời từ một người tôi yêu mến và một người đã nhiều lần tuyên bố dứt khoát rằng mục đích “của tất cả sinh hoạt trong Giáo Hội là để thấy rằng một người đàn ông và một người phụ nữ cùng với con cái của mình đều đang hạnh phúc ở nhà, được làm lễ gắn bó trong thời tại thế và suốt thời vĩnh cửu (Liahona, tháng Năm năm 2015, 26).
Anh cả Scott đã tuyên bố trong bài nói chuyện cuối cùng của ông vào tháng Mười năm 2014: “Chúng ta sinh ra trên trần thế là nhằm tăng trưởng từ những thử thách. Những thử thách sẽ giúp chúng ta trở nên giống như Cha Thiên Thượng hơn, và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô làm cho chúng ta có thể chịu đựng được những thử thách đó. Tôi làm chứng rằng khi tích cực đến cùng Ngài, thì chúng ta có thể chịu đựng được mọi cám dỗ, mọi đau khổ, mọi thử thách mà chúng ta gặp phải (“Hãy Tập Đặt Đức Tin Làm Ưu Tiên Hàng Đầu của Các Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, 94).
Sứ điệp của Anh Cả Scott là một bài học để đời từ một người tôi yêu mến và một nhân chứng đặc biệt về tôn danh của Đấng Ky Tô trên khắp thế giới (xin xem GLGƯ 107:23).
Lời Hứa và Chứng Ngôn
Đấng Cứu Rỗi phán: “Dẫu bằng chính tiếng nói của ta hoặc bằng tiếng nói của các tôi tớ ta thì cũng như nhau.” (GLGƯ 1:38). Cầu xin cho chúng ta có thể lắng nghe và lưu tâm đến các lẽ thật vĩnh cửu do những người đại diện được phép của Chúa giảng dạy. Khi làm như vậy, tôi hứa rằng đức tin của chúng ta nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ được củng cố, và chúng ta sẽ nhận được sự hướng dẫn và bảo vệ thuộc linh cho những hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể của mình.
Với tất cả nghị lực của tâm hồn mình, tôi làm chứng rằng Đấng Ky Tô phục sinh và hằng sống hướng dẫn công việc của Giáo Hội phục hồi và tại thế của Ngài qua các tôi tớ của Ngài đã được chọn lựa để làm chứng về danh của Ngài. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.