Hiến Dâng Lòng Mình lên Thượng Đế
Khi mở rộng lòng cho Thánh Linh, chúng ta học theo cách thức của Thượng Đế và cảm nhận được ý muốn của Ngài.
Trong đại hội trung ương tháng Tư, Anh Cả Dallin H. Oaks, nói về sự cần thiết “để thay đổi cuộc sống cá nhân của chúng ta.”1 Tôi nghĩ rằng sự thay đổi cuộc sống cá nhân bắt đầu với một sự thay đổi trong lòng—cho dù những kinh nghiệm sống của các anh chị em là gì hoặc sinh trưởng ở đâu đi nữa.
Tôi đến từ một tiểu bang miền nam Hoa Kỳ, và trong thời thơ ấu, những lời của bài thánh ca Tin Lành xưa đã dạy cho tôi biết về tấm lòng của một môn đồ chân chính—một tấm lòng đã được thay đổi. Hãy suy nghĩ về những lời của bài hát này mà tôi rất yêu thích:
Xin Chúa cứ theo cách Ngài!
Xin Chúa cứ theo cách Ngài!
Chúa là Thợ Gốm;
Con là đất sét.
Xin nắn con và làm cho con
Theo ý Ngài,
Trong khi con im lặng chờ đợi,
Và phục tùng để biết ý Ngài.2
Làm thế nào chúng ta, một dân tộc thời nay, đầy bận rộn, đầy tranh đua, lại trở nên phục tùng và im lặng được? Làm thế nào chúng ta làm cho những cách thức của Chúa thành cách thức của mình? Tôi tin rằng chúng ta bắt đầu bằng cách học hỏi nơi Ngài và cầu nguyện để được hiểu biết. Khi càng tin cậy Ngài hơn, thì chúng ta càng mở rộng lòng mình, tìm cách làm theo ý muốn của Ngài, và chờ đợi câu trả lời mà sẽ giúp chúng ta hiểu.
Sự thay đổi trong lòng của chính tôi bắt đầu khi tôi 12 tuổi, tôi bắt đầu tìm kiếm Thượng Đế. Tôi thực sự không biết cách cầu nguyện ngoại trừ lặp lại Lời Cầu Nguyện của Chúa,3 Tôi nhớ đã quỳ xuống, hy vọng là có thể cảm nhận được tình yêu thương của Ngài, và hỏi: “Thưa Cha Thiên Thượng, Ngài đang ở đâu? Con biết là Ngài phải đang ở đâu đó, nhưng mà ở đâu vậy?” Trong suốt thời niên thiếu, tôi đã hỏi. Tôi đã có những kinh nghiệm ngắn ngủi về sự thật về Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng trong sự thông sáng của Cha Thiên Thượng, Ngài đã để cho tôi tìm kiếm và chờ đợi suốt 10 năm.
Năm 1970, khi những người truyền giáo giảng dạy cho tôi về kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Cha và về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, thì sự chờ đợi của tôi đã kết thúc. Tôi đã chấp nhận những lẽ thật này và chịu phép báp têm.
Dựa vào sự hiểu biết này về lòng thương xót và quyền năng của Chúa, vợ chồng con cái tôi đã chọn phương châm này cho gia đình: “Rồi mọi việc đều sẽ được ổn thỏa.” Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể nói những lời đó với nhau khi những điều rắc rối to lớn xảy đến và câu trả lời thì chưa có sẵn?
Khi đứa con gái 21 tuổi yêu quí và xứng đáng của chúng tôi là Georgia, nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau một tai nạn xe đạp, thì gia đình chúng tôi nói: “Rồi mọi việc đều sẽ được ổn thỏa.” Trong khi tôi lập tức bay về từ phái bộ truyền giáo của chúng tôi ở Brazil đến Indianapolis, Indiana, Hoa Kỳ để ở bên cạnh con gái tôi, thì tôi vẫn bám vào phương châm của gia đình chúng tôi. Tuy nhiên, đứa con gái yêu kiều của chúng tôi qua đời chỉ vài giờ trước khi máy bay của tôi hạ cánh. Với nỗi đau buồn và cú sốc xảy đến với gia đình chúng tôi giống như một dòng điện giật, làm thế nào chúng tôi có thể nhìn nhau mà vẫn nói: “Rồi mọi việc đều sẽ được ổn thỏa” được?
Sau cái chết của Georgia, chúng tôi rất đau buồn, chúng tôi vất vả, cho đến bây giờ chúng tôi vẫn còn có những giây phút đau buồn khủng khiếp, nhưng chúng tôi bám vào sự hiểu biết rằng không có ai thực sự chết cả. Bất chấp nỗi đau đớn khi cơ thể của Georgia đã ngừng hoạt động, chúng tôi có đức tin rằng nó sẽ ngay lập tức tiếp tục sống trong thể linh, và tin rằng chúng tôi sẽ sống với nó mãi mãi nếu chúng tôi trung thành với các giao ước đền thờ của mình. Đức tin nơi Đấng Cứu Chuộc và đức tin nơi Sự Phục Sinh của Ngài, đức tin nơi quyền năng của chức tư tế của Ngài, và đức tin nơi sự gắn bó vĩnh cửu sẽ làm cho chúng ta tuyên bố phương châm của mình một cách đầy tự tin.
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói: “Nếu đã làm hết sức mình thì rồi mọi việc đều sẽ được ổn thỏa. Hãy đặt sự tin cậy vào Thượng Đế. … …Chúa sẽ không bỏ chúng ta.”4
Phương châm của gia đình chúng tôi không nói là “Rồi mọi việc đều sẽ được ổn thỏa bây giờ,” mà nói về niềm hy vọng của chúng tôi nơi kết quả vĩnh cửu—không nhất thiết về kết quả hiện nay. Thánh thư chép: “Hãy siêng năng tìm kiếm, hãy cầu nguyện luôn luôn và tin tưởng, rồi mọi việc sẽ hiệp lại làm lợi ích cho các ngươi.”5 Điều này không có nghĩa là tất cả mọi điều đều tốt đẹp, nhưng đối với người nhu mì và trung tín những—điều tích cực lẫn tiêu cực—cùng hiệp lại làm lợi ích, và kỳ định là của Chúa. Chúng tôi trông đợi Ngài, đôi khi giống như Gióp trong nỗi đau khổ biết rằng Thượng Đế “làm cho bị thương tích, rồi lại bó rịt cho; Ngài đánh hại, rồi tay Ngài chữa lành cho.”6 Một tấm lòng hiền lành chấp nhận thử thách và sự trông đợi cho thời gian chữa lành và nguyên vẹn sẽ đến.
Khi mở rộng lòng cho Thánh Linh, chúng ta học theo cách thức của Thượng Đế và cảm nhận được ý muốn của Ngài. Trong lễ Tiệc Thánh, mà tôi gọi là mục đích chính của ngày Sa Bát, tôi đã biết được rằng sau khi tôi cầu nguyện để có được sự tha thứ tội lỗi, thì thật là điều soi dẫn đối với tôi để hỏi Cha Thiên Thượng: “Thưa Cha, còn có điều gì nữa để làm không?” Khi dâng hiến lòng mình lên Thánh Linh và giữ điềm tĩnh thì tâm trí chúng ta có thể được hướng dẫn thêm đến một điều gì đó mà chúng ta có thể cần phải thay đổi—một điều gì đó mà hạn chế khả năng của mình để nhận được sự hướng dẫn thuộc linh hoặc thậm chí còn chữa lành và giúp đỡ nữa.
Ví dụ, có lẽ tôi giấu kín trong lòng một nỗi oán giận đối với một ai đó. Khi tôi hỏi nếu có điều gì để thú nhận nữa không, điều “bí ẩn” đó đến trong tâm trí tôi rất rõ ràng. Về cơ bản, Đức Thánh Linh đang mách bảo: “Ngươi chân thành hỏi còn có điều gì nữa để làm không, thì đây này. Nỗi oán giận của ngươi làm giảm bớt sự tiến triển của ngươi và làm thiệt hại khả năng của ngươi để có những mối quan hệ lành mạnh. Ngươi có thể từ bỏ điều này đi.” Ôi, đó là một việc khó làm—chúng ta có thể cảm thấy khá hợp lý trong tình trạng thù nghịch của mình—nhưng việc tuân phục theo cách của Chúa là cách duy nhất để có được hạnh phúc lâu dài.
Cuối cùng và dần dần, chúng ta nhận được sức mạnh và sự hướng dẫn nhân từ của Ngài—có lẽ dẫn dắt chúng ta đến đền thờ thường xuyên hoặc nghiên cứu sâu hơn Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, hoặc hội ý với một người bạn, vị giám trợ, một nhà tư vấn chuyên nghiệp, hoặc thậm chí một bác sĩ. Việc chữa lành tâm hồn bắt đầu khi chúng ta tuân phục và thờ phượng Thượng Đế.
Sự thờ phượng chân thật bắt đầu khi lòng chúng ta chân thành trước mặt Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Tấm lòng của chúng ta ra sao ngày hôm nay? Nghịch lý thay, để có được một tâm hồn được chữa lành và trung tín, trước hết chúng ta phải để cho nó bị đau đớn trước mặt Chúa. Chúa phán: “Các ngươi chỉ phải hiến dâng cho ta một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối làm của lễ hy sinh.”7 Kết quả của việc hy sinh tâm hồn, hoặc ý muốn, của chúng ta cho Chúa là nhận được sự hướng dẫn thuộc linh mà chúng ta cần.
Với sự hiểu biết ngày càng gia tăng về ân điển và lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ thấy rằng con tim bướng bỉnh của mình bắt đầu rạn nứt và vỡ ra trong lòng biết ơn. Sau đó, chúng ta tìm tới Ngài, khao khát để tự mình gánh lấy ách của Con Trai Độc Sinh của Thượng Đế. Trong nỗi đau lòng của mình để tìm đến và gánh lấy ách của Ngài, chúng ta nhận được niềm hy vọng và sự hướng dẫn mới mẻ qua Đức Thánh Linh.
Tôi đã vật lộn để xua đuổi ước muốn của con người nhằm có được mọi điều theo đường lối của tôi, cuối cùng nhận ra rằng đường lối của tôi thì rất thiếu sót, hạn chế, và kém xa đường lối của Chúa Giê Su Ky Tô. “Đường lối của Ngài là con đường dẫn đến hạnh phúc trong cuộc sống này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau.”8 Chúng ta có thể yêu mến Chúa Giê Su Ky Tô và đường lối của Ngài nhiều hơn là yêu thương bản thân mình và lịch trình riêng của mình không?
Một số người có thể nghĩ rằng họ đã thất bại quá nhiều lần và cảm thấy quá yếu đuối để thay đổi các hành vi tội lỗi hay những ham muốn trần tục của tấm lòng. Tuy nhiên, với tư cách là dân giao ước Y Sơ Ra Ên, chúng ta không chỉ cần cố gắng và tự mình cố gắng để thay đổi. Nếu chúng ta tha thiết kêu cầu Thượng Đế thì Ngài sẽ chấp nhận con người thật sự của chúng ta—và làm cho chúng ta nhiều hơn là mình đã từng tưởng tượng ra được. Robert L. Millet, một nhà thần học nổi tiếng, viết về “một nỗi khao khát lành mạnh để cải thiện,” được cân bằng với sự bảo đảm thuộc linh “rằng trong và qua Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ thành công.”9 Với sự hiểu biết như vậy, chúng ta có thể thành thật nói với Cha Thiên Thượng rằng:
Tôi tin cậy vào sự che chở của Chúa,
Tôi biết Ngài thương yêu tôi lắm,
Vậy nên tôi sẽ hết lòng làm theo ý Chúa:
Sẽ làm những gì Ngài bảo tôi làm.10
Khi chúng ta dâng tấm lòng đau khổ lên Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài sẽ chấp nhận của lễ dâng của chúng ta. Ngài nhận lại chúng ta. Cho dù phải chịu đựng những mất mát, các vết thương, và sự khước từ nào đó, thì ân điển và sự chữa lành của Ngài vẫn mạnh hơn tất cả. Vì thực sự gánh lấy ách với Đấng Cứu Rỗi, nên chúng ta có thể nói một cách tự tin: “Rồi mọi việc đều sẽ được ổn thỏa.” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.