2010–2019
Lời Êm Ái của Thượng Đế
Tháng mười 2015


11:18

Lời Êm Ái của Thượng Đế

Lời êm ái của Thượng Đế cho chúng ta thấy sự cần thiết phải hối cải liên tục trong cuộc sống để có thể giữ gìn ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.

Nhiều người trong chúng ta đang nhóm họp để tham dự đại hội này đã đến đây “để nghe những lời êm ái của Thượng Đế, phải, những lời làm hàn gắn một tâm hồn bị tổn thương” (Gia Cốp 2:8). Lời đó có thể được tìm thấy trong thánh thư và trong các sứ điệp từ các vị lãnh đạo của chúng ta, mang lại niềm hy vọng và an ủi trong lúc khó khăn hoạn nạn.

Qua kinh nghiệm của chúng ta trong cuộc sống, chúng ta biết rằng niềm vui trên thế gian này là không trọn vẹn, nhưng niềm vui của chúng ta trong Chúa Giê Su Ky Tô thì trọn vẹn (xin xem GLGƯ 101:36). Ngài sẽ ban cho sức mạnh để chúng ta sẽ không phải chịu đựng bất cứ hoạn nạn nào trừ khi những hoạn nạn này đã bị nuốt trọn trong niềm vui về Ngài (xin xem An Ma 31:38).

Lòng chúng ta có thể tràn đầy đau đớn khi nhìn thấy một người thân yêu chịu đựng những cơn đau của một căn bệnh hiểm nghèo.

Cái chết của một người chúng ta yêu thương có thể để lại một khoảng trống trong tâm hồn của chúng ta.

Khi một số con cái chúng ta đi lạc khỏi con đường phúc âm, thì chúng ta có thể cảm thấy có tội và không chắc chắn về số mệnh vĩnh cửu của chúng.

Việc hy vọng đạt được một cuộc hôn nhân thượng thiên và lập gia đình trong cuộc sống này có thể bắt đầu phai mờ dần khi thời gian trôi qua.

Sự hành hạ của những người đáng lẽ phải yêu thương chúng ta có thể để lại vết thương sâu đầy đau đớn trong tâm hồn của chúng ta.

Sự không chung thủy của một người phối ngẫu có thể hủy diệt một mối quan hệ mà chúng ta đã hy vọng là sẽ được vĩnh cửu.

Những nỗi hoạn nạn này và nhiều nỗi hoạn nạn khác là một phần của trạng thái thử thách đôi khi khiến chúng ta phải tự hỏi cùng một câu hỏi mà Tiên Tri Joseph Smith đã hỏi: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu?” (GLGƯ 121:1).

Trong những giây phút khó khăn đó của cuộc sống, lời êm ái của Thượng Đế chữa lành tâm hồn bị tổn thương và mang đến sứ điệp đầy an ủi sau đây cho tâm trí của chúng ta:

“Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn ngươi; nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi;

“Và rồi, nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao; ngươi sẽ chiến thắng tất cả các kẻ thù của mình” (GLGƯ 121:7–8).

Lời êm ái của Thượng Đế làm cho chúng ta tràn đầy hy vọng, vì biết rằng những người trung tín đang gặp hoạn nạn sẽ có phần thưởng lớn hơn hết trong vương quốc thiên thượng và rằng “sau nhiều cơn hoạn nạn, phước lành sẽ đến” (xin xem GLGƯ 58:3–4).

Khi được nói qua các vị tiên tri, lời êm ái của Thượng Đế bảo đảm rằng lễ gắn bó vĩnh cửu của chúng ta, được duy trì bởi lòng trung tín của chúng ta với các lời hứa thiêng liêng mà chúng ta đã được ban cho vì sự phục vụ dũng cảm trong chính nghĩa của lẽ thật, sẽ ban phước cho chúng ta và con cháu chúng ta (xin xem Orson F. Whitney, trong Conference Report, tháng Tư năm 1929, 110).

Những lời hứa này cũng làm cho chúng ta an tâm rằng, sau khi đã sống một cuộc sống trung thành, chúng ta sẽ không mất bất kỳ phước lành nào vì đã không làm một số điều nào đó vì chúng ta không bao giờ có cơ hội để thực hiện những lời hứa. Nếu đã sống một cách trung thành cho đến lúc chết, thì chúng ta sẽ có tất cả các phước lành, sự tôn cao, và vinh quang mà bất cứ người nam hay người nữ nào đã có cơ hội đó sẽ có. (Xin xem The Teachings of Lorenzo Snow, do Clyde J. Williams biên soạn [1984], 138).

Bây giờ, điều quan trọng là phải hiểu rằng nỗi đau khổ và hoạn nạn cũng có thể vào cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta không thực sự hối cải tội lỗi của mình. Chủ Tịch Marion G. Romney đã dạy điều đó trong những lời sau đây: “Hầu hết nỗi đau khổ và buồn phiền mà dân cư trên thế gian này đã chịu đựng là kết quả của tội lỗi không hối cải và không sửa đổi. … Cũng như nỗi đau khổ và phiền muộn tiếp theo sau tội lỗi, thì hạnh phúc và niềm vui theo sau sự tha thứ tội lỗi” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1959, 11).

Tại sao việc không hối cải sẽ gây ra đau khổ và đau đớn?

Một trong những câu trả lời có thể được đưa ra là “một sự trừng phạt đã được ấn định để đem lại một hối hận trong lương tâm” (xin xem An Ma 42:18; xin xem thêm câu 16). Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng chúng ta là những người tự kết án mình và rằng chính sự đau khổ, thất vọng trong tâm trí của chúng ta mà làm cho nó mãnh liệt như một hồ lửa với diêm sinh (xin xem Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 224).

Nếu chúng ta cố gắng xoa dịu lương tâm của mình bằng cách cố gắng “bào chữa cho tội lỗi của chúng ta” (An Ma 42:30) hoặc bằng cách cố gắng che giấu chúng, thì điều duy nhất chúng ta sẽ làm là xúc phạm đến Thánh Linh (xin xem GLGƯ 121:37) và trì hoãn sự hối cải của mình. Điều khuây khỏa này, ngoài việc là tạm thời, thì cuối cùng sẽ mang lại nhiều đau đớn và buồn phiền vào cuộc sống của chúng ta và sẽ giảm bớt khả năng để nhận được một sự xá miễn tội lỗi của mình.

Đối với nỗi đau khổ này, lời êm ái của Thượng Đế cũng mang lại niềm an ủi và hy vọng; lời này cho chúng ta biết rằng có sự khuây khỏa cho nỗi đau do những hậu quả của tội lỗi gây ra. Sự khuây khỏa này xuất phát từ sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô và có hiệu quả nếu chúng ta thực hành đức tin nơi Ngài, hối cải, và tuân theo các giáo lệnh của Ngài.

Điều quan trọng là chúng ta nhận biết được rằng giống như sự xá miễn tội lỗi, sự hối cải là một tiến trình chứ không là một điều xảy ra vào một giây phút đặc biệt. Tiến trình này đòi hỏi phải kiên định trong mỗi bước.

Ví dụ, khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta cho Chúa thấy rằng chúng ta sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Đó là một cách bày tỏ ý định chân thành của chúng ta.

Giây phút mà chúng ta bắt đầu tưởng nhớ tới Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài mỗi ngày—chứ không chỉ vào ngày Sa Bát—là khi sự xá miễn tội lỗi của chúng ta dần dần bắt đầu có hiệu quả và lời hứa của Ngài về việc có được Thánh Linh của Ngài ở với chúng ta bắt đầu được làm tròn.

Nếu không có sự vâng lời thích hợp mà phải kèm theo ý định của chúng ta, thì ảnh hưởng của sự xá miễn tội lỗi có thể biến mất ngay sau đó và sự đồng hành của Thánh Linh bắt đầu rút lui. Chúng ta sẽ có nguy cơ để vinh danh Ngài bằng đầu môi chót lưỡi trong khi lòng dạ chúng ta lại xa cách Ngài (xin xem 2 Nê Phi 27:25).

Ngoài sự an ủi ra, lời êm ái của Thượng Đế còn cảnh báo rằng tiến trình tiếp nhận một sự xá miễn tội lỗi của chúng ta có thể bị gián đoạn khi chúng ta trở nên vướng mắc với “những điều kiêu căng của thế gian,” và nó có thể được hồi phục lại qua đức tin nếu chúng ta chân thành hối cải và hạ mình (xin xem GLGƯ 20:5–6).

Điều gì có thể là một số trong những hành vi ích kỷ đó mà có thể gây ra cản trở trong tiến trình tiếp nhận một sự xá miễn tội lỗi của chúng ta và có liên quan tới việc giữ ngày Sa Bát được thánh?

Một số ví dụ bao gồm việc đến dự lễ Tiệc Thánh muộn mà không có một lý do chính đáng; đến nơi mà không tự xem xét mình trước, ăn bánh và uống nước một cách không xứng đáng (xin xem 1 Cô Rinh Tô 11:28); và không thú nhận tội lỗi của mình và cầu xin Chúa tha thứ trước khi đến.

Các ví dụ khác: tỏ ra không nghiêm trang qua việc trao đổi lời nhắn trên thiết bị điện tử của chúng ta, rời buổi họp sau khi dự phần Tiệc Thánh, và tham gia vào các sinh hoạt trong nhà mà không thích hợp cho ngày thiêng liêng đó.

Điều gì có thể là một trong những lý do tại sao chúng ta thường không giữ ngày Sa Bát được thánh mặc dù biết hết những điều này?

Trong sách Ê Sai, chúng ta có thể tìm thấy một câu trả lời rằng, mặc dù có liên quan đến ngày Sa Bát, nhưng cũng áp dụng cho các giáo lệnh khác mà chúng ta cũng phải tuân giữ. “Nếu ngươi ngừa giữ chân mình trong ngày Sa Bát, không làm vừa ý mình trong ngày thánh của ta” (Ê Sai 58:13).

Những từ chính là “không làm vừa ý mình,” hay nói cách khác, làm theo ý muốn của Thượng Đế. Thông thường, ý muốn của chúng ta—do ảnh hưởng của ước muốn, lòng ham muốn, và đam mê của con người thiên nhiên—đi ngược lại với ý muốn của Thượng Đế. Tiên Tri Brigham Young dạy rằng “khi ý muốn, niềm đam mê và cảm nghĩ của một người đã hoàn toàn phục tùng Thượng Đế và những đòi hỏi của Ngài, thì người đó đã được thánh hóa rồi. Đó là vì ý muốn của tôi sẽ lọt vào trong ý muốn của Thượng Đế, mà sẽ dẫn tôi vào tất cả điều tốt lành, và cuối cùng ban thưởng cho tôi với cuộc sống bất diệt và vĩnh cửu” (Deseret News, ngày 7 tháng Chín năm 1854, 1).

Lời êm ái của Thượng Đế mời gọi chúng ta nên sử dụng quyền năng của Sự Chuộc Tội để áp dụng cho chính mình và trở nên hòa giải với ý muốn của Ngài—chứ không phải ý muốn của quỷ dữ và xác thịt—vì vậy chúng ta có thể được cứu qua ân điển của Ngài (xin xem 2 Nê Phi 10:24–25).

Lời êm ái của Thượng Đế mà chúng ta chia sẻ ngày hôm nay cho chúng ta thấy sự cần thiết phải hối cải liên tục trong cuộc sống để có thể giữ gìn ảnh hưởng của Đức Thánh Linh càng lâu càng tốt.

Việc có được sự đồng hành của Thánh Linh sẽ làm cho chúng ta thành người tốt hơn. “Thánh Linh sẽ mách bảo sự bình an và niềm vui cho linh hồn chúng ta; Thánh Linh sẽ cất đi sự ác ý, hận thù, ghen tị, bất hòa, và mọi điều ác ra khỏi tâm hồn chúng ta; và ước muốn trọn vẹn của chúng ta sẽ là làm điều tốt, mang lại sự ngay chính, và xây đắp vương quốc của Thượng Đế” (xin xem Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, 98).

Với ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ không bị xúc phạm cũng như không xúc phạm người khác; chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, và ý nghĩ của chúng ta sẽ được trong sạch hơn. Tình yêu của chúng ta dành cho người khác sẽ gia tăng. Chúng ta sẽ sẵn sàng hơn để tha thứ và trải rộng hạnh phúc cho những người xung quanh.

Chúng ta sẽ cảm thấy biết ơn để thấy những người khác tiến bộ như thế nào, và sẽ tìm kiếm điều tốt đẹp ở người khác.

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể cảm nhận được niềm vui đến từ việc cố gắng sống một cách ngay chính và rằng chúng ta có thể giữ được sự đồng hành của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của mình qua sự hối cải chân thành và liên tục. Chúng ta sẽ trở thành người tốt hơn, và gia đình của chúng ta sẽ được ban phước. Tôi làm chứng về những nguyên tắc này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.