“Ngày 22–28 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 16–21: ‘Đức Chúa Trời Gọi Chúng Ta Rao Truyền Tin Lành’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)
“Ngày 22–28 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 16–21,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019
Ngày 22–28 tháng Bảy
Công Vụ Các Sứ Đồ 16–21
“Đức Chúa Trời Gọi Chúng Ta Rao Truyền Tin Lành”
Khi anh chị em đọc về những nỗ lực của Phao Lô để thuyết giảng phúc âm, Thánh Linh có thể thúc giục anh chị em với những ý nghĩ hoặc cảm giác. Hãy ghi xuống những thúc giục này, và hoạch định để hành động theo những thúc giục đó.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Trong số những lời cuối cùng Chúa phán cho Các Sứ Đồ của Ngài là lệnh truyền, “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma Thi Ơ 28:19–20). Mặc dù các Sứ Đồ không hoàn toàn đi đến tất cả các quốc gia, Công Vụ Các Sứ Đồ 16–21 cho thấy rằng Phao Lô và những người đồng hành với ông đã có tiến triển đáng kể trong việc thiết lập Giáo Hội. Họ giảng dạy, làm báp têm và truyền giao ân tứ Đức Thánh Linh. Họ thực hiện những phép lạ, thậm chí làm cho một người đàn ông sống lại, và báo trước về Sự Đại Bội Giáo (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7–12; 20:28–31). Và công việc mà họ đã khởi xướng vẫn tiếp tục với các Sứ Đồ ngày nay, cùng với các môn đồ tận tụy giống như anh chị em, là những người giúp làm tròn nhiệm vụ của Đấng Cứu Rỗi trong những cách thức mà Phao Lô không bao giờ có thể tưởng tượng được. Có lẽ anh chị em biết có người không biết đến Cha Thiên Thượng của họ hoặc phúc âm của Ngài. Có lẽ anh chị em đã cảm thấy “động lòng [mình]” để chia sẻ với họ điều anh chị em biết về Ngài (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:16). Nếu anh chị em noi theo tấm gương về lòng khiêm nhường và bạo dạn của Phao Lô trong việc chia sẻ phúc âm, thì anh chị em có thể tìm thấy một người nào đó mà “Chúa [đã] mở lòng cho [người ấy]” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:14).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân
Thánh Linh sẽ hướng dẫn tôi trong nỗ lực của tôi để chia sẻ phúc âm.
Mỗi người đều cần phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng một số người thì sẵn sàng để tiếp nhận phúc âm hơn những người khác. Đây là một lý do chúng ta cần Đức Thánh Linh khi chúng ta chia sẻ phúc âm—để dẫn chúng ta tới những người sẵn sàng. Khi anh chị em đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 16–21, chú ý đến những ví dụ mà Thánh Linh đã hướng dẫn Phao Lô và các bạn đồng hành của ông. Những phước lành nào đã đến vì họ tuân theo Thánh Linh? Có khi nào anh chị em đã cảm thấy Thánh Linh thúc giục anh chị em trong nỗ lực của mình để chia sẻ phúc âm chưa?
Xin xem thêm An Ma 7:17–20; Dallin H. Oaks, “Chia Sẻ Phúc Âm Phục Hồi,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 57–60; Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 92–93.
Tôi có thể tuyên bố phúc âm trong tất cả mọi hoàn cảnh.
Bị bắt vào tù vì thuyết giảng phúc âm có thể dường như là một lý do dễ hiểu để ngừng thuyết giảng. Nhưng đối với Phao Lô và Si La, nó trở thành một cơ hội để cải đạo một viên cai ngục (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 16:16–34). Trong suốt Công Vụ Các Sứ Đồ 16–21, hãy tìm kiếm các ví dụ khác về sự sẵn lòng của Phao Lô để chia sẻ lời chứng của ông với tất cả mọi người. Tại sao anh chị em nghĩ ông đã rất mạnh dạn và không sợ hãi? Anh chị em học được điều gì từ tấm gương của Phao Lô?
Còn có nhiều sứ điệp nữa về việc chia sẻ phúc âm trong các chương 16–21. Nếu tìm kỹ, anh chị em có thể tìm thấy một số sứ điệp đặc biệt áp dụng cho anh chị em. Hãy thử đọc các chương này với mục đích này trong tâm trí. Anh chị em tìm thấy điều gì?
“Chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời.”
Ở A Thên, Phao Lô tìm thấy một dân tộc với những ý kiến và quan điểm tôn giáo khác nhau. Họ luôn luôn tìm cách để “nghe việc mới lạ mà thôi,” và điều mà Phao Lô mang đến hiển nhiên là mới đối với họ (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 17:19–21). Họ thờ phượng nhiều thượng đế, kể cả đấng họ gọi là “Chúa không biết” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:23), nhưng họ tin rằng các thượng đế đều là những đấng quyền năng hay thế lực, không hiện hữu, là các đấng nhân từ, và chắc chắn không phải là Cha của chúng ta. Đọc về điều Phao Lô nói nhằm giúp họ tiến đến việc biết Thượng Đế, và chú ý đến các đặc tính của Thượng Đế mà anh chị em tìm thấy. Việc trở thành “dòng dõi của Đức Chúa Trời″ có ý nghĩa gì đối với các em? (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:29). Theo quan điểm của anh chị em, việc làm một người con của Thượng Đế khác với việc chỉ là một trong các vật sáng tạo của Ngài như thế nào? Nếu anh chị em đứng cạnh Phao Lô trong khi ông đang làm chứng, thì anh chị em sẽ nói gì với dân Hy Lạp cổ đại về Cha Thiên Thượng của chúng ta? Anh chị em có biết ai có thể được lợi ích từ việc lắng nghe chứng ngôn của anh chị em không?
Xin xem thêm Rô Ma 8:16; 1 Giăng 5:2.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:
Để giúp gia đình anh chị em hình dung ra điều gì đang xảy ra trong các chương này, trong khi cùng đọc với nhau có thể sẽ rất vui để đánh dấu các thành phố mà Phao Lô đã đến thăm trên bản đồ (xem bản đồ ở cuối đại cương này).
Làm thế nào chúng ta có thể trở nên giống như các Thánh Hữu trong các đoạn thánh thư này? Làm thế nào việc học thánh thư hàng ngày làm cho chúng ta “có ý hẳn hoi” hơn? (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11). Chúng ta có thể làm gì để trở nên “hiểu Kinh Thánh” hơn? (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:24).
Những lời giảng dạy này từ Tiên Tri Joseph Smith có thể giúp gia đình anh chị em thảo luận Công Vụ Các Sứ Đồ 19:1–7: “Phép báp têm bằng nước chỉ là một nửa của phép báp têm, và chẳng ích chi nếu không có một nửa kia—đó chính là phép báp têm bằng Đức Thánh Linh. … ‘Được sinh lại nhờ nước và Thánh Linh’ có nghĩa là được dìm mình xuống nước để xá miễn các tội lỗi và sau đó tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh. Giáo lễ này được thực hiện bằng phép đặt tay của một người đã được Thượng Đế ban cho thẩm quyền” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội: Joseph Smith, trang 103). Các phước lành nào đã đến với chúng ta nhờ việc tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh?
Điều gì đã soi dẫn những người trong các câu này đốt sách vở của họ trị giá “năm muôn đồng bạc”? (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:19). Có những của cải thế gian hay sinh hoạt nào chúng ta cần phải từ bỏ để nhận được các phước lành thiên thượng không?
Gia đình anh chị em đã có khi nào có kinh nghiệm với lời giảng dạy của Đấng Ky Tô rằng “ban cho thì có phước hơn nhận lãnh” không? (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:35). Có ai có thể hưởng lợi từ sự phục vụ, thời gian, hoặc ân tứ mà gia đình anh chị em có thể ban cho không? Là một gia đình, hãy thảo luận một số ý kiến và lên kế hoạch để phục vụ một người nào đó. Chúng ta cảm thấy như thế nào khi chúng ta phục vụ người khác? Tại sao ban cho thì có phước hơn nhận lãnh?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.