Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 13–19 tháng Hai. Ma Thi Ơ 5; Lu Ca 6: “Phước Thay Cho Các Ngươi”


“Ngày 13–19 tháng Hai. Ma Thi Ơ 5; Lu Ca 6: ‘Phước Thay Cho Các Ngươi,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 13–19 tháng Hai. Ma Thi Ơ 5; Lu Ca 6,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023

Hình Ảnh
Chúa Giê Su giảng dạy trên núi

Jesus Preaching Sermon on the Mount (Chúa Giê Su Thuyết Giảng trên Núi), tranh do Gustave Doré họa

Ngày 13–19 tháng Hai

MaThi Ơ 5; Lu Ca 6

“Phước Thay Cho Các Ngươi”

Hãy chú ý đến những ấn tượng anh chị em nhận được khi đọc Ma Thi Ơ 5Lu Ca 6, và ghi chúng vào trong nhật ký học tập của mình hoặc theo một cách khác. Đại cương này có thể giúp anh chị em nhận ra một số nguyên tắc quan trọng trong các chương này, nhưng hãy cởi mở với những điều khác mà anh chị em khám phá ra trong việc học tập của mình.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Đến thời điểm này trong giáo vụ của Ngài, rõ ràng là những lời giảng dạy của Chúa Giê Su không giống như điều những người trong thời của Ngài đã quen nghe. Những ai nghèo khó sẽ nhận được vương quốc của Thượng Đế chăng? Người nhu mì sẽ hưởng được đất chăng? Phước thay cho những ai bị ngược đãi chăng? Những thầy thông giáo và dân Pha Ri Si không giảng dạy những điều này. Tuy nhiên, những người nào thật sự thấu hiểu luật pháp của Thượng Đế đều nhận ra lẽ thật trong lời của Đấng Cứu Rỗi. “Mắt đền mắt” và “ghét kẻ thù nghịch mình” là các luật pháp thấp hơn (Ma Thi Ơ 5:38, 43). Nhưng Chúa Giê Su Ky Tô đã đến để giảng dạy luật pháp cao hơn (xin xem 3 Nê Phi 15:2–10) được lập ra nhằm giúp chúng ta trở nên “trọn vẹn, như Cha [chúng ta] ở trên trời là trọn vẹn” (Ma Thi Ơ 5:48).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Ma Thi Ơ 5:1–12; Lu Ca 6:20–26, 46–49

Hạnh phúc lâu dài đến từ việc sống theo cách thức mà Chúa Giê Su Ky Tô dạy.

Ai cũng muốn được hạnh phúc, nhưng không phải ai cũng tìm kiếm hạnh phúc ở những nơi giống nhau. Một số người tìm kiếm hạnh phúc ở quyền lực và địa vị của thế gian, những người khác thì ở sự giàu sang hoặc sự thỏa mãn những ham muốn vật chất. Chúa Giê Su Ky Tô đến để dạy con đường dẫn đến hạnh phúc dài lâu, để dạy ý nghĩa thực sự của việc được ban phước. Anh chị em học được điều gì về việc đạt được hạnh phúc dài lâu từ Ma Thi Ơ 5:1–12Lu Ca 6:20–26? Điều này khác với quan điểm của thế gian về hạnh phúc như thế nào?

Các câu này, cùng với Lu Ca 6:46–49, dạy anh chị em điều gì về việc trở thành một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô? Anh chị em cảm thấy soi dẫn để làm điều gì nhằm phát triển các thuộc tính được mô tả trong các câu này?

Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Phúc Âm, “Lời Chân Phước, Những,” churchofjesuschrist.org/study/scriptures/gs?lang=vie.

Ma Thi Ơ 5:13

“Các ngươi là muối của đất.”

Muối từ lâu đã được sử dụng để bảo quản, làm tăng hương vị, và tẩy sạch. Muối cũng có ý nghĩa tôn giáo đối với dân Y Sơ Ra Ên. Muối liên quan tới tập tục thời xưa khi hy sinh thú vật theo luật Môi Se (xin xem Lê Vi Ký 2:13; Dân Số Ký 18:19). Khi muối mất vị mặn, thì nó trở nên không hiệu quả, hoặc “không dùng chi được nữa” (Ma Thi Ơ 5:13). Điều này xảy ra khi muối bị pha trộn hoặc bị bẩn bởi những yếu tố khác.

Hãy ghi nhớ điều này trong tâm trí trong khi anh chị em suy ngẫm Ma Thi Ơ 5:13. Làm thế nào anh chị em sẽ giữ được “vị” của mình với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô? Làm thế nào anh chị em em sẽ làm tròn công việc “bảo quản và tẩy sạch” của mình với tư cách là “muối của đất”?

Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 103:9–10.

Hình Ảnh
muối

“Các ngươi là muối của đất” (Ma Thi Ơ 5:13).

Ma Thi Ơ 5:17–48; Lu Ca 6:27–35

Luật pháp của Đấng Ky Tô thay thế luật pháp của Môi Se.

Các môn đồ có lẽ đã ngạc nhiên khi nghe thấy Chúa Giê Su phán rằng sự ngay chính của họ cần phải vượt hơn cả sự ngay chính của những thầy thông giáo và người Pha Ri Si (xin xem Ma Thi Ơ 5:20), là những người hãnh diện về bản thân họ đã tuân giữ sát sao luật pháp Môi Se.

Khi anh chị em đọc Ma Thi Ơ 5:21–48Lu Ca 6:27–35, hãy cân nhắc đánh dấu cả những hành vi được đòi hỏi trong luật Môi Se (“Các ngươi có nghe lời phán…”) lẫn điều Chúa Giê Su đã dạy để nâng cao những hành vi này. Anh chị em nghĩ tại sao cách thức của Đấng Cứu Rỗi là luật pháp cao hơn?

Ví dụ, Chúa Giê Su đã dạy điều gì trong Ma Thi Ơ 5:27–28 về trách nhiệm của chúng ta đối với những ý nghĩ của chúng ta? Làm thế nào anh chị em có thể kiềm chế tốt hơn những ý nghĩ và cảm xúc đến với tâm trí và tấm lòng của mình? (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:45).

Ma Thi Ơ 5:48

Cha Thiên Thượng có thật sự kỳ vọng tôi phải được toàn hảo không?

Chủ Tịch Russell M. Nelson dạy:

“Từ hoàn hảo được dịch ra từ tiếng Hy Lạp teleios, có nghĩa là ‘trọn vẹn.’ … Dạng nguyên thể của từ này là teleiono, có nghĩa là ‘đến được một mục tiêu xa, được phát triển trọn vẹn, hoàn thành, hoặc làm xong.’ Xin lưu ý rằng từ này không ám chỉ ‘không còn lỗi lầm nữa’; nó mang nghĩa ‘đạt được một mục tiêu xa.’ …

“…Chúa dạy rằng: ‘Các ngươi không thể đương nổi sự hiện diện của Thượng Đế…; vậy nên, hãy tiếp tục kiên nhẫn cho đến khi nào các ngươi được toàn hảo’ [Giáo Lý và Giao Ước 67:13].

“Chúng ta không cần phải mất tinh thần nếu các nỗ lực sốt sắng của chúng ta hướng tới sự toàn hảo bây giờ dường như đầy gian khổ khó khăn và vô tận. Sự hoàn hảo sẽ đến. Sự hoàn hảo chỉ có thể đến một cách trọn vẹn sau Sự Phục Sinh và chỉ qua Chúa mà thôi. Nó chờ đợi tất cả những ai yêu mến Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài” (“Perfection Pending,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 86, 88).

Xin xem thêm 2 Phi E Rơ 1:3–11; Mô Rô Ni 10:32–33; Giáo Lý và Giao Ước 76:69; Jeffrey R. Holland, “Thế Thì Cuối Cùng—Các Ngươi Hãy Nên Trọn Vẹn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 40–42.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Ma Thi Ơ 5:1–9.Các nguyên tắc nào được giảng dạy trong Ma Thi Ơ 5:1–9 có thể giúp nhà của anh chị em trở thành một nơi hạnh phúc hơn? Anh chị em có thể chọn một hoặc hai điều dường như đặc biệt quan trọng đối với gia đình mình. Ví dụ, chúng ta tìm thấy những lời giảng dạy nào mà có thể giúp mình trở thành những người giải hòa? (Xin xem Ma Thi Ơ 5:21–25, 38–44). Chúng ta có thể đặt ra những mục tiêu nào? Chúng ta sẽ theo dõi những mục tiêu đó như thế nào?

Ma Thi Ơ 5:13.Cùng nhau ăn một số thức ăn được nêm muối và cùng loại thức ăn đó nhưng không có muối. Chúng ta để ý thấy sự khác biệt nào? Việc “trở thành muối của đất” có nghĩa là gì? Chúng ta làm điều này như thế nào?

Ma Thi Ơ 5:14–16.Để giúp gia đình anh chị em hiểu ý nghĩa của việc trở thành “sự sáng của thế gian,” anh chị em có thể khám phá ra một số nguồn ánh sáng trong nhà mình, trong khu xóm của mình, và trên thế giới. Có thể là hữu ích để cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi anh chị em giấu ánh sáng đi. Chúa Giê Su có ý gì khi Ngài phán: “Các ngươi là sự sáng của thế gian”? (Ma Thi Ơ 5:14). Ai giống như là ánh sáng cho gia đình anh chị em? Chúng ta có thể là một ánh sáng cho người khác bằng cách nào? (xin xem 3 Nê Phi 18:16, 24–25).

Ma Thi Ơ 5:43–45.Khi gia đình anh chị em đọc những lời của Đấng Cứu Rỗi trong các câu này, anh chị em có thể nói về người mà mình đặc biệt cảm thấy có thể yêu thương, ban phước và cầu nguyện cho. Chúng ta có thể gia tăng tình yêu thương của mình dành cho họ như thế nào?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy quan sát. “Khi chú ý đến điều đang xảy ra trong cuộc sống của con cái mình, anh chị em sẽ tìm thấy những cơ hội xuất sắc để giảng dạy. … Lời [nhận xét] mà [con cái] đưa ra hoặc câu hỏi mà [chúng] đặt ra cũng có thể dẫn đến những giây phút giảng dạy (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗitrang 16).

Hình Ảnh
cây nến

“Các ngươi là sự sáng của thế gian” (Ma Thi Ơ 5:14).

In