Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 10–16 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 6–9: “Chúa Muốn Tôi Làm Điều Gì?”


“Ngày 10–16 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 6–9: ‘Chúa Muốn Tôi Làm Điều Gì?,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 10–16 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 6–9,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023

Phao Lô ngã xuống đất

Conversion on the Way to Damascus (Sự Cải Đạo trên Đường đi đến Thành Đa Mách), tranh do Michelangelo Merisi da Caravaggio họa

Ngày 10–16 tháng Bảy

Công Vụ Các Sứ Đồ 6–9

“Chúa Muốn Tôi Làm Điều Gì?”

Hãy bắt đầu bằng cách đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 6–9. Những đề nghị trong đại cương này có thể giúp anh chị em nhận ra một số nguyên tắc quan trọng trong các chương này, mặc dù anh chị em có thể tìm thấy những nguyên tắc khác trong việc học tập riêng của mình.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Nếu có ai dường như không phải là người có khả năng cải đạo, thì đó có thể là Sau Lơ—một người Pha Ri Si nổi tiếng là ngược đãi các Ky Tô hữu. Vì thế khi Chúa phán bảo một môn đồ tên là A Na Nia tìm cho ra Sau Lơ và ban cho anh ta một phước lành, thì cũng dễ hiểu là A Na Nia đã do dự. A Na Nia thưa rằng: “Lạy Chúa, tôi có nghe nhiều kẻ nói người nầy đã làm hại biết bao các đấng thánh của Chúa trong thành Giê Ru Sa Lem” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:13). Nhưng Chúa biết tấm lòng của Sau Lơ và tiềm năng của ông ta, và Ngài đã dự định một nhiệm vụ cho Sau Lơ: “Ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Y Sơ Ra Ên” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:15). Vì thế nên A Na Nia đã vâng lời, và khi ông tìm thấy kẻ mà trước đây hay ngược đãi này, ông gọi hắn là “Hỡi anh Sau Lơ” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:17). Nếu Sau Lơ đã có thể thay đổi hoàn toàn như vậy và A Na Nia có thể thoải mái chào đón ông ta như vậy, thì chúng ta nên xem bất kỳ người nào đó như một người không có khả năng thay đổi—kể cả bản thân chúng ta không?

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Công Vụ Các Sứ Đồ 6–8

Tấm lòng tôi cần phải ở “ngay trước mặt Đức Chúa Trời.”

Một Giáo Hội phát triển có nghĩa là cần có nhiều các môn đồ phục vụ trong vương quốc. Theo như Công Vụ Các Sứ Đồ 6:1–5, Mười Hai Vị Sứ Đồ đang tìm kiếm những phẩm chất nào ở những người sẽ phục vụ với họ? Trong khi anh chị em đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 6–8, hãy ghi xuống những phẩm chất này, và những phẩm chất khác, được thể hiện như thế nào nơi những người như Ê Tiên và Phi Líp. Si Môn có thiếu sót điều gì, và chúng ta có thể học được gì từ việc ông sẵn lòng thay đổi?

Có điều gì anh chị em cảm thấy được soi dẫn để thay đổi để chắc chắn rằng tấm lòng của anh chị em ở “ngay trước mặt Đức Chúa Trời” không? (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:21–22). Làm thế nào việc thực hiện những sự thay đổi này có thể ban phước cho anh chị em khi anh chị em phục vụ Thượng Đế?

Công Vụ Các Sứ Đồ 6–7

Việc chống lại Đức Thánh Linh có thể dẫn đến sự chối bỏ Đấng Cứu Rỗi và các tôi tớ của Ngài.

Các vị lãnh đạo Do Thái có trách nhiệm chuẩn bị dân chúng cho sự hiện đến của Đấng Mê Si. Tuy nhiên, họ đã không nhận ra Đấng Mê Si và chối bỏ Ngài. Điều này xảy ra như thế nào? Một phần câu trả lời có thể được tìm thấy trong những lời của Ê Tiên: “Các ngươi cứ nghịch với Đức Thánh Linh hoài” (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:51). Anh chị em nghĩ chống lại Đức Thánh Linh có nghĩa là gì? Tại sao việc chống lại Đức Thánh Linh dẫn đến sự chối bỏ Đấng Cứu Rỗi và các tôi tớ của Ngài?

Trong khi anh chị em đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 6–7, hãy tìm kiếm những sứ điệp mà Ê Tiên giảng dạy cho dân Do Thái. Ông đang cảnh cáo những thái độ nào? Anh chị em có nhận thấy những thái độ tương tự nào nơi bản thân mình không? Những lời của Ê Tiên dạy anh chị em điều gì về hậu quả của việc chống lại Đức Thánh Linh? Làm thế nào anh chị em có thể trở nên nhạy bén hơn và đáp ứng với những sự thúc giục của Đức Thánh Linh trong cuộc sống mình?

Công Vụ Các Sứ Đồ 8:26–39

Đức Thánh Linh sẽ giúp tôi hướng dẫn những người khác đến với Chúa Giê Su Ky Tô.

Anh chị em học được điều gì về việc chia sẻ phúc âm từ câu chuyện trong Công Vụ Các Sứ Đồ 8:26–39? Đức Thánh Linh đã giúp đỡ Phi Líp như thế nào? Làm thế nào việc chia sẻ phúc âm với người khác giống như việc làm một người hướng dẫn? (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 8:31).

Anh Cả Ulisses Soares nói rằng câu chuyện này “là một lời nhắc nhở về lệnh truyền thiêng liêng ban cho tất cả chúng ta là phải tìm cách học hỏi và giảng dạy cho nhau phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. … Đôi khi chúng ta cũng giống như người Ê Thi Ô Bi này—chúng ta cần sự giúp đỡ của một giảng viên trung tín và đầy soi dẫn; và đôi khi chúng ta cũng giống như Phi Líp—chúng ta cần giảng dạy và củng cố những người khác trong sự cải đạo của họ” (“Làm Sao Tôi Có Thể Hiểu Được?,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 6). Hãy cân nhắc việc đọc phần còn lại trong sứ điệp của Anh Cả Soares và suy ngẫm cách Đức Thánh Linh có thể giúp anh chị em trở thành một người học hỏi và giảng viên phúc âm tốt hơn.

Công Vụ Các Sứ Đồ 9

Khi tôi tuân phục theo ý muốn của Chúa, tôi có thể trở thành một công cụ trong tay Ngài.

Sự cải đạo của Sau Lơ dường như rất bất ngờ; ông thay đổi nhanh chóng từ việc bắt các Ky Tô hữu vào tù sang thuyết giảng về Đấng Ky Tô trong các nhà hội. Khi anh chị em đọc câu chuyện của ông, hãy suy ngẫm lý do tại sao ông đã rất sẵn lòng thay đổi. (Để đọc lời mô tả của chính Sau Lơ về sự cải đạo của ông, xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 22:1–1626:9–18. Xin lưu ý rằng trong những câu chuyện này, Sau Lơ dùng tên Phao Lô [xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 13:9].)

Mặc dù kinh nghiệm của Sau Lơ đúng là khác thường—đối với hầu hết mọi người, sự cải đạo là một tiến trình dài hơn nhiều—có bất cứ điều gì anh chị em có thể học hỏi được từ sự cải đạo của Sau Lơ không? Anh chị em học hỏi được điều gì từ cách A Na Nia và các môn đồ khác phản ứng với sự cải đạo của Sau Lơ? Anh chị em sẽ làm gì để áp dụng những bài học này vào cuộc sống của mình? Anh chị em có thể bắt đầu bằng cách cầu vấn trong lời cầu nguyện, như Sau Lơ đã làm, “Chúa muốn tôi làm điều gì?”

Khi anh chị em đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 9:36–42, hãy suy ngẫm xem Ta Bi Tha là một công cụ trong tay Thượng Đế như thế nào. Điều gì soi dẫn anh chị em về tấm gương của bà?

Xin xem thêm Dieter F. Uchtdorf, “Chờ Đợi trên Con Đường Dẫn đến Thành Đa Mách,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 70–77.

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Công Vụ Các Sứ Đồ 6:8; 7:51–60.Hãy so sánh các câu chuyện về Ê Tiên trong Công Vụ Các Sứ Đồ 6:8Công Vụ Các Sứ Đồ 7:51–60 với các câu chuyện về Đấng Cứu Rỗi trong Lu Ca 23:1–46. Ê Tiên đã noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi như thế nào?

Công Vụ Các Sứ Đồ 7:51–60.Đức Thánh Linh đã ban phước cho Ê Tiên như thế nào khi ông bị ngược đãi? Khi nào chúng ta đã nhận được sức mạnh từ Đức Thánh Linh trong những lúc khó khăn?

Công Vụ Các Sứ Đồ 9:5.Gai nhọn là một cây giáo được dùng để lùa thú vật. Thú vật thường đá lại khi bị đâm, mà làm cho cây giáo đâm sâu hơn vào thịt của con vật. Phép so sánh này đôi khi có thể áp dụng cho chúng ta như thế nào? Chúng ta có thể làm gì để dễ chấp nhận sự sửa đổi từ Chúa hơn?

Phi E Rơ làm cho Ta Bi Tha sống lại

Tabitha Arise (Ta Bi Tha Sống Lại), tranh do Sandy Freckleton Gagon họa

Công Vụ Các Sứ Đồ 9:32–43.Cân nhắc việc mời mọi người trong gia đình anh chị em vẽ hình về các câu chuyện trong Công Vụ Các Sứ Đồ 9:32–43. Chúng ta học được gì về vai trò môn đồ chân chính từ những câu chuyện này? Làm thế nào một người “làm nhiều việc lành,” giống như Ta Bi Tha, có thể giúp những người khác tin nơi Chúa? (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 9:36; “Chương 60: Phi E Rơ Làm Cho Ta Bi Tha Sống Lại” (trong Các Câu Chuyện trong Kinh Tân Ước, trang 156–157).

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài thánh ca gợi ý: “Con Sẽ Đi Đến Nơi Nào Ngài Sai Con,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy áp dụng thánh thư vào cuộc sống của anh chị em. Khi anh chị em đọc, hãy suy ngẫm cách mà những câu chuyện và những lời giảng dạy trong thánh thư áp dụng cho cuộc sống của anh chị em. Ví dụ, anh chị em có những cơ hội nào để phục vụ người khác, như Ta Bi Tha đã làm trong Công Vụ Các Sứ Đồ 9:36–39?

Ê Tiên bị ném đá đến chết

“Chúng đang ném đá, thì Ê Tiên cầu nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Giê Su, xin tiếp lấy linh hồn tôi” (Bản Dịch Joseph Smith, Công Vụ Các Sứ Đồ 7:59).