Kinh Cựu Ước năm 2022
Những Điều Cần Ghi Nhớ: Các Vị Tiên Tri và Lời Tiên Đoán


“Những Điều Cần Ghi Nhớ: Các Vị Tiên Tri và Lời Tiên Đoán,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Những Điều Cần Ghi Nhớ: Các Vị Tiên Tri và Lời Tiên Đoán,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

hình biểu tượng ghi nhớ

Những Điều Cần Ghi Nhớ

Các Vị Tiên Tri và Lời Tiên Đoán

Trong cách phân chia truyền thống của Cơ Đốc Giáo trong Kinh Cựu Ước, phần cuối cùng (từ Ê Sai đến Ma La Chi) được gọi là “Các Vị Tiên Tri.”1 Phần này, dài khoảng một phần tư Kinh Cựu Ước, bao gồm lời của các tôi tớ đã được Thượng Đế ủy quyền làm người giao tiếp với Chúa và rồi phát ngôn thay cho Ngài, chia sẻ sứ điệp của Ngài với dân chúng khoảng từ năm 900 đến 500 TCN.2

Các vị tiên tri và lời tiên đoán đóng một vai trò chủ đạo trong suốt Kinh Cựu Ước. Các tộc trưởng Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp đã thấy những khải tượng và trò chuyện cùng các sứ giả thiên thượng. Môi Se đã trực tiếp trò chuyện với Thượng Đế và truyền đạt ý muốn của Ngài cho con cái Y Sơ Ra Ên. Các sách 1 và 2 Các Vua kể lại những công việc đáng nhớ và các sứ điệp của các vị tiên tri Ê Li và Ê Li Sê. Kinh Cựu Ước cũng nói về các nữ tiên tri như Mi Ri Am (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 15:20) và Đê Bô Ra (xin xem Các Quan Xét 4), cùng với các phụ nữ khác được ban phước với tinh thần tiên tri, như là Rê Be Ca (xin xem Sáng Thế Ký 25:21–23) và An Ne (xin xem 1 Sa Mu Ên 1:20–2:10). Và dù sách Thi Thiên không được viết bởi các vị tiên tri chính thức, họ cũng đầy dẫy tinh thần tiên tri, đặc biệt khi họ mong chờ sự xuất hiện của Đấng Mê Si.

Không có điều nào trong số này là bất ngờ đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau. Thật ra, phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô dạy chúng ta rằng các vị tiên tri không chỉ là một phần thú vị của lịch sử mà còn là một phần thiết yếu trong kế hoạch của Thượng Đế. Trong khi một số người dường như cho rằng sự tồn tại của các vị tiên tri chỉ có trong thời Cựu Ước, thì chúng ta nhìn nhận sự tồn tại của họ ngày nay, giống với thời Cựu Ước.

Mặc dù vậy, việc đọc một chương từ Ê Sai hoặc Ê Xê Chi Ên có thể cảm thấy khác với việc đọc một sứ điệp đại hội trung ương từ vị Chủ Tịch Giáo Hội hiện tại. Đôi khi, khó có thể nhận ra điều mà các vị tiên tri thời xưa muốn nói với chúng ta. Dẫu sao, thế giới mà chúng ta sống ngày nay thì rất khác biệt với thế giới mà họ đã thuyết giảng và tiên tri. Và thực tế là chúng ta thật sự có một vị tiên tri hằng sống có thể dẫn đến một câu hỏi: tại sao lại cần nỗ lực—và thật sự cần nhiều nỗ lực—để đọc lời của các vị tiên tri thời xưa?

Họ quả thật có một điều gì đó để ngỏ lời cùng chúng ta

Phần lớn, con người ngày nay không phải là đối tượng chính của các vị tiên tri thời Cựu Ước. Những vị tiên tri đó có những mối bận tâm trước mắt mà họ cần đề cập đến trong thời đại và nơi chốn của họ—cũng giống như các vị tiên tri ngày sau của chúng ta đề cập đến những lo lắng trước mắt của chúng ta ngày nay.

Đồng thời, các vị tiên tri cũng có thể nhìn xa hơn những lo lắng trước mắt. Bởi một điều, họ giảng dạy các lẽ thật vĩnh cửu, liên quan đến bất cứ thời đại nào. Và, được ban phước với sự mặc khải, họ thấy được bức tranh rộng lớn hơn, viễn cảnh xa hơn về công việc của Thượng Đế. Ví dụ, Ê Sai không chỉ cảnh báo dân chúng trong thời ông về tội lỗi của họ—mà ông còn có thể viết về sự giải thoát dân Y Sơ Ra Ên sống trong tương lai sau 200 năm và đồng thời dạy về sự giải thoát mà toàn thể dân của Thượng Đế tìm kiếm. Ngoài ra, ông có thể viết những lời tiên tri mà vẫn đang chờ được ứng nghiệm, ngay cả ngày nay—như những lời hứa về “đất mới” (Ê Sai 65:17) mà “đầy dẫy sự hiểu biết Đức Giê Hô Va” (Ê Sai 11:9), nơi mà các chi tộc thất lạc của Y Sơ Ra Ên sẽ được quy tụ và nơi mà “các nước” không còn “tập sự chiến tranh” (Ê Sai 2:4). Một phần của niềm vui sướng và sự soi dẫn đến từ việc đọc những lời của các vị tiên tri trong Kinh Cựu Ước giống như Ê Sai là nhận ra được rằng chúng ta đóng một vai trò trong ngày vinh quang mà họ đã trông thấy.3

Vì thế, khi đọc các lời tiên tri thời xưa, sẽ rất hữu ích nếu anh chị em tìm hiểu về bối cảnh khi chúng được viết ra. Nhưng anh chị em cũng nên thấy được mình trong đó, hoặc “tự mình áp dụng những lời ấy,” giống như Nê Phi đã diễn tả (xin xem 1 Nê Phi 19:23–24). Đôi khi điều đó có nghĩa là công nhận Ba Bi Lôn là một biểu tượng của vật chất thế gian và tính kiêu ngạo, chứ không chỉ là một thành phố cổ đại. Nó cũng có nghĩa là hiểu Y Sơ Ra Ên là dân của Thượng Đế trong bất kỳ thời đại nào và hiểu Si Ôn là chính nghĩa sau cùng được dân của Thượng Đế theo đuổi, thay vì chỉ là một cách gọi khác của Giê Ru Sa Lem.

Chúng ta có thể áp dụng thánh thư bởi vì chúng ta hiểu rằng một lời tiên tri có thể được ứng nghiệm trong nhiều cách thức.4 Một ví dụ hay về điều này là lời tiên tri trong Ê Sai 40:3: “Có tiếng kêu la trong đồng vắng: Hãy dọn đường Chúa, ban bằng các nẻo Ngài.” Đối với dân Do Thái bị cầm tù tại Ba Bi Lôn, câu này có thể ngụ ý đến Chúa cung ứng một cách thức thoát khỏi cảnh tù đày và quay trở về Giê Ru Sa Lem. Đối với Ma Thi Ơ, Mác, và Lu Ca, lời tiên tri này được ứng nghiệm về Giăng Báp Tít, người đã chuẩn bị con đường cho giáo vụ trần thế của Đấng Cứu Rỗi.5 Và Joseph Smith đã tiếp nhận sự mặc khải rằng lời tiên tri này vẫn đang được ứng nghiệm trong những ngày sau để chuẩn bị cho giáo vụ của Đấng Ky Tô trong thời kỳ ngàn năm.6 Bằng nhiều cách thức mà chúng ta vẫn đang tìm hiểu, các vị tiên tri thời xưa quả thật ngỏ lời cùng chúng ta. Và họ đã dạy nhiều lẽ thật quý báu, vĩnh cửu, liên quan đến chúng ta cũng như đến Y Sơ Ra Ên cổ đại.

vị tiên tri thời xưa đang viết

Kỳ Mãn tranh do Greg K. Olsen họa

Họ làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô

Có lẽ quan trọng hơn cả việc thấy được chính mình trong những lời tiên đoán của Kinh Cựu Ước là thấy được Chúa Giê Su Ky Tô trong đó. Nếu tìm kiếm Ngài, thì anh chị em sẽ tìm thấy Ngài, ngay cả khi danh Ngài không được nói đến. Điều có lẽ hữu ích là luôn ghi nhớ rằng Thượng Đế của Kinh Cựu Ước, Đức Chúa Giê Hô Va, chính là Chúa Giê Su Ky Tô. Bất cứ khi nào các vị tiên tri mô tả điều Chúa đang làm hoặc điều Ngài sẽ làm, họ đang nói về Đấng Cứu Rỗi.

Anh chị em cũng sẽ thấy các đoạn nói về Đấng Được Xức Dầu (xin xem Ê Sai 61:1), Đấng Cứu Chuộc (xin xem Ô Sê 13:14), và một vị Vua tương lai xuất thân từ dòng dõi của Đa Vít (xin xem Ê Sai 9:6–7; Xa Cha Ri 9:9). Các đoạn này đều là những lời tiên tri về Chúa Giê Su Ky Tô. Thường gặp hơn, anh chị em sẽ đọc về sự giải thoát, tha thứ, cứu chuộc, và phục hồi. Với Đấng Cứu Rỗi trong tâm trí và tấm lòng mình, những lời tiên tri sẽ tự nhiên hướng anh chị em đến với Vị Nam Tử của Thượng Đế. Sau cùng, cách tốt nhất để hiểu lời tiên tri là có “tinh thần tiên tri,” theo như Giăng nói với chúng ta, chính là “lời chứng của Đức Chúa [Giê Su]” (Khải Huyền 19:10).

Ghi Chú

  1. Ê Sai, Giê Rê Mi, Ê Xê Chi Ên, và Đa Ni Ên thường được gọi là các Vị Tiên Tri Chính bởi vì độ dài các sách của họ. Các vị tiên tri khác (Ô Sê, Giô Ên, A Mốt, Áp Đia, Giô Na, Mi Chê, Na Hum; Ha Ba Cúc, Sô Phô Ni, A Ghê, Xa Cha Ri, và Ma La Chi) được gọi là Các Vị Tiên Tri Phụ bởi vì sách của họ thì ngắn hơn nhiều. Sách Ca Thương được xem là một phần trong Văn Chương, không nằm trong phần Tiên Tri.

  2. Chúng ta không biết cách mà các sách tiên tri được biên soạn. Trong một vài trường hợp, một vị tiên tri có thể đảm trách việc tổng hợp các bài viết và lời tiên đoán của mình. Trong những trường hợp khác, các sách có thể được ghi chép và tổng hợp sau khi họ qua đời.

  3. “Hãy nghĩ tới niềm phấn khởi và sự cấp bách của sự quy tụ đó: mỗi vị tiên tri, bắt đầu từ A Đam, đã nhìn thấy thời kỳ này của chúng ta. Và mỗi vị tiên tri đã nói về thời kỳ của chúng ta khi Y Sơ Ra Ên sẽ được quy tụ và thế gian sẽ được sẵn sàng cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Hãy nghĩ về điều đó! Trong số tất cả những người từng sống trên trái đất, chúng ta là những người được tham gia vào sự kiện quy tụ cuối cùng vĩ đại này. Thật là phấn khởi biết bao!” (Russell M. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên,” [buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho giới trẻ, ngày 3 tháng Sáu năm 2018], phụ trương cho tạp chí New EraEnsign, trang 8, ChurchofJesusChrist.org). Xin xem thêm Ronald A. Rasband, “Sự Ứng Nghiệm Lời Tiên Tri,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 75–78.

  4. Đấng Cứu Rỗi, khi nói về Ê Sai, đã phán: “Tất cả những điều người nói đều đã xảy rasẽ xảy ra đúng như lời người nói” (3 Nê Phi 23:3; phần in nghiêng được thêm vào).

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 3:1–3; Mác 1:2–4; Lu Ca 3:2–6.

  6. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 33:10; 65:3; 88:66.