“Ngày 14–20 tháng Mười Một. A Mốt; Áp Đia: ‘Hãy Tìm Kiếm Đức Giê Hô Va, thì Các Ngươi Sẽ Sống,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)
“Ngày 14–20 tháng Mười Một. A Mốt; Áp Đia,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022
Ngày 14–20 tháng Mười Một
A Mốt; Áp Đia
“Hãy Tìm Kiếm Đức Giê Hô Va, thì Các Ngươi Sẽ Sống”
Đức Thánh Linh có thể mở tâm trí và tấm lòng anh chị em để đón nhận các sứ điệp trong lời của Thượng Đế mà dành riêng cho anh chị em. Anh chị em cảm thấy Chúa muốn mình học điều gì trong tuần này?
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Thượng Đế đã chọn dòng dõi của Áp Ra Ham làm dân giao ước của Ngài để mà họ sẽ là “một nguồn phước” cho mọi dân tộc (xin xem Sáng Thế Ký 12:2–3). Nhưng thay vì vậy, trước thời gian giáo vụ của A Mốt, nhiều người trong dân giao ước này đã hiếp đáp kẻ nghèo và phớt lờ những vị tiên tri, làm cho những hành động thờ phượng của họ thành ra vô nghĩa và rỗng tuếch (xin xem A Mốt 2:6–16). Thật vậy, các quốc gia quanh họ cũng phạm vào những tội lỗi tày đình (xin xem A Mốt 1; 2:1–5), nhưng đó không bao giờ là lời biện minh cho dân của Thượng Đế (xin xem A Mốt 3:2). Vì thế Thượng Đế đã gửi một người chăn từ Giu Đa tên là A Mốt đến thuyết giảng sự hối cải cho Vương Quốc Y Sơ Ra Ên. Sau đó, Thượng Đế cũng tuyên phán qua tiên tri Áp Đia rằng mặc dù Vương Quốc Giu Đa đã bị hủy diệt, nhưng Chúa sẽ lại quy tụ và ban phước cho dân Ngài. Cả hai vị tiên tri đều làm chứng rằng dân giao ước đã xa rời Chúa, nhưng họ sẽ không bị khai trừ mãi mãi. Khi Thượng Đế mặc khải những điều kín nhiệm của Ngài cho các vị tiên tri là tôi tớ Ngài (xin xem A Mốt 3:7), chúng ta có thể xem đó là một dấu hiệu rằng Ngài vẫn muốn giúp chúng ta sống theo các giao ước chúng ta đã lập với Ngài.
Để có thêm thông tin về các sách A Mốt và Áp Đia, xin xem “A Mốt” và “Áp Đia” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Chúa mặc khải những lẽ thật qua các vị tiên tri của Ngài.
Trong A Mốt 3:3–6, vị tiên tri A Mốt trình bày một số ví dụ về nguyên nhân và hệ quả: bởi vì con sư tử tìm thấy con mồi, con sư tử gầm lên; bởi vì có bẫy gài bắt chim, nên con chim mới bị sa lưới. (Lưu ý rằng trong Bản Dịch Joseph Smith cho câu 6, từ “làm” được đổi thành “biết.”) Trong các câu 7–8, A Mốt đã áp dụng lập luận này cho các vị tiên tri. Điều gì khiến cho một vị tiên tri phải nói lời tiên đoán? Anh chị em học được điều gì khác về các vị tiên tri trong khi đọc A Mốt 7:10–15? Hãy suy ngẫm lý do anh chị em biết ơn khi Chúa vẫn “tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ của Ngài, là các tiên tri” (A Mốt 3:7). Lẽ thật này gợi ý điều gì cho anh chị em về Thượng Đế?
Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 1:38; 21:4–8; 35:13–14.
“Hãy tìm kiếm Đức Giê Hô Va, thì các ngươi sẽ sống.”
Trong khi anh chị em đọc A Mốt 4:6–13, hãy lưu ý những sự phán xét mà Chúa đã giáng xuống dân Y Sơ Ra Ên. Những câu này gợi ý gì về điều Chúa hy vọng sẽ xảy ra sau mỗi kinh nghiệm này? (xin xem thêm Hê La Man 12:3). Hãy nghĩ về một thử thách mà anh chị em trải qua gần đây. Mặc dù thử thách của anh chị em có lẽ không do Thượng Đế gửi đến, nhưng hãy suy ngẫm cách mà nó có thể cho anh chị em cơ hội tìm kiếm Ngài.
Hãy đọc A Mốt 5:4, 14–15, và suy ngẫm cách Chúa đã “ra ơn” (câu 15) cho anh chị em trong khi anh chị em tìm kiếm Ngài, kể cả trong những thời gian thử thách.
Xin xem thêm Donald L. Hallstrom, “Tìm đến Chúa,” Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 78–80.
Lời của Chúa có thể làm thỏa cơn đói khát thuộc linh.
Hết thảy chúng ta đều trải qua những thời kỳ đói khát thuộc linh, nhưng chúng ta không cần phải “đi dông dài từ biển này đến biển khác” (A Mốt 8:12) tìm kiếm một điều gì đó để làm thỏa mãn chúng ta. Chúng ta biết điều gì sẽ làm thỏa cơn đói thuộc linh đó, và chúng ta đã được ban phước dồi dào với lời của Chúa. Trong khi anh chị em đọc A Mốt 8:11–12, hãy nghĩ về lý do tại sao nạn đói là hình ảnh so sánh tốt cho việc sống mà không có lời của Thượng Đế. Anh chị em tìm thấy thêm những sự hiểu biết sâu sắc nào trong Ma Thi Ơ 5:6; Giăng 6:26–35; 2 Nê Phi 9:50–51; 32:3; Ê Nót 1:4–8?
Ai là “các kẻ giải cứu … trên núi Si Ôn”?
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã đưa ra lời giải thích khả thi cho cụm từ “các kẻ giải cứu trên Núi Si Ôn,” khi liên hệ cụm từ này với công việc đền thờ và lịch sử gia đình: “[Trong đền thờ,] chúng ta thật sự trở thành những vị cứu tinh trên Núi Si Ôn. Điều này có nghĩa là gì? Cũng giống như Đấng Cứu Chuộc đã phó mạng sống của Ngài để làm một sự hy sinh thay thế cho tất cả loài người, và khi làm như thế đã trở thành Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, chúng ta cũng làm giống như vậy, trong một phạm vi nhỏ, khi chúng ta tham dự vào việc làm thay cho người chết trong đền thờ, chúng ta trở thành những vị cứu tinh cho những người đã chết là những người không có cách nào để phát triển trừ phi một điều gì đó được thực hiện thay cho họ bởi những người còn sống trên thế gian,” (“Lời Nhận Xét Bế Mạc,” Liahona, tháng Mười Một năm 2004, trang 105).
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
A Mốt 3:7.Anh chị em có thể xem lại một số sứ điệp gần đây từ vị Chủ Tịch của Giáo Hội và thảo luận điều Chúa đang mặc khải cho gia đình anh chị em qua ông ấy. Tại sao là điều quan trọng để có một vị tiên tri hướng dẫn Giáo Hội? Bằng cách nào chúng ta đã biết được ông ấy đúng thật là một vị tiên tri? Chúng ta đang làm gì để nghe theo lời khuyên nhủ của ông?
-
A Mốt 5:4.Gia đình anh chị em có thể tạo ra một tấm áp phích với câu thánh thư này trên đó để treo trong nhà. Việc tìm kiếm Chúa có nghĩa là gì? Chúng ta tìm kiếm Ngài bằng cách nào? Chúng ta nhận được các phước lành nào khi làm điều đó? Anh chị em có thể mời mọi người trong gia đình chia sẻ và thảo luận những đoạn khác giảng dạy về việc tìm kiếm Chúa, như là Ma Thi Ơ 7:7–8; Ê The 12:41; và Giáo Lý và Giao Ước 88:63.
-
A Mốt 8:11–12.Trẻ em có thể thích tạo ra những động tác để làm theo những cụm từ trong các câu này. Khi cơ thể chúng ta đói hoặc khát, chúng ta làm gì? Khi linh hồn chúng ta đói hoặc khát, chúng ta làm gì?
-
Áp Đia 1:21.Ý nghĩa của việc là “các kẻ giải cứu … trên núi Si Ôn” là gì? (Để có một lời giải thích khả thi, xin xem lời phát biểu của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley trong phần “Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân.”) Những tổ tiên nào của chúng ta cần các giáo lễ cứu rỗi? Chúng ta sẽ làm gì để giúp đỡ họ?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát gợi ý: “Tạ Ơn Thượng Đế Đã Ban Cho một Vị Tiên Tri,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 36.