Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 6–12 tháng Một. 1 Nê Phi 1–7: “Con Sẽ Đi và Làm”


“Ngày 6–12 tháng Một. 1 Nê Phi 1–7: ‘Con Sẽ Đi và Làm,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 6–12 tháng Một. 1 Nê Phi 1–7,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2020

Gia đình của Lê Hi hành trình trong vùng sa mạc

Lehi Traveling Near the Red Sea (Lê Hi Hành Trình Gần Biển Đỏ), tranh do Gary Smith họa

Ngày 6–12 tháng Một

1 Nê Phi 1–7

“Con Sẽ Đi và Làm”

Khi đọc 1 Nê Phi 1–7, anh chị em hãy nghĩ về những câu thánh thư, kinh nghiệm, câu hỏi, và những tài liệu khác mà mình cảm thấy được soi dẫn sử dụng để giảng dạy trẻ em. Các sinh hoạt trong đề cương này có thể được thích ứng cho trẻ em lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Một số trẻ em trong lớp của anh chị em có thể đã nghe hoặc đọc về kinh nghiệm của gia đình Nê Phi trong 1 Nê Phi 1–7. Hãy mời các em chia sẻ những gì chúng biết. Nếu trẻ em không biết nhiều về kinh nghiệm của Nê Phi, hãy cho chúng một cơ hội ở cuối bài học để chia sẻ những điều chúng học được.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

1 Nê Phi 2:16

Tôi cần chứng ngôn của riêng tôi.

Nê Phi đã tin những lời cha của ông nói bởi vì ông đã có ước muốn được tự mình biết và cầu nguyện lên Chúa. Hãy giúp trẻ em học hỏi từ tấm gương của ông.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mang một cái hộp đóng kín với một bức hình của Đấng Cứu Rỗi ở bên trong và cho mỗi em một cơ hội để tự tìm xem cái gì đang ở trong hộp. Nói với trẻ em rằng Nê Phi muốn có chứng ngôn của riêng ông rằng Chúa đã truyền lệnh cho gia đình ông phải rời khỏi Giê Ru Sa Lem. Yêu cầu các em lắng nghe điều Nê Phi đã làm để nhận được chứng ngôn của riêng ông khi anh chị em đọc 1 Nê Phi 2:16. Làm chứng rằng cũng như mỗi người chúng ta phải mở hộp ra để tìm xem bên trong chứa gì, tất cả chúng ta đều cần phải cầu vấn Thượng Đế để nhận được chứng ngôn của riêng mình.

  • Mang đến những hình ảnh hoặc đồ vật tượng trưng cho những điều trẻ em có thể tìm kiếm chứng ngôn về, chẳng hạn như một bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô, một cuốn Sách Mặc Môn, hoặc một bức hình của vị tiên tri tại thế. Mời trẻ em chọn một bức hình hoặc đồ vật và chia sẻ chứng ngôn của chúng với cả lớp về điều bức hình hoặc đồ vật đó tượng trưng.

1 Nê Phi 2:2–4; 3–4

Thượng Đế sẽ giúp tôi tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.

Anh chị em có thể sử dụng những câu chuyện này như thế nào để giúp trẻ em hiểu rằng Thượng Đế giúp chúng ta tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, ngay cả khi các giáo lệnh đó dường như là khó để tuân theo?

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Đọc 1 Nê Phi 2:2–4 cho trẻ em nghe và trưng bày một vài hình ảnh về những thứ mà gia đình của Nê Phi có thể đã mang theo vào vùng hoang dã, chẳng hạn như lều, chăn, và cung tên. Yêu cầu các em tưởng tượng xem chúng có thể sẽ cảm thấy như thế nào nếu phải rời bỏ nhà cửa của mình và đi vào vùng hoang dã. Chúa yêu cầu chúng ta làm gì ngày nay để vâng lời Ngài?

  • Giúp trẻ em tô màu và cắt rời những hình người bằng giấy trên trang sinh hoạt của tuần này; sau đó, yêu cầu các em sử dụng những hình người bằng giấy này để tóm lược câu chuyện Nê Phi và các anh của ông đi lấy các bảng khắc bằng đồng (xin xem 1 Nê Phi 3–4). Bài hát “Nephi’s Courage” (Children’s Songbook, trang 120–121) và “Chương 4: Các Bảng Khắc Bằng Đồng” (Sách Truyện Mặc Môn, trang 8–12; xin xem thêm đoạn video tương ứng trên trang ChurchofJesusChrist.org) có thể giúp anh chị em kể lại câu chuyện này.

  • Hãy sử dụng các bức hình số 103–115 trong Sách Họa Phẩm Phúc Âm để giúp trẻ em suy nghĩ về những điều Chúa đã truyền lệnh cho chúng ta phải làm. Chúng ta được phước như thế nào khi vâng lời Ngài? Giúp các em trang trí những tấm huy hiệu để đeo mà có viết Tôi sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh (1 Nê Phi 3:7). Hãy cùng nhau lặp lại cụm từ này nhiều lần.

1 Nê Phi 3:19–21; 5:19–22

Thánh thư là một kho báu vĩ đại.

Làm thế nào anh chị em có thể giúp soi dẫn trẻ em trân quý thánh thư, tức là lời của Thượng Đế?

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Cho trẻ em thấy một vật nào đó (hoặc hình ảnh của một vật nào đó) vô cùng quý giá đối với anh chị em. Hãy nói về việc anh chị em trân trọng nó và chăm sóc nó như thế nào. Giải thích rằng đối với gia đình của Lê Hi, thánh thư là vô cùng quý giá, như một kho báu vậy.

  • Mời trẻ em giúp anh chị em kể hoặc đóng diễn những điều Nê Phi và các anh của ông đã làm để có được các bảng khắc bằng đồng: họ hành trình một quãng đường xa, từ bỏ vàng bạc của họ, và trốn trong một cái hang để bảo toàn tính mạng của họ. Đọc 1 Nê Phi 5:21. Tại sao thánh thư lại quý giá đến như vậy đối với gia đình của Lê Hi? Làm thế nào chúng ta có thể trân quý thánh thư như một kho báu?

Lê Hi tra cứu các bảng khắc bằng đồng

Lehi Receiving the Brass Plates (Lê Hi Nhận Lấy Các Bảng Khắc Bằng Đồng), tranh do Clark Kelley Price họa

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

1 Nê Phi 2:16, 19–20

Tôi có thể có chứng ngôn của riêng tôi.

Anh chị em học được điều gì từ tấm gương của Nê Phi về việc nhận được chứng ngôn của riêng mình? Làm thế nào anh chị em có thể giúp trẻ em học hỏi từ tấm gương của ông?

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Yêu cầu trẻ em tìm kiếm trong 1 Nê Phi 2:16, 19 để khám phá xem làm thế nào Nê Phi nhận được chứng ngôn về những lời cha của ông đã nói. Mời các em viết ra những hành động của Nê Phi lên những khối hình hoặc các vật khác và sau đó làm thành một vật nào đó để tượng trưng cho cách thức mà những điều này giúp chúng ta xây đắp chứng ngôn.

  • Nói với trẻ em về cách mà anh chị em nhận được chứng ngôn của mình về phúc âm. Mời các em chia sẻ những kinh nghiệm tương tự mà chúng đã có và khuyến khích chúng noi theo tấm gương của Nê Phi để tiếp tục xây đắp chứng ngôn của mình. Việc có được chứng ngôn của riêng mình giúp đỡ chúng ta như thế nào?

1 Nê Phi 3:1–8

Tôi có thể tuân theo các giáo lệnh của Chúa với đức tin.

Việc phát triển một thái độ như của Nê Phi sẽ giúp đỡ trẻ em khi Chúa yêu cầu chúng làm điều gì đó dường như khó khăn.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Chia lớp ra thành hai nhóm. Mời một nhóm đọc phản ứng của La Man và Lê Mu Ên đối với Lê Hi (xin xem 1 Nê Phi 3:2–5) và nhóm kia đọc phản ứng của Nê Phi (xin xem 1 Nê Phi 3:2–4, 7). Mời một em đóng giả làm Lê Hi và yêu cầu các em khác đóng giả trở về Giê Ru Sa Lem để lấy các bảng khắc bằng đồng. Mời mỗi nhóm phản ứng bằng lời riêng của mình như thể các em chính là những người mà các em đọc về. Cha Thiên Thượng đã truyền lệnh cho chúng ta phải làm một số điều gì? Làm thế nào chúng ta có thể được giống như Nê Phi?

  • Cùng nhau hát một bài hát về sự vâng lời và yêu cầu trẻ em lắng nghe những cụm từ mà dạy cách chúng ta nên tuân theo Chúa.

1 Nê Phi 3–4

Đức Thánh Linh sẽ dẫn dắt tôi khi tôi cố gắng làm theo ý muốn của Chúa.

Nê Phi tuân theo Thánh Linh, “không biết trước được là [ông] sẽ phải làm gì” (1 Nê Phi 4:6). Làm thế nào anh chị em có thể giúp trẻ em mà mình giảng dạy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh?

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời trẻ em đóng diễn câu chuyện về Nê Phi và các anh của ông cố gắng lấy các bảng khắc bằng đồng (xin xem 1 Nê Phi 3–4). Mời một em đọc 1 Nê Phi 4:6 và yêu cầu cả lớp lắng nghe điều Nê Phi đã làm mà giúp họ được thành công.

  • Chia sẻ với trẻ em một số ví dụ về những điều Thượng Đế muốn chúng làm, chẳng hạn như kết bạn với một ai đó ở trường mà có vẻ cô đơn, tha thứ cho đứa em, hoặc nói thật sau khi phạm lỗi lầm. Yêu cầu trẻ em chia sẻ cách Đức Thánh Linh có thể giúp đỡ chúng trong những trường hợp đó. Làm thế nào chúng ta có thể mời Đức Thánh Linh giúp chúng ta vâng lời Thượng Đế?

hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Mời trẻ em chia sẻ với gia đình những kinh nghiệm khi chúng đã được ban phước vì đã tuân giữ các lệnh truyền. Khuyến khích các em yêu cầu những người trong gia đình chúng chia sẻ những kinh nghiệm tương tự.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Giúp trẻ em học hỏi từ thánh thư. Để giúp trẻ em nhỏ tuổi học hỏi từ thánh thư, hãy tập trung vào một câu thánh thư hoặc một đoạn then chốt trong câu. Anh chị em có thể mời trẻ em đứng dậy hoặc giơ tay lên khi chúng nghe thấy từ hay cụm từ đó. (Xin xem thêm Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 21.)