Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 10–16 tháng Hai. 2 Nê Phi 6–10: “Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta!”


“Ngày 10–16 tháng Hai. 2 Nê Phi 6–10: ‘Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta!’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 10–16 tháng Hai. 2 Nê Phi 6–10,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2020

Chúa Giê Su cầu nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê

Not My Will, but Thine, Be Done (Không Phải theo Ý Con mà Ý Ngài Được Nên), tranh do Harry Anderson họa

Ngày 10–16 tháng Hai

2 Nê Phi 6–10

“Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta!”

Khi anh chị em đọc 2 Nê Phi 6–10, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn từ Thánh Linh về những điều nên giảng dạy. Đề cương này và tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình có thể soi dẫn thêm những ý tưởng khác.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Khuyến khích trẻ em thay phiên nhau chia sẻ một điều gì đó chúng học được về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài trong khi học tập 2 Nê Phi 6–10 riêng cá nhân hoặc chung với gia đình của chúng.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

2 Nê Phi 9:7–13, 20–23

Chúa Giê Su Ky Tô cứu tôi khỏi tội lỗi và cái chết.

Làm thế nào anh chị em có thể sử dụng 2 Nê Phi 9:7–13 và 20–23 để giúp trẻ em hiểu rằng Chúa Giê Su Ky Tô cứu mọi người khỏi cái chết và làm cho chúng ta có thể hối cải tội lỗi?

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Kể cho trẻ em nghe câu chuyện về một người bị ngã xuống một cái hố sâu đến mức người đó không thể leo ra được. Một người đi ngang qua và đã kéo người này ra khỏi cái hố. Anh chị em có thể muốn vẽ hình câu chuyện này lên trên bảng hoặc đóng diễn câu chuyện với trẻ em. Giải thích rằng cái hố này giống như cái chết và người đã giúp đỡ người bị ngã xuống hố giống như Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã cứu tất cả mọi người khỏi cái chết bằng cách ban cho chúng ta ân tứ sự phục sinh. Nói với trẻ em rằng cũng chính người này đã ngã xuống một cái hố khác. Lần này, người cứu hộ đã đưa cho người này một cái thang để leo ra khỏi cái hố. Giải thích rằng cái hố này giống như tội lỗi và cái thang là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, là điều cho phép chúng ta hối cải và được tha thứ các tội lỗi của mình. Đọc 2 Nê Phi 9:22–23 và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.

  • Cùng nhau hát một bài hát về tình yêu thương của Chúa Giê Su Ky Tô. Mời trẻ em vẽ tranh về những điều giúp chúng biết Đấng Cứu Rỗi yêu thương chúng.

2 Nê Phi 9:49

“Lòng tôi hân hoan về sự ngay chính.”

Làm thế nào anh chị em có thể khuyến khích trẻ em mà mình giảng dạy “hân hoan về sự ngay chính,” hay vui vẻ vâng lời Chúa? (2 Nê Phi 9:49).

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Đọc 2 Nê Phi 9:49 cho trẻ em nghe và giúp các em tìm kiếm và hiểu những điều mà Gia Cốp đã nói rằng ông yêu thích và căm ghét. Chia sẻ những tình huống mà trong đó một đứa trẻ đưa ra những lựa chọn đúng hoặc sai và mời trẻ em đứng lên khi lựa chọn của bạn ấy mang đến niềm vui và ngồi xuống khi lựa chọn của bạn ấy mang lại nỗi buồn. Tại sao việc chọn điều đúng mang đến cho chúng ta niềm vui? Vào những lúc nào các em đã cảm thấy vui sướng vì mình đã chọn điều đúng?

  • Cùng nhau hát một bài hát hát về niềm vui đến từ sự vâng lời và yêu cầu trẻ em lắng nghe những điều khiến chúng ta vui sướng. Để cho trẻ em thay phiên nhau đóng giả làm một người cha hoặc mẹ đang yêu cầu các em khác làm một điều gì đó. Hãy yêu cầu các em khác thực hành vâng lời một cách vui mừng.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

2 Nê Phi 6; 7:1–2

Chúa sẽ luôn làm tròn lời hứa của Ngài.

Việc hiểu rằng Chúa giữ lời hứa của Ngài có thể giúp trẻ em xây đắp đức tin nơi Ngài và sự tin tưởng trong việc vâng theo các lệnh truyền của Ngài.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Yêu cầu trẻ em nói về một số lời hứa chúng đã lập như lời hứa với một người bạn hoặc các giao ước trong lễ báp têm. Tại sao việc giữ lời hứa đôi khi lại rất khó? Tại sao việc giữ lời hứa lại là quan trọng? Hãy đọc câu sau đây: “Đức Chúa Trời sẽ làm tròn những giao ước mà Ngài đã lập với con cái của Ngài” (2 Nê Phi 6:12). Chia sẻ một ví dụ về cách Thượng Đế giữ lời hứa của Ngài, ngay cả khi các phước lành không đến ngay lập tức.

  • Trưng bày một bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô bên cạnh bức hình của một đứa trẻ. Đọc 2 Nê Phi 7:1 và giải thích rằng dân của Thượng Đế có thể được nói là đã “ly dị” Ngài khi họ ngừng vâng theo phúc âm của Ngài. Di chuyển bức hình của đứa trẻ ra xa khỏi bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô để cho thấy rằng khi chúng ta không tuân giữ các giao ước của mình, chẳng hạn như giao ước báp têm, chúng ta tự tách rời mình ra khỏi Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi. (Để ôn lại các giao ước báp têm, xin xem GLGƯ 20:37.) Làm thế nào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi cho phép chúng ta trở lại gần với Ngài hơn? Khi anh chị em thảo luận điều này, hãy mời trẻ em di chuyển các bức hình lại gần với nhau lần nữa.

2 Nê Phi 9:10–23

Chúa Giê Su Ky Tô cứu tôi khỏi tội lỗi và cái chết.

Làm thế nào anh chị em có thể sử dụng 2 Nê Phi 9:10–23 để giúp trẻ em học được rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng?

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Yêu cầu trẻ em giúp anh chị em vẽ một con đường ở trên bảng và mời chúng vẽ thêm vào một số chướng ngại vật hoặc vật cản dọc theo con đường. Cùng nhau đọc 2 Nê Phi 9:10 và mời các em đặt tên cho các chướng ngại vật trên con đường bằng những từ trong câu này mà mô tả những chướng ngại có thể ngăn cản chúng ta trở về với Thượng Đế. Sau đó, hãy nói về cách Chúa Giê Su Ky Tô khắc phục các chướng ngại vật này cho chúng ta (xin xem 2 Nê Phi 9:21–23), và khi anh chị em nói về điều này, hãy mời trẻ em xóa đi các chướng ngại vật.

  • Trưng bày một bức hình của A Đam và Ê Va, như Leaving the Garden of Eden (“Rời Khỏi Vườn Ê Đen”, ChurchofJesusChrist.org). Giải thích rằng khi A Đam và Ê Va ăn trái cây Thượng Đế phán bảo họ không được ăn trong vườn Ê Đen, họ mang tội lỗi và cái chết đến cho thế gian. Trưng bày một bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô. Để giúp trẻ em hiểu Chúa Giê Su khắc phục tội lỗi và cái chết như thế nào, hãy kể câu chuyện về người bị ngã xuống một cái hố được tìm thấy trong ý tưởng giảng dạy đầu tiên trong phần “Trẻ Em Nhỏ Tuổi” trong đề cương này. Sau đó, yêu cầu trẻ em vẽ tranh về câu chuyện này hoặc đóng diễn câu chuyện. Đọc 2 Nê Phi 9:21–23 và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.

  • Giúp trẻ em tìm một bài hát về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô trong sách Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi (phần phụ lục của quyển sách này có thể giúp ích). Mời trẻ em tìm và chia sẻ các cụm từ trong bài hát mà mô tả những điều Chúa Giê Su đã làm cho chúng ta. Yêu cầu các em chia sẻ cảm nghĩ và cảm nhận của chúng về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi hoặc chia sẻ chứng ngôn của anh chị em.

2 Nê Phi 9:20, 28–29, 42–43

Tôi sẽ được phước khi tuân theo lời khuyên dạy của Thượng Đế.

Hãy giúp trẻ em xây đắp một nền tảng vững chắc của sự tin cậy nơi Thượng Đế để khi sự hiểu biết và khả năng của các em gia tăng, chúng sẽ tiếp tục trông cậy vào Ngài và tuân theo những lời khuyên dạy của Ngài.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời trẻ em kể cho anh chị em nghe về một điều gì đó chúng biết rất nhiều, như một cuốn sách ưa thích hoặc thú vui. Mời một em đọc 2 Nê Phi 9:20 và làm chứng rằng Thượng Đế “[thông hiểu] mọi sự việc.” Tại sao điều quan trọng đối với chúng ta là phải hiểu rằng Thượng Đế thông hiểu mọi sự việc?

  • Yêu cầu trẻ em tưởng tượng chúng nghe thấy một người bạn nói rằng các lệnh truyền hay những lời giảng dạy của Giáo Hội đều là điên rồ. Các em sẽ nói gì với người bạn của mình? Tại sao điều quan trọng là phải tin tưởng lời khuyên dạy của Thượng Đế ngay cả khi chúng ta không hoàn toàn hiểu lời khuyên dạy đó? Hãy khuyến khích trẻ em tìm kiếm trong 2 Nê Phi 9:20, 28–29, và 42–43 để được giúp đỡ trong việc suy ngẫm và thảo luận các câu hỏi này.

hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Giúp trẻ em nghĩ về một cách các em có thể giảng dạy cho gia đình chúng những điều chúng đã học được về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Ví dụ, chúng có thể sử dụng trang sinh hoạt của tuần này để giải thích làm thế nào Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta khắc phục tội lỗi và cái chết.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Sử dụng trang sinh hoạt. Khi trẻ em thực hiện các trang sinh hoạt, hãy sử dụng thời gian này để giúp các em thấy sinh hoạt đó liên quan đến các nguyên tắc trong bài học như thế nào và cách các nguyên tắc này áp dụng cho cuộc sống của chúng.