Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 10–16 tháng Hai. 2 Nê Phi 6–10: “Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta!”


“Ngày 10–16 tháng Hai. 2 Nê Phi 6–10: ‘Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta!’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (2020)

“Ngày 10–16 tháng Hai. 2 Nê Phi 6–10,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Cầu Nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê

Not My Will, but Thine, Be Done (Không Phải theo Ý Con mà Ý Ngài Được Nên), tranh do Harry Anderson họa

Ngày 10–16 tháng Hai

2 Nê Phi 6–10

“Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta!”

Trong khi đọc 2 Nê Phi 6–10, anh chị em hãy suy ngẫm điều Chúa đang cố gắng dạy cho mình. Khi nhận ra được các lẽ thật này, hãy ghi lại và xem xét một cách thành tâm cách anh chị em có thể hành động dựa theo điều đang học.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Đã được ít nhất 40 năm kể từ khi gia đình Lê Hi rời khỏi Giê Ru Sa Lem. Họ đã ở trên một vùng đất mới xa lạ, cách Giê Ru Sa Lem và phần dân giao ước còn lại của Thượng Đế nửa vòng trái đất. Lê Hi đã chết, và con cháu ông đã bắt đầu điều sẽ trở thành mối bất hòa kéo dài hàng thế kỷ giữa dân Nê Phi—“những người tin vào những sự báo trước và mặc khải của Thượng Đế”—và dân La Man, những người không tin (2 Nê Phi 5:6). Trong các hoàn cảnh này, Gia Cốp, em trai của Nê Phi và bấy giờ được sắc phong làm một thầy giảng cho dân Nê Phi, muốn dân giao ước này biết rằng Thượng Đế sẽ không bao giờ quên họ, vì thế họ phải không được bao giờ quên Ngài. Đây là sứ điệp chúng ta chắc chắn cần phải có trong thế gian của chính chúng ta, nơi mà những giao ước bị xem thường và sự mặc khải bị chối bỏ. Ông đã tuyên bố: “Chúng ta hãy nhớ đến Ngài, … vì chúng ta không bị loại trừ. … Vĩ đại thay những lời hứa [của] Chúa,” (2 Nê Phi 10:20–21). Trong số những lời hứa đó, không có lời hứa nào vĩ đại hơn lời hứa ban cho một “sự chuộc tội vô hạn” để vượt qua cái chết và ngục giới (2 Nê Phi 9:7). Gia Cốp kết luận rằng: “Vì vậy, hãy hoan hỉ lên đi”! (2 Nê Phi 10:23).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

2 Nê Phi 6–8

Chúa đầy lòng thương xót dân Ngài và sẽ làm tròn những lời Ngài hứa.

Để giúp dân ông hiểu được rằng họ là một phần gia tộc Y Sơ Ra Ên và có thể tin cậy Thượng Đế cùng những lời hứa của Ngài, Gia Cốp đã trích dẫn những lời tiên tri của Ê Sai, được ghi trong 2 Nê Phi 6–8. Ê Sai đã mô tả sự phân tán của Y Sơ Ra Ên và lời hứa của Đấng Cứu Rỗi sẽ quy tụ cùng cứu chuộc dân Ngài. Khi đọc, anh chị em hãy suy ngẫm các câu hỏi như sau:

  • Tôi học được gì về tình yêu cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi dành cho tôi?

  • Đấng Cứu Rỗi đã đề nghị ban sự an ủi nào cho những ai tìm kiếm Ngài?

  • Tôi có thể làm gì để “chờ đợi” Đấng Cứu Rỗi và những phước lành Ngài đã hứa một cách thành tín hơn?

2 Nê Phi 9:1–26

Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã giải thoát tất cả mọi người khỏi cái chết thể xác và cái chết thuộc linh.

Anh chị em sẽ sử dụng những từ ngữ hay hình ảnh nào để truyền đạt cho một ai đó về nhu cầu khẩn thiết rằng chúng ta cần có một Đấng Cứu Chuộc cứu chúng ta khỏi cái chết và tội lỗi? Gia Cốp đã dùng những từ “ghê gớm” và “con yêu quỷ.” Gia Cốp đã dạy điều gì về “con yêu quỷ ấy, là sự chết và ngục giới” và việc “tránh” khỏi chúng mà Thượng Đế đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta? (2 Nê Phi 9:10). Khi đọc 2 Nê Phi 9:1–26, anh chị em hãy cân nhắc đánh dấu bằng một màu mực về điều sẽ xảy ra cho chúng ta nếu không có Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Rồi, bằng một màu mực khác, anh chị em có thể đánh dấu điều chúng ta có thể nhận được qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Anh chị em tìm ra những lẽ thật nào về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô khiến cho anh chị em tán dương “sự thông sáng của Thượng Đế, lòng thương xót và ân điển của Ngài”? (2 Nê Phi 9:8).

Xin xem thêm “Atonement of Jesus Christ (Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô),” Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org.

2 Nê Phi 9:27–54

Tôi có thể đến cùng Đấng Ky Tô và nhận các phước lành vinh quang của Sự Chuộc Tội của Ngài.

Chúa Giê Su Ky Tô đã “xuống thế gian để cứu vớt tất cả loài người nếu họ biết nghe theo lời của Ngài” (2 Nê Phi 9:21; chữ nghiêng được thêm vào). Nói cách khác, chúng ta phải sẵn lòng chấp nhận các phước lành cứu rỗi Ngài ban cho. Sau khi mô tả kế hoạch cứu chuộc vĩ đại, Gia Cốp đã đưa ra những lời cảnh báo và mời gọi quan trọng trong 2 Nê Phi 9:27–54, nhằm giúp chúng ta nhận được các phước lành của Sự Chuộc Tội. Cân nhắc ghi lại những lời này vào một biểu đồ giống như sau:

Cảnh Báo

Mời Gọi

Cảnh Báo

Mời Gọi

Cảnh Báo

Mời Gọi

Anh chị em cảm thấy được thúc giục bởi Thánh Linh để làm điều gì nhằm đáp lại những lời cảnh báo và mời gọi này?

2 Nê Phi 10:20, 23–25

Nhờ vào sự hy sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi có thể “hoan hỉ” trong lòng mình.

Sứ điệp của Gia Cốp thật đáng để vui mừng. Ông nói: “Tôi nói với các người những điều này để cho các người được vui mừng, và ngước đầu lên mãi mãi” (2 Nê Phi 9:3). Khi đọc 2 Nê Phi 10:20, 23–25, anh chị em tìm thấy điều gì cho mình hy vọng? Anh chị em tìm được điều gì khác trong 2 Nê Phi 9–10 mang lại cho mình hy vọng? Anh chị em sẽ làm gì để ghi nhớ những điều này khi cảm thấy thất vọng?

Xin xem thêm Giăng 16:33.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

2 Nê Phi 8:3–7

Trong khi đọc 2 Nê Phi 8:3, anh chị em có thể cho thấy các bức tranh về một sa mạc và một khu vườn. Chúa biến sa mạc của cuộc sống chúng ta thành khu vườn bằng cách nào? Trong các câu 4–7, Chúa khuyên răn chúng ta nên làm gì để nhận được niềm vui được mô tả trong câu 3?

2 Nê Phi 8:24–25

Những lời khích lệ của Ê Sai dành cho dân của Si Ôn có thể củng cố chúng ta như thế nào trong các nỗ lực để trở thành các môn đồ trung tín hơn của Chúa Giê Su Ky Tô? Việc thức dậy và mặc y phục giống với điều gì mà Thượng Đế muốn chúng ta làm về mặt thuộc linh?

2 Nê Phi 9:1–26

Gia đình anh chị em có thể làm gì để hiểu rõ hơn tính chất trọng đại của “sự chuộc tội vô hạn” của Chúa Giê Su Ky Tô? (câu 7). Có lẽ họ có thể nhìn hoặc nghĩ về những thứ dường như vô hạn về số lượng—những ngọn cỏ trên cánh đồng, các hạt cát ở bãi biển, hoặc các vì sao trên bầu trời. Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi vô hạn như thế nào? Các cụm từ nào trong 2 Nê Phi 9 làm gia tăng lòng biết ơn của chúng ta đối với điều Đấng Cứu Rỗi đã làm cho mình?

2 Nê Phi 9:27–44

Vào một ngày trong tuần này, gia đình anh chị em có thể tìm kiếm trong 2 Nê Phi 9:27–38 những lời cảnh báo (theo sau từ “khốn thay”). Những lời cảnh báo nào dường như đặc biệt quan trọng đối với gia đình anh chị em để thảo thuận? Vào một ngày khác, anh chị em có thể tìm kiếm trong 2 Nê Phi 9:39–44 những điều Gia Cốp đã mời dân ông ghi nhớ.

2 Nê Phi 9:28–29, 50–51

Một số ví dụ của “tính kiêu căng, sự yếu đuối, sự rồ dại của loài người” là gì? (câu 28). Chúng ta có thể làm gì để trân quý hơn những điều của Thượng Đế và bớt coi trọng những điều của thế gian?

2 Nê Phi 9:45

Gia đình anh chị em có thể yêu thích làm một cái cùm bằng giấy và rồi lần lượt đeo vào và bứt ra. Tội lỗi giống với gông cùm như thế nào? Bằng cách nào Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta bứt khỏi tội lỗi?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Hãy sẵn sàng và dễ tiếp cận. “Một số giây phút giảng dạy tốt nhất bắt đầu bằng một câu hỏi hoặc mối quan tâm nơi tấm lòng của một [thành viên gia đình]. … Hãy để cho những người trong gia đình biết qua lời nói và hành động của anh chị em rằng anh chị em nóng lòng được nghe họ” (xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 16).

Hình Ảnh
Chúa Giê Su chữa lành người bệnh

Đấng Cứu Rỗi sẽ cứu vớt tất cả con cái của Thượng Đế “nếu họ biết nghe theo lời của Ngài” (2 Nê Phi 9:21). He Healed Many of Diverse Diseases (Ngài Chữa Lành Nhiều Người Bệnh), tranh do J. Kirk Richards họa

In