“Ngày 17–23 tháng Hai. 2 Nê Phi 11–25: ‘Chúng Tôi Hoan Hỷ về Đấng Ky Tô’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (2020)
“Ngày 17–23 tháng Hai. 2 Nephi 11–25,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020
Ngày 17–23 tháng Hai
2 Nê Phi 11–25
“Chúng Tôi Hoan Hỷ về Đấng Ky Tô”
Nê Phi dạy rằng những lời của Ê Sai “rất rõ ràng đối với những ai có đầy dẫy tinh thần tiên tri” (2 Nê Phi 25:4). Khi anh chị em đọc, hãy tìm kiếm tinh thần tiên tri bằng cách chuẩn bị bản thân mình về mặt thuộc linh, lắng nghe Thánh Linh, và ghi lại những ấn tượng của anh chị em.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Việc khắc lên các bảng kim loại thật không dễ dàng, và chỗ trên các bảng khắc nhỏ của Nê Phi lại có giới hạn. Vậy tại sao Nê Phi lại nỗ lực không mệt mỏi để chép lại một phần lớn những bài viết của Ê Sai vào biên sử của ông? Ông đã làm vậy “để những ai … đọc thấy những lời này sẽ nức lòng và hoan hỷ” (2 Nê Phi 11:8). Theo một ý nghĩa nào đó, lời mời đọc những điều Ê Sai viết ra là một lời mời để hoan hỷ. Giống như Nê Phi, anh chị em có thể vui thích những lời tiên tri của Ê Sai về sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên, sự tái lâm của Đấng Mê Si, và sự bình an trong thời kỳ ngàn năm mà đã được hứa ban cho người ngay chính. Anh chị em có thể hoan hỷ rằng ngay cả trong ngày của “sự hoạn nạn, tối tăm,” anh chị em vẫn “thấy sự sáng vĩ đại” (2 Nê Phi 18:22; 19:2). Anh chị em có thể hoan hỷ rằng anh chị em có thể “múc nước nơi các nguồn cứu rỗi” (2 Nê Phi 22:3). Nói cách khác, anh chị em có thể “hoan hỷ trong Đấng Ky Tô.” (2 Nê Phi 25:26).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Làm thế nào tôi có thể hiểu rõ hơn những lời dạy của Ê Sai?
Nê Phi nhận biết được rằng đối với một số người, “những lời của Ê Sai không được rõ ràng” (2 Nê Phi 25:4). Điều này nhất định đúng đối với những ai không quen thuộc với văn hóa và địa lý của người Do Thái cổ đại giống như Nê Phi (xin xem 2 Nê Phi 25:6). Nhưng Nê Phi cũng cho lời khuyên nhằm giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa trong những bài viết của Ê Sai:
-
Hãy “áp dụng những lời của ông” cho bản thân anh chị em (2 Nê Phi 11:2).Nhiều lời dạy của Ê Sai có nhiều ý nghĩa và cách áp dụng khả dĩ. Ví dụ, những ghi chép của ông về sự phân tán và quy tụ của Y Sơ Ra Ên có thể thúc giục anh chị em nghĩ về việc anh chị em cần được “quy tụ” lại với Đấng Cứu Rỗi.
-
Hãy tìm cách có “đầy dẫy tinh thần tiên tri” (2 Nê Phi 25:4).Cách tốt nhất để hiểu những lời tiên tri của Ê Sai là tìm sự soi dẫn từ Thánh Linh. Hãy cầu xin sự hướng dẫn thuộc linh. Anh chị em có thể không hiểu tất cả mọi điều cùng một lúc, nhưng Thánh Linh có thể giúp anh chị em học hỏi điều anh chị em cần biết cho cuộc sống của mình hôm nay.
Anh chị em cũng có thể thấy hữu ích khi tham khảo những sự trợ giúp học tập trong thánh thư, gồm có các cước chú, tiêu đề chương, Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, và vân vân.
“Con đường ngay chính tức là tin nơi Đấng Ky Tô.”
Nê Phi vừa giới thiệu và kết thúc câu trích dẫn lời Ê Sai của mình bằng cách bày tỏ chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 2 Nê Phi 11:2–8; 25:19–29). Điều gì gây ấn tượng với anh chị em về chứng ngôn của ông? Khi học tập trong tuần này, anh chị em hãy nghĩ về ước muốn của Nê Phi để “thuyết phục con cháu [ông] … biết tin vào Đấng Ky Tô, và để được hòa hiệp với Thượng Đế” (2 Nê Phi 25:23), và lưu ý những đoạn thánh thư mà thuyết phục anh chị em biết tin và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.
Có lẽ hữu ích để ghi nhớ rằng nhiều lời dạy của Ê Sai về Đấng Cứu Rỗi được truyền đạt bằng các biểu tượng. Ví dụ, anh chị em có thể thấy Đấng Cứu Rỗi trong các biểu tượng như chúa vườn nho (xin xem 2 Nê Phi 15:1–7), hòn đá (xin xem 2 Nê Phi 18:14), và sự sáng (xin xem 2 Nê Phi 19:2). Anh chị em có tìm thấy trong những chương này các biểu tượng khác về Chúa Giê Su Ky Tô không? Những biểu tượng này dạy anh chị em điều gì về Ngài?
Những kẻ kiêu căng ưa thích vật chất thế gian sẽ bị hạ thấp.
Nê Phi đã thấy trước rằng tính kiêu căng sẽ gây ra sự sụp đổ của dân ông (xin xem 1 Nê Phi 12:19). Vì vậy, không ngạc nhiên khi Nê Phi chia sẻ với dân ông những lời cảnh báo lặp đi lặp lại của Ê Sai để phòng tính kiêu căng. Trong các chương 12 và 13, hãy tìm những từ Ê Sai đã dùng để miêu tả sự tự cao, như cao ngạo và kiêu ngạo. Rồi anh chị em có thể thử viết lại những lời cảnh báo này bằng lời riêng của mình, như thể anh chị em đang viết một thông điệp cho chính mình để báo trước về tính kiêu căng.
Xin xem thêm “Chapter 18: Beware of Pride” (Teachings of Presidents of the Church: Ezra Taft Benson [2014], trang 229–240).
2 Nê Phi 12:2–5; 21:9–12; 22; 24:1–3
Trong Thời Kỳ Ngàn Năm, dân của Thượng Đế sẽ vui hưởng sự bình an.
Anh chị em có thể thấy hữu ích để hình dung bản thân mình ở trong hoàn cảnh của Nê Phi và dân ông. Hãy tưởng tượng anh chị em chạy trốn khỏi Giê Ru Sa Lem ngay trước khi nó bị phá hủy (xin xem 2 Nê Phi 25:10), và giờ đây anh chị em là một phần của gia tộc Y Sơ Ra Ên bị phân tán. Nếu vậy anh chị em cảm thấy như thế nào khi đọc những lời dạy của Ê Sai về sự quy tụ Y Sơ Ra Ên trong tương lai và một Thời Kỳ Ngàn Năm thanh bình? Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta đã được kêu gọi để giúp quy tụ dân của Thượng Đế trong những ngày sau này để chuẩn bị cho Đấng Ky Tô trị vì trong thời kỳ ngàn năm. Khi đọc các câu này, anh chị em hãy suy ngẫm cách mình đang giúp làm tròn những lời tiên tri đã được mô tả. Anh chị em cảm thấy được soi dẫn làm gì để giúp quy tụ dân của Thượng Đế?
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.
2 Nê Phi 12:1–3
Nếu từng đến đền thờ—“núi của nhà Chúa”—thì anh chị em có thể chia sẻ với gia đình mình cách các giao ước đền thờ đang giúp anh chị em “đi trong các nẻo của [Chúa].” Nếu chưa từng đến đền thờ, thì việc cùng nhau đọc các câu này có thể soi dẫn cho một cuộc thảo luận về cách anh chị em có thể chuẩn bị cho các phước lành đền thờ.
2 Nê Phi 15:18–23
Gia đình anh chị em có thể nghĩ ra các ví dụ hiện đại về các ý nghĩ bất chính mà các câu này mô tả không? Làm thế nào chúng ta có thể tránh bị lừa dối bởi các ý nghĩ sai lầm về điều lành và điều dữ?
2 Nê Phi 21
Nếu gia đình anh chị em cần giúp đỡ để hiểu chương này (tương ứng với Ê Sai 11), thì anh chị em có thể tìm thấy những sự hiểu biết sâu sắc trong Giáo Lý và Giao Ước 113:1–6, trong đó Tiên Tri Joseph Smith giải đáp một số thắc mắc về Ê Sai 11. Chúng ta học được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô từ các câu thánh thư này?
2 Nê Phi 21:9
Một số điều cụ thể nào chúng ta có thể làm để giúp làm cho thế gian “đầy dẫy sự hiểu biết về Chúa”?
2 Nê Phi 25:23–26
Làm thế nào anh chị em có thể giúp các thành viên gia đình mình “hoan hỷ về Đấng Ky Tô”? Có lẽ anh chị em có thể mời họ viết lên các mảnh giấy dài những điều về Đấng Cứu Rỗi mà mang lại cho họ niềm vui. Rồì trong buổi họp tối gia đình hoặc khi học thánh thư với gia đình, một người nào đó có thể đọc một mảnh giấy. Mọi người trong nhà có thể viết thêm các mảnh giấy trong suốt năm.
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.