“Ngày 24 tháng Hai–Ngày 1 tháng Ba. 2 Nê Phi 26–30: ‘Một Công Việc Lạ Lùng và Một Điều Kỳ Diệu’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 24 tháng Hai–Ngày 1 tháng Ba. 2 Nê Phi 26–30” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020
He Will Lead Thee by the Hand (Ngài Sẽ Nắm Tay Dẫn Dắt Ngươi), tranh do Sandra Rast họa
Ngày 24 tháng Hai–ngày 1 tháng Ba
2 Nê Phi 26–30
“Một Công Việc Lạ Lùng và Một Điều Kỳ Diệu”
Chúa đã phán: “Ta truyền lệnh cho tất cả mọi người … rằng họ sẽ phải viết lên những lời mà ta đã nói với họ” (2 Nê Phi 29:11). Qua Thánh Linh, Chúa sẽ phán cùng anh chị em khi anh chị em học tập lời của Ngài. Hãy ghi lại bất kỳ sự thúc giục nào mà anh chị em nhận được.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Nê Phi đã viết: “Tôi tiên tri cho các người biết về những ngày cuối cùng” (2 Nê Phi 26:14). Nói cách khác, ông viết về thời kỳ của chúng ta. Và chúng ta có lý do để quan tâm đến những gì ông đã thấy: loài người chối bỏ quyền năng và những phép lạ của Thượng Đế, sự ganh ghét và xung đột tràn lan, quỷ dữ trói buộc loài người bằng dây thừng chắc chắn. Nhưng ngoài “những việc làm trong bóng tối” trong ngày sau này (2 Nê Phi 26:10, 22) do kẻ nghịch thù cầm đầu, Nê Phi cũng nói về “một công việc lạ lùng và một điều kỳ diệu” do chính Chúa dẫn dắt (2 Nê Phi 27:26). Và tâm điểm của công việc đó sẽ là một cuốn sách—một cuốn sách nói lên từ bụi đất, vạch trần những sự giả dối của Sa Tan, và quy tụ những người ngay chính như là một cờ lệnh. Cuốn sách đó là Sách Mặc Môn, công việc lạ lùng là công việc của Giáo Hội của Chúa trong những ngày sau, và điều kỳ diệu là Ngài mời gọi tất cả chúng ta, bất chấp những yếu kém của chúng ta, đến tham gia.
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi tất cả đến cùng Ngài.
Tiên Tri Joseph Smith giảng dạy rằng Cha Thiên Thượng “bao dung vô bờ bến trong sự thương xót và các phước lành của Ngài, hơn cả điều chúng ta sẵn sàng để tin hoặc tiếp nhận” (The Joseph Smith Papers, “History, 1838–1856, quyển D-1,” trang 4 [phần phụ lục], josephsmithpapers.org). Đọc những gì Nê Phi đã thấy trước trong 2 Nê Phi 26:20–22 và những điều ông giảng dạy về Đấng Cứu Rỗi trong các câu 23–33, và so sánh những điều này với lời phát biểu của Joseph Smith. Anh chị em học được gì về lòng thương xót vô bờ bến của Chúa? Anh chị em có thể làm gì với tư cách là một tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô để được giống như Đấng Ky Tô hơn trong cách anh chị em đối xử với các con cái của Thượng Đế?
Xin xem thêm 3 Nê Phi 18:30–32.
Sách được đề cập đến trong các chương này là sách gì?
Lời tiên tri của Nê Phi trong 2 Nê Phi 26–27, phần nhiều dựa trên một lời tiên tri trước đó của Ê Sai (xin xem Ê Sai 29), báo trước sự ra đời của Sách Mặc Môn. Lời tiên tri này mô tả những điều sau đây:
-
Những lời của dòng dõi của Lê Hi (con cháu của ông) nói lên “từ bụi đất” giống như một “người đồng bóng” và được “niêm phong trong một cuốn sách” (2 Nê Phi 26:14–17; xin xem thêm Ê Sai 29:4).
-
Một phần của sách được trao cho một nhà học giả mà nói: “Tôi không thể đọc sách ấy được” (2 Nê Phi 27:15–20; Joseph Smith—Lịch Sử 1:64–65; xin xem thêm Ê Sai 29:11).
Ngoài Ê Sai, các vị tiên tri trong Kinh Thánh có ám chỉ về Sách Mặc Môn, tuy họ không đề cập đích danh sách. Ví dụ, Ê Xê Chi Ên 37:15–20 nói về một cây “gậy của Giô Sép,” có thể ám chỉ biên sử của dân Nê Phi, là những con cháu của Giô Sép. Biên sử này sẽ hiệp làm một với “gậy của Giu Đa,” tức là Kinh Thánh.
Các ví dụ khác có thể được tìm thấy trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Sách Mặc Môn” (scriptures.ChurchofJesusChrist.org).
Sa Tan tìm cách lừa gạt.
Nhiều sự giả dối và quỷ kế của Sa Tan được vạch trần trong những lời mô tả của Nê Phi về những ngày sau trong 2 Nê Phi 28. Hãy xem anh chị em có tìm được chúng không (ví dụ, xin xem các câu 6, 8, 21–23, 29). Tại sao anh chị em cần phải biết về những sự giả dối của Sa Tan? Anh chị em sẽ làm gì khi kẻ nghịch thù cố gắng lừa gạt anh chị em?
Thượng Đế tiếp tục ban sự mặc khải để hướng dẫn các con cái của Ngài.
Với tư cách là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta được ban phước có được lời của Thượng Đế một cách dồi dào, nên những lời cảnh báo của Nê Phi có thể áp dụng cho chúng ta: chúng ta không bao giờ nên cảm thấy rằng “chúng tôi đã có đủ rồi!” Khi anh chị em đọc những lời cảnh báo trong 2 Nê Phi 28 và 29, hãy suy ngẫm những câu hỏi như sau đây:
-
Chúa muốn tôi cảm thấy điều gì và phản ứng như thế nào trước lời của Ngài?
-
Tại sao người ta đôi khi “tức giận” về việc tiếp nhận thêm lẽ thật từ Thượng Đế? (2 Nê Phi 28:28). Tôi có bao giờ cảm thấy như thế không? Nếu có, tôi có thể làm gì để trở nên dễ tiếp nhận lẽ thật hơn?
-
Việc tiếp nhận lời của Thượng Đế có nghĩa là gì? Làm thế nào tôi có thể cho Ngài thấy rằng tôi muốn tiếp nhận nhiều lời của Ngài hơn?
Xin xem An Ma 12:10–11; 3 Nê Phi 26:6–10.
Thượng Đế chuẩn bị Sách Mặc Môn cho thời kỳ của chúng ta.
Nê Phi biết qua sự mặc khải, ngay cả trước khi Sách Mặc Môn được trọn vẹn viết nên, rằng nó sẽ một ngày nào đó “có một giá trị rất lớn lao đối với con cái loài người” (2 Nê Phi 28:2). Tại sao Sách Mặc Môn có một giá trị rất lớn lao đối với anh chị em? Hãy nghĩ về câu hỏi này khi anh chị em đọc 2 Nê Phi 29–30. Một số công việc “kỳ lạ” Thượng Đế đang hoàn thành trên thế gian và trong cuộc sống của anh chị em qua Sách Mặc Môn là gì?
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.
2 Nê Phi 26:12–13
Nê Phi giảng dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô tự biểu hiện Ngài qua Đức Thánh Linh. Những người trong gia đình có thể chia sẻ những kinh nghiệm nào với nhau khi chứng ngôn của họ về Đấng Cứu Rỗi được củng cố qua Đức Thánh Linh?
2 Nê Phi 26:22; 28:19–22
Có thể gia đình anh chị em sẽ thích thú với một bài học sử dụng đồ vật minh họa cho những điều 2 Nê Phi 26:22 giảng dạy về quỷ dữ. Khi anh chị em đọc về những quỷ kế của Sa Tan trong 2 Nê Phi 28:19–22, anh chị em có thể cột một vài sợi chỉ quanh cổ tay của một người để tượng trưng cho “dây gai.” Dây gai giống với những cám dỗ của Sa Tan như thế nào? Nó trở thành một sợi dây thừng như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể phát hiện ra những sự giả dối của Sa Tan?
Nê Phi so sánh những cám dỗ của quỷ dữ với “dây gai.”
2 Nê Phi 27:20–21
Chúa có thể muốn nói điều gì khi Ngài phán: “Ta có thể làm lấy công việc của ta”? Lẽ thật này ảnh hưởng đến cách chúng ta phục vụ trong Giáo Hội của Ngài như thế nào?
2 Nê Phi 28:30–31
Gia đình của anh chị em có thể nghĩ về một điều mà, như sự mặc khải từ Thượng Đế, được tiếp nhận một cách tốt nhất từng chút một theo thời gian không? Tại sao Thượng Đế mặc khải lẽ thật cho chúng ta “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít” thay vì tất cả một lượt?
2 Nê Phi 29:7–9
Chúa định sẽ chứng minh hoặc cho thấy điều gì với Sách Mặc Môn?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân
Chia sẻ những hiểu biết sâu sắc. Việc thảo luận với người khác điều anh chị em học được có thể củng cố sự hiểu biết của riêng anh chị em. Sau khi đọc 2 Nê Phi 29:6–14, anh chị em có thể cảm thấy được soi dẫn để giải thích với một người bạn tại sao chúng ta cần có Sách Mặc Môn.
Những ghi chép của Nê Phi tiên báo “một công việc lạ lùng và một điều kỳ diệu” sẽ diễn ra trong những ngày sau (2 Nê Phi 27:26).