Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 9–15 tháng Ba. Gia Cốp 1–4: “Hãy Hòa Giải với Thượng Đế qua Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô”


“Ngày 9–15 tháng Ba. Gia Cốp 1–4: ‘Hãy Hòa Giải với Thượng Đế qua Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 9–15 tháng Ba. Gia Cốp 1–4,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

người đàn bà quỳ dưới chân Chúa Giê Su

Forgiven (Được Tha Thứ), tranh do Greg K. Olsen họa

Ngày 9–15 tháng Ba

Gia Cốp 1–4

Hãy Hòa Giải với Thượng Đế qua Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô

Khi ghi lại các ấn tượng thuộc linh, anh chị em cho thấy rằng anh chị em muốn Đức Thánh Linh giảng dạy mình. Khi anh chị em đọc Gia Cốp 1–4, hãy cân nhắc viết xuống sự hiểu biết của mình.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Dân Nê Phi xem Nê Phi là “người bảo vệ đắc lực” của họ (Gia Cốp 1:10). Ông đã bảo vệ họ chống lại những lần tấn công từ kẻ thù, và ông đã cảnh báo họ về những mối nguy hiểm thuộc linh. Bây giờ ông đã mất, và nhiệm vụ lãnh đạo dân Nê Phi về phần thuộc linh được trao cho Gia Cốp, là người mà Nê Phi đã lập lên làm thầy tư tế và thầy giảng cho dân chúng (xin xem Gia Cốp 1:18). Qua sự soi dẫn, Gia Cốp nhận thấy rằng dân của ông cần phải được giảng dạy với “lời lẽ nghiêm khắc,” vì họ đang “bắt đầu hành động trong tội lỗi” (Gia Cốp 2:7, 5). Những tội lỗi này rất giống với những điều người ta vận lộn ngày nay: sự yêu thích của cải và sự vô đạo đức tình dục. Tuy Gia Cốp cảm thấy rằng ông phải lên án sự tà ác này, nhưng tấm lòng ông cũng đau đớn cho các nạn nhân của nó, là những người có trái tim “đã bị xuyên thấu bằng những vết thương sâu” (Gia Cốp 2:35). Gia Cốp làm chứng rằng sự chữa lành cho cả hai nhóm—kẻ phạm tội và người bị thương về phần thuộc linh—đến từ Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô. Sứ điệp của Gia Cốp, như sứ điệp của Nê Phi trước ông, là một lời kêu gọi “hãy hòa giải với [Thượng Đế] qua Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô” (Gia Cốp 4:11).

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Gia Cốp 1:6–8, 15–19; 2:1–11

Chúa muốn tôi làm vinh hiển sự kêu gọi của mình.

Đối với Gia Cốp, việc giảng dạy lời của Thượng Đế không chỉ là một sự chỉ định từ anh của ông—đó là một “nhiệm vụ từ Chúa,” nên ông đã lao động cần mẫn để “làm vinh hiển chức vụ của mình” (Gia Cốp 1:17, 19). Chủ Tịch Gordon B. Hinckley dạy rằng chúng ta làm vinh hiển sự kêu gọi của mình “khi chúng ta phục vụ với sự chuyên tâm, khi chúng ta giảng dạy với đức tin và chứng ngôn, khi chúng ta nâng đỡ và củng cố và xây đắp sự tin chắc về sự ngay chính nơi những người có cuộc sống được chúng ta tác động đến” (“Magnify Your Calling,” Ensign, tháng Năm năm 1989, trang 47). Hãy nghĩ về “[các nhiệm vụ] từ Chúa” của chính anh chị em khi đọc Gia Cốp 1:6–8, 15–192:1–11. Tại sao Gia Cốp đã phục vụ một cách trung tín như vậy? Tấm gương của ông soi dẫn anh chị em làm gì để làm vinh hiển những sự kêu gọi trong Giáo Hội và các trách nhiệm ở nhà của mình?

Xin xem thêm “Rise to Your Call” (video, ChurchofJesusChrist.org).

Gia Cốp 2:23–3:12

Ngài hài lòng về sự trinh khiết.

Tội lỗi có những hậu quả đối với cá nhân và xã hội. Khi nói về tội lỗi tình dục, Gia Cốp đã cảnh báo về cả hai loại hậu quả. Khi anh chị em đọc Gia Cốp 2:31–353:10, hãy tìm những cách thức sự vô đạo đức ảnh hưởng lên dân Nê Phi với tư cách là một dân tộc và các cá nhân. Những cách thức này giống với những hậu quả của sự vô đạo đức anh chị em thấy trong thế gian ngày nay như thế nào? Anh chị em tìm thấy điều gì trong lời của Gia Cốp mà có thể giúp anh chị em giảng dạy một người thân yêu của mình về tầm quan trọng của sự trinh khiết? Anh chị em đã được ban phước như thế nào bởi những nỗ lực để giữ mình được trinh khiết?

Hãy lưu ý rằng Gia Cốp cũng đề cập đến việc có nhiều hơn một người vợ. Anh chị em tìm thấy điều gì trong Gia Cốp 2:23–30 mà giúp anh chị em hiểu được tại sao trong những trường hợp giới hạn, Chúa đã truyền lệnh dân của Ngài thực hành tục đa thê? Ngài cảm thấy như thế nào về những người theo lối thực hành này mà không có sự cho phép của Ngài?

Gia Cốp 4

Tôi có thể hòa giải với Thượng Đế qua Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô.

Gia Cốp khẩn nài với dân của ông “hãy hòa giải với [Thượng Đế] qua sự chuộc tội của Đấng Ky Tô” (Gia Cốp 4:11). Anh chị em nghĩ điều này có nghĩa là gì? Việc tra cứu hòa giải trong từ điển có giúp ích không? Anh chị em có thể tìm những từ hoặc cụm từ trong chương này mà gợi ý về cách anh chị em có thể đến cùng Đấng Ky Tô để có thể được hòa giải với Thượng Đế. Ví dụ, Gia Cốp giảng dạy rằng luật pháp Môi Se được ban cho để hướng dẫn dân chúng đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Gia Cốp 4:5). Thượng Đế đã cung ứng điều gì để hướng dẫn anh chị em đến cùng Đấng Ky Tô? Anh chị em đang sử dụng những điều này như thế nào để đến gần Thượng Đế hơn?

Xin xem thêm 2 Nê Phi 10:24.

Gia Cốp 4:8–18

Tôi có thể tránh sự mù quáng thuộc linh bằng cách tập trung vào Đấng Cứu Rỗi.

Khi Gia Cốp cố gắng hướng dân của ông quay về một cách trọn vẹn hơn với Chúa, ông đã cảnh báo họ không được trở nên mù quáng về mặt thuộc linh và không được coi thường “những lời nói minh bạch” của phúc âm (xin xem Gia Cốp 4:13–14). Anh Cả Quentin L. Cook đã cảnh báo về những vấn đề tương tự trong thời kỳ của chúng ta: “Có một khuynh hướng ở giữa một số chúng ta để ‘nhìn xa quá điểm nhắm’ thay vì giữ vững một chứng ngôn về những điều cơ bản của phúc âm. Chúng ta làm thế khi chúng ta thay thế triết lý của loài người cho lẽ thật phúc âm, tham gia vào chủ nghĩa phúc âm cực đoan, … hoặc nâng luật lệ cao hơn giáo lý. Việc tránh những hành vi này sẽ giúp chúng ta tránh được sự mù quáng thần học và sự vấp ngã mà Gia Cốp đã mô tả” (“Looking beyond the Mark,” Ensign, tháng Ba năm 2003, trang 42).

Theo như Gia Cốp 4:8–18, chúng ta có thể làm gì để tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và tránh sự mù quáng thuộc linh?

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

Gia Cốp 1:6–8, 15–19; 2:1–11; 4:18

Những từ hoặc cụm từ nào trong các câu thánh thư này truyền đạt tình yêu thương Gia Cốp cảm thấy đối với những người ông dẫn dắt? Các vị lãnh đạo Giáo Hội của chúng ta đã làm gì để giúp chúng ta cảm thấy “nỗi ước muốn và lo âu cho sự an lạc của tâm hồn [chúng ta]”? (Gia Cốp 2:3). Có lẽ mọi người trong gia đình có thể chia sẻ những cách thức chúng ta có thể tán trợ các vị lãnh đạo Giáo Hội. Anh chị em có thể lên kế hoạch để làm một điều gì đó, với tư cách là một gia đình, cho các vị lãnh đạo Giáo Hội ở địa phương, chẳng hạn như viết những mảnh giấy cám ơn họ về sự phục vụ của họ hay nhớ đến họ và gia đình họ trong những lời cầu nguyện của mình.

Gia Cốp 2:8

Lời của Thượng Đế hàn gắn “tâm hồn bị tổn thương” như thế nào?

Gia Cốp 2:12–21

Các câu này giảng dạy điều gì về cách chúng ta nên nhìn nhận của cải vật chất? Chúng ta đang làm gì để đến với những người cần sự trợ giúp của chúng ta?

Gia Cốp 3:1–2

“Có tấm lòng thanh khiết” và “hướng về Thượng Đế với một tinh thần cương quyết” có nghĩa là gì?

Gia Cốp 4:4–11

Một cách để giúp gia đình của anh chị em hiểu việc “khó lay chuyển” trong đức tin của họ là tìm một cái cây to gần nhà và yêu cầu mọi người trong gia đình lay chuyển các cành cây đơn lẻ. Sau đó hãy để cho họ thử lay chuyển thân cây. Tại sao việc lay chuyển thân cây lại khó hơn? Chúng ta có thể học được điều gì từ những lời giảng dạy của Gia Cốp về cách phát triển đức tin “khó lay chuyển” được?

cây lớn trong công viên

Như một cái thân cây, đức tin của chúng ta nơi Đấng Ky Tô có thể “khó lay chuyển” được.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy lắng nghe theo Thánh Linh. Khi anh chị em học, hãy chú ý đến những ý nghĩ và cảm giác của mình (xin xem GLGƯ 8:2–3), thậm chí nếu chúng dường như không liên quan đến điều anh chị em đang đọc. Những ấn tượng này có thể chính là những điều Thượng Đế muốn anh chị em biết và làm theo.

Gia cốp viết trên các bảng khắc bằng vàng

I Will Send Their Words Forth (Jacob the Teacher) [Ta Sẽ Lưu Truyền Những Lời của Họ (Thầy Giảng Gia Cốp)], tranh do Elspeth Cailin Young họa