Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 27 tháng Một–Ngày 2 tháng Hai. 1 Nê Phi 16–22: “Ta Sẽ Sửa Soạn Con Đường trước cho Các Ngươi”


“Ngày 27 tháng Một–Ngày 2 tháng Hai. 1 Nê Phi 16–22: ‘Ta Sẽ Sửa Soạn Con Đường trước cho Các Ngươi’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (2020)

“Ngày 27 tháng Một–Ngày 2 tháng Hai. 1 Nê Phi 16–22,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Hình Ảnh
Lê Hi nhìn vào quả cầu Li A Hô Na

Lehi and the Liahona (Lê Hi và quả cầu Li A Hô Na), tranh do Joseph Brickey họa

Ngày 27 tháng Một–ngày 2 tháng Hai

1 Nê Phi 16–22

“Ta Sẽ Sửa Soạn Con Đường trước cho Các Ngươi”

Khi anh chị em học 1 Nê Phi 16–22, hãy tìm các đoạn thánh thư gây ấn tượng với anh chị em. Một số người thích tô đậm các câu thánh thư như vậy trong sách của họ; những người khác thích ghi chú bên lề. Hãy nghĩ về cách anh chị em sẽ ghi lại những ấn tượng mình nhận được.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Khi gia đình Lê Hi hành trình tiến đến đất hứa, Chúa đã ban cho họ lời hứa này: “Ta sẽ sửa soạn con đường trước cho các ngươi, nếu các ngươi tuân giữ các lệnh truyền của ta” (1 Nê Phi 17:13). Rõ ràng rằng lời hứa đó không có nghĩa là cuộc hành trình sẽ dễ dàng—các thành viên trong gia đình vẫn bất đồng ý kiến với nhau, các cây cung bị gãy, và mọi người phải chịu đựng nỗi vất vả và cái chết, mà họ vẫn phải đóng một chiếc tàu từ nguyên liệu thô sơ. Tuy nhiên, khi gia đình này đối mặt với nghịch cảnh hoặc các nhiệm vụ dường như bất khả thi, Nê Phi nhận ra rằng Chúa không bao giờ xa cách họ. Ông biết rằng Thượng Đế “sẽ nuôi dưỡng [người trung tín], làm tăng thêm sức mạnh cho họ, và cung cấp cho họ những phương tiện để nhờ đó có thể thực hiện được điều Ngài đã ra lệnh cho họ” (1 Nê Phi 17:3). Nếu từng tự hỏi lý do tại sao những điều xấu xảy đến với những người tốt như Nê Phi và gia đình ông, thì anh chị em có thể tìm thấy những sự hiểu biết sâu sắc trong các chương này. Nhưng có lẽ quan trọng hơn là anh chị em sẽ thấy người tốt sẽ làm gì khi điều xấu xảy đến.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

1 Nê Phi 16–18

Khi tôi tuân giữ các lệnh truyền, Thượng Đế sẽ giúp tôi đối mặt với thử thách.

Các chương 16–18 trong 1 Nê Phi mô tả một số thử thách mà gia đình của Nê Phi phải đối diện, bao gồm giải quyết một cây cung gãy (xin xem 1 Nê Phi 16:17–32), cái chết của Ích Ma Ên (xin xem 1 Nê Phi 16:34–39), đóng một chiếc tàu (xin xem 1 Nê Phi 17:7–16; 18:1–4), và gia đình bất hòa với nhau (xin xem 1 Nê Phi 18:9–22). Cách Nê Phi phản ứng với những thử thách này khác thế nào với cách phản ứng của các thành viên gia đình ông? Kết quả của các cách phản ứng này là gì?

Có thể hữu ích để ghi lại điều anh chị em tìm ra trong một bảng có các đầu đề như sau: “Thử thách,” “Phản Ứng của Nê Phi,” “Phản Ứng của Những Người Khác,” và “Kết Quả.” Anh chị em nghĩ tại sao Nê Phi đã vẫn có thể vô cùng trung tín trong khi những người khác thì không? Hãy suy ngẫm về cách mà tấm gương của Nê Phi và gia đình ông có thể giúp anh chị em trong những thử thách của mình.

Xin xem thêm các video có liên quan trong bộ Các Video Book of Mormon trên ChurchofJesusChrist.org hoặc ứng dụng Thư Viện Phúc Âm.

1 Nê Phi 16:10–16, 23–31; 18:11–22

Chúa hướng dẫn tôi qua các phương tiện nhỏ bé tầm thường.

Khi Thượng Đế dẫn gia đình Lê Hi vào vùng hoang dã, Ngài đã không cung ứng cho họ một kế hoạch chi tiết để đi đến đất hứa. Nhưng Ngài đã ban cho Lê Hi quả cầu Li A Hô Na nhằm hướng dẫn gia đình ông mỗi ngày tiến về đích đến của họ. Cha Thiên Thượng đã ban cho anh chị em cái gì để cung ứng sự dìu dắt và hướng dẫn? Anh chị em nghĩ “bằng những phương tiện nhỏ bé Chúa có thể đem lại những việc lớn lao” có ý nghĩa gì? (1 Nê Phi 16:29).

Trong khi đọc 1 Nê Phi 16:10–16, 23–3118:11–22, hãy cân nhắc tạo một bảng liệt kê các nguyên tắc cho thấy cách Thượng Đế hướng dẫn con cái Ngài (ví dụ, 1 Nê Phi 16:10 có thể dạy rằng Thượng Đế đôi khi hướng dẫn chúng ta bằng những cách không ngờ đến). Anh chị em đã có những kinh nghiệm nào với các nguyên tắc này?

Xin xem thêm An Ma 37:7, 38–47; Giáo Lý và Giao Ước 64:33–34.

Hình Ảnh
Lê Hi sử dụng quả cầu Li A Hô Na

If Ye Are Prepared Ye Shall Not Fear (Nếu Các Ngươi Đã Chuẩn Bị Rồi thì Các Ngươi Sẽ Không Sợ Hãi), tranh do Clark Kelley Price họa

1 Nê Phi 19:23–24; 20–22

Tôi có thể “áp dụng tất cả các thánh thư” cho bản thân mình.

Ê Sai đã viết cho mọi con cái của Y Sơ Ra Ên, và Nê Phi thấy rằng rõ ràng trong đó gồm cả gia đình của chính ông—và gồm cả anh chị em (xin xem 1 Nê Phi 19:23–24). Chủ Tịch Henry B. Eyring đã nói về những lời trích dẫn từ Ê Sai của Nê Phi: “Tôi đã đọc những lời của Ê Sai … mà cho rằng Nê Phi đã chọn những phần trong Ê Sai mà tôi, không lo lắng gì về hình ảnh biểu tượng, có thể thấm thía trong lòng ngay lập tức như thể Chúa đang phán cùng tôi” (“The Book of Mormon Will Change Your Life,” Ensign, tháng Hai năm 2004, trang 10).

Với những lời của Chủ Tịch Eyring trong tâm trí, hãy xem xét các câu hỏi như sau khi anh chị em đọc các chương 20–22:

1 Nê Phi 20:1–9.Các cụm từ nào trong những câu này mô tả con cái của Y Sơ Ra Ên? Các cụm từ này mô tả La Man và Lê Mu Ên như thế nào? Anh chị em tìm thấy những cảnh báo và sự áp dụng nào cho chính mình?

1 Nê Phi 20:17–22.Chúa đã dẫn dắt con cái của Y Sơ Ra Ên bằng cách nào? Ngài đã dẫn dắt gia đình của Lê Hi bằng cách nào? Ngài hướng dẫn anh chị em bằng cách nào?

Anh chị em tìm thấy điều gì khác trong 1 Nê Phi 20–22 giúp anh chị em cảm thấy như Chúa đang phán cùng mình? Lời dẫn giải của Nê Phi trong chương 22 giúp anh chị em hiểu những lời tiên tri của Ê Sai như thế nào?

1 Nê Phi 21

Gia tộc Y Sơ Ra Ên và Dân Ngoại là những ai?

Gia tộc Y Sơ Ra Ên là hậu duệ của tiên tri Gia Cốp trong Kinh Cựu Ước, là người đã được Chúa đặt tên Y Sơ Ra Ên (xin xem Sáng Thế Ký 32:28; 35:10; xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Y Sơ Ra Ên”). Chúa đã lập những giao ước nhất định với Y Sơ Ra Ên, và dòng dõi của ông được xem là dân giao ước của Thượng Đế. Tuy nhiên, trong các thế hệ sau đó, nhiều người đã xa lánh Chúa và cuối cùng bị phân tán khắp mặt đất.

Từ Dân Ngoại trong các đoạn này nói đến những người chưa biết đến phúc âm (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Dân Ngoại”). Ê Sai đã dạy rằng, trong những ngày sau, Dân Ngoại sẽ được ban cho phúc âm và trở thành phương tiện để dạy dỗ và quy tụ gia tộc Y Sơ Ra Ên (xin xem 1 Nê Phi 21:22; 22:8–12; xin xem thêm Ê Sai 60; 66:18–20).

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

1 Nê Phi 17:1–6, 17–22

Gia đình anh chị em có thể đối chiếu câu chuyện của Nê Phi về chuyến hành trình trong vùng hoang dã (xin xem 1 Nê Phi 17:1–6) với điều các anh ông kể lại (xin xem 1 Nê Phi 17:17–22). Anh chị em nghĩ tại sao họ nhìn về cùng các sự kiện một cách quá khác nhau? Chúng ta có thể học từ Nê Phi điều gì về việc có một quan điểm đầy trung tín?

1 Nê Phi 17:17–22; 18:9–16

Những hậu quả của sự ganh tị, tranh cãi, và oán trách trong một gia đình là gì? Chúng ta có thể khắc phục những vấn đề này bằng cách nào?

1 Nê Phi 19:22–24

Nê Phi đã áp dụng các thánh thư cho gia đình ông “ngõ hầu đem lại nhiều lợi ích cho sự học hỏi của [họ]” (1 Nê Phi 19:23). Có một số câu chuyện trong 1 Nê Phi 16–18 mà gia đình anh chị em có thể áp dụng cho chính mình. Có lẽ anh chị em có thể đóng diễn một trong số các câu chuyện này và thảo luận cách áp dụng nó cho gia đình mình.

1 Nê Phi 21:14–16

Sứ điệp trong những câu này giúp một ai đó đang cảm thấy bị bỏ quên như thế nào?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Cầu xin Chúa giúp đỡ. Thánh thư được ban cho bằng sự mặc khải, và chúng ta cần sự mặc khải để thật sự hiểu được thánh thư. Chúa đã hứa rằng “Nếu ngươi … biết cầu vấn ta với đức tin, … thì chắc chắn những điều này sẽ được tiết lộ cho ngươi biết” (1 Nê Phi 15:11).

Hình Ảnh
Nê Phi và gia đình ông trên tàu

They Did Treat Me with Much Harshness (Họ đã Đối Xử với Tôi Rất Tàn Nhẫn), tranh do Walter Rane họa

In