Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 20–26 tháng Một. 1 Nê Phi 11–15: “Được Trang Bị bằng Sự Ngay Chính và bằng Quyền Năng của Thượng Đế”


“Ngày 20–26 tháng Một. 1 Nê Phi 11–15: Được Trang Bị bằng Sự Ngay Chính và bằng Quyền Năng của Thượng Đế,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (2020)

“Ngày 20–26 tháng Một. 1 Nephi 11–15,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Hình Ảnh
mọi người đang ăn trái của cây sự sống

Sweeter Than All Sweetness (Ngọt Ngào Hơn Hết Thảy), tranh do Miguel Angel González Romero họa

Ngày 20–26 tháng Một

1 Nê Phi 11–15

″Được Trang Bị bằng Sự Ngay Chính và bằng Quyền Năng của Thượng Đế″

Anh chị em có thể thấy chính mình trong 1 Nê Phi 11–15 không? Các đoạn nào có giá trị nhất đối với anh chị em và gia đình mình?

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Khi Thượng Đế có một công việc vô cùng vĩ đại cho vị tiên tri của Ngài làm, Ngài thường ban cho vị tiên tri đó một khải tượng vô cùng vĩ đại để giúp ông hiểu các mục đích Thượng Đế dành cho con cái Ngài. Môi Se đã thấy một khải tượng về “trái đất này, và những dân cư của nó, và luôn cả các tầng trời” (Môi Se 1:36). Sứ Đồ Giăng đã thấy lịch sử của thế gian và Sự Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi (xin xem sách Khải Huyền). Joseph Smith đã thấy Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:17–18). Lê Hi đã thấy một khải tượng phác họa cuộc hành trình chúng ta phải đi để đến với Đấng Cứu Rỗi và tiếp nhận tình yêu thương của Ngài.

Như đã được ghi trong 1 Nê Phi 11–14, Nê Phi đã thấy giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi, tương lai dòng dõi của Lê Hi trên đất hứa, và vận mệnh ngày sau của công việc của Thượng Đế. Khải tượng này giúp Nê Phi được chuẩn bị cho công việc đã dành sẵn cho ông, và cũng có thể giúp chuẩn bị anh chị em—vì Thượng Đế có một công việc cần anh chị em làm trong vương quốc Ngài. Anh chị em ở trong số “các thánh hữu trong giáo hội của Chiên Con” mà Nê Phi đã thấy, là những người “đã bị phân tán khắp mặt đất; và họ được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại” (1 Nê Phi 14:14).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

1 Nê Phi 11

Thượng Đế gửi Chúa Giê Su Ky Tô như một sự biểu lộ tình yêu thương của Ngài.

Để giúp Nê Phi hiểu ý nghĩa của cái cây mà cha ông đã thấy, một thiên sứ cho ông thấy “Vị Nam Tử của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu” (1 Nê Phi 11:21). Điều này dẫn Nê Phi đến kết luận rằng cái cây đó tượng trưng cho tình yêu thương của Thượng Đế. Nhưng khải tượng này chưa kết thúc tại đó. Khi đọc và suy ngẫm 1 Nê Phi 11, anh chị em tìm thấy điều gì giúp anh chị em hiểu lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô là sự biểu lộ tột bậc tình yêu thương của Thượng Đế?

Để học thêm về các biểu tượng khác trong giấc mơ của Lê Hi, xin xem 1 Nê Phi 11:35–36; 12:16–18; và 15:21–30.

Xin xem thêm Giăng 3:16.

1 Nê Phi 12–13

Chúa đã chuẩn bị con đường cho Sự Phục Hồi.

Nê Phi sẽ không bao giờ còn sống để chứng kiến được nhiều điều ông đã thấy trong khải tượng của mình. Anh chị em nghĩ tại sao lại quan trọng đối với Nê Phi để biết được những điều này? Tại sao lại quan trọng đối với anh chị em để biết những điều này? Có lẽ anh chị em có thể hỏi câu hỏi này mỗi lần đọc một điều gì đó mà Nê Phi đã thấy trong khải tượng của ông.

Đây là một số sự kiện Nê Phi đã thấy: tương lai của dân tộc ông (xin xem chương 12), sự thiết lập thuộc địa ở Châu Mỹ và Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ (xin xem chương 13:12–19), Sự Đại Bội Giáo (xin xem chương 13:20–29), và Sự Phục Hồi phúc âm (xin xem chương 13:32–42).

1 Nê Phi 13:1–9; 14:9–11

“Giáo hội vĩ đại và khả ố” mà Nê Phi đã thấy là gì?

Anh Cả Dallin H. Oaks đã giải thích rằng “giáo hội vĩ đại và khả ố” mà Nê Phi đã mô tả tượng trưng cho “bất cứ triết lý hay tổ chức nào chống lại niềm tin vào Thượng Đế. Và ‘cảnh tù đày’ mà ‘giáo hội’ này tìm cách đẩy các thánh hữu vào không phải là sự giam hãm thể chất mà sẽ là sự tù đày trong những ý kiến sai lạc” (“Stand as Witnesses of God,” Ensign, tháng Ba năm 2015, trang 32).

1 Nê Phi 13:12

Người mà Nê Phi đã thấy được Thánh Linh “giáng xuống” để “vượt qua được nhiều đại dương” là ai?

Nê Phi đã thấy Đức Thánh Linh soi dẫn cho Christopher Columbus thực hiện chuyến đi nổi tiếng của ông đến Châu Mỹ. Vào ngày 14 tháng Ba năm 1493, Columbus đã viết về chuyến đi này: “Những kết quả vĩ đại và phi thường này không do bởi công lao của riêng tôi một chút nào cả … ; vì có những điều mà trí tuệ con người không thể hiểu thấu được, Thánh Linh của Thượng Đế ban xuống [những sự hiểu biết đó] cho con người trần thế, bởi vì Thượng Đế thường đáp ứng lời cầu nguyện của những tôi tớ yêu thích những mệnh lệnh của Ngài thậm chí tới mức thực hiện những việc dường như là không thể” (The Annals of America [Encyclopedia Britannica, Inc., năm 1976], 1:5).

1 Nê Phi 13:20–42

Thánh thư ngày sau phục hồi “những điều minh bạch và quý báu.”

Nê Phi đã thấy trong khải tượng rằng Kinh Thánh—theo ông mô tả là “biên sử của người Do Thái”—sẽ có “nhiều điều minh bạch và quý báu bị lấy đi khỏi sách này” (1 Nê Phi 13:23, 28). Tuy nhiên, ông cũng thấy rằng Thượng Đế sẽ phục hồi những điều này qua “các sách khác”—Sách Mặc Môn và thánh thư ngày sau khác (xin xem 1 Nê Phi 13:39–40). Sách Mặc Môn giúp chúng ta hiểu rõ hơn một số lẽ thật quý báu nào? Cuộc sống của anh chị em khác biệt như thế nào nhờ những lẽ thật minh bạch và quý báu này đã được phục hồi?

Hình Ảnh
các bản Sách Mặc Môn bằng những ngôn ngữ khác nhau

Sách Mặc Môn phục hồi những lẽ thật phúc âm đã bị mất trong Sự Bội Giáo.

Xin xem thêm “Các Lẽ Thật Minh Bạch và Quý Báu,” Liahona, tháng Ba năm 2008, trang 68–73; Russell M. Nelson, “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống của Anh Chị Em Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 60–63.

1 Nê Phi 15:1–11

Chúa sẽ trả lời tôi nếu tôi cầu xin với đức tin và biết mềm lòng.

Anh chị em có từng cảm thấy như mình không nhận được sự mặc khải cá nhân—tức là Thượng Đế không phán bảo với mình không? Nê Phi đã khuyên các anh ông điều gì khi họ cảm thấy như vậy? Anh chị em có thể áp dụng lời khuyên của Nê Phi vào cuộc sống mình như thế nào, và làm sao anh chị em có thể sử dụng lời khuyên của ông để giúp người khác?

Xin xem thêm Gia Cốp 4:8; An Ma 5:46; 26:21–22.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

1 Nê Phi 11–14

Khi gia đình anh chị em đọc những chương này, thỉnh thoảng hãy ngừng lại và đặt ra các câu hỏi như sau: Nê Phi đã thấy gì trong khải tượng của ông khiến ông hạnh phúc? Điều gì có lẽ đã làm ông buồn? Tại sao?

1 Nê Phi 13:20–42

Để giúp mọi người trong gia đình hiểu giá trị của các lẽ thật “minh bạch và quý báu” trong Sách Mặc Môn, hãy so sánh một sứ điệp được viết rõ ràng với một sứ điệp đã bị xáo trộn. Tại sao Cha Thiên Thượng muốn các lẽ thật của Ngài được giảng dạy một cách rõ ràng? Các thành viên gia đình có thể làm chứng về một số lẽ thật “minh bạch và quý báu” mà họ đã học được từ Sách Mặc Môn.

1 Nê Phi 14:12–15

Tại sao chúng ta “được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại” khi sống đúng theo các giao ước của chúng ta với Thượng Đế?

1 Nê Phi 15:8–11

Gia đình anh chị em có thể chia sẻ những kinh nghiệm nào khi họ “cầu vấn Chúa”? Chúng ta có thể học được điều gì từ tấm gương của Nê Phi?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Sử dụng những sự trợ giúp học tập. Các cước chú, Sách Hướng Dẫn Thánh Thư và những sự trợ giúp học tập khác mang lại những hiểu biết sâu sắc về thánh thư. Ví dụ, các cước chú giúp anh chị em hiểu gì về 1 Nê Phi 14:20–21?

Hình Ảnh
Khải tượng của Nê Phi về Ma Ri và hài nhi Giê Su

Nephi’s Vision of Mary (Khải Tượng của Nê Phi về Ma Ri), tranh do James Johnson họa

In