“Ngày 30 tháng Mười Hai–ngày 5 tháng Một. Các trang giới thiệu của Sách Mặc Môn: ‘Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (2020)
“Ngày 30 tháng Mười Hai–ngày 5 tháng Một. Các trang giới thiệu của Sách Mặc Môn,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020
Ngày 30 tháng Mười Hai–ngày 5 tháng Một
Các trang giới thiệu của Sách Mặc Môn
“Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô”
Việc học Sách Mặc Môn của anh chị em có thể được nâng cao chất lượng hơn nếu bắt đầu với các trang trước 1 Nê Phi. Anh chị em thấy điều gì giúp củng cố chứng ngôn của mình?
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Thậm chí trước khi anh chị em đọc đến 1 Nê Phi chương 1, rõ ràng Sách Mặc Môn không phải là một quyển sách bình thường. Các trang giới thiệu sách này mô tả một bối cảnh lịch sử không giống với bất kỳ bối cảnh nào khác—gồm những cuộc viếng thăm của các thiên sứ, một biên sử cổ xưa được chôn giấu suốt hàng thế kỷ bên một ngọn đồi, và một nông dân chẳng ai biết đến phiên dịch biên sử đó bằng quyền năng của Thượng Đế. Sách Mặc Môn không chỉ là về lịch sử của các cư dân thời xưa ở Châu Mỹ. Sách này chứa đựng “phúc âm trọn vẹn vĩnh viễn” (Lời Giới Thiệu Sách Mặc Môn), và đích thân Thượng Đế đã hướng dẫn sự ra đời của sách này—cách viết, cách bảo tồn, và cách mang sách này đến trong thời đại chúng ta. Trong năm nay, khi đọc Sách Mặc Môn, cầu nguyện về sách, và áp dụng những lời giảng dạy trong sách, anh chị em sẽ mời quyền năng của sách vào cuộc sống mình, và có lẽ sẽ cảm thấy giống với Ba Nhân Chứng trong chứng ngôn của họ: “Nó rất kỳ diệu trước mắt [tôi].”
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Sách Mặc Môn có thể củng cố đức tin của tôi nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
Trang tựa của Sách Mặc Môn cung ứng nhiều điều hơn chỉ một tựa đề. Trong số những điều khác, có liệt kê một vài mục đích của biên sử thiêng liêng này. Hãy tìm ra những mục đích này, và rồi khi học Sách Mặc Môn trong năm nay, hãy ghi chú lại các đoạn thánh thư mà anh chị em cảm thấy thực hiện được các mục đích này. Ví dụ, đoạn thánh thư nào thuyết phục anh chị em rằng “Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Thượng Đế Vĩnh Cửu”?
Sách Mặc Môn “phác họa kế hoạch cứu rỗi.”
Kế hoạch cứu rỗi là kế hoạch của Cha Thiên Thượng nhằm giúp con cái Ngài được tôn cao giống như Ngài, và có được niềm vui giống với Ngài (xin xem 2 Nê Phi 2:25–26). Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô làm cho kế hoạch này có thể xảy ra được, và mỗi giáo lý, giáo lễ, giao ước, và giáo lệnh Thượng Đế ban ra đều nhằm giúp hoàn thành kế hoạch này.
Nếu muốn hiểu kế hoạch cứu rỗi, thì không có quyển sách nào khác hay hơn Sách Mặc Môn. Sách này nói đến kế hoạch của Thượng Đế—bằng nhiều tên gọi khác nhau—hơn 20 lần. Năm nay khi học, hãy để ý khi kế hoạch của Thượng Đế được nhắc đến hoặc ám chỉ đến và điều Sách Mặc Môn nói về kế hoạch này.
Đây là một sinh hoạt để giúp anh chị em bắt đầu. Hãy đọc các đoạn thánh thư sau đây, và liệt kê những tên gọi khác nhau của kế hoạch của Thượng Đế: 2 Nê Phi 9:13; 11:5; và An Ma 12:32–34; 24:14; 41:2; 42:15–16. Từng cái tên này gợi ý anh chị em điều gì về kế hoạch của Cha Thiên Thượng?
“Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng”; “Chứng Ngôn của Tám Nhân Chứng”
Tôi có thể là một nhân chứng cho Sách Mặc Môn.
Đức Thánh Linh có thể làm chứng với anh chị em rằng Sách Mặc Môn là chân chính, ngay cả nếu anh chị em chưa từng thấy các bảng khắc bằng vàng như Ba Nhân Chứng và Tám Nhân Chứng. Chứng ngôn của họ củng cố chứng ngôn của anh chị em như thế nào? Làm thế nào anh chị em có thể “lấy danh dự mà làm chứng trước thế giới” về điều anh chị em biết về Sách Mặc Môn? (“Chứng Ngôn của Tám Nhân Chứng”).
“Chứng Ngôn của Tiên Tri Joseph Smith”
Sự ra đời của Sách Mặc Môn là một phép lạ.
Nếu có ai đó hỏi anh chị em rằng Sách Mặc Môn đến từ đâu, thì anh chị em sẽ nói gì? Làm thế nào anh chị em mô tả quyền năng của Chúa trong sự ra đời của Sách Mặc Môn? Joseph Smith đã mô tả sự ra đời của Sách Mặc Môn như thế nào?
“Chứng Ngôn của Tiên Tri Joseph Smith”
Sách Mặc Môn đã được phiên dịch bằng cách nào?
Sách Mặc Môn đã được phiên dịch “nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.” Chúng ta không biết nhiều chi tiết về quá trình phiên dịch phi thường này, nhưng chúng ta quả thật biết rằng Joseph Smith là một vị tiên kiến, được trợ giúp bởi các dụng cụ Thượng Đế đã chuẩn bị sẵn: hai viên đá trong suốt được gọi là U Rim và Thu Mim và một viên đá khác được gọi là viên đá tiên kiến. Joseph đã thấy qua những viên đá này phần dịch sang tiếng Anh của những ký tự trên bảng khắc, và ông đọc lớn bản dịch này cho một người khác chép lại. Mỗi người biên chép của Joseph đều làm chứng rằng quyền năng của Thượng Đế đã được biểu hiện trong việc phiên dịch tác phẩm thiêng liêng này.
Xin xem “Book of Mormon Translation (Việc Phiên Dịch Sách Mặc Môn)” (Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org).
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.
Trang tựa của Sách Mặc Môn
Có lẽ gia đình anh chị em có thể bắt đầu một bản liệt kê các câu thánh thư từ Sách Mặc Môn mà đã xây đắp đức tin của mình rằng “Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô” và bổ sung bản liệt kê này trong suốt năm. Cũng có thể là một thời điểm tốt để tạo ra một kế hoạch gia đình cho việc đọc Sách Mặc Môn: Anh chị em sẽ tụ họp để đọc vào lúc nào và tại nơi đâu? Từng thành viên gia đình sẽ tham gia như thế nào? Để có thêm ý kiến, xin xem “Những Ý Kiến để Cải Thiện Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình của Anh Chị Em” ở phần đầu của tài liệu này.
Lời Giới Thiệu Sách Mặc Môn
Viên đá đỉnh vòm là viên đá hình nêm ở trên đỉnh của một khung vòm cung giúp để giữ các viên đá khác lại với nhau. Để giúp gia đình anh chị em hiểu cách Sách Mặc Môn trở nên “nền tảng của tôn giáo chúng ta,” anh chị em có thể dựng lên hoặc vẽ một khung vòm cung với viên đá đỉnh vòm ở trên đỉnh. Điều gì xảy ra nếu viên đá đỉnh vòm bị lấy ra? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không có Sách Mặc Môn? Làm thế nào chúng ta có thể làm cho Sách Mặc Môn trở thành viên đá đỉnh vòm của đức tin chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô?
“Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng”; “Chứng Ngôn của Tám Nhân Chứng”
Các thành viên gia đình anh chị em có thể viết xuống chứng ngôn của chính họ về Sách Mặc Môn, ký tên mình lên đó, và nghĩ về những cách chia sẻ chứng ngôn của họ với người khác.
“Chứng Ngôn của Tiên Tri Joseph Smith”
Trong câu chuyện của Joseph Smith, chúng ta thấy bằng chứng nào cho thấy Thượng Đế tham gia vào sự ra đời của Sách Mặc Môn?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.