Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 13–19 tháng Ba. Ma Thi Ơ 11–12; Lu Ca 11: “Ta Sẽ Cho Các Ngươi Được Yên Nghỉ”


“Ngày 13–19 tháng Ba. Ma Thi Ơ 11–12; Lu Ca 11: ‘Ta Sẽ Cho Các Ngươi Được Yên Nghỉ,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 13–19 tháng Ba. Ma Thi Ơ 11–12; Lu Ca 11,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2023

Hình Ảnh
Chúa Giê Su đứng giữa những đám mây

Be Not Afraid (Chớ Sợ), tranh do Michael Malm họa

Ngày 13–19 tháng Ba

Ma Thi Ơ 11–12; Lu Ca 11

“Ta Sẽ Cho Các Ngươi Được Yên Nghỉ”

Các ý tưởng giảng dạy trong đại cương này là nhằm giúp khơi gợi sự sáng tạo của riêng anh chị em. Hãy thoải mái thích ứng chúng để đáp ứng nhu cầu của các em mà anh chị em giảng dạy.

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Khuyến khích các em chia sẻ về điều chúng có thể làm để thờ phượng Chúa vào ngày Sa Bát.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Ma Thi Ơ 11:28–30

Chúa Giê Su sẽ giúp tôi khi tôi đến cùng Ngài.

Trẻ em có thể cảm thấy được an ủi vì biết rằng Chúa Giê Su sẽ giúp làm vơi đi những gánh nặng của chúng khi đến cùng Ngài.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Đọc Ma Thi Ơ 11:28–30, và cho xem bức tranh về cặp bò mang ách trong đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình. Bảo các em chỉ vào cặp bò và cái ách. Hãy giải thích rằng cặp bò buộc mang ách có thể cùng nhau kéo trọng lượng nặng hơn là mỗi con bò có thể kéo riêng rẽ. Hãy làm chứng rằng khi cảm thấy buồn, lo lắng hay sợ hãi, chúng ta có thể tìm đến Chúa Giê Su và Ngài sẽ giúp chúng ta.

  • Bảo một em nâng một món đồ nặng. Khi em ấy gặp khó khăn, hãy giúp đỡ. Làm cách nào Chúa Giê Su có thể giúp chúng ta thực hiện những việc khó? Chia sẻ một kinh nghiệm khi anh chị em cảm thấy Chúa Giê Su đã giúp mình làm điều gì đó khó khăn và bảo các em hãy chia sẻ những kinh nghiệm của riêng chúng.

Ma Thi Ơ 12:1–13

Tôi có thể giữ ngày Sa Bát được thánh.

Anh chị em có một số cách thú vị nào để giảng dạy các em về ngày Sa Bát và về lý do chúng ta nên giữ ngày Sa Bát được thánh?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Đọc to Ma Thi Ơ 12:10–13. Mời các em đứng lên và ngồi xuống mỗi lần anh chị em nói “Sa Bát,” và lặp lại với chúng cụm từ: “trong ngày Sa Bát có phép làm việc lành” (Ma Thi Ơ 12:12). Chúng nghĩ điều đó có nghĩa là gì?

  • Cho các em xem một tờ lịch, và tô đậm ngày Sa Bát cho chúng thấy. Chúng ta làm gì vào những ngày khác trong tuần? Chúng ta có thể làm gì vào ngày Sa Bát để làm cho ngày đó khác biệt với những ngày khác? (xin xem Ê Sai 58:13–14).

  • Bảo các em vẽ những điều tốt chúng có thể làm vào ngày Sa Bát (xin xem trang sinh hoạt của tuần này).

  • Mời các em nghĩ ra các hành động để giúp chúng nhớ đến những cách chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Sa Bát.

  • Vẽ đôi mắt, đôi tai, một cái miệng, và hai bàn tay lên trên bảng. Bảo các em nói cho anh chị em biết mỗi bộ phận này của thân thể chúng ta có thể làm gì để giữ ngày Sa Bát được thánh.

Lu Ca 11:11–13

Cha Thiên Thượng ban cho chúng ta những ân tứ tốt lành.

Lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong Lu Ca 11:11–13 có thể giúp các em mà anh chị em dạy hiểu rằng Cha Thiên Thượng thương yêu và muốn ban phước cho chúng.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Sử dụng một bài học với đồ vật để minh họa những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong Lu Ca 11:11–13. Ví dụ, anh chị em có thể đặt một hòn đá bên trong một cái túi thường đựng bánh mì hoặc bức hình một con bò cạp vào trong một hộp đựng trứng. Bảo các em đoán xem bên trong có gì, và sau đó cho chúng thấy. Mời các em thay thế hòn đá hoặc bức hình con bọ cạp với một mẩu bánh mì hoặc một quả trứng. Đọc Lu Ca 11:11–13, và làm chứng rằng Cha Thiên Thượng thương yêu chúng ta, đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta, và ban cho chúng ta nhiều phước lành qua Thánh Linh của Ngài.

  • Cùng nhau hát một bài hát về tình yêu thương của Thượng Đế, chẳng hạn như “Cảm Tạ Cha Yêu Dấu” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 61). Ngài đã ban cho chúng ta một số ân tứ tuyệt vời nào? Bảo các em hãy vẽ tranh về các phước lành từ Cha Thiên Thượng mà chúng biết ơn.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Ma Thi Ơ 11:28–30

Chúa Giê Su sẽ giúp tôi khi tôi đến cùng Ngài.

Làm cách nào anh chị em giúp các em hiểu rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ ban cho chúng sự nghỉ ngơi khỏi những thử thách khi chúng đến cùng Ngài?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em chia sẻ một lần khi chúng lo lắng hay phiền muộn về điều gì đó. Mời các em tra cứu trong Ma Thi Ơ 11:28–30 về lời khuyên dạy mà có thể giúp đỡ chúng trong những hoàn cảnh tương tự. Đấng Cứu Rỗi ban “cho [chúng ta] sự yên nghỉ” như thế nào? (câu 28).

  • Mời các em vẽ tranh về điều chúng đang làm để đến cùng Chúa Giê Su và học hỏi về Ngài.

  • Giúp các em học thuộc lòng tín điều thứ tư. Nói với các em về cách mà những nguyên tắc và giáo lễ đầu tiên của phúc âm giúp chúng ta chấp nhận lời mời của Chúa Giê Su: “Hãy đến cùng ta” (Ma Thi Ơ 11:28).

Ma Thi Ơ 12:1–13

Ngày Sa Bát là một ngày để làm những việc tốt mà có thể mang tôi đến gần Thượng Đế hơn.

Những em mà anh chị em giảng dạy sẽ được củng cố khi anh chị em nhấn mạnh những mục đích của các phước lành về việc giữ ngày Sa Bát được thánh.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời một em giả vờ làm người đàn ông được Đấng Cứu Rỗi chữa lành bàn tay (xin xem Ma Thi Ơ 12:10–13). Một em khác có thể hỏi em ấy về kinh nghiệm đó.

  • Đọc với nhau Ma Thi Ơ 12:12. Một số điều tốt mà chúng ta có thể làm vào ngày Sa Bát là gì? Hãy để cho các em vẽ những ý tưởng của chúng lên trang sinh hoạt của tuần này, cắt rời các mảnh ghép ra và thay phiên nhau ghép lại các hình ghép.

  • Giấu một vài bức hình của những người đang làm những điều cho thấy tình yêu thương dành cho Cha Thiên Thượng vào ngày Sa Bát. Yêu cầu các em tìm kiếm các bức hình và chia sẻ cách mà việc làm những điều trong các bức tranh cho thấy tình yêu thương dành cho Thượng Đế.

Hình Ảnh
mọi người nhìn xuống các môn đồ đang đi bộ qua cánh đồng lúa mì

The Disciples Eat Wheat on the Sabbath (Các Môn Đồ Ăn Lúa Mì vào ngày Sa Bát), tranh do James Tissot họa

Lu Ca 11:37–42

Cả hành động lẫn tấm lòng của tôi phải thanh khiết.

Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng việc tỏ vẻ ngay chính không thôi là chưa đủ. Những suy nghĩ, cảm nhận, và hành động riêng tư của chúng ta cũng phải thanh khiết.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Để minh họa điều mà những câu này dạy, hãy cho các em thấy một cái ly hoặc vật đựng khác mà sạch sẽ ở bên ngoài nhưng dơ bẩn ở bên trong. Giúp các em nghĩ xem “bề ngoài chén” tượng trưng cho điều gì. Còn “bề trong” tượng trưng cho điều gì? Tại sao điều quan trọng là phải rửa sạch cả bề ngoài lẫn bề trong?

  • Hãy cùng nhau đọc một số câu thánh thư mà nhấn mạnh sự ngay chính cả trong tấm lòng lẫn hành động của chúng ta—ví dụ, Thi Thiên 24:3–5; Ma Thi Ơ 15:7–8; Mô Rô Ni 7:6–9. Thảo luận lý do tại sao Đấng Cứu Rỗi muốn tấm lòng và hành động riêng tư của chúng ta phải được thanh khiết về mặt thuộc linh.

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Mời các em chia sẻ với gia đình chúng những ý kiến để giữ ngày Sa Bát được thánh.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Đặt các câu hỏi. “Một câu hỏi mà mời học viên đưa ra một nguyên tắc phúc âm bằng lời riêng của họ—nhất là nếu được yêu cầu từ lúc bắt đầu lớp học—có thể giúp các anh chị em đánh giá việc các anh chị em cần phải dành ra bao nhiêu thời gian để nghiên cứu nguyên tắc đó trong lớp học” (Giảng Dạy theo Cách Của Đấng Cứu Rỗi, trang 32).

In