Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 13–19 tháng Ba. Ma Thi Ơ 11–12; Lu Ca 11: “Ta Sẽ Cho Các Ngươi Được Yên Nghỉ”


“Ngày 13–19 tháng Ba. Ma Thi Ơ 11–12; Lu Ca 11: ‘Ta Sẽ Cho Các Ngươi Được Yên Nghỉ,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 13–19 tháng Ba. Ma Thi Ơ 11–12; Lu Ca 11” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023

Hình Ảnh
Chúa Giê Su đứng giữa đám mây

Be Not Afraid (Chớ Sợ), tranh do Michael Malm họa

Ngày 13–19 tháng Ba

Ma Thi Ơ 11–12; Lu Ca 11

“Ta Sẽ Cho Các Ngươi Được Yên Nghỉ”

Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy: “Thánh thư, là những điều mặc khải trong quá khứ, không thể hiểu được nếu không chấp nhận những điều mặc khải hiện tại. … Việc học hỏi thánh thư cho phép những người nam và người nữ nhận được những điều mặc khải” (“Scripture Reading and Revelation,” Ensign, tháng Một năm 1995, trang 7).

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Trong nhiều phương diện, những người Pha Ri Si và các thầy thông giáo đã làm cho việc thờ phượng Đức Giê Hô Va trở thành gánh nặng. Họ thường nhấn mạnh đến các luật lệ nghiêm khắc hơn là các lẽ thật vĩnh cửu. Các luật lệ về ngày Sa Bát, vốn được định là một ngày nghỉ ngơi, tự chúng là một gánh nặng.

Và rồi, chính Đức Giê Hô Va đã đến giữa dân Ngài. Ngài dạy họ rằng mục đích thực sự của tôn giáo không phải là tạo ra gánh nặng mà là để làm nhẹ gánh nặng cho họ. Ngài dạy rằng Thượng Đế ban cho chúng ta các giáo lệnh, kể cả giáo lệnh để tôn trọng ngày Sa Bát, không phải để đè nặng lên chúng ta mà là để ban phước cho chúng ta. Vâng, con đường dẫn đến Thượng Đế thì chật và hẹp, nhưng Chúa đã đến để loan báo rằng chúng ta không cần bước đi một mình. Ngài khẩn nài: “Hãy đến cùng ta.” Lời mời gọi của Ngài, dành cho tất cả những ai cảm thấy “gánh nặng” vì bất cứ lý do nào, là đứng bên cạnh Ngài, gắn bó mình với Ngài, và để Ngài chia sẻ bớt gánh nặng của chúng ta. Lời hứa của Ngài là “linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.” So với những lựa chọn khác—cố gắng tiếp tục một mình hoặc dựa vào các giải pháp trần thế—“ách [của Ngài] là dễ chịu và gánh nặng [của Ngài] thì nhẹ nhàng.” (Ma Thi Ơ 11:28–30.)

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Ma Thi Ơ 11:28–30

Chúa Giê Su Ky Tô sẽ cho tôi được nghỉ ngơi khi tôi trông cậy vào Ngài.

Tất cả chúng ta đều mang gánh nặng—một số là từ tội lỗi và sai lầm của cá nhân chúng ta, một số gây ra bởi những sự lựa chọn của người khác, và một số không phải là lỗi của ai cả mà chỉ đơn giản là một phần của cuộc sống trên trần thế. Bất kể lý do gì gây ra những khó khăn của chúng ta, Thượng Đế đều khẩn nài chúng ta hãy đến với Ngài để Ngài có thể giúp mang vác gánh nặng của chúng ta và giải cứu chúng ta (xin xem thêm Mô Si A 24). Anh Cả David A. Bednar dạy: “Việc lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng kết hợp chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô” (“Mang Những Gánh Nặng của Họ Một Cách Dễ Dàng,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 88). Với điều này trong tâm trí, hãy suy ngẫm những câu hỏi như sau để hiểu rõ hơn những lời của Đấng Cứu Rỗi trong các câu này: Làm thế nào các giao ước của tôi kết hợp tôi với Đấng Cứu Rỗi? Tôi cần phải làm gì để đến cùng Đấng Ky Tô? Theo nghĩa nào thì ách của Đấng Cứu Rỗi là dễ dàng và gánh của Ngài nhẹ?

Có câu hỏi nào khác đến với tâm trí anh chị em trong khi đọc không? Hãy ghi những câu hỏi đó xuống, và trong tuần này tìm kiếm câu trả lời trong thánh thư và trong những lời của các vị tiên tri. Anh chị em có thể tìm thấy câu trả lời cho một số câu hỏi trong sứ điệp của Anh Cả David A. Bednar được nói đến ở trên.

Xin xem thêm John A. McCune, “Hãy đến cùng Đấng Ky Tô—Sống với tư cách là Thánh Hữu Ngày Sau,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 36–38; Lawrence E. Corbridge, “Đường Đi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 34–36.

Hình Ảnh
mọi người nhìn xuống các môn đồ đang đi bộ qua cánh đồng lúa mì

The Disciples Eat Wheat on the Sabbath (Các Môn Đồ Ăn Lúa Mì vào ngày Sa Bát), tranh do James Tissot họa

Ma Thi Ơ 12:1–13

“Trong ngày Sa-bát có phép làm việc lành.”

Những lời giảng dạy của người Pha Ri Si khác với những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong nhiều phương diện, nhưng đặc biệt là trong cách tôn trọng ngày Sa Bát. Khi đọc Ma Thi Ơ 12:1–13, anh chị em có thể suy ngẫm xem thái độ và hành động của anh chị em về ngày Sa Bát phù hợp với những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi như thế nào. Để làm điều này, anh chị em có thể suy ngẫm những câu như sau:

  • “Ta muốn lòng nhân từ, không muốn của tế lễ” (câu 7; xin xem Hô Sê 6:6).

  • “Con người là Chúa ngày Sa Bát” (câu 8).

  • “Trong ngày Sa Bát có phép làm việc lành” (câu 12).

Những lời giảng dạy này có thể ảnh hưởng đến cách anh chị em nhìn nhận ngày Sa Bát như thế nào?

Xin xem thêm Mác 2:233:5.

Ma Thi Ơ 12:34–37; Lu Ca 11:33–44

Những lời nói và hành động của tôi phản ánh những suy nghĩ trong lòng tôi.

Một trong những lời chỉ trích chính của Đấng Cứu Rỗi về người Pha Ri Si là họ đã cố gắng có vẻ ngoài ngay chính nhưng ý định của họ không thanh khiết. Khi anh chị em học những lời cảnh cáo của Đấng Cứu Rỗi dành cho người Pha Ri Si trong Ma Thi Ơ 12:34–37Lu Ca 11:33–44, hãy suy ngẫm về mối liên hệ giữa tấm lòng và hành động của chúng ta. Cụm từ “nơi đã chứa điều thiện” có ý nghĩa gì đối với anh chị em? (Ma Thi Ơ 12:35). Lời nói của chúng ta biện hộ hoặc kết tội chúng ta như thế nào? (xin xem Ma Thi Ơ 12:37). Việc mắt của anh chị em “sáng sủa” có nghĩa là gì? (Lu Ca 11:34). Hãy suy ngẫm cách thức anh chị em có thể trở nên “sáng láng” (Lu Ca 11:36) qua quyền năng của Đấng Cứu Rỗi.

Xin xem thêm An Ma 12:12–14; Giáo Lý và Giao Ước 88:67–68.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Ma Thi Ơ 11:28–30.Anh chị em có thể giúp gia đình mình hình dung ra những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong các câu này bằng cách cho họ thay phiên nhau cố gắng kéo một vật nặng nào đó, đầu tiên là tự mình rồi sau đó với sự trợ giúp. Chúng ta có thể đang mang một số gánh nặng nào? Tự mình gánh lấy ách của Đấng Ky Tô có nghĩa là gì? Hình ảnh ở cuối đại cương này có thể giúp anh chị em giải thích cái ách là gì.

Ma Thi Ơ 12:10–13.Khi anh chị em đọc về Chúa Giê Su chữa lành cho một người đàn ông vào ngày Sa Bát, gia đình anh chị em có thể nói về cách chúng ta được “lành” nhờ Đấng Cứu Rỗi. Làm thế nào ngày Sa Bát có thể trở thành ngày chữa lành đối với chúng ta?

Qua sự soi dẫn từ tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong các câu này, gia đình anh chị em có thể lập một bản liệt kê những cách thức mình có thể “làm việc lành trong ngày Sa Bát” (câu 12). Hãy chắc chắn bao gồm những cơ hội để phục vụ người khác. Có thể hữu ích để lưu giữ bản liệt kê của anh chị em và tham khảo bản liệt kê đó vào các ngày Chủ Nhật tương lai.

Lu Ca 11:33–36.Hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể dạy gia đình mình về ý nghĩa của việc được “sáng láng” (các câu 34, 36). Một bài học bằng đồ vật có giúp ích không? Anh chị em cũng có thể thảo luận những cách thức để mang ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống, mái gia đình của chúng ta và thế gian.

Lu Ca 11:37–44.Có lẽ gia đình anh chị em có thể thảo luận những câu này trong khi rửa bát đĩa cùng với nhau. Anh chị em có thể nói về lý do tại sao việc chỉ rửa mặt ngoài của những thứ như bát và ly là một ý kiến không hay. Sau đó anh chị em có thể liên kết điều này với sự cần thiết phải ngay chính không chỉ qua những hành động bên ngoài của mình mà còn trong những ý nghĩ và cảm nghĩ trong lòng mình.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy kiên định. Anh chị em có thể có những ngày mà việc học thánh thư dường như khó khăn hơn hoặc có ít tác động hơn mình hy vọng. Đừng bỏ cuộc. Anh Cả David A. Bednar đã dạy: “Sự kiên định của chúng ta trong khi làm những điều dường như nhỏ nhặt có thể đưa đến những kết quả thuộc linh đầy ý nghĩa” (“Được Siêng Năng Hơn và Biết Lo Lắng Hơn trong Gia Đình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 20).

Hình Ảnh
hai con bò được buộc cùng ách

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ” (Ma Thi Ơ 11:29). Hình chụp © iStockphoto.com//wbritten

In