“Ngày 27 tháng Hai–Ngày 5 tháng Ba. Ma Thi Ơ 8; Mác 2–4; Lu Ca 7: ‘Đức Tin Của Ngươi Đã Cứu Ngươi,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 27 tháng Hai–Ngày 5 tháng Ba. Ma Thi Ơ 8; Mác 2–4; Lu Ca 7,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023
Ngày 27 tháng Hai–Ngày 5 tháng Ba
Ma Thi Ơ 8; Mác 2–4; Lu Ca 7
“Đức Tin của Ngươi Đã Cứu Ngươi”
Hãy cẩn thận đừng học thánh thư một cách vội vàng. Hãy dành thời gian để thành tâm suy ngẫm, cho dù việc đó làm anh chị em không có thời gian để đọc tất cả các câu. Những giây phút suy ngẫm này thường dẫn đến sự mặc khải cá nhân.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Một trong những sứ điệp rõ ràng nhất trong Kinh Tân Ước là Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Chữa Lành. Có nhiều câu chuyện về Đấng Cứu Rỗi chữa lành người bệnh và người đau khổ—từ một người phụ nữ bị sốt đến đứa con trai đã qua đời của một góa phụ. Tại sao lại nhấn mạnh vào sự chữa lành thể xác? Những sứ điệp nào có thể dành cho chúng ta trong những phép lạ này? Dĩ nhiên, một sứ điệp hiển nhiên là Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế, với quyền năng trên tất cả mọi sự việc, kể cả sự đau đớn về thể chất và những điều không hoàn hảo của chúng ta. Nhưng một ý nghĩa khác được tìm thấy trong những lời của Ngài dành cho mấy nhà thông thái đầy hoài nghi: “Để cho các ngươi biết rằng Con người ở thế gian có quyền tha tội” (Mác 2:10). Vậy khi đọc về một người mù hoặc người bị bệnh phong được chữa lành, anh chị em có thể nghĩ tới sự chữa lành—về cả phần thuộc linh lẫn thể chất—mà anh chị em có thể nhận được từ Đấng Cứu Rỗi và nghe Ngài phán cùng mình: “Đức tin của ngươi đã cứu ngươi” (Lu Ca 7:50).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Đấng Cứu Rỗi có thể chữa lành những kẻ yếu đuối và bệnh tật.
Các chương này ghi lại nhiều ví dụ về những sự chữa lành phi thường mà Đấng Cứu Rỗi đã thực hiện. Khi anh chị em học về những sự chữa lành này, hãy tìm kiếm những sứ điệp có thể dành cho anh chị em. Anh chị em có thể tự hỏi: Câu chuyện này giảng dạy điều gì về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô? Câu chuyện này giảng dạy điều gì về Đấng Cứu Rỗi? Thượng Đế muốn tôi học hỏi điều gì từ phép lạ này? Sau đây là một số ví dụ, nhưng vẫn còn nhiều ví dụ khác:
-
Một người bị phong (Ma Thi Ơ 8:1–4)
-
Tôi tớ của một thầy đội (Ma Thi Ơ 8:5–13; Lu Ca 7:1–10)
-
Mẹ vợ của Phi E Rơ (Ma Thi Ơ 8:14–15)
-
Người đàn ông bị bệnh bại liệt (Mác 2:1–12)
-
Người đàn ông bị teo tay (Mác 3:1-5)
-
Con trai của góa phụ ở thành Na In (Mác 7:11–16)
Xin xem thêm David A. Bednar, “Chấp Nhận Ý Muốn và Kỳ Định của Chúa,” Liahona, tháng Tám năm 2016, trang 17–23; Neil L. Andersen, “Bị Tổn Thương,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 83–86.
Chúa Giê Su Ky Tô đến không phải để kết tội những người phạm tội mà để chữa lành cho họ.
Khi anh chị em đọc trong các câu này về cuộc trò chuyện của Chúa Giê Su với các thầy thông giáo và người Pha Ri Si, anh chị em có thể suy ngẫm xem có thấy bản thân mình trong những câu chuyện này không. Ví dụ, những ý nghĩ và hành động của anh chị em có bao giờ giống như những ý nghĩ và hành động của Si Môn người Pha Ri Si không? Làm thế nào anh chị em có thể mô tả sự khác biệt giữa cách Chúa Giê Su nhìn những người phạm tội và cách những người Pha Ri Si giống như Si Môn nhìn họ? Hãy suy ngẫm xem những người bị đè nặng bởi tội lỗi có thể cảm thấy như thế nào khi ở cùng Đấng Cứu Rỗi. Họ sẽ cảm thấy như thế nào khi ở cùng anh chị em?
Anh chị em cũng có thể suy ngẫm mình giống như người đàn bà được mô tả trong Lu Ca 7:36–50 như thế nào. Có khi nào anh chị em đã cảm nhận được sự dịu dàng và thương xót mà Đấng Cứu Rỗi đã bày tỏ cho người đàn bà đó không? Anh chị em học được gì từ tấm gương về đức tin, tình thương yêu và sự khiêm nhường của người đàn bà ấy?
Xin xem thêm Giăng 3:17; Lu Ca 9:51–56; Dieter F. Uchtdorf, “Ân Tứ về Ân Điển,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 107–110.
Trở thành một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là tôi đặt Ngài lên trước tiên trong cuộc sống của tôi.
Trong các câu này, Chúa Giê Su dạy rằng việc làm môn đồ của Ngài đòi hỏi chúng ta đặt Ngài lên trước tiên trong cuộc sống của chúng ta, thậm chí nếu điều đó có nghĩa là đôi khi chúng ta phải hy sinh những điều khác mà mình trân quý. Khi anh chị em học các đoạn này, hãy suy ngẫm về vai trò làm môn đồ của bản thân mình. Tại sao các môn đồ cần phải sẵn sàng đặt Đấng Cứu Rỗi lên trước tiên? Anh chị em có thể cần phải từ bỏ điều gì để đặt Chúa Giê Su lên trước tiên? (Xin xem thêm Lu Ca 9:57–62.)
Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng để mang sự bình an đến giữa những cơn bão tố của cuộc đời.
Anh chị em đã bao giờ cảm thấy điều các môn đồ của Chúa Giê Su đã trải qua ở giữa cơn bão ngoài biển khơi—thấy sóng tạt vào làm thuyền đầy nước và hỏi: “Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao?”
Anh chị em sẽ tìm thấy bốn câu hỏi trong Mác 4:35–41. Hãy liệt kê ra từng câu hỏi, và suy ngẫm về điều mà câu đó dạy cho anh chị em về cách đối phó với những thử thách của cuộc sống với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Đấng Cứu Rỗi làm êm những cơn bão tố của cuộc đời anh chị em như thế nào?
Xin xem thêm Lisa L. Harkness, “Hãy Êm Đi, Lặng Đi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 80–82.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Ma Thi Ơ 8; Mác 2–4; Lu Ca 7.Hãy cân nhắc lập một danh sách những phép lạ được mô tả trong các chương này. Thử tìm hoặc vẽ tranh về một số phép lạ đó (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm hoặc ChurchofJesusChrist.org). Mỗi thành viên trong gia đình có thể sử dụng các hình vẽ để kể về một trong các phép lạ này và chia sẻ điều họ học được từ phép lạ đó. Anh chị em có thể chia sẻ một số ví dụ về các phép lạ anh chị em đã thấy hoặc đọc trong thời kỳ của chúng ta.
2:222:17 -
Ma Thi Ơ 8:5–13; Lu Ca 7:1–10.Điều gì trong đức tin của thầy đội đã gây ấn tượng cho Chúa Giê Su? Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy đức tin tương tự nơi Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Mác 2:1–12.“Chương 23: Người Đàn Ông Không Thể Đi Được,” (trong Các Câu Chuyện trong Kinh Tân Ước, trang 57–58) có thể giúp gia đình anh chị em thảo luận Mác 2:1–12. Làm sao chúng ta có thể giống như những người bạn của người đàn ông không thể đi được? Ai là người bạn như thế đối với chúng ta?
NaN:NaN2:57 -
Mác 4:35–41.Câu chuyện này có thể giúp những thành viên trong gia đình khi họ cảm thấy lo sợ không? Có lẽ họ có thể đọc câu 39 và chia sẻ những kinh nghiệm khi Đấng Cứu Rỗi giúp họ cảm thấy bình an.
Các trẻ em có thể thích giả vờ như chúng đang ở trên một chiếc thuyền trong một cơn bão trong khi một người nào đó đọc Mác 4:35–38. Sau đó, khi một người đọc câu 39, chúng có thể giả vờ ở trên một chiếc thuyền trên mặt biển yên tĩnh. Anh chị em cũng có thể cùng nhau hát một bài về việc tìm kiếm sự bình an nơi Đấng Cứu Rỗi, chẳng hạn như “Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 12). Những lời nào trong bài hát này dạy chúng ta về sự bình an mà Chúa Giê Su ban cho?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.