Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 6–12 tháng Ba. Ma Thi Ơ 9–10; Mác 5; Lu Ca 9: “Ấy Đó là Mười Hai Sứ Đồ Đức Chúa Giê Su Sai Đi”


“Ngày 6–12 tháng Ba. Ma Thi Ơ 9–10; Mác 5; Lu Ca 9: ‘Ấy Đó là Mười Hai Sứ Đồ Đức Chúa Giê Su Sai Đi,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 6–12 tháng Ba. Ma Thi Ơ 9–10; Mác 5; Lu Ca 9,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023

Hình Ảnh
Chúa Giê sắc phong cho Phi E Rơ

Ngày 6–12 tháng Ba

Ma Thi Ơ 9–10; Mác 5; Lu Ca 9

“Ấy Đó Là Mười Hai Sứ Đồ Đức Chúa Giê Su Sai Đi”

Những ý kiến học tập trong đại cương này nhằm giúp anh chị em tìm thấy ý nghĩa cá nhân trong thánh thư. Tuy nhiên, chúng không nên thay thế sự mặc khải cá nhân mà anh chị em có thể nhận được về những đoạn thánh thư nào để học tập hoặc cách học các đoạn đó.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Tin đồn về các phép lạ chữa lành của Chúa Giê Su đang lan truyền nhanh chóng. Nhiều đám đông đi theo Ngài, hy vọng được chữa khỏi bệnh tật. Nhưng khi Đấng Cứu Rỗi nhìn vào đám đông, Ngài thấy nhiều điều hơn cả bệnh tật của họ. Với đầy lòng trắc ẩn, Ngài thấy “chiên không có kẻ chăn” (Ma Thi Ơ 9:36). Ngài quan sát thấy “mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít” (Ma Thi Ơ 9:37). Vì vậy Ngài kêu gọi mười hai Sứ Đồ, “ban quyền phép,” và gửi họ đi giảng dạy và phục sự “những con chiên lạc mất của nhà Y Sơ Ra Ên” (Ma Thi Ơ 10:1, 6). Ngày nay, sự cần thiết phải có thêm những người lao nhọc để phục vụ con cái của Cha Thiên Thượng cũng lớn như vậy. Vẫn có mười hai Sứ Đồ, nhưng có nhiều môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô hơn từ trước tới nay—những người mà có thể tuyên bố với toàn thế giới: “Nước thiên đàng gần rồi” (Ma Thi Ơ 10:7).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Ma Thi Ơ 9:18–26; Mác 5:22–43

“Đừng sợ, chỉ tin mà thôi.”

Lần đầu tiên khi Giai Ru cầu xin Chúa Giê Su chữa lành cho con gái của mình, là người “gần chết,” Giai Ru đã nói một cách khẩn trương nhưng đầy hy vọng: “Xin Chúa đến, đặt tay trên nó, đặng nó lành mạnh và sống” (Mác 5:23). Nhưng khi họ đi, một sứ giả nói với Giai Ru rằng đã quá trễ: “Con gái ông đã chết rồi; còn phiền Thầy làm chi?” (câu 35). Tương tự như vậy, có thể đã dường như quá muộn đối với người đàn bà được mô tả trong Mác 5:25–34, là người đã mắc bệnh trong 12 năm.

Khi đọc những câu chuyện này, anh chị em có thể nghĩ về những điều cần được chữa lành trong cuộc sống hoặc trong gia đình mình—kể cả những điều dường như “gần chết” hoặc quá muộn để chữa lành. Điều gì khiến anh chị em ấn tượng về những biểu hiện của đức tin trong những câu chuyện này? Cũng hãy lưu ý điều Chúa Giê Su phán với người đàn bà và với Giai Ru. Anh chị em cảm thấy Ngài đang phán với mình điều gì?

Xin xem thêm Lu Ca 8:41–56; Russell M. Nelson, “Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 39–42.

Hình Ảnh
người đàn bà chạm vào áo choàng của Chúa Giê Su

Trust in the Lord (Hãy Tin Cậy nơi Chúa), tranh do Liz Lemon Swindle họa

Ma Thi Ơ 10; Lu Ca 9:1–6

Chúa ban cho các tôi tớ của Ngài quyền năng để làm công việc của Ngài.

Những lời chỉ dẫn Chúa Giê Su ban ra trong Ma Thi Ơ 10 cho Các Sứ Đồ của Ngài cũng có thể áp dụng cho chúng ta, vì tất cả chúng ta đều góp phần trong công việc của Chúa. Đấng Ky Tô ban cho Các Sứ Đồ của Ngài quyền năng gì để giúp họ làm tròn sứ mệnh của họ? Làm thế nào anh chị em có được quyền năng của Ngài trong công việc anh chị em đã được kêu gọi để làm? (see 2 Cô Rinh Tô 6:1–10; Giáo Lý và Giao Ước 121:34–46).

Khi anh chị em đọc nhiệm vụ mà Đấng Ky Tô đưa ra cho Các Sứ Đồ của Ngài, anh chị em có thể nhận được ấn tượng về công việc Chúa muốn anh chị em làm. Một biểu đồ như sau có thể giúp anh chị em sắp xếp các ý nghĩ của mình:

Ma Thi Ơ 10

Những ấn tượng tôi nhận được

Đấng Cứu Rỗi ban quyền năng cho các môn đồ của Ngài.

Thượng Đế sẽ ban cho tôi quyền năng mà tôi cần để làm công việc của mình.

Xin xem thêm Mác 6:7–13; Các Tín Điều 1:6; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Sứ Đồ”.

Ma Thi Ơ 10:17–20

Khi tôi phục vụ Chúa, Ngài sẽ soi dẫn cho tôi biết phải nói điều gì.

Chúa biết trước rằng các môn đồ của Ngài sẽ bị ngược đãi và chất vấn về đức tin của họ—cũng tương tự như những gì các môn đồ thời nay có thể gặp phải. Nhưng Ngài hứa với các môn đồ rằng họ sẽ biết phải nói điều gì nhờ Thánh Linh. Anh chị em đã có những kinh nghiệm khi lời hứa thiêng liêng này được làm tròn trong cuộc đời mình chưa, có lẽ khi anh chị em chia sẻ chứng ngôn của mình, ban một phước lành, hoặc trò chuyện với một người nào đó? Hãy cân nhắc chia sẻ những kinh nghiệm của mình với một người thân yêu hoặc ghi chúng vào nhật ký. Anh chị em cảm thấy được soi dẫn làm điều gì để có thể có những kinh nghiệm như vậy thường xuyên hơn?

Xin xem thêm Lu Ca 12:11–12; Giáo Lý và Giao Ước 84:85.

Ma Thi Ơ 10:34–39

Chúa Giê Su có ngụ ý gì khi phán: “Ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo”?

Anh Cả D. Todd Christofferson dạy: “Tôi chắc chắn rằng một số anh chị em đã bị cha mẹ, anh chị em của mình khước từ và tẩy chay khi anh chị em chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và lập giao ước của Ngài. Trong cách này hay cách khác, tình yêu thương lớn lao của anh chị em dành cho Đấng Ky Tô đòi hỏi anh chị em phải hy sinh những mối quan hệ quý giá đối với mình, và anh chị em đã khóc rất nhiều. Nhưng với tình yêu thương của riêng mình không hề suy giảm, anh chị em vẫn vững vàng giữa thử thách này, cho thấy rằng mình không hề hổ thẹn về Vị Nam Tử của Thượng Đế” (“Finding Your Life, Ensign, tháng Ba năm 2016, trang 28).

Sự sẵn lòng đánh mất những mối quan hệ thương yêu để noi theo Đấng Cứu Rỗi đi kèm theo một lời hứa rằng “ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được” (Ma Thi Ơ 10:39).

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Mác 5:22–43.Khi gia đình anh chị em cùng nhau đọc câu chuyện này, anh chị em có thể ngừng lại để hỏi mọi người xem họ có thể cảm thấy như thế nào nếu họ là Giai Ru, người đàn bà, hoặc những người khác trong câu chuyện. Anh chị em cũng có thể cho thấy những bức tranh về câu chuyện đó, chẳng hạn như những bức tranh trong đại cương này. Những bức tranh này mô tả đức tin của người trong truyện như thế nào? Anh chị em cũng có thể suy ngẫm một số thử thách mà gia đình mình gặp phải. Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng lời của Ngài: “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi”? (Mác 5:36).

Ma Thi Ơ 10:39; Lu Ca 9:23–26.Việc “mất” sự sống của chúng ta và “tìm lại” được nó có nghĩa là gì? (Ma Thi Ơ 10:39). Có lẽ mọi người trong gia đình có thể chia sẻ những kinh nghiệm minh họa những lời giảng dạy của Chúa Giê Su trong những câu này.

Ma Thi Ơ 10:40.Anh chị em và gia đình mình đang tiếp nhận và tuân theo lời khuyên dạy của Các Sứ Đồ thời hiện đại như thế nào? Làm thế nào việc chúng ta vâng theo lời khuyên bảo của họ mang chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn?

Lu Ca 9:61–62.Ngó lại đằng sau khi đã tra tay cầm cày có nghĩa là gì? Tại sao thái độ này làm chúng ta không xứng đáng với vương quốc của Thượng Đế?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài thánh ca gợi ý: “Cùng Lại Nhau Đây, Hỡi Các Thánh Hữu,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 2.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy lắng nghe Thánh Linh. Khi anh chị em học, hãy chú ý đến những ý nghĩ và cảm giác của mình (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 8:2–3), thậm chí nếu chúng dường như không liên quan đến điều anh chị em đang đọc. Những ấn tượng này có thể chính là những điều Thượng Đế muốn anh chị em biết và làm theo.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su đang đỡ bé gái dậy khỏi giường

Ta Li Tha Cu Mi, tranh do Eva Koleva Timothy họa

In