Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 17–23 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15: “Đạo Đức Chúa Trời Tấn Tới Rất Nhiều, Càng Ngày Càng Tràn Thêm Ra”


“Ngày 17–23 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15: ‘Đạo Đức Chúa Trời Tấn Tới Rất Nhiều, Càng Ngày Càng Tràn Thêm Ra,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 17–23 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2023

Chúa Giê Su trò chuyện cùng Cọt Nây

Ngày 17–23 tháng Bảy

Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15

“Đạo Đức Chúa Trời Tấn Tới Rất Nhiều, Càng Ngày Càng Tràn Thêm Ra”

Hãy thành tâm học tập Sáng Thế Ký 10–15 trong lúc nghĩ về những đứa trẻ trong lớp học của anh chị em. Anh chị em cảm thấy được soi dẫn để giảng dạy cho các em điều gì trong những chương này?

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Để giúp các em chia sẻ điều chúng đang học hỏi và trải nghiệm, anh chị em có thể yêu cầu chúng chia sẻ những điều chúng đang làm để cho thấy rằng chúng tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34–35

Cha Thiên Thượng yêu thương tất cả con cái của Ngài.

Một lẽ thật cơ bản mà ngay cả trẻ em nhỏ tuổi cũng có thể hiểu là tất cả mọi người đều là con cái của Thượng Đế và rằng Ngài yêu thương tất cả con cái của Ngài.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Cho xem bức tranh Đấng Ky Tô và Các Trẻ Em trên khắp Thế Gian (Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 116) khi anh chị em đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34–35. Hãy giải thích rằng vào thời của Phi E Rơ, một số người tin rằng các phước lành của phúc âm không dành cho tất cả mọi người. Nhưng Phi E Rơ biết rằng Thượng Đế yêu thương tất cả con cái của Ngài, và Ngài muốn tất cả mọi người được học hỏi phúc âm.

  • Mời các em vẽ tranh của chính mình. Khi các em chia sẻ tranh vẽ của chúng, hãy nói về điều mà anh chị em yêu mến ở mỗi em. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em rằng Cha Thiên Thượng yêu thương mỗi em và tất cả con cái của Ngài, bất kể họ trông như thế nào hay đến từ đâu.

  • Cùng hát với các em một bài hát về việc yêu thương người khác—ví dụ như “Cảm Tạ Cha Yêu Dấu” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 61). Mời các em chia sẻ những cách mà chúng có thể bày tỏ tình yêu thương đối với mọi người, cũng như Chúa Giê Su đã làm.

  • Chỉ vào từng đứa trẻ một và nói: “Cha Thiên Thượng yêu thương [tên của đứa trẻ].” Hãy để cho các em lần lượt chỉ vào một đứa trẻ khác và nói câu đó.

Công Vụ Các Sứ Đồ 11:26

Tôi là một Ky Tô Hữu vì tôi tin và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Làm thế nào anh chị em có thể giúp các em hiểu ý nghĩa của việc trở thành một Ky Tô Hữu?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 11:26 cho các em nghe, và mời các em đứng lên khi chúng nghe thấy từ Cơ Tê Tiên (Ky Tô Hữu). Hỏi chúng xem việc trở thành Ky Tô Hữu có nghĩa là gì. Giải thích rằng một người tin và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô được gọi là một Ky Tô Hữu, do đó chúng ta là những Ky Tô Hữu.

  • Cùng hát với các em một bài hát về việc noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, chẳng hạn như “Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 12). Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy rằng chúng ta là những môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô và thuộc vào Giáo Hội của Ngài? Giúp các em nghĩ về những điều chúng có thể làm để noi theo Chúa Giê Su khi ở nhà, ở nhà thờ, và ở những nơi khác.

người phụ nữ và bé gái đang cầu nguyện

Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta và sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta.

Công Vụ Các Sứ Đồ 12:1–17

Cha Thiên Thượng nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện.

Câu chuyện về thiên sứ giải thoát Phi E Rơ khỏi ngục tù dạy chúng ta một cách mạnh mẽ rằng Cha Thiên Thượng đáp ứng những lời cầu nguyện.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em đóng diễn câu chuyện Phi E Rơ được giải thoát khỏi ngục tù trong Công Vụ Các Sứ Đồ 12:1–17 khi anh chị em tóm tắt lại câu chuyện. Chúa đã đáp ứng những lời cầu nguyện của những người cầu nguyện cho Phi E Rơ như thế nào?

  • Hát một bài về lời cầu nguyện—ví dụ, “Ta Có Nhớ Nguyện Cầu” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 48)—và đề nghị những động tác đi kèm với lời bài hát mà có thể giúp các em học cách cầu nguyện. Mời các em chia sẻ ví dụ về những điều mà chúng có thể tạ ơn và cầu xin Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện.

  • Cho xem hình ảnh về những người đang cầu nguyện (ví dụ, xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 111–112) khi anh chị em chia sẻ một kinh nghiệm khi Cha Thiên Thượng đáp ứng lời cầu nguyện của anh chị em.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34–35; 15:6–11

“Thượng Đế chẳng hề vị nể ai.”

Những đứa trẻ mà anh chị em giảng dạy cần hiểu rằng Cha Thiên Thượng yêu thương tất cả con cái của Ngài, bất kể họ trông như thế nào, họ đến từ đâu hay những sự lựa chọn của họ như thế nào.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hỏi các em xem chúng có thể cho biết một người như thế nào chỉ bằng việc nhìn vào họ hoặc đoán họ đến từ đâu. Theo Công Vụ Các Sứ Đồ 10:35, làm thế nào Thượng Đế xác định một người có “đẹp lòng [Ngài]” hay không?

  • Cùng đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34–35; 15:6–11 với các em. Giải thích rằng ở thời của Phi E Rơ, người Do Thái tin rằng Thượng Đế không chấp nhận những người không phải Dân Do Thái (những người này được gọi là Dân Ngoại). Nhưng Thượng Đế dạy Phi E Rơ rằng Thượng Đế yêu thương con cái của Ngài, cả Dân Do Thái lẫn Dân Ngoại. Cùng nhau hát “Tôi Là Con Đức Chúa Cha” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58). Mời các em thay thế những từ tôi hay mình với tên của nhau.

  • Mời các em chia sẻ những điều độc đáo về một người nào đó trong lớp học. Giải thích câu “Thượng Đế chẳng hề vị nể ai” có nghĩa là Cha Thiên Thượng yêu thương tất cả con cái của Ngài, và bởi vì Ngài yêu thương họ, nên Ngài muốn tất cả con cái của Ngài lắng nghe phúc âm.

Công Vụ Các Sứ Đồ 11:26

Một Ky Tô Hữu là một người tin và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Làm cách nào anh chị em giúp các em hiểu rằng lời nói và hành động của chúng cho thấy rằng chúng là một Ky Tô Hữu?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 11:26; 3 Nê Phi 27:3–8; và Giáo Lý và Giao Ước 115:4. Viết từ Ky Tô Hữu lên trên bảng và gạch chân phần “Ky Tô.” Bảo các em chia sẻ xem chúng nghĩ việc trở thành một Ky Tô Hữu có nghĩa là gì.

  • Bảo các em kể tên những tập thể khác nhau mà chúng thuộc về, như gia đình hay Lớp Thiếu Nhi của chúng. Mời các em chia sẻ lý do tại sao chúng biết ơn về việc trở thành một Ky Tô Hữu và thuộc về Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Làm thế nào chúng ta cho người khác thấy chúng ta là những Ky Tô Hữu?

  • Trưng bày một số đồ vật hay tranh ảnh tượng trưng cho những lẽ thật độc đáo của Giáo Hội của Đấng Ky Tô, chẳng hạn như bức hình về sự phục hồi chức tư tế (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 93–94). Bảo một em chọn một đồ vật hoặc bức hình và mô tả xem điều đó là một phước lành trong Giáo Hội của chúng ta như thế nào. Giải thích rằng mặc dù những Ky Tô Hữu trên khắp thế giới thuộc về rất nhiều nhà thờ khác nhau, nhưng chúng ta thuộc về cùng một Giáo Hội mà Chúa Giê Su Ky Tô đã thiết lập trên thế gian.

  • Mời các em vẽ tranh về những điều chúng có thể làm đề trở thành những Ky Tô Hữu chân chính.

Công Vụ Các Sứ Đồ 12:1–17

Khi tôi cầu nguyện trong đức tin, Cha Thiên Thượng sẽ đáp ứng.

Suy ngẫm về những lúc mà Cha Thiên Thượng đã đáp ứng những lời cầu nguyện của anh chị em. Bằng cách nào anh chị em có thể sử dụng những kinh nghiệm này để giảng dạy cho các em rằng Cha Thiên Thượng sẽ lắng nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng theo cách thức và thời gian của Ngài?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em đóng diễn lại câu chuyện về thiên sứ giải thoát Phi E Rơ khỏi ngục tù trong lúc một em đọc câu chuyện đó trong Công Vụ Các Sứ Đồ 12:1–17.

  • Hỏi các em chúng nghĩ câu “cứ cầu nguyện … luôn” có nghĩa là gì (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:5). Những lời cầu nguyện của mọi người được đáp ứng như thế nào? Mời các em chia sẻ những kinh nghiệm mà Cha Thiên Thượng đã đáp ứng một lời cầu nguyện cá nhân hoặc gia đình. Anh chị em cũng có thể chia sẻ một kinh nghiệm khi Ngài đáp ứng lời cầu nguyện của mình. Anh chị em có thể gồm vào những kinh nghiệm khi sự đáp ứng đến một cách bất ngờ. Làm chứng rằng Thượng Đế yêu thương chúng ta và sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta theo cách thức và thời gian tốt nhất cho chúng ta.

hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Mời các em làm một thứ gì đó để nhắc nhở chúng về điều chúng học được hôm nay, chẳng hạn như một lời nhắc nhở để cầu nguyện.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Làm chứng về các phước lành được hứa. Khi anh chị em mời các em trong Hội Thiếu Nhi sống theo một nguyên tắc cụ thể, hãy chia sẻ những điều mà Thượng Đế đã hứa với những người sống theo nguyên tắc đó. Ví dụ, anh chị em có thể chia sẻ chứng ngôn về các phước lành mà anh chị em nhận được khi cầu nguyện với đức tin.