Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 6–12 tháng Mười Một. Hê Bơ Rơ 7–13: “Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Những Sự Tốt Lành Sau Này”


“Ngày 6–12 tháng Mười Một. Hê Bơ Rơ 7–13: ‘Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Của Những Sự Tốt Lành Sau Này,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2021)

“Ngày 6–12 tháng Mười Một. Hê Bơ Rơ 7–13,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2023

Hình Ảnh
Mên Chi Xê Đéc ban phước cho Áp Ram

Melchizedek Blesses Abram (Mên Chi Xê Đéc Ban Phước cho Áp Ram), tranh do Walter Rane họa. Món quà từ họa sĩ này

Ngày 6–12 tháng Mười Một

Hê Bơ Rơ 7–13

“Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Của Những Sự Tốt Lành Sau Này”

Khi anh chị em ôn lại và suy ngẫm về đại cương này, hãy tập trung vào những sự thúc giục mà anh chị em nhận được về những đứa trẻ mà mình giảng dạy. Thánh Linh sẽ giúp anh chị em tìm những sứ điệp cho các em trong Hê Bơ Rơ 7–13.

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Bảo các em chia sẻ những điều chúng và gia đình chúng làm để học hỏi phúc âm ở nhà. Mời các em chia sẻ một số trải nghiệm ưa thích của chúng trong việc học hỏi phúc âm với gia đình.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Hê Bơ Rơ 7:1–6

Chức tư tế có thể giúp đỡ chúng ta theo nhiều cách.

Hê Bơ Rơ 7:1–6 có thể mang lại cơ hội để giới thiệu cho các em những phước lành của chức tư tế.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Giải thích ngắn gọn xem Áp Ra Ham là ai, và sau đó sử dụng Hê Bơ Rơ 7:1–6 để dạy rằng Áp Ra Ham đã đóng tiền thập phân cho Mên Chi Xê Đéc (xin xem thêm Bản Dịch Joseph Smith, Sáng Thế Ký 14:36–40 trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư). Giải thích rằng Mên Chi Xê Đéc nắm giữ chức tư tế, là quyền năng của Thượng Đế, và Mên Chi Xê Đéc đã sử dụng chức tư tế đó để ban phước cho Áp Ra Ham. Các em có thể vui thích đóng diễn câu chuyện với những đạo cụ đơn giản, như vương miện và một phong bì tiền thập phân.

  • Mời một người nắm giữ chức tư tế A Rôn và một người nắm giữ chức tư tế Mên Chi Xê Đéc đến thăm lớp học và kể cho các em nghe về cách họ sử dụng chức tư tế để ban phước cho người khác. Sau đó cho các em xem những bức hình về các giáo lễ chức tư tế khác nhau (ví dụ, xin xem các bức hình số 103–108 trong Sách Họa Phẩm Phúc Âm). Giúp các em xác định chức tư tế nào cần cho mỗi giáo lễ và trao bức hình đó cho người nắm giữ chức tư tế phù hợp để cầm.

Hê Bơ Rơ 11:1–32

Đức tin là việc tin vào những điều mà chúng ta không thể thấy.

Mặc dù không thể nhìn thấy Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng chúng ta có thể phát triển đức tin nơi Hai Ngài và những lời hứa của Hai Ngài, và noi theo tấm gương của những người trung tín được mô tả trong Hê Bơ Rơ 11.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Trưng bày một bức hình của Chúa Giê Su. Đặt xung quanh phòng vài món đồ tượng trưng cho “những bằng chứng” rằng Ngài có thật mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy Ngài (chẳng hạn như quyển thánh thư, một bức hình về Khải Tượng Thứ Nhất, và một bức hình về trái đất). Mời các em đi tìm những đồ vật này, và rồi chia sẻ với các em về cách mà mỗi món đồ này giúp chúng ta có đức tin rằng Chúa Giê Su hằng sống.

  • Mang đến một cái quạt, và để các em lần lượt cảm nhận cái quạt thổi gió qua mặt chúng. Dạy chúng rằng chúng ta không thể thấy không khí, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được. Tương tự, chúng ta không thể thấy Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu thương của hai Ngài và có đức tin rằng hai Ngài có thật.

  • Chia sẻ những câu chuyện về một hoặc nhiều người được đề cập đến trong Hê Bơ Rơ 11:4–32. Anh chị em cũng có thể tìm thấy câu chuyện về những người này trong sách Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước. Những người này đã làm gì để cho thấy họ có đức tin nơi điều mà họ không thể thấy? Chia sẻ một số phước lành mà anh chị em nhận được nhờ đức tin của mình.

Hê Bơ Rơ 13:5–6

Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ giúp đỡ chúng ta và không bao giờ rời bỏ chúng ta.

Các em có thể đang trải qua những thử thách nào? Làm thế nào sứ điệp trong Hê Bơ Rơ 13:5–6 có thể giúp đỡ các em?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Ôn lại những câu chuyện trong Kinh Tân Ước mà các em đã học trong năm nay mà kể về việc Đấng Cứu Rỗi giúp đỡ người khác, như khi Ngài chữa lành cho người đàn ông bị bại liệt (xin xem Lu Ca 5:18–26) hoặc cho 5.000 người ăn (xin xem Ma Thi Ơ 14:15–21). Giúp các em hiểu cụm từ “Chúa giúp đỡ tôi” (Hê Bơ Rơ 13:6).

  • Mời các em vẽ tranh về một lần khi một ai đó đã an ủi chúng khi chúng cảm thấy sợ hãi. Đọc Hê Bơ Rơ 13:5–6 cho các em nghe, và làm chứng rằng Cha Thiên Thượng sẽ giúp đỡ chúng ta và không bao giờ rời bỏ chúng ta. Giúp các em cắt ra những trái tim bằng giấy đủ to để che những bức tranh. Một số điều mà giúp chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với Cha Thiên Thượng là gì? Viết một số điều này lên trên những trái tim.

  • Dạy các em một bài hát về cách mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô thương yêu và giúp đỡ chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể biết được rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô ở gần chúng ta? Nói về một lần khi anh chị em cảm thấy rằng “Chúa giúp đỡ [anh chị em].”

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Hê Bơ Rơ 7:1–4

Các vị lãnh đạo Giáo Hội noi theo Đấng Cứu Rỗi.

Làm thế nào anh chị em có thể sử dụng những câu này để giúp các em hiểu rằng những người được kêu gọi để phục vụ trong Giáo Hội của Chúa phải luôn trung tín và phục vụ người khác như Ngài đã làm?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Giúp các em liệt kê những điều chúng biết về hai người lãnh đạo vĩ đại là Áp Ra Ham và Mên Chi Xê Đéc. Các em có thể tìm kiếm sự giúp đỡ trong Hê Bơ Rơ 7:1–4; Áp Ra Ham 1:1–2; và Bản Dịch Joseph Smith, Sáng Thế Ký 14:25–40 (trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư). Những người nam này có các đức tính nào giống như Đấng Ky Tô mà đã giúp họ làm vinh hiển chức tư tế?

  • Bảo các em đọc Hê Bơ Rơ 7:1–2 và tìm kiếm những danh xưng dùng để mô tả Mên Chi Xê Đéc. Những danh xưng này nhắc nhở chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào? Giúp các em nghĩ về những trường hợp mà Chúa Giê Su là “Vua bình an.” Mời các em thảo luận về những người nắm giữ chức tư tế khác mà cũng là tấm gương trong việc noi theo Đấng Cứu Rỗi.

  • Chia sẻ một kinh nghiệm khi đức tin của anh chị em nơi Đấng Cứu Rỗi được củng cố nhờ có sự phục vụ của một người nắm giữ chức tư tế ngay chính. Giúp các em nghĩ về những cách mà chức tư tế đã ban phước cho chúng.

Hê Bơ Rơ 11

Cha Thiên Thượng ban thưởng cho những người có đức tin.

Hê Bơ Rơ 11 chứa đựng nhiều tấm gương của những người được phước khi họ hành động trong đức tin. Câu chuyện nào sẽ soi dẫn hay hữu ích nhất cho những đứa trẻ mà anh chị em giảng dạy?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em lập một bản liệt kê trên bảng về những điều chúng biết về đức tin trong Hê Bơ Rơ 11:1–3, 6. Trao cho mỗi em tên của một người được nói đến trong Hê Bơ Rơ 11, và mời các em đọc những câu liên quan đến người đó. Bảo các em chia sẻ những manh mối về người đó để các em khác có thể đoán xem đó là ai. Những người này thể hiện đức tin như thế nào, và Cha Thiên Thượng tưởng thưởng cho họ như thế nào? (Để có hình về những người này, xin xem phần Kinh Cựu Ước trong Sách Họa Phẩm Phúc Âm.)

  • Sau khi đọc về một số tấm gương trung tín trong Hê Bơ Rơ 11, hãy bảo các em viết về một người đã thể hiện đức tin mà chúng biết. Mời một vài em chia sẻ những tấm gương của chúng với cả lớp.

Hê Bơ Rơ 12:5–11

Chúa quở phạt những người Ngài yêu thương.

Những câu này có thể giúp các em hiểu rằng Cha Thiên Thượng, cha mẹ của chúng và những người khác sửa phạt chúng vì họ yêu thương chúng và muốn chúng học hỏi từ những lỗi lầm của mình.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Cùng nhau đọc Hê Bơ Rơ 12:5–11, và bảo các em tìm những lý do tại sao Cha Thiên Thượng quở phạt chúng ta (sửa phạt hay kỷ luật chúng ta). Câu thánh thư này dạy chúng ta điều gì về việc tại sao cha mẹ trần thế cũng sửa phạt con cái của họ? Chúng ta nên đáp lại sự sửa phạt đầy tình yêu thương này như thế nào?

  • Chia sẻ tấm gương về những người trong thánh thư bị quở phạt bởi Chúa và đã hối cải (ví dụ, xin xem 1 Nê Phi 16:25–27; Ê The 2:13–15). Họ là những tấm gương tốt về những nguyên tắc trong Hê Bơ Rơ 12:5–11 như thế nào?

  • Sau khi đọc Hê Bơ Rơ 12:5–11, hãy mời gọi các em viết xuống vài điều chúng sẽ cố ghi nhớ khi chúng bị sửa phạt vì lỗi lầm của mình.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Mời các em viết hoặc vẽ tranh về một điều gì đó mà chúng học được trong lớp ngày hôm nay. Khuyến khích các em chia sẻ điều chúng đã học được với gia đình.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Sử dụng trang sinh hoạt. Khi các em đang hoàn thành những trang sinh hoạt trong lớp, dùng thời gian để ôn lại những nguyên tắc từ bài học.

In