Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 18–24 tháng Bảy. Ê Xơ Ra 1; 3–7; Nê Hê Mi 2; 4–6; 8: “Ta Mắc Làm Công Việc Lớn”


“Ngày 18–24 tháng Bảy. Ê Xơ Ra 1; 3–7; Nê Hê Mi 2; 4–6; 8: ‘Ta Mắc Làm Công Việc Lớn’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 18–24 tháng Bảy. Ê Xơ Ra 1; 3–7; Nê Hê Mi 2; 4–6; 8,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2022

đền thờ của Xô Rô Ba Bên

Hình minh họa đền thờ của Xô Rô Ba Bên, do Sam Lawlor thực hiện

Ngày 18–24 tháng Bảy

Ê Xơ Ra 1; 3–7; Nê Hê Mi 2; 4–6; 8

“Ta Mắc Làm Công Việc Lớn”

Khi anh chị em nghiên cứu, hãy cân nhắc xem các trẻ em mà anh chị em dạy cần biết sứ điệp nào nhất trong sách Ê Xơ Ra và Nê Hê Mi. Hãy tạo ra một kế hoạch giảng dạy bao gồm những ấn tượng anh chị em nhận được từ Đức Thánh Linh.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Viết lên trên bảng Xô Rô Ba Bên, Ê Xơ Ra,Nê Hê Mi. Vẽ minh họa hoặc cho thấy một số bức hình liên quan đến những người này, chẳng hạn như một đền thờ, thánh thư, và các bức tường của Giê Ru Sa Lem. Giúp các em ghép những cái tên cho tương xứng với những bức hình, và hãy để các em chia sẻ những gì chúng biết về điều mà những người này làm.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Ê Xơ Ra 3:8–13

Đền thờ có thể mang lại cho tôi niềm vui.

Câu chuyện về việc Xô Rô Ba Bên và dân Do Thái xây dựng lại đền thờ có thể giúp các trẻ em mà anh chị em dạy hân hoan về những phước lành có được nhờ ngôi nhà của Chúa.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em nói về một điều gì đó làm chúng vui. Cho thấy bức hình của một ai đó đang tươi cười ở phía trước một đền thờ (chẳng hạn như bức hình trong đại cương này), và hỏi các em xem tại sao người ấy cảm thấy vui như vậy. Làm chứng rằng đền thờ là ngôi nhà của Chúa, và kể về một lần mà anh chị em đã cảm thấy hạnh phúc nhờ có đền thờ.

  • Đọc cho các em nghe đoạn cuối cùng của Ê Xơ Ra 3:12 và giải thích rằng khi dân Do Thái xây nền cho đền thờ, “nhiều người khác lại la tiếng lớn vui mừng hớn hở.” Mời các em hãy lớn tiếng vui mừng hớn hở. Giúp chúng nghĩ đến những lý do mà chúng ta có thể vui mừng về đền thờ. Ví dụ, trong đền thờ, chúng ta lập những lời hứa với Thượng Đế mà sẽ cho phép gia đình chúng ta được ở cùng nhau mãi mãi.

  • gia đình đang tản bộ trong khuôn viên đền thờ

    Đền thờ có thể là nguồn vui trong cuộc sống chúng ta.

Nê Hê Mi 2:17–20; 6:1–9

Chúa sẽ giúp tôi làm công việc của Ngài.

Khi Nê Hê Mi đang xây dựng lại các bức tường bao quanh Giê Ru Sa Lem, kẻ thù của ông đã cố ngăn cản ông, nhưng ông vẫn tận tụy với công việc của mình. Một số việc quan trọng mà Chúa muốn các em làm là gì, và làm thế nào anh chị em có thể soi dẫn để các em thực hiện công việc đó một cách tận tụy?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Chia sẻ với các em về câu chuyện của Nê Hê Mi (xin xem Nê Hê Mi 2:17–20; 6:1–9; Dieter F. Uchtdorf, “Ta Mắc làm Công Việc Lớn, Xuống Không Đặng,” Liahona, tháng Năm năm 2009, trang 59–62). Nói cho các em biết điều Nê Hê Mi đã nói khi dân chúng chế giễu ông vì ông muốn sửa lại các bức tường của Giê Ru Sa Lem: “Đức Chúa của các từng trời sẽ ban cho chúng ta sự hanh thông; vì vậy, chúng ta, là tôi tớ Ngài, sẽ chổi dậy và xây sửa lại” (Nê Hê Mi 2:20). Mời các em hãy đứng lên và giả vờ giúp sửa lại các bức tường của Giê Ru Sa Lem.

  • Mang một số khối vuông đến lớp, và hãy để cho các em sử dụng chúng để giúp anh chị em xây một bức tường (hoặc vẽ một bức tường lên trên bảng). Giúp các em nghĩ về một số điều quan trọng mà Cha Thiên Thượng có thể phán bảo chúng phải làm, như việc học cách đọc thánh thư. Mời các em hãy thêm một khối vuông vào bức tường cho mỗi ý kiến mà chúng chia sẻ. Giải thích rằng khi Nê Hê Mi đang làm công việc quan trọng là tu sửa các bức tường của Giê Ru Sa Lem, dân chúng đã cố ngăn cản ông. Đọc to Nê Hê Mi 6:9, và mời các em giơ tay lên khi anh chị em đọc cụm từ “hãy làm cho tay tôi mạnh mẽ.” Kể cho các em nghe về một lần mà anh chị em đã cảm thấy rằng Thượng Đế đã làm cho tay của anh chị em được mạnh mẽ để làm công việc của Ngài.

Nê Hê Mi 8:1–12

Thánh thư là một phước lành.

Anh chị em có thể sử dụng câu chuyện về việc Ê Xơ Ra đọc luật pháp để giúp các em suy nghĩ về việc chúng ta được phước biết bao khi có thánh thư.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Nói với các em rằng Ê Xơ Ra đã đọc thánh thư cho dân chúng nghe. Đọc to một số cụm từ trong Nê Hê Mi 8:2–3, 5–6, 8–9, 12 mà miêu tả điều dân chúng làm khi họ được nghe thánh thư, và mời các em đóng diễn theo các cụm từ này. Tại sao chúng ta biết ơn khi có được thánh thư?

  • Mời các em tô màu trang sinh hoạt của tuần này. Khi các em tô màu, hãy chia sẻ với chúng cách mà việc đọc thánh thư đã mang anh chị em đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Ê Xơ Ra 3:8–13; 6:16–22

Đền thờ cho tôi những lý do để vui mừng.

Khi anh chị em ôn lại với các em câu chuyện về việc Xô Rô Ba Bên và dân Do Thái xây dựng lại đền thờ, hãy tìm cách làm chứng về niềm vui đến với chúng ta bởi vì chúng ta có đền thờ ngày nay.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em cùng làm việc với nhau để tìm các cụm từ trong Ê Xơ Ra 3:10–13 mà cho thấy cảm nghĩ của dân Do Thái khi đền thờ ở Giê Ru Sa Lem đang được xây dựng lại. Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy niềm vui của mình khi có được đền thờ trên thế gian ngày nay? Giúp các em nghĩ về những cách thức chúng có thể chuẩn bị để đi đến đền thờ.

  • Chia sẻ với các em những cảm nghĩ của anh chị em về đền thờ. Đền thờ đã giúp anh chị em cảm thấy gần gũi hơn với Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi như thế nào? Tại sao chúng ta vui mừng mỗi khi có một đền thờ được làm lễ cung hiến? Cho các em thời gian để viết xuống những cảm nghĩ của chúng về đền thờ, và khuyến khích các em hãy chia sẻ điều chúng viết với gia đình của mình.

Nê Hê Mi 2; 4; 6

Chúa sẽ ban cho tôi sức mạnh để làm “công việc lớn.”

Chúa có một công việc quan trọng cho các trẻ em mà anh chị em dạy. Các trẻ em có thể học được gì từ Nê Hê Mi về việc kiên trì trong công việc đó ngay cả khi chúng gặp phải sự chống đối?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Ôn lại với các em câu chuyện về việc Nê Hê Mi tu sửa các bức tường bao quanh Giê Ru Sa Lem, bao gồm những sự chống đối mà ông gặp phải. Cùng nhau đọc Nê Hê Mi 2:19, và yêu cầu các em chia sẻ những tình huống mà một người nào đó có thể cười nhạo chúng ta khi chúng ta làm điều đúng. Theo Nê Hê Mi 2:20, Nê Hê Mi đã phản ứng như thế nào? Chúng ta có thể phản ứng như thế nào khi người khác chế nhạo hoặc chỉ trích chúng ta vì làm điều đúng?

  • Cùng nhau đọc Nê Hê Mi 6:1–9. Những kẻ thù của Nê Hê Mi đã liên tục cố gắng buộc ông ngừng tu sửa bức tường bằng cách nào, và ông đã phản ứng ra sao? Thượng Đế muốn chúng ta làm công việc gì? (ví dụ, xin xem Mô Si A 18:8–10). Làm thế nào chúng ta có thể noi theo tấm gương của Nê Hê Mi trong câu 9 khi gặp khó khăn để làm điều mà Thượng Đế phán bảo chúng ta phải làm?

Nê Hê Mi 8:1–12

Tôi được ban phước khi học hỏi thánh thư.

Dân chúng ở Giê Ru Sa Lem đã không được nghe lời Thượng Đế trong một thời gian dài trước khi Ê Xơ Ra đọc cho họ nghe. Câu chuyện về Ê Xơ Ra nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của thánh thư đối với chúng ta.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em tra cứu Nê Hê Mi 8:1–12 để tìm những từ hoặc cụm từ mà cho thấy cảm nhận của dân chúng khi họ được nghe lời Thượng Đế. Yêu cầu các em chia sẻ cảm nhận của chúng khi đọc thánh thư, và đồng thời cũng hãy chia sẻ cảm nhận của anh chị em.

  • Mời một em đọc to Nê Hê Mi 8:8, và hỏi các em xem điều gì giúp chúng hiểu được thánh thư. Cho các em thấy cách dùng các dụng cụ trợ huấn giúp học hỏi thánh thư chẳng hạn như Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Mời các em chia sẻ một điều gì đó chúng đã học được từ thánh thư về Đấng Cứu Rỗi.

hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Mời các em chọn ra một điều gì đó chúng đã học được hôm nay mà chúng muốn chia sẻ với gia đình của mình.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Chuẩn bị phần thuộc linh. “Việc giảng dạy phúc âm một cách hiệu quả có nghĩa là không phải chỉ chuẩn bị một bài học mà còn phải chuẩn bị bản thân mình nữa. … Các giảng viên phúc âm hữu hiệu—trước khi họ nghĩ về việc dạy hết giờ học của lớp—tập trung vào việc làm cho lòng họ tràn đầy Đức Thánh Linh” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 12).