“Ngày 17–23 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15: ‘Đạo Đức Chúa Trời Tấn Tới Rất Nhiều, Càng Ngày Càng Tràn Thêm Ra,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 17–23 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2023
Ngày 17–23 tháng Bảy
Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15
“Đạo Đức Chúa Trời Tấn Tới Rất Nhiều, Càng Ngày Càng Tràn Thêm Ra”
Việc thành tâm học Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15 trước khi đọc đại cương này sẽ giúp anh chị em nhận được các ấn tượng từ Chúa. Các ý kiến sau đây chỉ là gợi ý.
Mời Chia Sẻ
Mời học viên chia sẻ với một người ngồi gần họ điều gì đó mà Thánh Linh đã giảng dạy cho họ trong khi họ đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15. Mời một vài người chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của họ với cả lớp.
Giảng Dạy Giáo Lý
Công Vụ Các Sứ Đồ 10; 11:1–18; 15:1–25
Cha Thiên Thượng dạy dỗ chúng ta từng hàng chữ một qua sự mặc khải.
-
Một số học viên có thể có quan niệm sai về tiến trình nhận được sự mặc khải. Có thể hữu ích cho họ để thảo luận cách sự mặc khải đến với Phi E Rơ và cách họ có thể tiến bước mà “chớ hồ nghi” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:20), khi sự mặc khải dường như không trọn vẹn hoặc mơ hồ. Cân nhắc việc vẽ một đường thẳng lên trên bảng và viết ở cuối đường này Phúc âm là để được thuyết giảng cho Dân Ngoại. Cùng cả lớp, hãy ôn lại Công Vụ Các Sứ Đồ 10 và 11:1–18, và rồi thêm vào các điểm trên đường thẳng mà cho thấy cách Chúa mặc khải cho Phi E Rơ từng bước một rằng đã đến lúc thuyết giảng phúc âm cho Dân Ngoại. Ví dụ, anh chị em có thể bắt đầu với một điểm được ghi là “Cọt Nây đã thấy một khải tượng” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:1–6) hoặc thậm chí bắt đầu với lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi cho các môn đồ của Ngài “hãy dạy dỗ muôn dân” trong Ma Thi Ơ 28:19. Chúng ta có thể học được điều gì về sự mặc khải qua kinh nghiệm của Phi E Rơ? Những lời giảng dạy của Nê Phi về sự mặc khải trong 2 Nê Phi 28:30 và những lời giảng dạy từ Anh Cả David A. Bednar trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” đã bổ sung gì cho sự hiểu biết của chúng ta?
-
Anh chị em có thể học các ví dụ trong thánh thư mà cho thấy Chúa đã dạy dân chúng từng hàng chữ một. Ngoài kinh nghiệm của Phi E Rơ trong Công Vụ Các Sứ Đồ 10, các học viên có thể ôn lại các kinh nghiệm của Nê Phi (1 Nê Phi 18:1–3), An Ma (An Ma 7:8; 16:20); và Mặc Môn (3 Nê Phi 28:17, 36–40). Học viên có thể nghĩ ra các ví dụ nào khác mà trong đó người ta nhận được sự chỉ dẫn thuộc linh “nơi này một ít, nơi kia một ít” không? (2 Nê Phi 28:30). Tại sao đôi khi Chúa có thể chọn để mặc khải mọi điều theo cách thức này thay vì cho chúng ta tất cả các câu trả lời cùng một lúc? (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 50:40; 98:12).
-
Đôi khi các tín hữu có thắc mắc hoặc mối bận tâm về những thay đổi trong các chính sách và chương trình trong Giáo Hội. Có thể hữu ích cho họ để thảo luận cách mà sự mặc khải để bắt đầu thuyết giảng phúc âm cho Dân Ngoại (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 10) thay thế cho những chỉ thị trước đó của Chúa cho các môn đồ của Ngài (xin xem Ma Thi Ơ 10:1, 5–6). Các học viên có thể trả lời thế nào cho một ai đó trong thời của Phi E Rơ khi mà người này không đồng ý với sự hướng dẫn của Phi E Rơ bởi vì nó trái ngược với các lối thực hành trước đó? Làm thế nào điều mặc khải trong Công Vụ Các Sứ Đồ 10 giúp chúng ta chú ý đến sự mặc khải liên tục của Chúa qua vị tiên tri của Ngài?
“Thượng Đế chẳng hề vị nể ai.”
-
Các học viên sẽ được lợi ích từ một cuộc thảo luận về ý nghĩa của việc “chẳng hề vị nể ai” không? Anh chị em có thể bắt đầu bằng việc mời cả lớp đọc các thánh thư dạy rằng Thượng Đế chẳng hề vị nể ai, như là Rô Ma 2:1–11; 1 Nê Phi 17:34–40; 2 Nê Phi 26:32–33; An Ma 5:33; Mô Rô Ni 8:12; và Giáo Lý và Giao Ước 1:34–35. Yêu cầu các học viên viết các định nghĩa có thể dùng cho “chẳng hề vị nể ai,” dựa theo điều họ đọc, và rồi chia sẻ điều họ đã viết. Các sự kiện và các nguyên tắc trong Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34–48 cho thấy rằng Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai như thế nào? Làm thế nào người ngay chính được “đẹp lòng” Ngài và được Ngài “ưu đãi” mặc dù Ngài chẳng hề vị nể ai? (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34–35; 1 Nê Phi 17:35).
Anh chị em có thể cần giúp các học viên hiểu rằng việc “chẳng hề vị nể ai” không có nghĩa rằng Thượng Đế ban phước cho mỗi người bằng nhau bất kể những hành động của chúng ta. Ngài muốn tất cả con cái của Ngài chấp nhận phúc âm của Ngài, nhưng sự trọn vẹn các phước lành của phúc âm chỉ dành cho những ai lập và tuân giữ các giao ước với Ngài.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Nhận được sự mặc khải theo từng hàng chữ một.
Anh Cả David A. Bednar đã dạy: “Nhiều người chúng ta thường giả định rằng chúng ta sẽ nhận được một câu trả lời hoặc một sự thúc giục cho những lời cầu nguyện hoặc nài xin thành khẩn nhất của mình. Và chúng ta cũng thường xuyên kỳ vọng một câu trả lời hoặc một sự thúc giục như vậy sẽ đến ngay lập tức và trong chỉ một lần. Do đó, chúng ta có khuynh hướng tin rằng Chúa sẽ nhanh chóng ban cho chúng ta một câu trả lời đầy đủ và trong chỉ một lần. Tuy nhiên, mẫu mực được mô tả lặp lại nhiều lần trong thánh thư gợi ý rằng chúng ta nhận được ‘từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một,’ hoặc nói cách khác là, nhiều câu trả lời nhỏ qua một khoảng thời gian. Việc nhận ra và hiểu được mẫu mực này là một chìa khóa quan trọng để có được sự mặc khải và giúp đỡ từ Đức Thánh Linh” (“Line upon Line, Precept upon Precept,” New Era, tháng Chín năm 2010, trang 3–4).