“Ngày 4–10 tháng Chín. 1 Cô Rinh Tô 14–16: ‘Đức Chúa Trời Chẳng Phải là Chúa của Sự Loạn Lạc, bèn là Chúa Sự Hòa Bình,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 4–10 tháng Chín. 1 Cô Rinh Tô 14–16,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2023
Ngày 4–10 tháng Chín
1 Cô Rinh Tô 14–16
“Đức Chúa Trời Chẳng Phải là Chúa của Sự Loạn Lạc, bèn là Chúa Sự Hòa Bình”
Trước khi ôn lại đại cương này, hãy đọc 1 Cô Rinh Tô 14–16. Hãy ghi lại các ấn tượng ban đầu của anh chị em về những lẽ thật nào mà sẽ giúp các học viên của anh chị em, và không ngừng tìm kiếm thêm sự hướng dẫn từ Thánh Linh khi anh chị em chuẩn bị giảng dạy.
Mời Chia Sẻ
Hãy cho các học viên một ít phút để ôn lại 1 Cô Rinh Tô 14–16 và tìm một câu thánh thư mà họ cảm thấy có ý nghĩa đặc biệt. Mời họ tìm một ai đó trong lớp mà họ có thể chia sẻ câu thánh thư của họ và giải thích lý do họ chọn câu này với người đó.
Giảng Dạy Giáo Lý
Khi chúng ta cùng nhau tụ họp, chúng ta nên tìm cách gây dựng lẫn nhau.
-
Cân nhắc việc sử dụng những lời dạy của Phao Lô trong 1 Cô Rinh Tô 14 để nhắc các học viên rằng tất cả chúng ta có thể gây dựng—hoặc hỗ trợ và nâng đỡ—lẫn nhau tại nhà thờ. Một cách đơn giản để ôn lại chương này có thể là viết một câu hỏi lên trên bảng, như Mục tiêu của chúng ta nên là gì khi chúng ta cùng nhau tụ họp? Mời các học viên tìm kiếm các câu trả lời khả thi trong 1 Cô Rinh Tô 14. Các ý kiến khác có thể được tìm thấy trong Mô Rô Ni 6:4–5 và Giáo Lý và Giao Ước 50:17–23. Khi các học viên chia sẻ điều họ tìm thấy, hãy cân nhắc việc hỏi xem họ cảm thấy lớp học của anh chị em đang làm ra sao để đạt được các mục tiêu này. Họ cũng có thể chia sẻ các kinh nghiệm khi họ cảm thấy được gây dựng bởi một điều gì đó do một học viên trong lớp chia sẻ.
Bởi vì Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh, tất cả chúng ta đều sẽ được phục sinh.
-
Làm thế nào anh chị em có thể sử dụng chứng ngôn của Phao Lô trong 1 Cô Rinh Tô 15 để củng cố chứng ngôn của các học viên về Sự Phục Sinh? Một cách có thể là chia lớp học thành hai nhóm và yêu cầu một nhóm tìm kiếm trong 1 Cô Rinh Tô 15 những hậu quả mà chúng ta có lẽ phải đối mặt nếu Chúa Giê Su Ky Tô không phục sinh. Nhóm kia có thể tìm kiếm các phước lành chúng ta nhận được nhờ vào Sự Phục Sinh của Ngài. Rồi mỗi nhóm có thể viết lên trên bảng điều họ học được. Họ có thể bổ sung điều gì vào bản liệt kê của họ sau khi đọc câu phát biểu của Anh Cả D. Todd Christofferson trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung”? Để giúp các học viên cảm thấy Thánh Linh trong cuộc thảo luận này, hãy cân nhắc việc trưng bày một bức hình Đấng Cứu Rỗi phục sinh (xin xem đại cương tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình) hoặc đánh đàn hoặc hát một bài thánh ca về Sự Phục Sinh.
-
Bởi vì Phao Lô đang đáp lại những người không tin vào sự phục sinh, lớp học của anh chị em có lẽ sẽ được hưởng lợi từ việc đóng diễn một tình huống tương tự. Ví dụ, bằng cách nào họ có thể củng cố đức tin của một người thân yêu về Sự Phục Sinh? Chúng ta tìm thấy điều gì trong 1 Cô Rinh Tô 15 mà sẽ giúp chúng ta giải thích sự cần thiết và bằng chứng về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô? Chúng ta có thể sử dụng các thánh thư nào khác? (Để có ví dụ, xin xem Lu Ca 24:1–12, 36–46; An Ma 11:42–45.)
-
1 Cô Rinh Tô 15 là một trong số ít chương trong thánh thư đề cập đến phép báp têm cho người chết (xin xem câu 29; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 128:18). Có lẽ các học viên có thể chia sẻ niềm vui có được khi họ thực hiện phép báp têm hoặc các giáo lễ khác cho tổ tiên của họ. Tại sao Phao Lô có thể đã đề cập đến phép báp têm cho người chết như là bằng chứng của Sự Phục Sinh?
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Tầm quan trọng của Sự Phục Sinh.
Anh Cả D. Todd Christofferson đã dạy:
“Hãy cân nhắc trong một giây phút ý nghĩa của Sự Phục Sinh trong việc giải quyết một cách dứt khoát về danh tính thực sự của Chúa Giê Su ở Na Xa Rét và những tranh cãi về triết lý sâu xa và những thắc mắc về cuộc sống. Nếu Chúa Giê Su đã thật sự phục sinh, thì nhất định Ngài phải là một Đấng thánh. Không có một người trần thế nào tự có quyền năng để sống lại sau khi chết cả. Vì Ngài đã phục sinh nên Chúa Giê Su không thể chỉ là một người thợ mộc, một giáo viên, một giáo sĩ, hay một vị tiên tri. Vì Ngài đã phục sinh, nên Chúa Giê Su phải là một Thượng Đế, chính là Con Trai Độc Sinh của Đức Chúa Cha.
“Do đó, những gì Ngài dạy là chân chính; Thượng Đế không thể nói dối.
“Do đó, Ngài là Đấng Sáng Tạo của thế gian, như Ngài đã phán.
“Do đó, thiên thượng và ngục giới là có thật, như Ngài đã dạy.
“Do đó, có một thế giới linh hồn mà Ngài đã đến thăm sau khi Ngài chết.
“Do đó, Ngài sẽ tái lâm, như các thiên sứ đã nói, và ‘thân hành trị vì trên thế gian.’
“Do đó, có một sự phục sinh và một sự phán xét cuối cùng cho tất cả mọi người” (“Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 113).