“Ngày 27 tháng Mười Một–Ngày 3 tháng Mười Hai. 1–3 Giăng; Giu Đe: ‘Đức Chúa Trời Tức Là Sự Yêu Thương,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 27 tháng Mười Một–Ngày 3 tháng Mười Hai. 1–3 Giăng; Giu Đe,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2023
Ngày 27 tháng Mười Một–Ngày 3 tháng Mười Hai
1–3 Giăng; Giu Đe
“Đức Chúa Trời Tức Là Sự Yêu Thương”
Những chủ đề và nguyên tắc nào nổi bật đối với anh chị em khi anh chị em đọc 1–3 Giăng và Giu Đe? Anh chị em có thể sử dụng những chủ đề và nguyên tắc này để giúp các học viên như thế nào?
Mời Chia Sẻ
Hãy mời một vài học viên chia sẻ những chủ đề hoặc lẽ thật cụ thể mà nổi bật đối với họ khi họ học Các Bức Thư của Giăng và Giu Đe. Có các sứ điệp nào từ những bức thư này liên hệ nhiều nhất đến họ và gia đình họ?
Giảng Dạy Giáo Lý
1 Giăng 1:5–10; 2:3–11; 3:1–3; 4:7–21; 5:1–3
Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là các tấm gương hoàn hảo về sự sáng và tình yêu thương.
-
Làm thế nào anh chị em có thể giúp những người mình giảng dạy nhận ra sự sáng và tình yêu thương của Thượng Đế trong cuộc sống của họ? Anh chị em có thể bắt đầu bằng cách viết những từ sự sáng và tình yêu thương lên trên bảng. Yêu cầu các học viên chia sẻ những từ khác mà đến với tâm trí khi họ suy nghĩ về hai từ này. Sau đó mỗi học viên có thể học một trong các đoạn thánh thư sau đây, tìm kiếm một điều gì đó mà các câu này giảng dạy về sự sáng và tình yêu thương: 1 Giăng 1:5–10; 2:3–11; 3:1–3; 4:7–12; 4:16–21; 5:1–3. Mời một vài học viên chia sẻ với lớp học về điều họ tìm được. Anh chị em cũng có thể mời các học viên chia sẻ những kinh nghiệm khi họ cảm thấy sự sáng và tình yêu thương của Thượng Đế.
-
Anh chị em có thể mời các học viên nhìn lên ánh đèn trên trần nhà hoặc ánh sáng chiếu qua cửa sổ và chia sẻ điều họ biết về ánh sáng vật lý. Ánh sáng vật lý giống ánh sáng thuộc linh như thế nào? Các học viên có thể học các câu sau đây để tìm thêm sự hiểu biết sâu sắc về cách Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài mang sự sáng đến cho cuộc sống chúng ta: Thi Thiên 27:1; Giăng 1:4–5; 1 Giăng 1:5–7; 3 Nê Phi 11:11; Giáo Lý và Giao Ước 88:6–13; và một bài thánh ca về sự sáng, chẳng hạn như “The Lord Is My Light (Chúa Là Sự Sáng của Tôi)” (Hymns, số 89). Các học viên cũng có thể chia sẻ những kinh nghiệm khi họ tìm kiếm và nhận được ánh sáng thuộc linh trong cuộc sống của họ.
1 Giăng 2:18–28; 4:3; 2 Giăng 1:7–11; 3 Giăng 1:9–11; Giu Đe
Chúng ta phải “[ở trong] giáo lý của Đấng Ky Tô.”
-
Những lời giảng dạy của Giăng và Giu Đe về sự bội giáo có thể giúp các học viên cân nhắc cách để giữ vững đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy cân nhắc việc mời một nửa lớp học tìm kiếm những mô tả về các lời giảng dạy sai lạc hoặc sự bội giáo trong 1 Giăng 2:18–23, 26–28; 4:3; 2 Giăng 1:7–11; 3 Giăng 1:9–11 và nửa còn lại tìm kiếm những mô tả như vậy trong Giu Đe. Hoặc họ có thể tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi như là: Giăng và Giu Đe định nghĩa như thế nào về một kẻ chống lại Đấng Ky Tô? (xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Kẻ Chống Lại Đấng Ky Tô,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Có bất cứ điều gì trong các câu thánh thư này mà dường như đặc biệt có thể áp dụng cho những thử thách mà chúng ta đối mặt ngày nay không? Việc “[ở trong] giáo lý của Đấng Ky Tô” có nghĩa là gì? (2 Giăng 1:9).
-
Giu Đe sử dụng hình ảnh thú vị để mô tả những thầy giảng giả, hoặc những kẻ mà “hễ điều gì không biết thì khinh dễ hết” (Giu Đe 1:10). Anh chị em có thể mời một số học viên vẽ lên trên bảng một vài hình ảnh được mô tả trong Giu Đe 1:12–13 trong khi các học viên khác đoán cụm từ nào mà người kia đang vẽ. Những hình ảnh này tiêu biểu cho các thầy giảng giả và những kẻ chống lại Đấng Ky Tô như thế nào? Ví dụ, bằng cách nào các lối thực hành xấu tạo ra “dấu vết trong đám tiệc [của chúng ta]”? Chúng ta có thể làm gì để củng cố bản thân mình chống lại “những kẻ hay nhạo báng”? (xin xem Giu Đe 1:18–21). Tại sao Giu Đe có thể đã đề nghị chúng ta nên “có lòng thương” (Giu Đe 1:22) đối với những người nhạo báng phúc âm?
Niềm vui đến khi chúng ta giúp đỡ người khác “làm theo lẽ thật.”
-
Có lẽ có người trong lớp học của anh chị em có thể hiểu được điều Giăng đang cảm thấy khi ông nói rằng ông “không còn có sự gì vui mừng hơn nữa” khi được nghe rằng Gai Út (một trong các “con cái” của ông) đang làm theo lẽ thật. Các học viên có thể hưởng lợi từ việc lắng nghe các kinh nghiệm của nhau. Anh chị em có thể bắt đầu bằng việc cùng nhau đọc 3 Giăng 1:1–4 và các câu thánh thư trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Những câu thánh thư này dạy cho chúng ta điều gì về nguồn gốc của niềm vui thật sự? Các học viên có thể nói về việc họ cảm thấy như thế nào với tư cách là cha mẹ, người truyền giáo, người lãnh đạo trong Giáo Hội, hoặc giảng viên khi họ biết rằng những người họ giảng dạy đang làm theo lẽ thật. Anh chị em có thể liên lạc với một số học viên trước khi lớp học diễn ra và yêu cầu họ đem theo các bức ảnh của những người mà họ đã giúp mang đến Đấng Ky Tô và kể về kinh nghiệm của họ.