Lớp Giáo Lý
Bài Học 43: Giáo Lý và Giao Ước 28: Sự Mặc Khải trong Giáo Hội


“Giáo Lý và Giao Ước 28: Sự Mặc Khải trong Giáo Hội”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 28”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 43: Giáo Lý và Giao Ước 27–28

Giáo Lý và Giao Ước 28

Sự mặc khải trong Giáo Hội

Vào năm 1830, Hiram Page cho rằng mình đã nhận được những sự mặc khải về Giáo Hội qua một viên đá đặc biệt. Một số tín hữu của Giáo Hội, bao gồm Oliver Cowdery, đã tin ông. Để đáp lại tình huống này, Chúa đã mặc khải những lẽ thật về trật tự của sự mặc khải trong Giáo Hội. Bài học này có thể giúp học viên hiểu được trật tự và tổ chức mà Đấng Cứu Rỗi sử dụng để mặc khải ý muốn của Ngài trong Giáo Hội của Ngài.

Hình Ảnh
Hiram Page

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Những sự bắt chước của Sa Tan

Hãy cân nhắc viết đồ nháiđồ thật lên trên bảng. Hãy cho học viên xem một loạt các đồ vật và mời các em chia sẻ xem chúng là đồ thật hay đồ nhái. Một số ví dụ có thể là điện thoại thật hoặc điện thoại đồ chơi, tiền thật hoặc tiền nhựa, trái cây thật hoặc trái cây nhựa và email thật từ ngân hàng hoặc email giả mạo từ người nào đó giả làm ngân hàng.

  • Em có thể phân biệt được đồ nhái và đồ thật bằng cách nào?

  • Tại sao việc nhầm lẫn đồ nhái thành đồ thật lại là điều tai hại?

  • Điều này có thể áp dụng như thế nào cho một người đang cố gắng noi theo Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của họ?

Hãy đọc phần giới thiệu cho Giáo Lý và Giao Ước 28 và tìm kiếm một tình huống mà các tín hữu của Giáo Hội mới được tổ chức gặp khó khăn để biết điều gì là thật và điều gì là giả.

Có thể là hữu ích khi biết rằng Hiram Page là một người đã chấp nhận phúc âm và được chịu phép báp têm trong cùng tháng mà Giáo Hội được tổ chức. Ông cũng đã được chọn là một trong Tám Nhân Chứng về Sách Mặc Môn và luôn trung thành với chứng ngôn của mình về điều đó.

  • Em nghĩ tại sao ngay cả những người tốt như Hiram Page và Oliver Cowdery cũng có thể bị những sự bắt chước của Sa Tan lừa dối?

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về những câu hỏi sau đây:

  • Sa Tan có thể đang cố gắng lừa gạt em và những người khác mà em biết như thế nào?

  • Chúa ban cho chúng ta sự hướng dẫn và giúp đỡ nào để chúng ta tránh bị lừa dối?

Khi em tiếp tục học, hãy tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này.

Câu trả lời của Chúa

Vì quan tâm đến điều cần làm trong tình huống này nên Joseph Smith đã dành một đêm cầu nguyện và nhận được câu trả lời từ Chúa. Điều mặc khải mà ông nhận được đã được ghi lại thành Giáo Lý và Giao Ước 28 và dành cho Oliver Cowdery.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 28:1–8, 11–13, và tìm kiếm những lẽ thật mà Chúa đã dạy cho Oliver về sự mặc khải. (Hãy lưu ý rằng những điều mặc khải trong câu 8 được áp dụng cho sự kêu gọi Oliver đi thuyết giảng cho người La Man.)

Hãy khuyến khích học viên chia sẻ những lẽ thật khác nhau về sự mặc khải. Hãy cân nhắc viết lên trên bảng những điều các em chia sẻ.

Nếu anh chị em nghĩ rằng sẽ hữu ích hoặc hấp dẫn hơn đối với học viên, thì hãy cân nhắc viết những lẽ thật sau đây lên trên bảng và mời học viên đọc và ghép các lẽ thật với những câu dạy về những lẽ thật đó.

Chúa sẽ ban sự mặc khải cho toàn thể Giáo Hội chỉ qua Chủ Tịch của Giáo Hội (xin xem câu 2).

Chúa không ban cho các cá nhân sự mặc khải để ra lệnh cho người lãnh đạo của họ (xin xem câu 6–7).

Chúa có thể ban cho chúng ta sự mặc khải vì lợi ích riêng của chúng ta và để giúp chúng ta trong những sự kêu gọi và chỉ định của chúng ta (xin xem câu 8).

Sa Tan có thể cố gắng lừa dối chúng ta bằng sự mặc khải sai lạc (xin xem câu 11).

Chúa mời gọi các lãnh đạo của Ngài giúp sửa đổi chúng ta khi chúng ta bị lừa dối (xin xem câu 11).

Hãy cân nhắc yêu cầu học viên chia sẻ những điều các em đã học được về Chúa từ phần này. Các em có thể chia sẻ một nguyên tắc bổ sung như sau: Chúa hướng dẫn Giáo Hội của Ngài và dân của Ngài một cách có tổ chức.

  • Em nghĩ tại sao Chúa luôn ban cho sự mặc khải theo những nguyên tắc này?

  • Làm thế nào mà việc biết những lẽ thật này có thể giúp chúng ta tránh bị lừa gạt?

Trong bài nói chuyện “Một Khuôn Khổ cho Sự Mặc Khải Cá Nhân”, Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ một số hiểu biết sâu sắc về tiến trình nhận được sự mặc khải:

  1. “Chúng ta nhận được sự mặc khải cá nhân chỉ trong phạm vi [hoặc phạm vi ảnh hưởng] của chúng ta và không nằm trong đặc quyền [quyền hoặc đặc quyền] của những người khác. …”

  2. “Giáo lý, các lệnh truyền, và những điều mặc khải cho Giáo Hội là quyền năng của vị tiên tri tại thế, là người tiếp nhận chúng từ Chúa Giê Su Ky Tô [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 21:4–5]. …”

  3. “Sự mặc khải cá nhân sẽ phù hợp với các giáo lệnh của Thượng Đế và các giao ước mà chúng ta đã lập với Ngài. …”

  4. “Khi cầu xin sự mặc khải về điều gì đó mà Thượng Đế đã ban cho sự hướng dẫn rõ ràng rồi, thì chúng ta tự để cho mình hiểu sai những cảm nhận của chúng ta và nghe những gì mình muốn nghe” (Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 16–17).

Ví dụ

Để giúp học viên phân tích những điều các em đã học được, hãy trình bày những tình huống sau đây và mời học viên làm những điều sau đây cùng với cả lớp hoặc theo các nhóm nhỏ. Đừng ngại xóa hoặc điều chỉnh bất kỳ tình huống nào để làm cho sinh hoạt này phù hợp hơn với học viên của anh chị em.

Hãy đọc qua các tình huống sau đây và tìm một câu hoặc cụm từ trong những lời dạy của Chúa mà em đã nghiên cứu trong Giáo Lý và Giao Ước 28 để biết đó có phải là những điều mặc khải thật sự hay không.

  • Vị tiên tri khuyến khích toàn thể Giáo Hội tham dự đền thờ.

  • Một nhóm tín hữu quan tâm mạnh dạn dạy rằng Thượng Đế muốn Giáo Hội thay đổi giáo lý hoặc sửa đổi một chính sách về một vấn đề khó khăn.

  • Một tín hữu tin rằng Chúa đã mặc khải cho ông những điều mà vị giám trợ nên làm trong tiểu giáo khu của họ.

  • Mẹ của một thiếu nữ nói với em ấy rằng bà không cảm thấy tin tưởng về một lựa chọn cụ thể mà em ấy đang đưa ra.

  • Khi hẹn hò ở trường đại học, một thanh niên nói rằng anh ta đã nhận được sự mặc khải rằng một thiếu nữ cụ thể nên kết hôn với anh ta.

    Có hữu ích để giải thích rằng không có gì sai khi chia sẻ một cách yêu thương những thắc mắc hoặc ý kiến với những người chủ tọa chúng ta hoặc một người nào đó nằm ngoài trách nhiệm quản lý của chúng ta, nhưng chúng ta phải tôn trọng và công nhận quyền của họ để chấp nhận hoặc không chấp nhận sự mặc khải đó. Ví dụ, một thanh niên có thể cảm thấy được soi dẫn rằng Chúa chấp thuận cho anh ấy cầu hôn một cô gái, nhưng cô gái này có quyền nhận được sự mặc khải của riêng mình về những điều tốt nhất cho cô ấy.

    Để có một ví dụ thực tế về một người nghĩ rằng họ đã nhận được sự mặc khải vượt ra ngoài các nguyên tắc này, hãy xem video “Một Khuôn Khổ cho Sự Mặc Khải Cá Nhân” từ phút 4:14 đến 5:07, trên trang ChurchofJesusChrist.org.

  • Làm thế nào mà việc tin vào những sự bắt chước của Sa Tan trong bất kỳ tình huống sai lầm ở trên có thể khiến chúng ta rời xa Đấng Cứu Rỗi?

    Để giúp học viên cảm nhận được tầm quan trọng của sự mặc khải do Chúa ban cho theo cách của Ngài và theo trật tự của Ngài, thì hãy mời các em trả lời ít nhất hai trong số các câu hỏi sau đây vào nhật ký ghi chép việc học tập:

  • Sự hiểu biết về trật tự mà Chúa sử dụng cho những điều mặc khải của Ngài có thể là một phước lành cho em như thế nào?

  • Khi nào thì Chúa đã ban phước cho các em hoặc một người nào đó mà em biết qua sự mặc khải cho một vị tiên tri, lãnh đạo giáo khu hoặc tiểu giáo khu, hoặc cha mẹ?

  • Khi nào em hoặc người nào đó mà em biết đã nhận được sự mặc khải từ Chúa để ban phước cho những người mà em được kêu gọi để phục sự hoặc phục vụ?

  • Khi nào em đã được ban phước nhờ sự mặc khải từ Chúa chỉ dành riêng cho mình?

Hãy cân nhắc yêu cầu học viên chọn một câu trả lời mà các em cảm thấy thoải mái khi chia sẻ. Học viên có thể chia sẻ với cả lớp, hoặc, để đa dạng, học viên có thể tìm một người nào đó mà các em chưa chia sẻ gần đây và chia sẻ ví dụ của các em. Bất cứ ai các em chọn cũng có thể chia sẻ. Nếu thời gian cho phép, hãy cân nhắc cho học viên cơ hội để chia sẻ với các học viên khác. Sau đó, mời một số học viên chia sẻ những điều có ý nghĩa mà các em nghe được từ những người khác. Khi các em làm như vậy, hãy tìm các cách để làm nổi bật lòng nhân từ và lòng thương xót của Chúa trong việc mặc khải các lẽ thật cho chúng ta. Anh chị em cũng có thể nhấn mạnh đến sự sẵn lòng của Ngài để giúp chúng ta hiểu về trật tự và tổ chức mà Ngài sử dụng.

Oliver Cowdery chấp nhận điều mặc khải đó, và sau nhiều lần thuyết phục, Hiram Page và những người khác đã từ bỏ những điều mặc khải sai lầm.

Để kết thúc, hãy cân nhắc chia sẻ chứng ngôn của anh chị em.

In