Lớp Giáo Lý
Bài Học 55: Giáo Lý và Giao Ước 41: Chúa Vui Vẻ Ban Phước Lành Cho Chúng Ta


“Giáo Lý và Giao Ước 41: Chúa Vui Vẻ Ban Phước Lành Cho Chúng Ta”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 41”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 55: Giáo Lý và Giao Ước 41–44

Giáo Lý và Giao Ước 41

Chúa Thích Vui Vẻ Ban Phước Lành Cho Chúng Ta

Khi Vị Tiên Tri đoàn tụ với Các Thánh Hữu đang gặp khó khăn ở Ohio, thì Chúa đã làm chứng rằng Ngài vui vẻ ban phước lành cho những ai nghe Ngài. Bài học này nhằm giúp học viên cảm thấy tin tưởng rằng Chúa sẽ ban phước cho các em khi các em nghe và vâng lời Ngài.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô chào đón một người mù

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Em tự tin đến mức nào rằng … ?

Vẽ một hình giống như sau lên trên bảng:

Hình Ảnh
Doctrine and Covenants Seminary Teacher Manual (2025)

Hãy chỉ vào phía bên phải của thang đo. Hãy mời học viên chia sẻ điều gì đó mà các em cảm thấy tự tin và lý do tại sao.

Viết lời phát biểu sau đây lên trên bảng: Chúa sẽ ban phước cho chúng ta nếu chúng ta nghe và vâng lời Ngài. Hãy yêu cầu học viên sử dụng thang điểm để xếp hạng sự tự tin của các em đối với câu này theo thang điểm từ 1 đến 5 (1 = không tự tin và 5 = rất tự tin). Mời học viên suy ngẫm về lý do tại sao các em xếp hạng sự tự tin của mình như vậy.

  • Việc cảm thấy rất tin tưởng rằng Chúa sẽ ban phước cho em có thể tạo ra sự khác biệt nào?

Hãy mời học viên tìm kiếm sự giúp đỡ từ Chúa để gia tăng sự tin tưởng rằng Ngài sẽ ban phước cho các em khi các em cố gắng nghe và vâng lời Ngài.

Thái độ của Chúa đối với việc ban phước cho chúng ta

Vào tháng Mười Hai năm 1830, Chúa truyền lệnh cho Các Thánh Hữu đi đến Ohio (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 37:3). Một thời gian ngắn sau đó, vào tháng Một và tháng Hai năm 1831, Tiên Tri Joseph Smith và vợ ông, Emma, đã vượt hàng trăm dặm để đến Kirtland, Ohio. Sau đó, Vị Tiên Tri nhận được sự mặc khải để đưa ra một số chỉ dẫn khi Các Thánh Hữu từ các vùng khác bắt đầu định cư ở Kirtland.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 41:1, và tìm kiếm thái độ của Chúa về việc ban phước cho những ai nghe Ngài.

Khi học viên chia sẻ những điều các em đã tìm thấy, hãy viết lên trên bảng lẽ thật sau đây: Chúa vui vẻ ban phước lành cho những ai nghe Ngài. Anh chị em có thể khuyến khích học viên đánh dấu lẽ thật này trong thánh thư của các em.

  • Em nghĩ vui vẻ làm một điều gì đó có nghĩa là gì?

  • Em nghĩ cái gì là một số “ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế”? (Giáo Lý và Giao Ước 14:7).

  • Chúng ta có thể nghe Ngài bằng một số cách thức nào?

Hãy lắng nghe những câu trả lời của học viên. Nếu hữu ích, hãy mời học viên đọc lời phát biểu sau đây, tìm kiếm những cách chúng ta có thể lắng nghe Chúa.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Cần phải có nỗ lực có ý thức và kiên định để làm tràn đầy cuộc sống hằng ngày của chúng ta bằng những lời phán, lời dạy và các lẽ thật của Ngài. …

Chúng ta có thể tìm đến thánh thư. Thánh thư dạy chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, tầm quan trọng của Sự Chuộc Tội của Ngài, và kế hoạch hạnh phúc và cứu chuộc vĩ đại của Đức Chúa Cha. … Hằng ngày, khi chúng ta nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô, thì những lời này sẽ cho chúng ta biết cách đối phó với những khó khăn mà chúng ta không bao giờ nghĩ là mình sẽ gặp phải.

Chúng ta cũng có thể nghe lời Ngài trong đền thờ. Ngôi nhà của Chúa ngôi nhà của sự học hỏi. Ở đó, Chúa dạy dỗ theo cách riêng của Ngài. …

… Chúng ta nghe lời Ngài khi chúng ta lưu tâm đến lời của các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Các Sứ Đồ được sắc phong của Chúa Giê Su Ky Tô luôn làm chứng về Ngài. Họ chỉ đường trong khi chúng ta trải qua nỗi đau khổ của những kinh nghiệm trần thế của mình. (Russell M. Nelson, “Hãy Nghe Lời Người”, Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 89–90)

Hãy cân nhắc yêu cầu học viên ôn lại câu 1 để xem điều gì xảy ra với những người từ chối nghe Chúa. Có thể là hữu ích khi chỉ ra rằng từ “sự rủa sả” như được sử dụng trong câu này muốn nói đến sự phán xét hoặc hậu quả.

  • Tại sao là điều quan trọng để biết rằng việc từ chối nghe Chúa có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực?

Những ví dụ về việc Chúa ban phước cho những người nghe lời Ngài

Hãy khuyến khích một số học viên chia sẻ câu trả lời của mình cho các câu hỏi sau. Việc chia sẻ về những điều mà các em yêu thích có thể giúp các em hiểu được sự vui vẻ của Chúa. Đây cũng có thể là một cơ hội tốt để hiểu học viên của anh chị em hơn.

  • Em yêu thích hoặc say mê điều gì?

Hãy giải thích rằng có nhiều ví dụ về việc Chúa thực sự vui mừng khi ban phước cho những người nghe lời Ngài.

Hãy đọc các câu sau đây để tìm xem Chúa ban phước như thế nào cho các Thánh Hữu của Ngài khi họ nghe lời Ngài.

Cân nhắc chia lớp thành các nhóm để đọc các câu thánh thư và trả lời các câu hỏi đi kèm. Sau đó, học viên có thể chia sẻ với nhau những điều đã học được.

Giáo Lý và Giao Ước 41:2–5

  • Việc tiếp nhận luật pháp hoặc sự chỉ dẫn của Chúa có thể là một phước lành như thế nào? (Xin xem câu 3.)

  • Việc tuân theo luật pháp của Chúa và trở thành môn đồ tốt hơn của Đấng Ky Tô có thể giúp chúng ta ra sao? (Xin xem câu 5.)

Các ví dụ khác

Hãy mời học viên tìm kiếm hoặc nghĩ đến ít nhất hai ví dụ bổ sung mà xây đắp sự tin tưởng của các em rằng Chúa sẽ ban phước cho những người nghe lời Ngài. Hãy khuyến khích các em tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa để tìm những ví dụ mà sẽ ban phước cho các em và cho cả lớp.

  1. Hãy tìm một ví dụ từ thánh thư. Nó có thể là:

    1. Một câu chuyện về lúc Chúa ban phước cho những ai nghe và vâng lời Ngài. (Một số ví dụ như sau: Nô Ê đóng tàu và được cứu khỏi Trận Lụt [xin xem Sáng Thế Ký 6–8]; Đê Bô Ra tuân theo lệnh truyền của Chúa để giải thoát Y Sơ Ra Ên khỏi cảnh tù đày [Các Quan Xét 4:1–8, 13–15]; Ma Ri chấp nhận vai trò trở thành mẹ của Đấng Cứu Rỗi và cảm nhận các phước lành của Chúa [Lu Ca 1:38, 46–49]; Nê Phi lấy được các bảng khắc bằng đồng [xin xem 1 Nê Phi 3–5]; Joseph Smith có thể bảo vệ các bảng khắc [xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:46, 60]; Joseph Smith và Oliver Cowdery làm phép báp têm cho nhau sau khi nhận được Chức Tư Tế A Rôn và sau đó nhận được một biểu hiện của Đức Thánh Linh [xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:68–74].)

    2. Một câu hoặc các câu thánh thư làm chứng rằng Chúa sẽ ban phước cho chúng ta khi chúng ta nghe và vâng lời Ngài. (Một số ví dụ là Ma La Chi 3:10; 1 Giăng 3:22; Gia Rôm 1:9; Mô Si A 2:41; Giáo Lý và Giao Ước 19:38; 82:10; 89:1, 18–21; 130:21.)

  2. Hãy nghĩ đến một ví dụ khác. Nó có thể là:

    1. Một kinh nghiệm cá nhân khi Chúa đã ban phước cho em.

    2. Một kinh nghiệm từ một người bạn hoặc người thân.

    3. Một bài nói chuyện từ đại hội trung ương.

    4. Một video trên trang ChurchofJesusChrist.org.

Hãy mời học viên viết ví dụ của các em trên các tờ giấy riêng biệt. Hãy cho học viên biết rằng những điều các em viết có thể được chia sẻ với những học viên khác trong lớp. Hãy thu lại các tờ giấy, xáo trộn chúng, sau đó chọn một số tờ hoặc mời một học viên làm như vậy. Anh chị em có thể muốn đọc mỗi lần một ví dụ và hỏi liệu em học viên đã viết ví dụ đó có sẵn sàng chia sẻ lý do em ấy chọn ví dụ đó hay không. Hãy hỏi làm thế nào ví dụ đó có thể làm gia tăng sự tin tưởng của học viên rằng Chúa sẽ ban phước cho các em khi các em nghe lời Ngài. Khi học viên chia sẻ, hãy cảm ơn các em vì nỗ lực của các em và cố gắng giúp các em cảm thấy tầm quan trọng của việc chia sẻ những suy nghĩ và kinh nghiệm của các em trong lớp.

Để kết thúc bài học này, hãy ghi lại những suy nghĩ và cảm nghĩ của em về việc Chúa ban phước cho chúng ta khi chúng ta nghe lời Ngài. Em có cảm thấy tin tưởng rằng Ngài sẽ ban phước cho em không? Em có thể làm gì để tăng sự tin tưởng của mình?

Hãy cân nhắc mời học viên chia sẻ những điều các em đã học và cảm nhận được trong lớp học ngày hôm nay. Hãy chia sẻ chứng ngôn của anh chị em và sự tin tưởng rằng Chúa sẽ ban phước cho chúng ta khi chúng ta nghe lời Ngài.

In