Lớp Giáo Lý
Bài Học 68—Giáo Lý và Giao Ước 51: “Một Quản Gia Trung Thành, Công Bình, và Khôn Ngoan”


“Bài Học 68—Giáo Lý và Giao Ước 51: ‘Một Quản Gia Trung Thành, Công Bình, và Khôn Ngoan’,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 51,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 68: Giáo Lý và Giao Ước 51–57

Giáo Lý và Giao Ước 51

“Một Quản Gia Trung Thành, Công Bình, và Khôn Ngoan”

giới trẻ làm công việc lịch sử gia đình

Vào mùa xuân năm 1831, Joseph Smith đã nhận được một điều mặc khải. Chúa đã hướng dẫn cho các tín hữu của chi nhánh Colesville, New York, phải định cư tại khu vực Thompson, Ohio và hoàn thành trách nhiệm quản lý của họ bằng cách sống theo luật dâng hiến. Bài học này nhằm giúp học viên hiểu cách các em có thể tuân theo lời khuyên bảo của Chúa để trở thành những người biết cách quản lý trung thành, công bình và khôn ngoan.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Một lời giải thích về trách nhiệm quản lý

Để giúp chuẩn bị cho học viên tìm hiểu về trách nhiệm quản lý, hãy cân nhắc thực hiện một sinh hoạt như sau.

Hãy tưởng tượng rằng một người yêu cầu đứa con trai hoặc con gái của mình trông chừng em của nó trong vài giờ trong khi người ấy đi vắng.

  • Tại sao một người làm cha mẹ đầy yêu thương lại muốn đứa con lớn nhận lấy trách nhiệm này?

  • Em nghĩ rằng một người làm cha mẹ sẽ có những kỳ vọng nào trong tình huống này?

Hãy giải thích rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô cũng giao phó cho chúng ta nhiều trách nhiệm trong suốt cuộc đời của chúng ta. Những trách nhiệm này có thể được gọi là các công việc quản lý.

Giám trợ Gérald Caussé của Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa đã chia sẻ định nghĩa sau đây về cụm từ trách nhiệm quản lý.

Giám Trợ Gérald Caussé

Theo thuật ngữ phúc âm, từ trách nhiệm có nghĩa là một bổn phận thuộc linh thiêng liêng hoặc thế tục để chăm sóc một điều gì đó thuộc về Thượng Đế, [là điều] mà chúng ta phải chịu trách nhiệm. (Gérald Caussé, “Trách Nhiệm của Chúng Ta Trên Trần Thế,” Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 57)

  • Hãy nêu một số ví dụ về trách nhiệm quản lý mà Thượng Đế ban cho chúng ta trong cuộc sống?

Hãy viết lên trên bảng những câu trả lời của học viên cho câu hỏi trước đó, hoặc anh chị em có thể mời các em lên bảng và tự viết câu trả lời của mình.

Nếu cần, anh chị em có thể sử dụng những điều sau đây làm ví dụ: phần hành tinh nơi chúng ta sống, gia đình, những chức vụ kêu gọi hoặc các công việc được chỉ định trong Giáo Hội, tài sản và của cải của chúng ta, cơ thể của chúng ta, thời giờ của chúng ta.

Sau khi xác định những ví dụ này, hãy mời học viên suy ngẫm về những trách nhiệm quản lý mà các em có trong cuộc sống bằng cách chia sẻ những điều sau đây:

Trong nhật ký ghi chép việc học tập, hãy viết ra một số trách nhiệm quản lý của em hoặc những điều Chúa đã giao phó cho em. Trong khi học tập hôm nay, hãy tìm kiếm những lẽ thật có thể giúp em trở thành một người quản lý tốt hơn cho những điều em đã viết trong bản liệt kê của mình.

Trách nhiệm quản lý của các Thánh Hữu thời kỳ đầu

Để giúp học viên hiểu được ngữ cảnh của Giáo Lý và Giao Ước 51, hãy đọc hoặc tóm tắt đoạn sau đây. Anh chị em cũng có thể mời một học viên đọc cho cả lớp nghe.

Vào mùa xuân năm 1831, nhiều Thánh Hữu đã bắt đầu đến Ohio sau khi di cư từ miền đông Hoa Kỳ. Một nhóm đến từ Colesville, New York, dù phải trải qua nhiều sự hy sinh. Nhóm này được chỉ thị định cư tại Thompson, Ohio và sống theo luật dâng hiến. Điều mặc khải được ghi nhận trong Giáo Lý và Giao Ước 51 chứa đựng lời chỉ dẫn của Chúa dành cho Các Thánh Hữu.

Hãy mời học viên sao chép bảng biểu sau vào nhật ký ghi chép việc học tập và điền vào đó khi các em nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 51.

Trách Nhiệm của Giám Trợ Partridge

Trách Nhiệm của các Thánh Hữu

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 51:1–4, tìm những điều mà Chúa đã dạy cho Giám Trợ Edward Partridge về các trách nhiệm của ông.

  • Chúa đã giao cho Giám Trợ Partridge những trách nhiệm nào?

Khi học viên trả lời, có thể hữu ích khi chỉ ra rằng “[việc] chỉ định cho dân này phần của họ” (Giáo Lý và Giao Ước 51:3) đề cập đến tài sản và của cải mà các Thánh Hữu sẽ nhận được theo như một phần của luật dâng hiến. Trước khi tiếp tục, có thể hữu ích khi mời học viên chia sẻ những điều các em biết hoặc nhớ về luật dâng hiến.

Nếu cần, hãy giải thích rằng theo như một phần của luật dâng hiến, Các Thánh Hữu sẽ dâng hiến tài sản và của cải của họ cho Chúa. Sau đó, thông qua vị giám trợ, họ sẽ nhận được tài sản và của cải với trách nhiệm chăm sóc và sử dụng chúng. Các Thánh Hữu cũng sẽ quyên góp bất kỳ phần thặng dư nào mà họ đã trồng trọt, chăn nuôi hoặc nhận được cho vị giám trợ để đem cho người nghèo.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 51:9, 12–15, 19, và hoàn thành bảng biểu dựa trên những điều em tìm thấy.

Có thể hữu ích cho các học viên khi biết rằng nhà kho được đề cập trong câu 13 là nơi mà vị giám trợ sẽ cất giữ thực phẩm và đồ dùng để chăm sóc cho những người nghèo khó và túng thiếu.

  • Những lời khuyên bảo nào từ những câu này có thể đã giúp các Thánh Hữu vượt qua những khó khăn mà họ gặp phải khi sống theo luật dâng hiến?

  • Chúa đã hứa ban những phước lành nào trong câu 19 cho những người quản lý trung thành, công bình và khôn ngoan?

    Hãy mời học viên nhận ra một lẽ thật áp dụng cho trách nhiệm quản lý của các em dựa trên những lời giảng dạy của Chúa trong câu 19. Các em có thể nhận ra một điều gì đó như sau: Khi chúng ta trở thành những người quản lý trung thành, công bình và khôn ngoan, chúng ta có thể có được niềm vui của Chúa và nhận được ân tứ về cuộc sống vĩnh cửu.

    Nếu hữu ích, hãy cân nhắc mời học viên dành một chút thời gian để định nghĩa một trong những từ sau đây: trung thành, công bình hoặc khôn ngoan. Học viên có thể chia sẻ sự hiểu biết của mình, sử dụng Sách Hướng Dẫn Thánh Thư hoặc sử dụng một cuốn từ điển.

  • Một số ví dụ nào về niềm vui hoặc những phước lành mà chúng ta có thể nhận được khi trung thành trong trách nhiệm quản lý của mình?

Ví dụ về những người quản lý trung thành, công bình và khôn ngoan

Các sinh hoạt sau đây có thể giúp học viên hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc trở thành những người quản lý trung thành, công bình và khôn ngoan. Hãy cân nhắc trưng ra các sinh hoạt và chia học viên thành các nhóm nhỏ để cùng nhau hoàn thành các sinh hoạt đó. Nếu hoạt động này được thực hiện theo nhóm, hãy nhớ chỉ định một nhóm trưởng thảo luận cho mỗi nhóm.

Sinh Hoạt A: Tấm gương của Đấng Cứu Rỗi

Đấng Cứu Rỗi là tấm gương toàn hảo cho một người quản lý trung thành, công bình, và khôn ngoan.

Hãy tìm một ví dụ trong thánh thư về việc Chúa Giê Su Ky Tô hoàn thành một trong những trách nhiệm của Ngài để chăm sóc và giúp đỡ chúng ta. Ví dụ về các câu thánh thư mà em có thể nghiên cứu bao gồm Ê Xê Chi Ên 34:11–16; Giăng 6:38–39; 17:1–4; 3 Nê Phi 17:6–9; và Giáo Lý và Giao Ước 19:16–19.

Hãy suy ngẫm xem Đấng Cứu Rỗi đã là một người quản lý trung thành, công bình và khôn ngoan như thế nào đối với em.

  • Những nỗ lực của Đấng Cứu Rỗi đã mang lại niềm vui và phước lành cho em như thế nào?

  • Tấm gương của Đấng Cứu Rỗi có thể tạo động lực cho em trở thành một người quản lý trung thành, khôn ngoan và công bình như thế nào?

Sinh Hoạt B: Các trách nhiệm quản lý ngày nay

Chúng ta cũng được mời gọi noi theo Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách trở thành những người quản lý trung thành, công bình và khôn ngoan.

Hãy chọn một vài ví dụ về trách nhiệm quản lý mà Chúa giao cho chúng ta đã được liệt kê trên bảng (hoặc một ví dụ khác mà anh chị em đã nghĩ đến).

Hãy mô tả những gì một người nào đó có thể làm để trở thành một người quản lý trung thành, công bình và khôn ngoan về những điều này. Em có thể đưa ra những ví dụ mà em đã thấy hoặc những cách em đã cố gắng để trở thành một người quản lý tốt.

  • Tại sao Chúa có thể muốn một người nào đó ngày nay cố gắng trở thành một người quản lý trung thành, công bình và khôn ngoan theo cách này?

  • Những nỗ lực của họ có thể mang lại niềm vui và phước lành như thế nào?

Hãy mời các học viên khác nhau chia sẻ những hiểu biết sâu sắc mà các em có được từ các cuộc thảo luận. Hãy mời một vài học viên chia sẻ những câu thánh thư mà các em đã nhận ra trong Sinh Hoạt A mà các em thấy đặc biệt có giá trị hoặc có ý nghĩa. Anh chị em cũng có thể yêu cầu học viên chia sẻ điều các em đã học được từ một người bạn cùng lớp mà các em đã làm việc cùng.

Những điều em đã học được

Để giúp học viên xử lý những điều các em đã học được trong bài học này, hãy cân nhắc mời các em trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập.

  • Các em đã học được điều gì ngày hôm nay về trách nhiệm quản lý mà các em muốn ghi nhớ?

  • Các em có thể làm gì để trở thành một người quản lý trung thành, công bình và khôn ngoan hơn trong một lĩnh vực đời sống mình?

Đối với cả hai câu hỏi trước, hãy mời một vài học viên sẵn lòng chia sẻ điều các em đã viết. Hãy làm chứng về niềm vui đã đến với các em khi các em cố gắng làm tròn trách nhiệm quản lý mà mình đã nhận từ Chúa.