Lớp Giáo Lý
Bài Học 80—Giáo Lý và Giao Ước 67: Một Chứng Ngôn về Lẽ Thật


“Bài Học 80—Giáo Lý và Giao Ước 67: Một Chứng Ngôn về Lẽ Thật”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 67”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 80: Giáo Lý và Giao Ước 67–70

Giáo Lý và Giao Ước 67

Một Chứng Ngôn về Lẽ Thật

Nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội ủng hộ việc công bố những điều mặc khải mà Tiên Tri Joseph Smith đã nhận được và hiểu rằng những điều mặc khải đó phát xuất từ Thượng Đế. Những người khác tập trung vào những điểm không toàn hảo mà họ nhận thấy trong những điều mặc khải, do vậy, họ không tự tin rằng những điều đó đến từ Chúa. Bài học này có thể giúp học viên gia tăng niềm tin rằng Chúa phán cùng chúng ta qua các vị tiên tri và rằng Giáo Lý và Giao Ước là lời của Ngài.

Hình Ảnh
Joseph Smith đang viết xuống một điều mặc khải

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Một chứng ngôn

Hãy xác định một cách để giúp học viên suy nghĩ về chứng ngôn của các em về các lẽ thật phúc âm liên quan đến kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Các em có thể thực hiện sinh hoạt sau đây lên trên bảng hoặc trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Hãy vẽ một hình người que ở một bên bảng. Ở bên kia bảng, hãy liệt kê các khía cạnh khác nhau trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng mà một người nào đó cần phải có được chứng ngôn. Anh chị em cũng có thể trưng ra những hình ảnh thể hiện các khía cạnh trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng, như hình ảnh về Chúa Giê Su Ky Tô, vị tiên tri hiện tại hoặc thánh thư. Hãy chọn một vài khía cạnh này và mời học viên thảo luận về những điều sau đây.

  • Tại sao việc có một chứng ngôn về các khía cạnh này trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng có thể là hữu ích?

  • Một số trở ngại nào có thể cản trở việc củng cố chứng ngôn này?

Khi học viên chia sẻ, anh chị em có thể liệt kê những trở ngại ở giữa hình người que và bản liệt kê những điều mà chúng ta nên tìm kiếm để có chứng ngôn trong cuộc sống của mình.

Sau cuộc thảo luận, anh chị em có thể mời học viên suy nghĩ về chứng ngôn của riêng các em về các phần khác nhau trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Hãy mời các em tìm kiếm những lẽ thật trong bài học mà có thể giúp các em có được hoặc củng cố chứng ngôn của mình.

Cách tiếp nhận và củng cố một chứng ngôn

Để giúp học viên hiểu được ngữ cảnh của tiết 67, anh chị em có thể chia sẻ một số chi tiết từ đoạn sau đây.

Vào cuối năm 1831, Joseph Smith đã có một tập hợp những điều mặc khải từ Chúa, nhưng rất ít người có thể tiếp cận các bản sao của những điều mặc khải đó. Chúa đã mặc khải rằng họ cần phải xuất bản chúng thành một cuốn sách. Giống như Sách Mặc Môn, Sách Giáo Lệnh (sau này được xuất bản với tên gọi là Giáo Lý và Giao Ước) đáng lẽ phải có các chứng ngôn từ các nhân chứng. Tuy nhiên, một số vị lãnh đạo Giáo Hội đã miễn cưỡng để làm chứng; họ lo ngại về một số ngôn từ được sử dụng trong đó và muốn cải thiện nó.

Hãy cân nhắc thêm “ngôn từ” vào bản liệt kê các trở ngại. Hãy hỏi xem liệu những điều này có thể liên quan đến giới trẻ ngày nay theo cách nào hay không.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 67:1–5, tìm kiếm những điều mà Chúa đã chia sẻ với những người này.

  • Em nghĩ tại sao họ cần phải nghe điều này?

  • Em có thể nhận ra lẽ thật phúc âm nào từ những câu này?

    Khi học viên chia sẻ, hãy giúp các em nhận ra một lẽ thật như sau: Chúa nghe những lời cầu nguyện của chúng ta, biết tấm lòng của chúng ta và có thể cho chúng ta một chứng ngôn về lẽ thật mà chúng ta tìm kiếm.

  • Em nghĩ điều này có thể giúp chúng ta như thế nào khi chúng ta đang tìm kiếm hoặc gặp khó khăn với một chứng ngôn?

  • Em nghĩ tại sao “trong lòng [chúng ta] có sự sợ hãi” (Giáo Lý và Giao Ước 67:3) mà có thể ngăn cản chúng ta nhận được các phước lành?

  • Trong câu 5, Chúa đã công nhận điều gì về Joseph Smith? Mặc dù Vị Tiên Tri không toàn hảo hay có tài hùng biện, nhưng tại sao việc cố gắng “diễn tả hay hơn ngôn ngữ của hắn” có thể là không khôn ngoan? (Giáo Lý và Giao Ước 67:5).

Vượt qua những trở ngại với sự giúp đỡ của Chúa

Chúa biết tấm lòng của chúng ta và có thể giúp chúng ta vượt qua những trở ngại để có được chứng ngôn cho mình. Trong trường hợp này, Chúa đã đưa ra một thử thách cho các anh cả trong Giáo Hội của Ngài để giúp họ nhận được “một lời chứng về lẽ thật” (câu 4) về những điều mặc khải mà Joseph Smith đã nhận được.

Nếu học viên của anh chị em thích một thử thách, thì sinh hoạt sau đây có thể được trình bày dưới dạng một bài kiểm tra. Hãy mời các em đọc kỹ các câu này, sau đó đóng thánh thư lại và cố gắng trả lời những câu hỏi sau đây.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 67:6–9, tìm kiếm các chi tiết về thử thách của Chúa.

  • Các em phải chọn loại mặc khải nào? (Xin xem câu 6.)

  • Các em phải chọn loại người nào? (Xin xem câu 6.)

  • Người này được mời viết gì? (Xin xem câu 7.)

  • Điều gì sẽ xảy ra nếu họ thành công? (Xin xem câu 7.)

  • Điều gì sẽ xảy ra nếu họ thất bại? (Xin xem câu 8–9.)

    Ngoài ra, anh chị em có thể giải thích rằng William McLellin, một giáo viên 25 tuổi và mới cải đạo theo Giáo Hội, khi ấy đã được chỉ định làm “người khôn ngoan nhất” (câu 6) trong nhóm và đã chấp nhận thử thách của Chúa. Khi ông hoàn thành, mọi người đều nhận ra những gì ông đã viết không phải đến từ Chúa.

  • Em nghĩ những người này đã học được những bài học nào từ kinh nghiệm này?

    Khi học viên trả lời, anh chị em có thể mời các em xem lại câu 9. Anh chị em cũng có thể giải thích rằng có nhiều anh cả đã ký một tài liệu mà đưa ra chứng ngôn chính thức của họ về tính chân thật của những điều mặc khải trong Sách Giáo Lệnh.

  • Làm thế nào mà kinh nghiệm này cho thấy rằng Chúa biết họ và có thể giúp họ bằng chứng ngôn của họ?

Chúa tiếp tục hứa ban những kinh nghiệm thuộc linh lớn lao hơn nữa cho những người này nếu họ “dứt bỏ được những sự ganh tị và sợ hãi, và biết hạ mình trước mắt ta” (Giáo Lý và Giao Ước 67:10).

Cách lẽ thật này được áp dụng ngày nay

Hãy tưởng tượng rằng một người nào đó em biết đang gặp khó khăn để tin rằng Chúa phán cùng chúng ta qua các vị tiên tri và rằng Giáo Lý và Giao Ước là lời của Chúa.

Nếu học viên muốn, thì các em có thể thêm chi tiết vào tình huống bằng cách chọn một trong những trở ngại được liệt kê trên bảng và gợi ý rằng người đó cần phải vượt qua tình huống đó để nhận được một chứng ngôn. Sau đó, anh chị em có thể chia sẻ hoặc trưng ra các chỉ dẫn sau đây.

Hãy nghĩ xem em có thể giúp người này như thế nào bằng cách làm những điều sau đây:

  1. Viết ra những điều em sẽ nói để giúp họ biết rằng Chúa nghe những lời cầu nguyện của chúng ta, biết tấm lòng của chúng ta và có thể cho chúng ta một chứng ngôn về các vị tiên tri và Giáo Lý và Giao Ước. Nếu có thể, em có thể muốn bao gồm những kinh nghiệm cá nhân, hoặc kinh nghiệm của những người thân thuộc với mình, mà làm chứng về những lẽ thật này.

  2. Hãy sử dụng thánh thư, những câu chuyện thánh thư hoặc những kinh nghiệm của riêng em để chia sẻ một số điều mà chúng ta có thể làm để gia tăng chứng ngôn của mình về các vị tiên tri và Giáo Lý và Giao Ước (một số ví dụ như Giáo Lý và Giao Ước 1:37–38; 21:4–6; Mô Rô Ni 10:4–5). Hãy chia sẻ cách Chúa có thể ban phước cho chúng ta nhờ những hành động này.

Hãy mời nhiều học viên chia sẻ những điều các em đã chuẩn bị. Nhớ cảm ơn học viên vì những sự hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm của các em.

Hãy kết thúc bằng cách mời học viên suy ngẫm về những chứng ngôn của riêng các em rằng Chúa phán qua các vị tiên tri và rằng Giáo Lý và Giao Ước là chân chính. Làm chứng rằng Chúa nghe những lời cầu nguyện của họ, biết tấm lòng của họ và có thể giúp họ có được các chứng ngôn. Mời các em viết ra bất kỳ sự soi dẫn nào mà các em đã nhận được trong suốt bài học này.

In